Viết bài văn nêu suy nghĩ về khổ 4, 5 trong Mùa xuân nho nhỏ

Từ cảm xúc của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ đã chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu về Thanh Hải và khổ thơ 4, 5 của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

2. Thân bài

a. Khổ 4:

- Điệp ngữ “ta làm” nhấn mạnh sự chủ động của chủ thể đồng thời thể hiện khát khao, bản lĩnh cống hiến cho đời.

- Lời chúc giản dị: “chim hót”; “Cành hoa” quý giá biết bao:

  • Như chú chim nhỏ tự do bay lượn trên bầu trời yên bình, mang đến âm sắc rộn ràng cho cuộc sống.
  • Là nhành hoa nhỏ tỏa hương thơm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của đất nước.
  • Là một nốt “trầm” góp vào bản giao hưởng chung của cuộc đời và đất nước.

→ Khát vọng mạnh mẽ và cao cả của nhà thơ, khát vọng được hoà mùa xuân nhỏ của mình để góp vào mùa xuân lớn của đất nước.

b. Khổ 5:

  • Mỗi cuộc đời là mỗi mùa xuân, nhà thơ cũng muốn dâng hiến mùa xuân của mình, góp mùa xuân ấy vào mùa xuân rộng lớn.
  • Tuy nhỏ nhưng là duy nhất vì ai cũng có tuổi trẻ của riêng mình

Tác giả chọn cho mình cách cống hiến âm thầm “lặng lẽ cho đời”, chỉ âm thầm nhưng sẽ làm đẹp cho đời -> sự hy sinh thầm lặng đáng khâm phục

Điệp ngữ “dù là” được đặt ở đầu hai câu thơ như một lời hứa, một lời khẳng định, một lời hứa son sắt sẽ luôn trao đi, dù là già hay trẻ.

3. Kết bài:

Đánh giá lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của khổ 4 và khổ 5 của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

Bài siêu ngắn

Khổ 4 và 5 của bài thơ Mùa Xuân Nho Nhỏ giúp ta nhận thấy trước mùa xuân lớn của đất nước nhà thơ tâm niệm về một mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và khát vọng hòa nhập dâng hiến cho mùa xuân chung của dân tộc. Điệp ngữ "ta làm" nhấn mạnh nỗi khát khao được cống hiến. tác giả xưng ta chứ không phải xưng tôi như ở khổ đầu, để nói lên sự hòa hợp của cá nhân với cộng đồng, tập thể. Hình ảnh ẩn dụ "con chim hót, cành hoa, nốt nhạc trầm, mùa xuân nho nhỏ" là vẻ đẹp khiêm tốn nhỏ bé nhưng rất cần thiết. "Lặng lẽ dâng cho đời" thể hiện rất cảm động, nhà thơ muốn dâng hiến với tất cả sự khiêm tốn, thiết tha trân trọng. Điệp ngữ "dù là" chính là tiếng nói chân thật xuất phát từ đáy lòng thách thức với thời gian để cống hiến cả tuổi thanh xuân, cả khi tóc bạc. Khổ thơ không chỉ là từ lời dặn mình, lời tâm niệm, mà còn là lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ về lí tưởng sống "sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình".

Bài mẫu 1

Từ cảm xúc của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ đã chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao và hi vọng; với Thanh Hải cũng thế, đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và bộc bạch tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng cân thành và tha thiết:

Ta làm con chim hót,

  Ta làm một cành hoa.

Ta nhập vào hoà ca,

       Một nốt trầm xao xuyến

Lời thơ như ngân lên thành lời ca. Nếu như đoạn đầu Thanh Hải xưng tôi kín đáo và lặng lẽ thì đến đoạn này ông chuyển giọng xưng ta. Vì sao có sự thay đổi như vậy? Ta ở đây là nhà thơ và cũng chính là tất cả mọi người. Khát vọng của ông là được làm con chim hót, một cành hoa để hoà nhập vào “mùa xuân lớn” của đất nước, góp một nốt trầm vào bản hoà ca bất tận của cuộc đời. Hiến dâng “mùa xuân nho nhỏ” nghĩa là tất cả những gì tốt đẹp nhất, dù nhỏ bé của mỗi người cho cuộc đời chung cho đất nước. Điều tâm niệm đó thật chân thành, giản dị và tha thiết – xin được làm một nốt trầm trong bản hoà ca của cuộc đời nhưng là “một nốt trầm xao xuyến”. Điều tâm niệm của tác giả: “lặng lẽ dâng cho đời” chính là khát vọng chung của mọi người, ở mọi lứa tuổi, chứ đâu phải của riêng ai. Thanh Hải đã thể hiện hết mình vì lòng tin yêu cuộc sống và khiêm tốn hiến dâng cho đất nước, cho cuộc đời, bởi vậy, xuất phát từ tiếng lòng thiết tha, nhỏ nhẹ, chân thành của tác giả nên lời thơ dễ dàng được mọi người tiếp nhận và chia sẻ cho nhau:

    “Một mùa xuân nho nhỏ

   Lặng lẽ dâng cho đời

 Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

Đã gọi là cống hiến cho đời thì dù ở tuổi nào đi chăng nữa cũng phải luôn biết cố gắng hết tâm trí để phục vụ và hiến dâng cho quê hương, đất nước mến yêu của chính mình. Già - cống hiến tuổi già, trẻ - cống hiến sức trẻ để không bao giờ thất vọng trước chính bản thân mình.

Nguồn: Sưu tầm

Bài mẫu 2

Xúc động trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước và cách mạng, Thanh Hải muốn làm một mùa xuân nho nhỏ góp phần vào mùa xuân rộng lớn của thiên nhiên, của đất nước:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Với nghệ thuật điệp ngữ "Ta làm" nhằm nhấn mạnh ước nguyện của nhà thơ thật khiêm nhường và chân thành, tha thiết. Thanh Hải chỉ xin làm con chim nhỏ dâng tiếng hót cho đời, một cành hoa để tô thêm sắc thắm của mùa xuân đất nước. trong bản hòa ca rộn ràng tưng bừng muôn nốt nhạc tươi vui, nhà thơ xin được làm một nốt trầm nhưng đủ xao xuyến lòng người. Ở đây có sự chuyển đổi đại từ "tôi - ta". "Tôi" chỉ riêng cá nhân nhà thơ. "Ta" vừa diễn tả cái riêng của nhà thơ vừa nói đến mọi người. Từ ước nguyện của bản thân, Thanh Hải muốn gửi đến mọi người một thông điệp: sống phải có ích, sống phải cống hiến dù ít và sống phải hòa nhập.

 

Khát vọng cống hiến còn được thể hiện ở khổ thơ tiếp theo như một triết lí:

Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Hình ảnh ẩn dụ "Mùa xuân nho nhỏ", hoán dụ "tuổi hai mươi, khi tóc bạc"; điệp ngữ "Dù là" như nhấn mạnh điều tác giả muốn nói với mỗi người hãy là một mùa xuân, một mùa xuân đẹp dâng tặng cho đất nước. Con người phải luôn cố gắng hoàn thiện mình và làm đẹp cho mọi người bằng sức lực của chính mình. Chỉ cần một mùa xuân thôi xin hãy là mùa xuân đẹp nhất. Thanh Hải như muốn nói lên ước nguyện cống hiến trọn vẹn, trọn đời. Từ khi mái đầu xanh cho đến khi tóc bạc. Mỗi người hãy mang đến cho cuộc đời những nét riêng tinh túy nhất dù nhỏ bé trong mùa xuân đất nước.

Phải chăng cuộc đời của Thanh Hải cũng như thế. Vì vậy ngay cả khi nằm trên giường bệnh đau đáu từng phút giây, gần đất xa trời nhưng ông vẫn luôn nhớ tới đất nước, vẫn muốn cống hiến cho đời một bản tình ca tha thiết.

Bài mẫu 3

Nhà thơ Thanh Hải (1930-1980) tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thanh Hải ở lại quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" được Thanh Hải viết vào tháng 11 năm 1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh và một tháng trước lúc qua đời. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp và khí thế của đất nước vào xuân, thể hiện khát vọng và tình yêu thiết tha được trọn đời hiến dâng cho quê hương đất nước vô cùng nhân văn của tác giả.

Trong đó, khổ thơ bốn và khổ thơ năm trong bài đã thể hiện được ước nguyện khát vọng cống hiến của nhà thơ. Trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", nhà thơ Thanh Hải đã bộc lộ những khát vọng sống cống hiến của mình một cách sâu sắc và nhân văn qua khổ thơ thứ 4. Ở khổ thơ thứ bốn, cấu trúc điệp từ "Ta làm" đã cho thấy khát vọng được cống hiến cho đời của nhà thơ. Cách dùng đại từ xưng hô "ta" cho thấy một sự khát vọng cá nhân nằm trong sâu thẳm trong tâm trí nhà thơ Thanh Hải. Có lẽ, từ tận sâu trong trái tim của mình, nhà thơ thực sự mong ước bản thân được cống hiến và đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, làm đẹp cho cuộc đời. Những hình ảnh "con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm" là những hình ảnh ẩn dụ cho những điều đóng góp làm đẹp cho đời của tác giả. Trong sâu thẳm tâm hồn của mình, Thanh Hải mong mình có thể đóng góp cho cuộc đời chung, dù chỉ là một con chim hót đóng góp tiếng hót cho đời, một cành hoa cho hương sắc hay một nốt trầm xao xuyến vào bản hòa ca chung của đất nước. Những dòng thơ cho thấy khát vọng cống hiến của nhà thơ, dù chỉ là những đóng góp nhỏ bé nhưng sâu thẳm trong nhà thơ, những sự cống hiến ấy là đóng góp vào cuộc đời chung. Đối với cuộc sống chung, đây là quan điểm sống vô cùng nhân văn và giàu ý nghĩa. Mỗi cá nhân đóng góp vào cuộc đời chung để làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp và hạnh phúc, tạo nền tảng hạnh phúc bền lâu cho cuộc đời và con người. Tiếp theo, ở khổ thơ thứ năm, hình ảnh mùa xuân nho nhỏ ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho những khát vọng, việc làm cống hiến cho cuộc sống, cho đất nước. Theo em, đây là hình tượng nghệ thuật độc đáo và mang đầy giá trị nhân văn. Mùa xuân nho nhỏ chính là những khát vọng được cống hiến, làm đẹp cho đời của mỗi cá nhân. Tư tưởng ấy thực sự là tư tưởng cao đẹp và mang đầy tính nhân văn của con người. Con người sống trên đời đều cần một lý tưởng sống cho mình. Và lý tưởng sống cao đẹp nhất đó là lý tưởng sống cống hiến, sống cho đi mà không cần báo đáp, sống để tô điểm cho đời, sống để cống hiến và xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn. Nếu mỗi người đều có thái độ sống đẹp và giàu triết lý như vậy thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Từ "lặng lẽ" trong bài thơ là thái độ cống hiến và xây dựng cuộc sống một cách âm thầm, lặng lẽ, không cần ai biết đến. Tư tưởng sống cống hiến của nhà thơ Thanh Hải còn được thể hiện qua việc bất chấp tuổi tác "Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc". Dù ở độ tuổi nào thì con người sống trên đời cũng cần cống hiến vào cuộc sống chung, góp mình vào công cuộc chuyển mình và dựng xây đất nước. Đây là khổ thơ mà em thích nhất bởi vì nó thể hiện tư tưởng sống cao đẹp và đầy tính nhân văn, mỗi người, mỗi cá nhân đều có thể tạo nên một mùa xuân nho nhỏ để góp phần xây dựng nên mùa xuân trường tồn mãi mãi của đất nước giàu đẹp và xã hội phồn vinh. Tóm lại, hai khổ thơ bốn và năm trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải đã thể hiện được khát vọng sống cống hiến của nhà thơ. Đó là khát vọng được cống hiến dù chỉ một chút nhỏ bé vào công cuộc chuyển mình và sự tươi đẹp, phát triển của đất nước.

Tóm lại, hai khổ thơ bốn và năm trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đã thể hiện được khát vọng sống cống hiến cao đẹp của nhà thơ. Bằng giọng thơ tha thiết, chân thành, người đọc cảm nhận được khát vọng được cống hiến dù chỉ là một phần nhỏ bé của nhà thơ Thanh Hải.

Bài mẫu 4

Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" được Thanh Hải viết vào tháng 11 năm 1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh và một tháng trước lúc qua đời. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp và khí thế của đất nước vào xuân, thể hiện khát vọng và tình yêu thiết tha được trọn đời hiến dâng cho quê hương đất nước vô cùng nhân văn của tác giả. Trong đó, khổ thơ 4 và khổ thơ 5 trong bài đã thể hiện được ước nguyện khát vọng cống hiến của nhà thơ.

Trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", nhà thơ Thanh Hải đã bộc lộ những khát vọng sống cống hiến của mình một cách sâu sắc và nhân văn qua khổ thơ thứ 4. Ở khổ thơ thứ 4, cấu trúc điệp từ "Ta làm" đã cho thấy khát vọng được cống hiến cho đời của nhà thơ. Cách dùng đại từ xưng hô "ta" cho thấy một sự khát vọng cá nhân nằm trong sâu thẳm trong tâm trí nhà thơ Thanh Hải. Có lẽ, từ tận sâu trong trái tim của mình, nhà thơ thực sự mong ước bản thân được cống hiến và đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, làm đẹp cho cuộc đời. Những hình ảnh "con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm" là những hình ảnh ẩn dụ cho những điều đóng góp làm đẹp cho đời của tác giả.

Trong sâu thẳm tâm hồn của mình, Thanh Hải mong mình có thể đóng góp cho cuộc đời chung, dù chỉ là một con chim hót đóng góp tiếng hót cho đời, một cành hoa cho hương sắc hay một nốt trầm xao xuyến vào bản hòa ca chung của đất nước. Những dòng thơ cho thấy khát vọng cống hiến của nhà thơ, dù chỉ là những đóng góp nhỏ bé nhưng sâu thẳm trong nhà thơ, những sự cống hiến ấy là đóng góp vào cuộc đời chung.Đối với cuộc sống chung, đây là quan điểm sống vô cùng nhân văn và giàu ý nghĩa. Mỗi cá nhân đóng góp vào cuộc đời chung để làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp và hạnh phúc, tạo nền tảng hạnh phúc bền lâu cho cuộc đời và con người.

Tiếp theo, ở khổ thơ thứ 5, hình ảnh mùa xuân nho nhỏ ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho những khát vọng, việc làm cống hiến cho cuộc sống, cho đất nước. Theo em, đây là hình tượng nghệ thuật độc đáo và mang đầy giá trị nhân văn. Mùa xuân nho nhỏ chính là những khát vọng được cống hiến, làm đẹp cho đời của mỗi cá nhân. Tư tưởng ấy thực sự là tư tưởng cao đẹp và mang đầy tính nhân văn của con người. Con người sống trên đời đều cần một lý tưởng sống cho mình. Và lý tưởng sống cao đẹp nhất đó là lý tưởng sống cống hiến, sống cho đi mà không cần báo đáp, sống để tô điểm cho đời, sống để cống hiến và xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn. Nếu mỗi người đều có thái độ sống đẹp và giàu triết lý như vậy thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Từ "lặng lẽ" trong bài thơ là thái độ cống hiến và xây dựng cuộc sống một cách âm thầm, lặng lẽ, không cần ai biết đến.

Tư tưởng sống cống hiến của nhà thơ Thanh Hải còn được thể hiện qua việc bất chấp tuổi tác "Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc". Dù ở độ tuổi nào thì con người sống trên đời cũng cần cống hiến vào cuộc sống chung, góp mình vào công cuộc chuyển mình và dựng xây đất nước. Đây là khổ thơ mà em thích nhất bởi vì nó thể hiện tư tưởng sống cao đẹp và đầy tính nhân văn, mỗi người, mỗi cá nhân đều có thể tạo nên một mùa xuân nho nhỏ để góp phần xây dựng nên mùa xuân trường tồn mãi mãi của đất nước giàu đẹp và xã hội phồn vinh.

Tóm lại, hai khổ thơ 4 và 5 trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải đã thể hiện được khát vọng sống cống hiến của nhà thơ. Đó là khát vọng được cống hiến dù chỉ một chút nhỏ bé vào công cuộc chuyển mình và sự tươi đẹp, phát triển của đất nước.

Bài mẫu 5

Mùa xuân nho nhỏ là một bài thơ vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Thanh Hải. Bài thơ ra đời trong những ngày đất nước đang trên đà hồi sinh sau chiến tranh. Mọi thứ bỗng tươi đẹp, đáng yêu đến lạ. Oái oăm thay, nhà thơ lại phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo. Bài thơ khắc họa rõ nét tình yêu quê hương, thiên nhiên và khát khao được tự do của tác giả. Hãy cảm nhận khổ thơ dưới đây để hiểu hơn về điều đó.

Ở những câu thơ đầu bài, tác giả tập trung miêu tả cảnh sắc thiên nhiên khi sang xuân. Đến khổ thơ số 4, Thanh Hải lại tập trung bày tỏ cảm xúc, suy ngẫm của bản thân về mùa xuân.

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Ở những khổ đầu, người đọc cảm nhận sự nhẹ nhàng, chậm rãi trong từng câu thơ. Nhưng đến khổ này, người ta lại nhận thấy sự hối hả, gấp gáp. Phải chăng, chính hoàn cảnh của tác giả hiện giờ đã tạo nên những biến chuyển đó?

Cụm từ “ta làm” được điệp lại đến ba lần như muốn thể hiện mong muốn cháy bỏng của nhà thơ. Đó đều là những ước mong thật nhỏ bé, làm chim hót, làm nhanh hoa, làm một nốt trầm trong bản hòa ca. Muốn làm con chim để gọi mùa xuân về. Muốn làm cành hoa để tô thêm hương sắc cho đời. Muốn hòa vào bản nhạc trầm bổng để phát lên giai điệu đẹp tươi. Tác giả sử dụng đại từ nhân xưng “ta” khiến cho câu nói thêm phần trang trọng, hào sảng.

Tất cả đều là những điều quá đỗi đơn giản với mọi người, nhưng lại xa lạ với tác giả. Có thể những cảm xúc này chỉ được thể hiện rõ ràng khi con người ta rơi vào tình huống bí bách nhất.

Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Giọng thơ trầm bổng, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Câu thơ gãy gọn thể hiện cả tâm tư cháy bỏng của chàng trai trẻ. Ước mơ muốn hòa vào mùa xuân của đất trời thật mãnh liệt. “Nho nhỏ” thể hiện sự khiêm nhường của chính tác giả với cuộc đời này. Hành động “lặng lẽ dâng cho đời” càng thể hiện rõ hơn điều đó. Điệp ngữ “dù là” được nhắc lại đến 2 lần như khẳng định chắc nịch cho ước muốn trên. Tuổi hai mươi và khi tóc bạc là hai vế đối lập, đại diện cho tuổi trẻ và sự già đi. Câu thơ thể hiện sự quyết tâm dâng hiến dù ở độ tuổi nào.

Phải là người sâu sắc, hiểu về cảnh vật lắm mới cho ra những câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng đến vậy. Đáng tiếc thay đây lại là những lời cuối cùng của người đang nằm trên giường bệnh. Khát khao muốn hòa mình vào mùa xuân, cống hiến cho đất nước cuộn trào trong lòng tác giả.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close