Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 6 - Chương II - Sinh 12

Giải Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 6 - Chương II - Sinh 12

Quảng cáo

Đề bài

Câu 1 (NB): Mối quan hệ giữa gen và tính trạng được biểu hiện qua sơ đồ:

A. Gen (ADN) → tARN → Pôlipeptit → Prôtêin → Tính trạng.

B. Gen (ADN) → mARN → tARN → Prôtêin → Tính trạng.

C. Gen (ADN) → mARN → Pôlipeptit → Prôtêin → Tính trạng.

D. Gen (ADN) → mARN → tARN → Pôlipeptit → Tính trạng.

Câu 2 (TH):  Phát biểu nào sau đây là sai khi nói về mối quan hệ giữa kiểu gen, môi trường sống và kiểu hình?

A. Kiểu hình chỉ phụ thuộc vào kiểu gen mà không chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường.

B. Kiểu gen quy định khả năng phản ứng của cơ thể trước môi trường.

C. Bố mẹ không truyền cho con những tính trạng đã hình thành sẵn mà truyền một kiểu gen.

D. Kiểu hình là kết quả tương tác giữa kiểu gen và môi trường.

Câu 3 (TH): Thỏ Himalaya bình thường có lông trắng, riêng chòm tai, chóp đuôi, đầu bàn chân và mõm màu đen. Nếu cạo ít lông trắng ở lưng rồi chườm nước đá vào đó liên tục thì:

A. Lông mọc lại ở đó có màu trắng.

B. Lông mọc lại ở đó có màu đen.

C. Lông ở đó không mọc lại nữa

D. Lông mọc lại đổi màu khác.

Câu 4 (TH): Nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sự biểu hiện của gen tổng hợp mêlanin tạo màu lông ở giống thỏ Himalaya như thế nào theo cơ chế sinh hoá?

A. Nhiệt độ cao làm gen tổng hợp mêlanin ở phần thân bị đột biến nên không tạo được mêlanin, làm lông ở thân có màu trắng.

B. Nhiệt độ cao làm biến tính enzim điều hoà tổng hợp mêlanin, nên các tế bào ở phần thân không có khả năng tổng hợp mêlanin làm lông trắng.

C. Nhiệt độ cao làm gen tổng hợp mêlanin hoạt động, nên các tế bào ở phần thân tổng hợp được mêlanin làm lông có màu trắng.

D. Nhiệt độ cao làm gen tổng hợp mêlanin không hoạt động, nên các tế bào ở phần thân không có khả năng tổng hợp mêlanin làm lông trắng.

Câu 5 (TH): Bệnh phêninkêtô niệu ở người do đột biến gen lặn nằm trên nhiễm sắc thể thường. Người mắc bệnh có thể biểu hiện ở nhiều mức độ năng nhẹ khác nhau phụ thuộc trực tiếp vào

A. Hàm lượng phêninalanin có trong máu.

B. Hàm lượng phêninalanin có trong khẩu phần ăn.

C. Khả năng chuyển hoá phêninalanin thành tirôxin.

D. Khả năng thích ứng của tế bào thần kinh não.

Câu 6 (TH). Chọn câu đúng trong các phát biểu sau

A. Cùng một kiểu gen có khi kiểu hình khác nhau

B. Kiểu gen như nhau chắc chắn có kiểu hình như nhau

C. Kiểu hình như nhau bao giờ cũng có cùng kiểu gen

D. Cùng một kiểu hình chỉ có một kiểu gen

Câu 7(NB): Thường biến là những biến đổi về

A. Cấu trúc di truyền.

B. Kiểu hình của cùng một kiểu gen.

C. Bộ nhiễm sắc thể.

D. Một số tính trạng.

Câu 8(TH): Cho 1 số hiện tượng biến dị sau ở sinh vật thường gặp trong tự nhiên:

1. Lúa lùn, cứng, có khả năng chịu được gió mạnh.

2. Bàng và xoan rụng lá vào mùa đông.

3. Cây ngô bị bạch tạng.

4. Cây hoa anh thảo đỏ thuần chủng khi trồng ở 350C thì ra hoa màu trắng.

Những biến dị thường biến là:

A. 1, 2                               B. 1, 3

C. 2, 3                               D. 2, 4

Câu 9 (TH): Ví dụ nào sau đây không phải là thường biến?

A. Sâu xanh ăn rau có màu xanh như lá rau.

B. Cây rau mác chuyển từ môi trường trên cạn xuống môi trường nước thì có thêm lá hình bán dài.

C. Con tắc kè hoa đổi màu theo nền môi trường.

D. Một số loài thú ở xứ lạnh về mùa đông có bộ lông dày màu trắng, về mùa hè lông thưa hơn và chuyển sang màu vàng hoặc xám.

Câu 10 (VD): Điều không đúng về điểm khác biệt giữa thường biến và đột biến là: Thường biến thì

A. Phát sinh do ảnh hưởng của môi trường như khí hậu, thức ăn... thông qua trao đổi chất.

B. Di truyền được và là nguồn nguyên liệu của chọn giống cũng như tiến hóa.

C. Biến đổi liên tục, đồng loạt, theo hướng xác định, tương ứng với đều kiện môi trường.

D. Bảo đảm sự thích nghi của cơ thể trước sự biến đổi của môi trường.

Câu 11 (TH): Các cây hoa cẩm tú cầu mặc dù có cùng một kiểu gen nhưng màu hoa có thể biểu hiện ở các dạng trung gian khác nhau giữa màu tím và đỏ tùy thuộc vào độ pH của đất. Có bao nhiêu phát biểu dưới đây là đúng khi nói về hiện tượng trên?

(1) Màu hoa cẩm tú cầu có thể biểu hiện ở các dạng trung gian khác nhau giữa màu tím và đỏ gọi là sự mềm dẻo kiểu hình.

(2) Sự biểu hiện màu hoa khác nhau là do sự tác động cộng gộp.

(3) Tập hợp các màu sắc khác nhau của hoa cẩm tú cầu tương ứng với từng môi trường khác nhau được gọi là mức phản ứng.

(4) Sự thay đổi độ pH của đất đã làm biến đổi kiểu gen các cây hoa cẩm tú cầu dẫn đến sự thay đổi kiểu hình.

A. 3                                   B. 4

C. 2                                   D. 1

Câu 12(NB): Mức phản ứng của một kiểu gen được xác định bằng

A. Số cá thể có cùng một kiểu gen đó.

B. Số alen có thể có trong kiểu gen đó.

C. Số kiểu gen có thể biến đổi từ kiểu gen đó.

D. Số kiểu hình có thể có của kiểu gen đó.

Câu 13 (TH): Khi nói về mức phản ứng của kiểu gen, phát biểu nào sau đây là đúng?

A. Tập hợp các kiểu hình của cùng một kiểu gen tương ứng với các môi trường khác nhau được gọi là mức phản ứng của kiểu gen.

B. Có thể xác định mức phản ứng của một kiểu gen dị hợp ở một loài thực vật sinh sản hữu tính bằng cách gieo các hạt của cây này trong môi trường khác nhau rồi theo dõi các đặc điểm của chúng.

C. Các cá thể của một loài có kiểu gen khác nhau, khi sống trong cùng một môi trường thì có mức phản ứng giống nhau.

D. Mức phản ứng của một kiểu gen là tập hợp các phản ứng của một cơ thể khi điều kiện môi trường biến đổi.

Câu 14 (TH): Khi nói về mức phản ứng, điều nào sau đây không đúng?

A. Mức phản ứng là giới hạn thường biến của cùng một kiểu gen.

B. Ở giống thuần chủng, các gen đều có mức phản ứng giống nhau.

C. Mức phản ứng do kiểu gen quy định nên di truyền được.

D. Tính trạng chất lượng thường có mức phản ứng hẹp.

Câu 15 (TH): Khi nói về mức phản ứng, nhận định nào sau đây không đúng

A. Mức phản ứng có thể di truyền được.

B. Mức phản ứng là hiện tượng kiểu hình của một cơ thể có thể thay đổi trước các điều kiện môi trường khác nhau.

C. Tính trạng số lượng thường có mức phản ứng rộng, tính trạng chất lượng thường có mức phản ứng hẹp.

D. Để xác định mức phản ứng của một kiểu gen người ta phải tạo ra các cá thể sinh vật có cùng một kiểu gen.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1 C 6 A 11 C
2 A 7 B 12 D
3 B 8 D 13 A
4 B 9 A 14 B
5 A 10 B 15 B

Câu 1 :

Mối quan hệ giữa gen và tính trạng là Gen (ADN) → mARN → Pôlipeptit → Prôtêin → Tính trạng

Theo trình tự truyền thông tin di truyền từ gen biểu hiện thành tính trạng.

Chọn C

Câu 2 : 

Kiểu hình được biểu hiện ra phụ thuộc vào sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường.

Chọn A

Câu 3 :

Phương pháp

Gen quy định màu lông của thỏ Himalaya chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ.

Cách giải

Ở thỏ Himalaya bình thường, các vị trí tiếp xúc với nhiệt độ thấp sẽ mọc ra màu lông đen do có khả năng tổng hợp được sắc tố melanin. Tính trạng màu lông của thỏ chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường, nếu cạo ít lông trắng ở lưng rồi chườm nước đá vào đó liên tục thì lông mọc ở đó lại có màu đen.

Chọn B

Câu 4 :

Phương pháp

Ở thỏ Himalaya bình thường, các vị trí tiếp xúc với nhiệt độ thấp sẽ mọc ra màu lông đen do có khả năng tổng hợp được sắc tố melanin, nếu cạo ít lông trắng ở lưng rồi chườm nước đá vào đó liên tục thì lông mọc ở đó lại có màu đen.

Cách giải

Nhiệt độ cao làm biến tính enzim điều hoà tổng hợp mêlanin, nên các tế bào ở phần thân không có khả năng tổng hợp mêlanin làm lông trắng.

Chọn B

Câu 5 :

Phương pháp

Người bị bệnh phêninkêtô niệu thiếu hụt enzim chuyển hóa axit amin Phenylalanyl (Phe) thành Tyrosine (Tyr). Do đó phenylalanyl tích tụ gây ra các triệu chứng bệnh.

Cách giải

Người mắc bệnh có thể biểu hiện ở nhiều mức độ năng nhẹ khác nhau phụ thuộc trực tiếp vào hàm lượng phêninalanin có trong máu.

Chọn A

Câu 6 .

Phương pháp

Kiểu hình là kết quả của sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường.

Cách giải

Cùng một kiểu gen nhưng sống ở môi trường khác nhau thì sự tương tác giữa KG và môi trường có thể tạo ra kiểu hình khác nhau.

Chọn A

Câu 7:

Thường biến là những biến đổi về kiểu hình của cùng một kiểu gen.

Chọn B

Câu 8:

Phương pháp

Những biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen, phát sinh trong quá trình phát triển cá thể dưới ảnh hưởng của điều kiện môi trường, không do biến đổi trong kiểu gen được gọi là thường biến.

Cách giải

Hiện tượng thường biến là hiện tượng cơ thể sinh vật có những biến đổi nhất định khi điều kiện môi trường thay đổi.

→ Hiện tượng 2 và 4.

Chọn D

Câu 9 :

Phương pháp

Những biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen, phát sinh trong quá trình phát triển cá thể dưới ảnh hưởng của điều kiện môi trường, không do biến đổi trong kiểu gen được gọi là thường biến.

Cách giải

Sâu xanh ăn rau có màu xanh như lá rau không phải là hiện tượng thường biến.

Chọn A

Câu 10 :

Đột biến di truyền được và là nguồn nguyên liệu của chọn giống cũng như tiến hóa còn thường biến thì không di truyền được.

Chọn B

Câu 11 :

Mềm dẻo kiểu hình: là hiện tượng 1 kiểu gen có thể thay đổi kiểu hình trước các điều kiện môi trường khác nhau.

Mức phản ứng của gen là tập hợp các kiểu hình của gen đó trong các môi trường khác nhau.

(1), (3) đúng

(2) sai vì sự biểu hiện màu hoa phụ thuộc pH của đất, không phải do tương tác cộng gộp

(4) sai vì KG của cây không bị biến đổi, sự thay đổi kiểu hình là do KG tương tác với các môi trường khác nhau tạo thành.

Chọn C

Câu 12:

Phương pháp

Tập hợp các kiểu hình của cùng 1 kiểu gen tương ứng với các môi trường khác nhau gọi là mức phản ứng của một kiểu gen.

Cách giải

Mức phản ứng của một kiểu gen được xác định bằng Số kiểu hình có thể có của kiểu gen đó.

Chọn D

Câu 13 :

Phát biểu đúng là A.

B sai, đem hạt của cây này tức là đã đem đời con của cây đi làm thí nghiệm, đời con của cây dị hợp tử sẽ có nhiều kiểu gen khác nhau.

C sai, các cá thể của 1 loài có kiểu gen khác nhau khi sống trong cùng môi trường sẽ có kiểu hình khác nhau, không thể gọi là mức phản ứng giống nhau vì mức phản ứng là xét trên 1 kiểu gen nhất định trong các môi trường khác nhau.

D sai. Mức phản ứng của một kiểu gen là tập hợp các kiểu hình chứ không phải phản ứng.

Chọn A

Câu 14 :

Phát biểu sai là B

Giống thuần chủng là cơ thể có kiểu gen đồng hợp (đồng hợp trội - đồng hợp lặn).

Các cơ thể đồng hợp có kiểu gen khác nhau thì có mức phản ứng khác nhau trước môi trường (mức phản ứng do kiểu gen quy định, đồng thời nó chịu ảnh hưởng từ cả môi trường).

Chọn B

Câu 15 :

Phương pháp

Tập hợp các kiểu hình của cùng 1 kiểu gen tương ứng với các môi trường khác nhau gọi là mức phản ứng của một kiểu gen.

Cách giải

Hiện tượng kiểu hình của một cơ thể có thể thay đổi trước các điều kiện môi trường khác nhau là thường biến.

Chọn B

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close