Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.

Xã hội loài người phát triển được như ngày nay là nhờ quá trình tìm hiểu, nhận thức, tích lũy và không ngừng nâng cao tri thức của tất cả các dân tộc trên thế giới

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Bài mẫu 1

Xã hội loài người phát triển được như ngày nay là nhờ quá trình tìm hiểu, nhận thức, tích lũy và không ngừng nâng cao tri thức của tất cả các dân tộc trên thế giới. Tri thức rất cần thiết đối với con người. Muốn có tri thức phải học hỏi. Học trong sách vở, học từ thực tế cuộc sống. Ông cha ta xưa kia đã nhận thức rất đúng đắn về sự cần thiết của việc mở rộng phạm vi không gian học tập đối với mỗi người nên đã khuyên nhủ, động viên con cháu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Xã hội Việt Nam xưa là xã hội phong kiến còn nhiều bảo thủ, lạc hậu. Người dân quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong lũy tre xanh, ranh giới của cộng đồng làng xã. Có người suốt đời chẳng bước ra khỏi cổng làng. Số người được đi xa để ăn học hoặc làm việc rất hiếm hoi. Vì vậy, trình độ hiểu biết của mọi người nói chung khó mà mở rộng hoặc nâng cao lên được.

Tuy vậy, trong sự ràng buộc của tư tưởng bảo thủ, lạc hậu vẫn lóe lên những tia sáng nhận thức về sự cần thiết phải học hỏi để nâng cao hiểu biết. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Chỉ cần đi một ngày đàng (ý nói thời gian ít ỏi và quãng đường không xa là bao so với nơi ta sinh sống) thì ta đã học được một sàng khôn. Đây là hình ảnh ẩn dụ để diễn tả cụ thể, gần gũi dễ hiểu một khái niệm trừu tượng, đó là sự hiểu biết của con người. Nếu chịu khó đi thì ta sẽ học được nhiều bài học bổ ích cho cuộc đời, bởi trên khắp các nẻo đường đất nước, nơi nào cũng có vô vàn những điều hay, điều lạ.

Để động viên tinh thần học hỏi, dân gian đã có những câu nội dung tương tự như câu tục ngữ trên:

Làm trai cho đáng nên trai,

Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng.

Làm trai đi đó đi đây,

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.

Điều đó chứng tỏ ông cha ta đã nhận thức được việc đi xa để học hỏi là điều quan trọng, cần thiết và đáng khuyến khích.

Hiểu biết càng nhiều, con người càng có cách xử thế đúng đắn trong quan hệ gia đình và xã hội. Trình độ hiểu biết tạo điều kiện cho ta làm việc tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, giúp ích cho gia đình, xã hội được nhiều hơn.

Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, việc học để mở mang nhận thức và hiểu biết của mỗi người càng trở nên cấp bách. Muốn xóa bỏ tình trạng lạc hậu, muốn rút ngắn sự cách biệt giữa nước ta và các nước phát triển trên thế giới, chúng ta chỉ có một con đường là học. Học, học nữa, học mãi như lời Lenin đã dạy. Vấn đề đặt ra là học những điều hay, lẽ phải, những điều thiết thực, bổ ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước; tránh điều dở, điều xấu có hại đến bản thân, gia đình và xã hội.

Hiện nay, chuyện đi đó đi đây không còn là chuyện hiếm có như ngày xưa. Ai cũng có quyền tự do đi lại, học hành, kể cả ra nước ngoài. Học hỏi bằng con đường tham quan, du lịch; học hỏi bằng con đường du học, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để tiếp thu những kinh nghiệm, những kiến thức khoa học, tiến bộ của nhân loại nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam thành một đất nước giàu mạnh mà vẫn giữ được bản sắc và truyền thống dân tộc.

Học hỏi không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là chuyện cả đời người. Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở cuộc sống. Việc nâng cao hiểu biết là rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Vì vậy chúng ta phải có mục đích và phương pháp học tập đúng đắn để đạt được hiệu quả cao. Có tri thức, chúng ta mới làm chủ được bản thân, mới đóng góp hữu ích cho gia đình, xã hội. Học vấn làm đẹp con người. Đó cũng là điều ông cha muốn nhắn gửi đến chúng ta. Câu tục ngữ: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn là lời khuyên quý báu của người xưa; đến nay nó vẫn được lưu giữ trong hành trang của tuổi trẻ trên con đường tạo dựng sự nghiệp.

Bài mẫu 2

Môi trường sống có ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành nhân cách của con người. Các mối quan hệ gia đình, bạn bè, hàng xóm… đều tác động tới mỗi cá nhân. Điều đó đã được cha ông ta đúc kết qua câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Để nêu lên một bài học hoặc một kinh nghiệm nào đó trong cuộc sống, ông cha ta thường mượn hình ảnh của sự vật có liên quan đến con người để thể hiện ý kiến của mình. Mực có màu đen, người xưa thường mượn mực để ám chỉ những cái xấu xa. Còn đèn là vật phát ra ánh sáng. Đèn gần đèn, ta sẽ được soi sáng. Cho nên đèn tượng trưng cho điều tốt đẹp, sáng sủa. Mợn hai hình ảnh tương phản nhau là mực và đèn, câu tục ngữ ngầm nhắc nhở: Nếu giao du với hạng người xấu, ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu; nếu ta kết bạn với những người tốt thì ta sẽ học tập được nhiều điều hay, điều tốt.

Quan sát thực tế cuộc sống hằng ngày xảy ra xung quanh, ta sẽ thấy ý nghĩa của câu tục ngữ trên là đúng.

Xét trong phạm vi gia đình thì cha mẹ, anh chị là tấm gương để cho con em noi theo. Nếu cha mẹ hòa thuận và coi trọng việc giáo dục con cái, anh em yêu thương nhau thì đó là gia đình hạnh phúc, sẽ có được những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, giỏi giang. Ngược lại, nếu cha mẹ lục đục, anh em bất hòa thì chắc chắn con cái sẽ hư hỏng, khó nên người.

Trong xã hội, nếu tiếp xúc thường xuyên với những đối tượng xấu xa, lừa đảo, giựt giọc, chà đạp lên nhau để sống thì một ngày nào đó, ta sẽ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Người xưa đã khẳng định: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài và có lời khuyên chí lí:

Thói thường gần mực thì đen

Anh em bạn hữu phải nên chọn người

Đối với lứa tuổi học sinh, việc kết bạn là hết sức quan trọng. Nếu chơi với những bạn chăm ngoan, học giỏi, lễ phép, biết kính trên nhường dưới… thì chúng ta sẽ học tập được những đức tính tốt và sẽ trở thành người tốt. Bạn bè sẽ giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ.

Ý nghĩa của câu tục ngữ trên từ lâu nay đã được công nhận nhưng trong một lần tranh luận ở lớp, bạn em lại cho rằng: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Ngẫm nghĩ kĩ, em thấy ý kiến của bạn ấy phần nào có lí, song không phải vì thế mà giá trị của câu tục ngữ bị phủ nhận.

Quả thật, yếu tố con người, ý chí, nghị lực vô cùng quan trọng. Nếu làm chủ được bản thân, có ý chí, lập trường: quan điểm vững vàng thì chúng ta khó bị tha hóa bởi cái xấu.

Sống trong môi trường không tốt mà con người vẫn giữ được nhân cách trong sáng thì cũng giống như hoa sen nở trên đầm lầy vẫn tỏa ngát hương thơm. Xung quanh ta có rất nhiều tấm gương như vậy. Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ suốt mấy chục năm sống ngay trong hang ổ quân thù là bè lũ bán nước Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ ngụy quyền Sài Gòn, tay sai của đế quốc Mĩ xâm lược, vậy mà “ông cố vấn” vẫn nguyên vẹn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mưu trí và dũng cảm. Ông đã vượt qua vô vàn thử thách, hiểm nguy để theo đuổi đến cùng lí tưởng cách mạng, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần gũi hơn, quen thuộc hơn là gương sáng của các bạn nhỏ nhà nghèo mà hiếu học. Có bạn ngày ngày vượt hàng chục cây số đèo dốc, rừng núi đến trường. Có bạn mồ côi cha mẹ, sống cơ cực, thiếu thốn trăm bề vẫn phấn đấu vượt lên hoàn cảnh để học tốt, học giỏi. Không ít những chị sinh viên vừa làm vừa học, vừa rèn luyện bản lĩnh để vững vàng bước vào đời. Điều đáng nể phục là họ đã chiến thắng hoàn cảnh và chiến thắng được chính mình.

Ngược lại, có những người hoàn cảnh sống hoàn toàn thuận lợi, tốt đẹp nhưng bản thân lại chẳng ra gì. Sinh ra trong gia đình giàu sang, thừa thãi bạc tiền, danh vọng, họ không phải lo lắng, bươn chải để mưu sinh mà chỉ việc học cho tốt, sống cho tốt. Thế nhưng họ lại sớm sa ngã bởi những thú ăn chơi sa đọa như tiêu xài hoang phí, nay vũ trường, mai quán rượu, rồi hút chích ma túy, điên cuồng đua xe gây tai nạn trên đường phố mà nhóm thanh niên đua ô tô tốc độ cao vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ. Như vậy là họ đã tự nhuộm đen nhân cách của mình.

Ngày nay, trong xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang sống, vẫn còn một số người vì nhắm mắt chạy theo đồng tiền để thỏa mãn những dục vọng vật chất mà đánh mất đạo đức, nhân cách, thậm chí mất cả sự nghiệp. Vì vậy, trong quan hệ ta phải thận trọng, sáng suốt để không phải ân hận về sau.

Tuy vậy, đối với người chưa tốt, không phải chúng ta một mực xa lánh họ để họ buông xuôi trước cái xấu. Những năm gần đây, vòng tay nhân ái của cộng đồng đã cưu mang nhiều số phận lỡ bước sa chân vào con đường tăm tối của các tệ nạn, giúp họ trở về cuộc sống lương thiện, thành người hữu ích cho xã hội.

Câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng là một lời khuyên thiết thực và bổ ích. Ta cũng rút ra từ đó bài học bổ ích cho bản thân là hãy không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong để có được một quan điểm sống lành mạnh, đúng đắn. Hãy tránh xa bóng tối của những cám dỗ xấu xa; chọn bạn tốt mà chơi để học tập và phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi. Gần đènđể được soi sáng là điều cần thiết nhưng ngọn đèn sáng nhất vẫn là ngọn đèn tỏa chiếu từ chính tâm hồn mình.

Câu 3

Trọng ân nghĩa, sống thủy chung là nét đẹp truyền thống của nhân dân ta. Nét đẹp về đạo lí đó đã được bảo tồn trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Nhân dân thường nhắc nhở nhau: Uống nước nhớ nguồn. Câu tục ngữ này nêu lên một bài học về tình nghĩa thủy chung, lòng biết ơn đối với cội nguồn.

Một đặc điểm của tục ngữ là thường đưa ra những cách ứng xử, những kinh nghiệm sống bằng những hình ảnh cụ thể, gần gũi với cuộc sống của con người. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” gợi lên mối quan hệ giữa nước và nguồn, hay đúng hơn là việc uống nước và cái nguồn đã phát sinh ra dòng nước. Uống nước sinh hoạt thường xuyên của con người, nhưng mỗi khi ta uống những giọt nước đã mấy ai nghĩ đến nguồn đã tạo ra dòng nước mát hằng ngày để nuôi sống chúng ta? Trong ý nghĩa đó, uống nước còn là sự thừa hưởng những thành quả về vật chất và tinh thần của những người đi trước để lại. Câu tục ngữ lưu ý mọi người cần có một thái độ sống thủy chung, biết ơn và trân trọng những người đã có công lao tạo dựng nên hạnh phúc ngày hôm nay.

Câu tục ngữ là một lời khuyên răn nhưng lại được diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ có sức thuyết phục và gây ấn tượng sâu sắc. Cái hay của câu tục ngữ tập trung ở từ nguồn. Nguồn vừa mang ý nghĩa thực hỉ nguồn nước vừa có ý nghĩa tượng trưng chỉ cội nguồn nơi xuất phát. “Nhớ nguồn” trở thành đạo lí của con người trong mối quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.

Trong gia đình, đạo lí làm con là phải nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Công ơn của cha mẹ với con cái là trời biển, là nguồn nước vô tận:

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Bài học “Uống nước nhớ nguồn” hoặc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” lại càng trở nên cần thiết khi ta đặt nó trong mối quan hệ với quá trình phát triển của đất nước, của xã hội. Cuộc sống thanh bình, hạnh phúc ta có hôm nay không phải một sớm một chiều mà là kết quả của một quá trình lao động và đấu tranh của các thế hệ cha anh đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, xương máu. Hạt gạo đã có vị mặn của những giọt mồ hôi đắng cay muôn phần của người nông dân trên đồng ruộng năm nắng mười mưa, phơi lưng cho trời, bán mặt cho đất. Để có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho mỗi chúng ta, thế hệ đi trước đã phải đổi bằng máu. Vì thế hôm nay hái những quả ngọt của cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, đạo lí làm người nhắc nhở chúng ta không được quên công lao của quá khứ: uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên trong xã hội cũng không ít kẻ vong ơn, bội nghĩa, chỉ biết hạnh phúc cá nhân ích kỉ, quay lưng với quá khứ, quên cả cội nguồn. Cách sống đó đã đi ngược lại truyền thống đạo lí của dân tộc ta.

Nhưng con người Việt Nam ta vẫn thủy chung son sắt, trọng ân nghĩa. Ngày nay xã hội ta phát triển với nhịp độ mau lẹ làm nảy sinh nhiều mối quan hệ mới, cách sống cách suy nghĩ của con người cũng có những thay đổi nhưng bản sắc của dân tộc, truyền thống đạo lí của con người Việt Nam vẫn không phai nhạt. Cảm động biết mấy về những việc làm thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của nhân dân ta đối với quá khứ, với những người đã hi sinh, có công lao đối với đất nước. Những ngôi nhà tình nghĩa, những chiếc áo lụa tặng bà, phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ anh hùng tuy chỉ đền đáp một phần rất bé nhỏ trước những hi sinh mất mát to lớn.

Hơn nữa để thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, những người hôm nay phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy những thành quả của ông cha để lại. Tổ tiên đã để lại cho cháu con một gia tài vô giá, một giang sơn gấm vóc, một lịch sử oai hùng, nhiệm vụ của chúng ta là không ngừng phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh.

“Uống nước nhớ nguồn” là một lời răn dạy, một đạo lí, con người Việt Nam ta lớn lên, trưởng thành từ một truyền thống đạo lí cao cả. Ngày nay đất nước ta không ngừng phát triển, những nét đẹp trong truyền thống của dân tộc càng được trân trọng và phát huy. “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi vẫn là là lời nhắc nhở khuyên răn đối với mỗi người để sống đẹp hơn cho mối quan hệ gia đình và trong cộng đồng xã hội.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close