Viết bài văn biểu cảm về buổi tham quan khu di tích lịch sử đáng nhớ nhất của em lớp 71. Mở đoạn: - Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa. - Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi. Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết 1. Mở đoạn: - Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa. - Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi. 2. Thân đoạn: - Kể lại cụ thể diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, lúc đến điểm tham quan, trình tự các điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…). - Miêu tả và biểu cảm về những nét nổi bật của di tích lịch sử, văn hóa đó (thiên nhiên, con người, công trình kiến trúc,…) 3. Kết bài Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa. Bài siêu ngắn Mẫu 1 Hằng năm, trường em đều tổ chức các chuyến tham quan. Mỗi điểm đến đều đem lại cho học sinh bài học bổ ích. Năm nay, chúng em cũng đã có một chuyến đi vô cùng bổ ích ở khu di tích Cổ Loa. Chuyến tham quan sẽ được tổ chức vào ngày thứ sáu. Học sinh tham gia sẽ được nghỉ học. Các học sinh không tham gia sẽ tự học ở nhà. Mỗi lớp đi tham quan sẽ có giáo viên chủ nhiệm và hai phụ huynh đi cùng. Theo như em tìm hiểu, Cổ Loa là một khu di tích lịch sử khá nổi tiếng nằm ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Theo yêu cầu của nhà trường, học sinh đi tham quan phải có mặt vào lúc sáu giờ ba mươi phút sáng. Buổi sáng thứ sáu, em thức dậy thật sớm. Sau khi chuẩn bị xong, bố đưa em đến trường. Trước cổng trường, rất nhiều chiếc xe ô tô khách đang đỗ thành từng hàng. Em chào bố rồi vào trường tìm các bạn lớp mình. Trước khi về, bố còn chúc em có một chuyến tham quan an toàn và vui vẻ. Em bước vào trường mà vô cùng hân hoan. Trên sân trường có rất đông học sinh. Em đã tìm thấy các bạn của lớp mình. Cô giáo đã đứng chờ ở đầu hàng. Cô điểm danh lại các bạn học sinh tham gia. Bảy giờ kém mười lăm chúng em lên xe. Đúng bảy giờ là xe xuất phát. Trên xe, chúng em được nghe chị hướng viên trò chuyện. Sau đó, chúng em còn có những tiết mục văn nghệ giao lưu. Em tranh thủ ngủ một lúc cho đỡ mệt. Khoảng một tiếng sau thì đến nơi. Đầu tiên, chúng em tập trung theo từng khối lớp để làm lễ ở đền thờ vua An Dương Vương. Bầu không khí lúc này thật trang nghiêm. Sau đó, chúng em lần lượt ghé thăm: đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy), kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu), chùa Cổ Loa, chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), cuối cùng là đình Mạch Tràng. Ở mỗi địa điểm, chúng em lại được nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu nhiều điều thú vị, bổ ích. Sau khi tham quan xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn trưa và nghỉ ngơi. Em tranh thủ ăn trưa thật nhanh, rồi cùng các bạn vào các quán lưu niệm để mua đồ mang về. Buổi chiều, học sinh toàn trường sẽ tập trung lại để tham gia một số trò chơi tập thể như bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố… Không chỉ vậy, chúng em còn được xem một tiết mục múa rối nước vô cùng hấp dẫn. Buổi tham quan kết thúc trong sự tiếc nuối của tất cả các học sinh. Như vậy, chuyến tham quan đến khu di tích Cổ Loa thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất. Bài siêu ngắn Mẫu 2 Có ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc đời là những chuyến đi”. Chúng ta đi để nối dài những trải nghiệm. Và tôi cũng có một chuyến đi đáng nhớ. Chuyến đi của tôi diễn ra trong ba ngày hai đem. Điểm đến là bãi biển Cửa Lò - một địa điểm du lịch khá nổi tiếng. Chuyến xe khởi hành từ năm giờ sáng ngày chủ nhật. Tối thứ bảy, tôi đi ngủ thật sớm. Sáng hôm sau, cả nhà phải dậy từ bốn giờ để chuẩn bị. Bốn giờ ba mươi là xe đã đến đón. Cùng đi với gia đình tôi còn có gia đình của bác Hòa, bác Hùng. Hai bác là anh trai của bố tôi. Lên xe, tôi tranh thủ ngủ thêm vì trời còn tối. Xe đi mất nửa ngày mới đến nơi. Khoảng mười hai giờ trưa, xe đã đến nơi. Chúng tôi được nhận phòng, nghỉ ngơi và ăn trưa. Năm giờ chiều, nắng đã dịu hơn. Tôi cùng mọi người ra tắm biển. Trước mắt tôi chính là bãi biển Cửa Lò rộng mênh mông. Gió biển lồng lộng. Tiếng sóng vỗ ào ạt. Bãi cát vàng trải dài. Bãi biển lúc này khá đông người. Người lớn thì tắm biển. Còn trẻ em thì xây lâu đài cát, hoặc nghịch nước. Tôi cùng các anh chị vui đùa trên bãi cát, nghịch nước biển mát lạnh. Khoảng sáu giờ chiều, mặt trời bắt đầu lặn dần. Hoàng hôn trên biển thật huy hoàng và kỳ vĩ. Tôi ngồi trên bãi cát trắng ngắm cảnh mặt trời lặn. Mặt trời lúc này giống như một quả cầu đang rực đỏ. Mặt trời lớn lắm, lớn hơn rất nhiều lần so với mặt trời của thành phố. Biển đẹp nhất có lẽ về ban đêm. Khi ánh nắng cuối ngày tắt hẳn, nhường chỗ cho bầu trời đêm đầy sao. Không khí lúc này cũng dễ chịu, mát mẻ hơn. Mọi người vào một nhà hàng cạnh bờ biển. Chúng tôi đã được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon. Tôi thích nhất là được ăn những món hải sản. Ăn xong, chúng tôi còn đi dạo quanh bãi biển. Gió biển thổi mát rượi. Rất nhiều người ngồi trên bờ biển để trò chuyện, uống nước. Mười một giờ, mọi người mới trở về khách sạn để tắm giặt và nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, tôi còn được bố mẹ dẫn đi thăm các địa danh nổi tiếng ở Cửa Lò như đảo Hòn Ngư, chùa Lô Sơn, đảo Lan Châu… Chúng tôi còn được đi chợ mua rất nhiều quà để mang về nữa. Tôi cũng chụp được khá nhiều tấm ảnh rất đẹp. Chuyến đi giúp tôi có thêm kỉ niệm đẹp đẽ cùng với người thân. Tôi mong rằng gia đình của mình sẽ có thêm nhiều chuyến đi như vậy hơn. Bài siêu ngắn Mẫu 3 Chủ nhật tuần trước, em đã có một chuyến tham quan vô cùng bổ ích. Chúng em được đến thăm kinh thành Huế. Đây là lần đầu tiên em được đi chơi xa, vì vậy em cảm thấy vô cùng háo hức và mong chờ. Đúng sáu giờ, toàn bộ học sinh trong lớp phải tập hợp ở sân trường. Cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lớp trưởng điểm danh sĩ số. Chúng em xếp thành hàng để lên xe. Khoảng sáu giờ ba mươi phút, xe bắt đầu xuất phát. Cùng đi có bác hội trưởng và hội phó của hội phụ huynh học sinh. Từ Đà Nẵng vào Huế phải đi mất gần hai tiếng mới đến nơi. Trên đường đi, chúng em vừa ngắm nhìn đường phố, vừa trò chuyện vui vẻ. Chị hướng dẫn viên còn tổ chức một số trò chơi để bầu không khí thêm sôi động. Đến nơi, cả lớp háo hức xuống xe. Chúng em xếp thành hai hàng, sau đó đi tham quan theo sự hướng dẫn của chị hướng dẫn viên. Đi đến đâu, chúng em cũng được dừng lại, nghe chị thuyết trình về nơi đó. Nhiều bạn còn đặt ra những câu hỏi thú vị và được chị hướng dẫn viên giải đáp khá chi tiết. Theo lời chị hướng dẫn viên, kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần ba mươi năm năm đến thời vua Minh Mạng. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 - 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 - 1820) lăng Minh Mạng (1820 - 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ. Sau một ngày tham quan, chúng em đã biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích, thêm yêu mến và tự hào về lịch sử của dân tộc. Không chỉ vậy, cả lớp còn có rất nhiều ảnh kỉ niệm. Em cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Chuyến đi xa đầu tiên đem đến cho em nhiều kỉ niệm đẹp. Em mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa để học hỏi thêm những bài học bổ ích, thêm yêu mến và tự hào về đất nước Việt Nam xinh đẹp. Bài tham khảo Mẫu 1 Chuyến đi thăm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình vừa qua đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc. Em nhớ mãi cảm xúc háo hức, phấn khởi và ngạc nhiên, thích thú trong chuyến đi ấy. Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn mờ ảo trong buổi bình minh thì đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu chuyển bánh. Những chiếc xe đầy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang dòng sông Đáy hiền hoà rồi tiếp tục bon bon trên quốc lộ 1. Xa xa, dãy Non Nước hiện lên thấp thoáng qua màn sương. Chúng em đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe danh đã lâu nhưng chưa ai được đặt chân tới mảnh đất “cờ lau dẹp loạn” này bao giờ. Hoa Lư đây rồi! Kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt chính là đây. Toàn bộ khu di tích nằm trong một thung lũng, xung quanh bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp. Tạo hoá đã khéo sắp đặt cho nơi này một cảnh quan hùng vĩ, trên là núi, dưới là sông, đẹp như một bức tranh sơn thuỷ. Đến Hoa Lư hôm nay, tuy chúng em không còn được nhìn thấy những cung điện nguy nga, những thành cao hào sâu... nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi nơi đây đều ghi đậm dấu ấn vẻ vang của một thời oai hùng. Nào là núi Cột Cờ cao hơn 200 mét, nơi Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ khởi nghĩa. Nào là ngòi Sả Khê chảy qua hang Luồn, là nơi thuỷ quân ta luyện tập hằng ngày. Rồi hang Muối, hang Tiền với những nhũ đá lóng lánh. Phải chăng đây là kho dự trữ lương thực của đạo quân thiện chiến ngày xưa? Giữa khu di tích Hoa Lư có đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền sừng sững mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh đã phủ dày dấu thời gian. Cột dé làm bằng những cây gỗ to, một vòng tay ôm không xuể. Sân đền còn lưu lại dấu tích bệ đặt ngai ngự của nhà vua. Đó là một phiến đá to, bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thuở trước đã khéo léo khắc chạm hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh là hình con nghê dũng mãnh, hình chim phượng cao quý tượng trưng uy quyền của vua chúa. Chúng em ngắm chiếc sập đá mà thầm khâm phục hoa tay tài hoa của các nghệ nhân thuở trước. Trong chính cung là tượng Đinh Tiên Hoàng uy nghi ngự trên ngai. Nhà vua mặc áo thêu rồng, đầu đội mũ bình thiên, bàn tay xoè rộng, đặt nhẹ trên gối vẻ cương nghị đọng lại ở đôi môi mím chặt, đôi mắt mở to nhìn thẳng. Thắp một nén hương tưởng niệm, lòng em dâng lên niềm cảm phục đối với người đã có công xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt xưa. Tạm biệt đền Đinh Tiên Hoàng, chúng em đến thăm đền thờ vua Lê ở phía bên trái khu di tích. Vua Lê vận long bào, đầu đội mũ miện vàng, kiếm đeo ngang lưng trông rất oai nghiêm. Trong khu vực đền thờ còn có bức tượng một phụ nữ gương mặt phúc hậu, đoan trang. Đó là thái hậu Dương Vân Nga, bậc liệt nữ đã ghé vai gánh vác sự nghiệp cả hai triều Đinh - Lê. Những vị được tôn thờ ở đây đều có tài năng kiệt xuất, xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Không đủ thời gian để leo núi nên chúng em đứng trong thung lũng, ngẩng đầu ngắm nhìn bốn phía để cảm nhận rõ thêm vị thế hiểm trở của cố đô. Có bạn đã giở sổ tay, phác nhanh vài nét kí hoạ. Nhiều người lên tiếng bình luận sôi nổi về phong trào cờ lau dẹp loạn thuở nào. Trời đã xế chiều. Chúng em lưu luyến ra về và nuối tiếc vì chưa kịp bẻ mấy bông lau làm cờ cắm trước đầu xe cho thêm khí thế. Đến thăm Hoa Lư, chúng em được biết thêm một cảnh đẹp và hiểu thêm về lịch sử oai hùng của dân tộc. Chuyến đi tham quan này đã trở thành đề tài của những cuộc trò chuyện sôi nổi trong lớp em suốt những ngày sau đó. Bài tham khảo Mẫu 2 Kỳ nghỉ hè năm nay, gia đình của em đã có một chuyến du lịch vô cùng đáng nhớ. Đặc biệt, em đã làm quen thêm được những người bạn mới, có thêm những bài học bổ ích. Chuyến du lịch đến biển Sầm Sơn - một điểm du lịch nổi tiếng ở Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên em được đi du lịch ở biển. Nên em cảm thấy vô cùng hào hứng, thích thú. Buổi sáng hôm đó, em thức dậy từ rất sớm. Sau khi ăn sáng xong, em và bố mẹ nhanh chóng đến điểm hẹn. Chuyến xe xuất phát từ lúc năm giờ ba mươi phút sáng. Cùng đi với gia đình em còn có hai gia đình khác. Họ là bạn của bố mẹ em. Em đã làm quen được với hai bạn cùng tuổi mình, là Lan Anh và Minh Thu. Trên đường đi, chúng em đã trò chuyện vô cùng vui vẻ. Xe đi mất nửa ngày mới đến nơi. Sau khi vào khách sạn nhận phòng xong, mọi người nghỉ ngơi một lúc rồi đi ăn trưa. Đến chiều, các gia đình sẽ cùng nhau đi tắm biển. Đi bộ từ khách sạn đến bãi biển chỉ mất khoảng mười phút. Thật kì diệu khi trước mắt em chính là bãi biển rộng lớn. Bầu trời cao, trong xanh không một gợn mây. Ông mặt trời tỏa ánh nắng chói chang xuống khắp nơi. Bãi cát vàng trong nắng càng trở nên lấp lánh, trông tuyệt đẹp. Nước biển xanh và trong. Nhìn ra xa phía chân trời, bầu trời và biển như hòa vào làm một. Gió biển lồng lộng, cùng với tiếng sóng vỗ nghe thật vui tai. Sau khi tắm biển thỏa thích, em cùng hai người bạn mới quen ở trên bờ xây lâu đài cát rất vui vẻ. Ngày hôm sau, mọi người cùng đi tham quan dãy núi Trường Lệ - một địa danh khá nổi tiếng ở đây. Trên núi có hòn Trống Mái. Hòn gồm có ba phiến đá được sắp đặt một cách độc đáo. Ở dưới là hòn đá lớn, một hòn có đầu nhọn, nằm chồng lên trông như một con gà trống. Hòn khác nhỏ hơn, dáng vẻ tựa như con gà mái. Theo lời của chị hướng dẫn viên thì hòn Trống Mái là biểu tượng cho tình yêu thủy chung. Ngày cuối cùng, cả đoàn đến thăm làng chài Sầm Sơn, sau đó là chợ hải sản Sầm Sơn. Nơi đây bán đủ các loại hải sản tươi sống được ngư dân đánh bắt về. Bố mẹ em đã mua rất nhiều về để làm quà cho mọi người. Em cũng được thưởng thức rất nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn. Một ngày thú vị kết thúc trong sự tiếc nuối khi phải chia tay vùng đất tuyệt vời. Khi trở về nhà, em cảm thấy chuyến đi đến biển Sầm Sơn thật đáng quý. Gia đình em đã có khoảng thời gian quý giá bên nhau, với những tấm ảnh lưu niệm rất đẹp. Em mong rằng gia đình của mình sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch như vậy hơn. Bài tham khảo Mẫu 3 Cuối tuần, em đã có một chuyến đi chơi rất vui vẻ cùng với các bạn trong câu lạc bộ bơi lội. Địa điểm tham quan của chúng em là “Bảng tàng Dân tộc học Việt Nam”. Cả nhóm hẹn nhau ở trước cổng trường, sau đó đi bộ ra bến xe buýt cách đó không xa. Chúng em đi xe mất khoảng một tiếng. Đến nơi, bạn Hòa đi mua vé, rồi cả nhóm cùng vào tham quan từng khu vực. Bảo tàng được chia làm ba khu trưng bày chính: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời (Vườn Kiến trúc) và tòa Cánh diều (khu trưng bày Đông Nam Á). Đầu tiên, chúng em đến thăm khu vực tòa nhà Trống Đồng. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu bản sắc năm mươi tư dân tộc. Ở đây có rất nhiều hiện vật, thước phim và hình ảnh miêu tả đời sống sinh hoạt, trang phục, y phục, nông cụ và tôn giáo tín ngưỡng cũng như các tục lệ của các đồng bào dân tộc ở Việt Nam. Ra khỏi tòa nhà Trống Đồng là khu trưng bày ngoài trời. Nơi đây có rất nhiều ngôi nhà của các đồng bào dân tộc như nhà rông của người Ba-na, nhà sàn dài của người Ê-đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người H'mông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu… Ai cũng tỏ ra thích thú và còn chụp được rất nhiều bức ảnh đẹp. Buổi trưa, cả nhóm vừa ăn uống, vừa trò chuyện rất vui vẻ. Điểm đến cuối cùng là khu trưng bày Đông Nam Á. Tòa nhà này gồm có bốn tầng được mô phỏng theo hình Cánh diều. Nơi đây thường trưng bày về các văn hóa ngoài Việt Nam (Văn hóa Đông Nam Á, Tranh kính Indonesia, Một thoáng châu Á và Vòng quanh thế giới)... Nhờ đó, em cũng hiểu thêm về văn hóa của các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Chuyến đi đã kết thúc. Nhưng em cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc. Em đã có thêm nhiều kiến thức, cũng như hiểu hơn về những người bạn của mình.
Quảng cáo
|