Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Lượm lớp 71. Mở đoạn: Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu - Giới thiệu về bài thơ “Lượm” (hoàn cảnh sáng tác, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…) Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết 1. Mở đoạn: Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu - Giới thiệu về bài thơ “Lượm” (hoàn cảnh sáng tác, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…) 2. Thân đoạn: * Cuộc gặp gỡ giữa hai chú cháu - Hoàn cảnh gặp gỡ: ngày Huế đổ máu ở Hàng Bè - Hình ảnh Lượm trong lần gặp gỡ đầu tiên: + Hình dáng: bé loắt choắt + Trang phục: cái xắc xinh xinh, ca lô đội lệch + Cử chỉ: nhanh nhẹn, hồn nhiên, yêu đời (thoăn thoắt, nghênh nghênh, huýt sáo vang, nhảy trên đường vàng…) + Lời nói: tự nhiên, chân thật (Cháu đi liên lạc…Thích hơn ở nhà) ⇒ Từ láy cùng phép so sánh gợi lên hình ảnh chú bé liên lạc nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hồn nhiên. * Sự hi sinh anh dũng của Lượm trên đường làm nhiệm vụ - Hoàn cảnh: khó khăn, nguy hiểm – “đạn bay vèo vèo”. - Hình ảnh của Lượm: dũng cảm, nhanh nhẹn, hăng hái làm nhiệm vụ, không sợ khó khăn, nguy hiểm – “vụt qua mặt trận … sợ chi hiểm nghèo”. - Tư thế của Lượm lúc hi sinh: + Một dòng máu tươi + Nằm trên lúa, tay nắm chặt bông, hồn bay giữa đồng. → Dù hồn đã lìa khỏi xác nhưng vẫn hòa quyện vào đồng lúa quê hương. Hình ảnh miêu tả vừa hiện thực vừa lãng mạn. → Xót thương, cảm phục * Hình ảnh Lượm sống mãi cùng đất nước - “Lượm ơi còn không?” bộc lộ thái độ ngỡ ngàng, đau xót như không muốn tin vào sự thật đang diễn ra. - Câu hỏi tu từ cùng nghệ thuật lặp, khẳng định Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh của Lượm thì vẫn còn mãi trong tâm trí của mọi người, sống mãi cùng đất nước. 3. Kết đoạn: - Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ: + Nội dung: Bài thơ khắc họa hình ảnh chú bé liên lạc Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái, dũng cảm. Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh của em còn mãi với quê hương, đất nước và trong lòng mọi người. + Nghệ thuật: thể thơ bốn chữ, kết hợp nhiều phương thức biểu đạt, sử dụng từ láy,… Bài siêu ngắn Mẫu 1 “Lượm” là một bài thơ giàu cảm xúc, khắc họa hình ảnh chú bé liên lạc với những phẩm chất thật đáng quý. Hình ảnh trung tâm trong bài thơ là Lượm - một cậu bé còn nhỏ tuổi, ngây thơ. Nhà thơ đã khắc họa nhân vật này với dáng người bé nhỏ bé, chiếc mũ ca lô đội lệch trên đầu. Các từ láy “loắt choắt”, “xinh xinh” “'thoăn thoắt”, “nghênh nghênh” cùng với điệp từ “cái” tạo nên bức chân dung nhỏ nhắn mà nhanh nhẹn, hoạt bát rất đáng yêu. Không chỉ ngoại hình, Lượm còn hiện lên với tính cách dũng cảm, kiên cường. Giữa chiến trường khốc liệt - “đạn bay vèo vèo”, cậu chẳng hề thấy sợ hãi. Lá thư đề “thượng khẩn” cần nhanh tới tay người nhận. Từ “sợ chi” như một lời khẳng định ý chí chiến đấu của người liên lạc nhỏ. Nhưng rồi, Lượm đã ngã xuống trên cánh đồng quê khi đang làm nhiệm vụ. Cậu bé nằm trên lúa, hương lúa thơm đang bao bọc, chở che hồn người chiến sĩ tuổi thiếu niên. Không gian nhẹ nhàng mà thiêng liêng bởi có cái thoáng đãng của cánh đồng quê, có vị thơm ngạt ngào của mùi sữa khi lúa trổ đòng... Bài thơ đem đến cho chúng ta tình yêu mến, sự tự hào cũng như cảm phục về chú bé liên lạc. Bài siêu ngắn Mẫu 2 Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng tiêu biểu, trong các tác phẩm của ông, bài thơ “Lượm” để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Tác phẩm kể lại câu chuyện tình cờ gặp chú bé Lượm ở hàng Bè, được trò chuyện và nghe Lượm tâm sự về công việc liên lạc. Cùng với đó, nhà thơ còn miêu tả hình ảnh cậu bé liên lạc hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng rất dũng cảm, gan dạ. Đó là một cậu bé khoảng chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Dáng người bé nhỏ, với hành trang là một cái xắc xinh xinh. Đôi chân thật nhanh nhẹn, cái đầu thì nghiêng nghiêng. Cách so sánh “như con chim chích” khiến cho người đọc cảm nhận rõ hơn về tâm hồn ngây thơ của cậu. Hồn nhiên là vậy, nhưng với nhiệm vụ nguy hiểm, Lượm vẫn không hề sợ hãi. Nhận được lá thư đề “thượng khẩn”, cậu nhanh chóng làm nhiệm vụ giao thư. Câu thơ “Sợ chi hiểm nghèo” đã cho thấy lòng dũng cảm của cậu bé. Hình ảnh lượm đã hy sinh trên cánh đồng lúa của quê hương thực sự gây ám ảnh cho tôi. Khi đọc bài thơ, tôi như cảm phục thêm về một thế hệ Việt Nam anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân, tính mạng cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Bài siêu ngắn Mẫu 3 Bài thơ “Lượm” của Tố Hữu đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng. Mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình đã giới thiệu hoàn cảnh gặp cậu bé Lượm. Đó là “ngày Huế đổ máu” - lúc này tác giả có dịp ra Hà Nội và tình cờ gặp Lượm. Những câu thơ mở đầu gợi ra hình ảnh một cậu bé liên lạc còn nhỏ tuổi nhưng rất nhanh nhẹn và đáng yêu. Dáng người bé “loắt choắt”, với hành trang là một cái xắc “xinh xinh”. Đôi chân “thoăn thoắt” chạy trên đường và cái đầu lúc nào cũng “nghênh nghênh”. Tính cách của Lượm hồn nhiên, ngây thơ như bao đứa trẻ khác với hành động “huýt sáo vang” tạo nên khúc nhạc nhí nhảnh. Nhưng điều khiến chúng ta cảm thấy ấn tượng hơn chính là lòng dũng cảm của Lượm. Tuy còn nhỏ nhưng cậu đã tham gia công việc làm liên lạc, vận chuyển thư từ cho cán bộ. Hình ảnh Lượm đưa thư “Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo”, quên mình vì nhiệm vụ “thượng khẩn” thì “sợ chi hiểm nghèo” khiến tôi cảm thấy thật ngưỡng mộ, tự hào. Những câu thơ cuối nhắc đến sự hy sinh của cậu bé Lượm. Hình ảnh “một dòng máu tươi” như đánh thẳng vào trái tim người đọc, khiến dòng nước mắt chỉ trực trào ra, thương tiếc cho người chiến sĩ nhỏ tuổi anh hùng. Bài thơ Lượm đã để lại cho bạn đọc yêu thơ Tố Hữu một ấn tượng sâu sắc. Bài tham khảo Mẫu 1 Bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng. Tác giả đã khắc họa hình ảnh một cậu bé liên lạc mang vẻ hồn nhiên, ngây thơ nhưng rất dũng cảm, gan dạ. Mở đầu là cuộc gặp gỡ với người chiến sĩ ở Hàng Bè vào những ngày tháng thực dân Pháp trở lại xâm lược Huế. Chiến tranh xảy ra, Lượm tham gia cách mạng với tư cách là một chiến sĩ liên lạc. Cậu được miêu tả với dáng người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn. Cùng với đó là cái xắc đeo trên vai để đựng thư, chiếc ca lô đội lệch trên đầu. Không chỉ ngoại hình, chúng ta còn thấy được nét tính cách hồn nhiên của Lượm. Điều đó được thể hiện qua niềm vui khi bản thân được làm liên lạc. Những từ ngữ trực tiếp miêu tả cảm xúc “vui”, “thích”, “cười”, “má đỏ” đã diễn tả được tâm trạng của Lượm, đồng thời qua đó còn khẳng định việc được tham gia chiến đấu chống kẻ thù bảo vệ đất nước là niềm vui của thế hệ trẻ Việt Nam. Không chỉ vậy, khi đọc bài thơ, tôi còn cảm thấy ngưỡng mộ với tinh thần của Lượm. Dù vẫn còn nhỏ tuổi nhưng cậu lại có tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ được giao. Khi nhận được nhiệm vụ giao lá thư đề “thượng khẩn”, Lượm đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Cách nói “sợ chi” cho thấy một tâm thế chủ động của người chiến sĩ nhỏ, cậu sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm mà không hề run sợ. Nhưng rồi, Lượm đã ngã xuống trên cánh đồng quê khi đang làm nhiệm vụ. Khi đọc khổ thơ viết về sự hy sinh của Lượm, tôi cảm thấy đau đớn, nghẹn ngào. Lượm ngã xuống giữa cánh đồng của quê hương. Có thể thấy, Lượm là một bài thơ giàu cảm xúc, mang đậm dấu ấn phong cách sáng tác của Tố Hữu. Bài tham khảo Mẫu 2 Một trong những bài thơ mà em cảm thấy ấn tượng nhất của nhà thơ Tố Hữu là “Lượm”. Với tác phẩm này, tác giả đã khắc họa hình ảnh trung tâm là Lượm - một cậu bé vẫn còn nhỏ tuổi nhưng rất dũng cảm. Lượm hiện lên với dáng người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn. Cái xắc xinh xinh đeo trên vai. Cùng chiếc mũ ca lô đội lệch trên đầu. Miệng thì huýt sáo vang. Với cách so sánh “như con chim chích” đang “nhảy trên đường vàng”, chúng ta cảm nhận được vẻ hồn nhiên, ngây thơ của nhân vật này. Không chỉ vậy, tác giả còn khắc họa nét tính cách gan dạ và dũng cảm của nhân vật này. Trong công việc, cậu luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Một mình băng băng với lá thư đề “thượng khẩn” trong tay. Lượm không sợ nguy hiểm nơi mặt trận với đạn bay vèo vèo. Nhưng rồi, Lượm đã ngã xuống trên cánh đồng quê khi đang làm nhiệm vụ. Hình ảnh “một dòng máu tươi” như dội thẳng vào trái tim người đọc một sự thật phũ phàng, khiến dòng nước mắt chỉ trực trào ra, thương tiếc cho người chiến sĩ nhỏ tuổi anh hùng. Lượm đang nằm trên lúa, đôi tay còn nắm chặt lấy bông lúa. Xung quanh phảng phất hương thơm của sữa lúa mà hồn vẫn đang “bay giữa đồng”. Những dòng thơ cuối tuy lặp lại những câu thơ đầu bài, nhưng lại mang một sắc thái khác, đau thương khôn tả. Đó giống như là những hoài niệm về một cậu bé hồn nhiên, vui tươi thuở ban đầu, nay đã về với đất mẹ thân yêu. Tuy đau thương nhưng cái chết của Lượm là cái chết anh hùng và đầy tự hào. Bài thơ đã khơi gợi cho người đọc những cảm xúc thật đẹp đẽ. Bài tham khảo Mẫu 3 “Lượm” là một bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu. Đến với bài thơ, người đọc sẽ thấy được hình ảnh của người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi, nhưng đầy dũng cảm. Dáng người nhỏ “loắt choắt”, với hành trang là một cái xắc nhỏ “xinh xinh”. Và đôi chân nhanh nhẹn “thoăn thoắt” cùng cái đầu lúc nào cũng ngó nghiêng “nghênh nghênh”. Tác giả dùng những từ láy đặc biệt như vậy để miêu tả dáng vẻ của nhân vật Lượm khiến cho hình ảnh cậu trở nên chân thực. Tuy còn nhỏ nhưng Lượm lại tham gia công việc làm liên lạc, vận chuyển thư từ cho bộ đội ta - một công việc nguy hiểm, cần sự thông minh, nhanh nhạy và lòng dũng cảm mà không phải đứa trẻ nào cũng có được. Ẩn chứa trong thân hình bé nhỏ ấy là một tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, tuy em tuổi còn nhỏ nhưng cũng chẳng thua kém bất kỳ người trưởng thành nào. Công việc em đang làm đã góp phần rất to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Hành trình thực hiện nhiệm vụ của Lượm cũng đầy gian khó. Đặc biệt là hình ảnh Lượm đưa thư “Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo” đầy hung hiểm chứng minh khí chất anh hùng và lòng dũng cảm của cậu bé chẳng ngại gian khó, quên mình vì nhiệm vụ “thượng khẩn” thì “sợ chi hiểm nghèo”. Việc sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và tự sự ở đây giúp tác giả khắc họa chân dung cũng như lòng dũng cảm của nhân vật Lượm.
Quảng cáo
|