Viết bài văn phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng lớp 71. Mở đoạn: - Giới thiệu về tác phẩm và đoạn trích - Nêu cảm nhận chung về nhân vật thầy Ha-men Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên... Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết 1. Mở đoạn: - Giới thiệu về tác phẩm và đoạn trích - Nêu cảm nhận chung về nhân vật thầy Ha-men 2. Thân đoạn: - Là một người thầy tâm huyết, tận tâm với nghề + Dù là buổi học cuối nhưng thầy vẫn lên lớp dạy như bao ngày trước kia + Thầy nhẹ nhàng, dịu dàng nhắc nhở học trò + Thầy kiên nhẫn truyền đạt hết những kiến thức cho học trò - Là một người có tấm lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc thiết tha + Thầy nói với học trò của mình về vẻ đẹp của tiếng Pháp + Khi cho học sinh viết tập, thầy đã chuẩn bị những "tờ mẫu mới tinh" + Khi nghe thấy tiếng kèn của lính Phổ bên ngoài thầy xúc động mạnh. + Thầy cầm phấn viết lên bảng dòng chữ "Nước Pháp muôn năm" rồi giơ tay ra hiệu kết thúc - Nghệ thuật xây dựng nhân vật + Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng tôi giúp cho nhân vật được bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc một cách chân thực, rõ nét + Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo: khắc hoạ nhân vật thông qua trang phục, cử chỉ, hành động, lời nói. 3. Kết đoạn: - Nêu đánh giá khái quát về nhân vật thầy Ha-men. Bài siêu ngắn Mẫu 1 Tác phẩm “Buổi học cuối cùng” với hình ảnh người thầy giáo yêu nước Ha-men hiện lên thật nghiêm khắc mà mẫu mực. Người thầy ấy đã dành trọn cả đời mình tâm huyết cho nghề nhà giáo cao quý. Đối với thầy bốn mươi năm tâm huyết để truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ trẻ vùng An-dát biên giới xa xôi ấy là những tháng ngày đáng nhớ nhất. Nhưng rồi một ngày, thầy nhận được lệnh từ Béc-lin: “từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát, Lo-ren…” thế là các kỉ niệm đau đớn như ùa về với thầy đem theo sự hối hận tận cùng…Thầy nhớ như in những ngày thầy bắt học trò tưới vườn thay vì học hành, rồi những ngày thầy đã không ngại ngùng cho học trò nghỉ học khi mún đi câu cá hương. Nhưng tình yêu nước tha thiết đã trỗi dậy trong thầy vào buổi học tiếng Pháp cuối cùng: thầy mặc chiếc áo Gơ-đanh-gốt vốn chỉ dùng trong những hôm quan trọng, giọng nói thầy tha thiết hơn bao giờ hết và chưa bao giờ thầy kiên nhẫn giảng giải đến vậy. Người thầy tội nghiệp như muốn truyền hết tri thức của mình và một lúc nhét hết nó vào đầu tụi học trò thơ ngây. Đồng hồ đã điểm mười hai giờ, thầy đứng trên bục, người thầy tái nhợt, bất lực ra hiệu cho tụi học trò: “Kết thúc rồi…đi đi thôi!”. Trong điểm tột cùng của sự đau xót, thầy Ha-men đã có một hành động thật anh dũng, cao cả thể hiện tấm lòng yêu nước, yêu thiết tha tiếng mẹ đẻ đó là cầm phấn dằn hết sức, thầy cố viết thật to: “Nước Pháp muôn năm”. Chính điều này đã để lại ấn tượng sâu đậm về hình tượng người thầy trong tác phẩm. Bài siêu ngắn Mẫu 2 Tình yêu nước là thứ tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người, nó được thể hiện thật giản đơn qua tình yêu tiếng nói của dân tộc mình. Thầy Ha - men trong truyện buổi học cuối cùng là là một người có tinh thần yêu nước sâu sắc. Buổi học cuối cùng, thầy Ha - men mặc chiếc áo khoác xanh, chiếc áo sơ mi xếp nếp và chiếc mũ thêu bằng lụa đen mà thầy chỉ mặc vào những dịp quan trọng. Trong tiết học ấy, thầy giảng bài với tất cả tâm huyết, giọng nói vừa nghiêm nghị lại vừa hiền lành. Thầy không hề quát mắng khi chú bé Phrăng mắc lỗi. Thầy tận tình chu đáo chuẩn bị cho học sinh những bản mẫu mới với những con chữ tòn trịa ngợi ca nước Pháp. Người thầy vĩ đại ấy đăm chiêu nhìn mọi thứ xung quanh như muốn khắc sâu hình ảnh của mọi thứ xung quanh vào tâm trí trước khi rời đi. Thầy Ha - men nhợt nhạt khi tiết học dần kết thúc, dường như không còn chút sức lực nào để có thể giảng tiếp khi tiếng chuông kết thúc giờ học vang lên. Toàn bộ nhưng biểu hiện của thầy cho thấy sự đau đớn của một con người yêu nước bị tước đoạt quyền được nói tiếng mẹ đẻ. Nhân vật thầy Ha-men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng là một nhân vật gây cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc, không chỉ bởi vì tình yêu tiếng ngôn ngữ mẹ đẻ, tấm lòng yêu nước, lòng căm ghét quân thù, không bao giờ chịu khuất phục mà còn đặc biệt bởi cái cách mà thầy truyền đạt lại những bài học quý giá vào buổi học cuối cùng. Tất cả đều thể hiện thật rõ ràng cái cốt cách sáng ngời của một người thầy cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, truyền bá văn hóa dân tộc không ngừng nghỉ, kể cả khi rơi vào nghịch cảnh đau xót. Bài siêu ngắn Mẫu 3 Hình ảnh người thầy Ha-men là hình ảnh tiêu biểu nhất cho nỗi đau của một người dân mất nước. Vẫn như mỗi lần, thầy Ha-men "đi đi lại lại với cây thước sắt khủng khiếp kẹp dưới nách". Không phải ngày lễ phát phần thưởng hoặc có thanh tra đến trường, nhưng thầy Ha-men ăn mặc rất trang trọng: mặc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục,… đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu… Lớp học của trường làng, trước đây ồn ào, vui vẻ thế, nhưng hôm nay trở nên “khác thường và trang trọng”.Ngoài đông đủ học trò, buổi học hôm nay lại có nhiều bà con dân làng đến dự, có cụ Hô-đe, bác phát thư,… “ai nấy đều có vẻ buồn rầu”. Có thể nói buổi học cuối cùng là buổi học về lòng yêu nước mà trước hết là yêu tiếng Pháp, bảo vệ và giữ gìn tiếng Pháp. Bài học ấy thiêng liêng biết bao, nhất là đối với thầy Ha-men, đối với Phrăng và các cô cậu khác, đối với cụ già Hô-de và bao người dân vùng An-dát trong những năm tháng đen tối, đau thương! Đối với người Việt Nam chúng ta, yêu quý, giữ gìn tiếng mẹ đẻ là bài học xương máu. Một nghìn năm Bắc thuộc, 20 năm bị giặc Minh đô hộ, 80 năm bị thực dân Pháp thống trị, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã bảo vệ, giữ gìn tiếng Việt, chúng ta đã "nắm được chìa khóa chốn lao tù", làm cho tiếng Việt trở nên giàu đẹp như ngày nay. Ngày mai thầy Ha-men sẽ ra đi. Nhưng hình ảnh thầy vẫn in sâu trong tâm hồn người dân vùng An-dát và lũ học trò nhỏ thân yêu. Ha-men là một ông thầy vĩ đại, đúng như Phrăng đã nghĩ: "Chưa bao giờ tôi cảm thấy thầy lớn lao đến thế!". Bài tham khảo Mẫu 1 Đoạn trích “Buổi học cuối cùng” trích từ tác phẩm “ Chuyện kể của một em bé người An – dát ” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dọc về tình yêu quê hương, tình yêu đất nước qua một biểu hiện cụ thể đó là yêu và tự hào về tiếng nói dân tộc. Trong đoạn trích, nhà văn đã khắc hoạ thành công hình ảnh thầy giáo Ha– men , một người thầy đáng kính với lòng yêu nghề và tình yêu đất nước thiết tha, sâu nặng. Trước hết, ta thấy thầy Ha – men hiện lên trong tác phẩm là một người thầy hiền từ, nhân hậu và yêu nghề, tận tâm với nghề. Có thể nói cả cuộc đời thầy đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục , điều ấy được thể hiện ở con số 40 năm. 40 năm tận tuỵ với nghề giáo, thầy đã dìu dắt bao nhiêu thế hệ để rồi đến cả những giây phút cuối cùng được đứng trên bục giảng thầy vẫn muốn truyền lại hết hiểu biết của mình cho mọi người, cho thế hệ mai sau. Người đọc còn cảm động ở tình yêu thương mà thầy dành cho học sinh. Đó là những lời nói dịu dàng, những cử chỉ ôn tồn, những lời dạy bảo thấm thía thầy nói với trò ngay cả khi trò mắc lỗi. Và trong buổi học cuối cùng này, việc thầy chọn mặc bộ trang phục trang trọng nhất mà thầy vẫn chỉ mặc vào những hôm có thanh tra hay phát phần thưởng không chỉ dự báo cho điều bất thường xảy ra trong cảm nhận của cậu bé Phrăng mà còn cho thấy thầy luôn quý trọng từng khoảnh khắc được đứng trên bục giảng, cho thấy khát khao, nhiệt huyết được cống hiến của thầy. Bên cạnh đó, thầy Ha – men còn là người có tình yêu nước, gắn bó thiết tha với tiếng nói của dân tộc. Nhà văn đã diễn tả tình cảm cao đẹp ấy của thầy qua một loạt các chi tiết miêu tả hành động, lời nói, nét mặt, điệu bộ ,….Thầy đã ca ngợi tiếng Pháp bằng những ngôn từ mĩ lệ nhất, đó là thứ tiếng đẹp nhất, trong sáng nhất, vững bền nhất. Cảm nhận ấy xuất phát từ tình yêu, niềm tự hào của thầy dành cho tiếng mẹ đẻ và thầy cũng muốn truyền tình yêu, niềm tự hào ấy cho các học trò. Thầy nhắc nhở các trò phải giữ lấy tiếng nói dân tộc và không bao giờ được quên; thầy khẳng định sức mạnh của tiếng nói dân tộc – đó là chìa khoá mở cánh cửa chốn lao tù. Rồi thầy lại tự trách mình và mọi người đã có lúc xao nhãng việc dạy và học tiếng Pháp. Và trong giây phút tiếng kèn của lính Phổ vang lên ngoài cửa sổ, thầy đã không thể kìm nén nổi nỗi xúc động của bản thân. Thầy đứng dậy trên bục, người tái nhợt, mọi lời nói như nghẹn ứ và dồn hết ý chí và lòng quyết tâm của mình ghì mạnh lên bảng dòng chữ “Nước Pháp muôn năm”. Hình ảnh thầy đứng dựa vào tường, chẳng nói một lời mà chỉ đưa tay ra hiệu “Thôi, kết thúc rồi…” thực sự đã cứa sâu vào trái tim người độc một nỗi xót xa, cảm phục. Có thể khẳng định, trong thẳm sâu tâm hồn thầy là hình bóng Tổ quốc và tiếng nói mẹ hiền chẳng thể nguôi ngoai. Có thể thấy, bằng tài năng kể chuyện độc đáo, nhà văn An – phông – xơ Đô – đê đã mang đến cho người đọc chúng ta một câu chuyện thật hay và giàu ý nghĩa. Đặc biệt, nhân vật thầy Ha – men trong truyện chắc chắn sẽ ghi dấu ấn sâu đậm trong trái tim bạn đọc về hình ảnh của một thầy giáo nhân hậu, yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc. Câu chuyện đã hun đúc trong chúng ta những tình cảm cao đẹp, giúp ta càng yêu hơn , tự hào hơn tiếng nói dân tộc mình. Bài tham khảo Mẫu 2 Tình yêu đối với quê hương đất nước là đề tài vô cùng quen thuộc trên mảnh đất văn học màu mỡ, phong phú và đa dạng. Mỗi một nhà văn lại có những cách riêng để phản ánh và thể hiện tình cảm thiêng liêng đó. Nằm trong mạch chảy đó, tác phẩm “Buổi học cuối cùng” đã để lại trong lòng độc giả nhiều ấn tượng sâu sắc về tình yêu dân tộc qua diễn biến tâm trạng của các nhân vật, đặc biệt là qua những hành động và lời nói của nhân vật thầy giáo Ha- men. Tuy được quan sát và miêu tả qua điểm nhìn của cậu học trò Phrăng nhưng bức chân dung của thầy giáo Ha-men đã được phác họa một cách chân thực và rõ rét. Hơn bất kì ai đang sinh sống trên mảnh đất An-dát, thầy giáo Ha-men là người rất mực trân trọng buổi học cuối cùng. Để tôn vinh buổi học này, thầy đã ăn mặc thật trang trọng: “mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng”. Hình như thầy chuẩn bị cho cuộc tiễn đưa một điều lớn lao- đó không chỉ là buổi học cuối đối với những học trò thân yêu, đối với bục giảng thân quen mà còn là cuộc chia ly đối với ngôn ngữ mẹ đẻ đầy thiêng liêng. Thái độ của thầy đối với những học trò nhỏ cũng khác biệt hơn. Khác với thái độ nghiêm khắc hằng ngày, thầy đã ân cần nhẹ nhàng và không hề trách mắng khi cậu học trò Phrăng đi học muộn giống như thông thường. Trong buổi học này, thầy đã nói chuyện với những học trò thân yêu với lời nhắn nhủ đầy tâm tình mà trong đó chứa đựng cả sự ân hận của bản thân: “Cả thầy cũng không có gì đáng để trách mình ư? Thầy đã chẳng sai các con tưới vườn thay vì học hành đó sao? Và khi thầy muốn đi câu cá hương, thầy có ngại ngùng gì cho các con nghỉ học đâu?…”. Dòng tâm trạng như độc thoại nội tâm này không chỉ xuất phát từ tấm lòng của một người thầy tâm huyết với con chữ mà còn bắt nguồn từ tinh thần yêu nước của một công dân Pháp trước nỗi đau đất nước bị xâm lược. Mỗi một hành động và lời nói của thầy Ha-men đã làm nổi bật lên vai trò, ý nghĩa cùng giá trị thiêng liêng của tiếng mẹ đẻ đối với việc bảo vệ chủ quyền dân tộc cũng như mối quan hệ giữa tình yêu tiếng nói dân tộc và lòng yêu nước. Thầy Ha–men đã truyền đạt một cách say mê về tiếng Pháp: “đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất”. Tình yêu đối với ngôn ngữ mẹ đẻ là một trong những biểu hiện kết tinh cao độ của lòng yêu nước. Và thiêng liêng hơn, người thầy còn nêu bật giá trị của tiếng nói dân tộc: “…khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù”. Câu nói tưởng chừng như giản đơn nhưng lại chứa đựng một triết lý sâu sắc về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc trong hoàn cảnh bị xâm lăng. Và rồi, trong giờ phút tưởng chừng như yếu đuối nhất- khi tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên cũng là lúc tiếng kèn của bọn lính Phổ đi tập về vang lên ngoài cửa sổ, dù cho người tái nhợt và không đủ bình tĩnh để nói hết câu nhưng thầy vẫn cố gắng dằn mạnh viên phấn để viết lên bảng dòng chữ: “Nước Pháp muôn năm”. Đó chính là tiếng nói sâu sắc và tha thiết từ một trái tim yêu nước. Như vậy, nhân vật người thầy giáo Ha- men đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và nhiều bài học ý nghĩa về ngôn ngữ dân tộc cũng như tinh thần yêu nước. Bài tham khảo Mẫu 3 Đoạn trích "Buổi học cuối cùng" trích từ tác phẩm "Chuyện kể của một em bé người An-dát" đã mang đến cho độc giả một câu chuyện cảm động về buổi học cuối cùng của các em vùng An-dát. Thông qua đoạn trích, nhà văn người Pháp An-phông-xơ Đô-đê còn khắc họa rõ nét hình ảnh người thầy Ha-men - một người có lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc tha thiết. Bốn mươi năm làm nghề giáo viên, thầy Ha-men luôn hết lòng phụng sự, dốc trọn nhiệt huyết. Vì thế, vào buổi học cuối cùng, thầy vẫn đến lớp như bao ngày. Thầy ăn vận trang trọng, lịch sự "mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng". Có thể thấy, thầy Ha-men luôn quý trọng từng giây, từng phút được đứng trên bục giảng để chỉ bảo kiến thức cho học trò. Dù ngày hôm ấy là buổi học cuối cùng nhưng thầy vẫn tâm huyết, tận tình. Thầy không tỏ thái độ giận dữ khi học trò mắc lỗi như mọi hôm mà chỉ nhẹ nhàng bảo ban "Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con". Trong giờ học, thầy vẫn kiên nhẫn giảng giải tất cả kiến thức "Cứ như thể trước khi ra đi, con người tội nghiệp muốn truyền thụ toàn bộ tri thức của mình". Có thể thấy, tấm lòng yêu nghề, khát khao cống hiến luôn rực cháy tận trong sâu thẳm con người thầy Ha-men. Bên cạnh đó, thầy Ha-men còn là một người có lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc da diết. Khi buổi học diễn ra, thầy không quên nói về vẻ đẹp của tiếng Pháp. Thầy nhắc nhở, dặn dò học trò của mình "phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên". Hay trong giờ viết tập, thầy còn chuẩn bị "những tờ mẫu mới tinh, trên có viết bằng chữ rông thật đẹp: Pháp, An-dát, Pháp, An-dát.". Thầy hi vọng học trò của mình luôn biết yêu mến, nâng niu, trân trọng ngôn ngữ dân tộc. Từ đây, ta có thể cảm nhận được tình yêu da diết mà thầy Ha-men dành cho tiếng mẹ đẻ - "ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất". Giây phút tiếng kèn của lính Phổ vang lên ngoài cửa sổ, thầy đã không kìm nổi nỗi xúc động ở bản thân "đứng dậy trên bục, người tái nhợt". Lúc này đây, mọi lời nói đã nghẹn ứ nơi cổ họng. Sau cùng, bằng tất cả ý chí và quyết tâm, thầy đã cầm phấn viết lên bảng dòng chữ “Nước Pháp muôn năm!". Như vậy, tận sâu trong thâm tâm và trái tim thầy là hình bóng Tổ quốc và tiếng nói dân tộc. Hình ảnh thầy đứng dựa vào tường, chẳng nói một lời mà chỉ giơ tay ra hiệu "Kết thúc rồi... đi đi thôi!" làm chúng ta không khỏi cảm động. Để làm nổi bật hình tượng nhân vật Ha-men, nhà văn Đô-đê đã sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật độc đáo. Trước hết, ông đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật. Nhân vật thầy Ha-men hiện lên thật chân thực, rõ nét qua các chi tiết miêu tả trang phục, cử chỉ, lời nói, hành động,... Ngoài ra, việc sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" cũng giúp Phrăng dễ dàng bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc về thầy Ha-men và buổi học cuối cùng. Mỗi khi nhắc tới đoạn trích "Buổi học cuối cùng", chúng ta sẽ chẳng thể nào quên hình bóng người thầy Ha-men yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc và yêu Tổ quốc tha thiết. Mong rằng, những giá trị nhân văn, tốt đẹp của tác phẩm sẽ luôn sống mãi theo dòng chảy thời gian.
Quảng cáo
|