Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm truyện Kiều lớp 8

1. Mở bài: - Giới thiệu tác phẩm văn học "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. - Giới thiệu được vấn đề nghị luận ở dạng khái quát nhất và định hướng đi, phạm vi của bài viết: Lòng hiếu thảo với cha mẹ.

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: 

- Giới thiệu tác phẩm văn học "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.

- Giới thiệu được vấn đề nghị luận ở dạng khái quát nhất và định hướng đi, phạm vi của bài viết: Lòng hiếu thảo với cha mẹ.

2. Thân bài:

a. Giải thích

Hiếu thảo: là tình cảm yêu thương, kính trọng của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình; bên cạnh đó, còn là việc đối xử tốt với các thành viên và có hành động đền ơn đáp nghĩa, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà lúc về già.

b. Phân tích

- Biểu hiện của lòng hiếu thảo:

Nghe lời ông bà, cha mẹ, lễ phép với mọi người trong gia đình, sống và yêu thương mọi người dưới một mái nhà.

Có ý thức học tập, rèn luyện bản thân theo hướng tích cực cũng như có ý thức giúp đỡ ông bà, cha mẹ từ những việc nhỏ nhất.

Có hành động đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công sinh thành, không tranh giành, ghen ghét, đấu đá với các anh chị em.

- Ý nghĩa của lòng hiếu thảo:

Lòng hiếu thảo giúp con người ta gắn kết với nhau hơn, gia đình hòa thuận, vui vẻ, tràn ngập hạnh phúc.

Việc mỗi người sống có lòng hiếu thảo sẽ giúp chúng ta rèn luyện được những phẩm chất tốt đẹp khác và sống có ích hơn.

Xã hội có những con người sống với lòng hiếu thảo là một xã hội phát triển tốt đẹp. Những hành động thể hiện sự hiếu thảo giúp các thành viên trong gia đình thêm đoàn kết hơn, gắn bó hơn đồng thời để thế hệ đi sau học tập và noi theo.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng là những con người, những hành động sống với lòng hiếu thảo.

3. Kết bài:

Tổng kết, đánh giá lại vấn đề. Liên hệ bản thân.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Vấn đề xã hội được đề cập đến trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du có thể kể đến đó là lòng hiếu thảo đối với cha mẹ.

Lòng hiếu thảo là thái độ, tình cảm, là cách ứng xử, đối đãi của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Một người con hiếu thảo luôn biết nghe lời, làm cha mẹ vui lòng và biết quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi đau ốm. Một người cháu hiếu thảo luôn biết hỏi thăm sức khỏe ông bà, phụng dưỡng khi về già. Đôi khi lòng hiếu thảo chỉ đơn giản là sự hỏi han, một cử chỉ ân cần, một hành động yêu thương, đó cũng là hiếu thảo. Lòng hiếu thảo chẳng thể đong đếm được bởi cách cảm nhận của mỗi người là khác nhau, cách thể hiện cũng khác nhau, tuy nhiên chỉ cần đó là lòng hiếu thảo của con cháu thì bất kỳ ông bà hay cha mẹ nào cũng đều cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc. Chúng ta chỉ có một cha mẹ trên đời, vì thế phải trở thành một người con hiếu thảo để báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ, đừng để mình trở thành một người con bất hiếu khiến cha mẹ buồn lòng. Lòng hiếu thảo không chỉ giúp chúng ta đáp đền công lao sinh thành mà còn nuôi dưỡng trong chúng ta những tình cảm tốt đẹp. Khi biết yêu thương ông bà, cha mẹ chúng ta mới có thể yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh mình. 

Chúng ta hãy là những người con hiếu thảo, một người giàu lòng nhân ái để không công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Thi phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của lòng hiếu thảo của mỗi người con đối với cha mẹ trong cuộc sống,

Lòng hiếu thảo là một phẩm chất vô cùng quý báu của con người, là tinh hoa tinh túy của tình cảm gia đình. Nó được hình thành và nuôi dưỡng từ những năm tháng đầu đời, khi ta nhận thức về tình yêu thương từ cha mẹ và những người thân xung quanh. Lòng hiếu thảo không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là sự biết ơn và lòng tri ân chân thành đối với những người đã đưa ta đến với cuộc sống này. Có lòng hiếu thảo, ta luôn quan tâm, chăm sóc và đặt lợi ích của cha mẹ lên trên hết. Ta sẵn lòng hy sinh, làm mọi việc có thể để đáp lại công ơn và lòng ân cần mà họ đã dành cho ta. Không chỉ với cha mẹ, lòng hiếu thảo còn mở rộng đến những người thân khác trong gia đình, những người đã đóng góp, chia sẻ và chăm sóc ta trong cuộc sống. Lòng hiếu thảo cũng là điểm đáng tự hào của mỗi người, nó thể hiện tinh thần tôn kính và biết ơn đối với tổ tiên, đồng thời gắn kết các thế hệ lại gần nhau hơn. 

Hãy nhớ rằng lòng hiếu thảo không chỉ là trách nhiệm, mà là món quà vô giá mà chúng ta có thể dành tặng cho những người thân yêu. Để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, hãy trân trọng và nuôi dưỡng lòng hiếu thảo trong từng hành động, từng lời nói và cách cư xử của chúng ta.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Qua tác phẩm “Truyện Kiều”, nhà thơ Nguyễn Du đã gửi gắm tới độc giả về tầm quan trọng của lòng hiếu thảo trong cuộc sống.

Là một người con, chúng ta phải luôn yêu thương, hiếu thảo với đấng sinh thành. Có thể thấy, cha mẹ đã đồng hành, bảo vệ và che chở chúng ta trên từng bước đường. Họ dành tất cả tình thương cho con cái bé bỏng mà không đòi hỏi được đền đáp. Bởi vậy, đứng trước tấm lòng cao rộng như trời bể của cha mẹ, chúng ta phải biết nâng niu, quý trọng. Khi thấy cha mẹ mệt mỏi, mỗi người hãy chú ý hỏi thăm sức khỏe và giúp đỡ các công việc đơn giản như: nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa,... Đôi lúc, vì cuộc sống mưu sinh vất vả nên cha mẹ thường hay nóng tính, bực bội. Những khi ấy, chúng ta cần thấu hiểu cho cảm xúc của họ. 

Cuối cùng, hãy cố gắng học hành, tu dưỡng đạo đức, lối sống tốt đẹp để cha mẹ luôn vui lòng nhé!

Bài tham khảo Mẫu 1

Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam ta luôn sống với đạo lí lấy chữ Hiếu làm cốt. Chữ hiếu có vai trò quan trọng trong đời sống con người dù ở thời đại nào đi nữa. Có thể thấy, chữ hiếu trong lòng hiếu thảo mang một ý nghĩa to lớn đối với đồng bào ta.

Vậy lòng hiếu thảo có ý nghĩa là gì? Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ có nghĩa là tình cảm, thái độ kính trọng, tôn thờ, biết ơn cha mẹ của mình. Lòng hiếu thảo thể hiện phẩm chất đạo đức tốt mà chúng ta cần có, là nghĩa vụ mà chúng ta phải làm. Nó còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức của con người. Mỗi chúng ta được sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục nên người đều là nhà công lao vất vả, to lớn của cha mẹ. Khi nhận về phải biết cho đi, đề đáp những công ơn, tình cảm cao đẹp đó một cách trọn vẹn nhất. Bản thân chúng ta khi cha mẹ còn sống khỏe mạnh, phận làm con phải biết yêu thương, tôn thờ và kính trọng. Phải biết chăm sóc cha mẹ đỡ đần thuốc thang khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Khi chúng ta sống với lòng hiếu thảo, không chỉ khiến gia đình ta hạnh phúc mà nó còn là tiền đề quan trọng để tạo dựng tinh thần đoàn kết, lan tỏa thông điệp đạo đức tốt đẹp, tích cực ra xã hội.

Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội hiện nay vẫn còn xuất hiện những đứa con bất hiếu, vong ơn bội nghĩa, phủi bỏ, vội vàng quên đi những tháng năm cha mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ nên người. Lại có những kẻ này còn quay ngược lại chửi mắng đánh đập, đôi khi còn tàn nhẫn hơn đó chính là giết chính cha mẹ của mình. Hoặc đôi khi có những nơi có tục lệ rất cổ hủ như khi cha mẹ già yếu thì theo tập tục thì những người con phải mang cha mẹ mang bỏ lên núi bơ vơ một mình… những con người và những hành động này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án.

Lòng hiếu thảo là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người mà ai ai cũng nên có. Chúng ta cần yêu thương, tôn thờ, chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật… cha mẹ chỉ có một, những gì họ hi sinh cho ta xứng đáng nhận được sự đền đáp trọn vẹn.

Bài tham khảo Mẫu 2

Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn, không sao kể xiết. Vì vậy, những người làm con khi đã khôn lớn, trưởng thành phải luôn ghi nhớ công lao trời biển ấy và báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng như những lời trong câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Bất kể ai cũng vậy, từ khi mới chào đời ta đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và những người xung quanh. “Mang nặng đẻ đau” chín tháng mười ngày để rồi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Còn gì vui sướng hơn khi sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, thiên thần của cha mẹ đã ra đời. Và cũng từ đó, cha mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc con, lo cho con tất cả mọi thứ, thức trắng đêm trông nom khi con ốm. Cứ như vậy cho đến khi con “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, thời gian trôi con lớn dẫn trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ còn cha mẹ thì vất vả hơn vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho con. Nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng biết đó là cho dù vất vả, nặng nhọc đến đâu chỉ cần những đứa con luôn vui tươi, khỏe mạnh thì đó đã là niềm động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm cha, làm mẹ rồi.

Công lao của cha mẹ thật vô cùng lớn lao, chính vì vậy con cái cần làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ, bổn phận của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học tập rèn luyện để cha mẹ được vui lòng. Tuy còn nhỏ, chưa thể giúp gì nhiều cho cha mẹ nhưng việc phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi chính là món quà to lớn dành cho cha mẹ của mình. Mặc dù có nhiều lúc cha mẹ có quát mắng ta nhưng suy cho cùng, những bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Có thể khi đó, chúng ta còn quá nhỏ để hiểu được một cách sâu xa những lời quát mắng đó là muốn tốt cho mình, nhưng khi đã trưởng thành, ta thầm cảm ơn những lời quát mắng đó đã giúp ta hiểu ra nhiều điều hơn. Khi con cái dần trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ngày càng già yếu đi, đây chính là lúc những người làm con cần làm làm tròn chữ hiếu của mình, đó là phải phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo cho cha mẹ của mình, có như vậy mới làm tròn chữ hiếu của đạo làm con.

Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn, mặc dù vẫn đầy đủ về cuộc sống vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn.

Một lần nữa phải luôn tự nhắc nhở rằng, công lao, ơn nghĩa của cha mẹ là không gì có thể sánh nổi. Những người làm con phải luôn ghi nhớ công lao ấy và phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, đừng để khi cha mẹ mãi mãi không còn trên thế gian này nữa thì mọi sự báo đáp cũng đã muộn rồi.

Bài tham khảo Mẫu 3

Ca dao xưa có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” để nhắc nhở con người về công lao của cha mẹ. Thật vậy, lòng hiếu thảo chính là một trong những đức tính cơ bản và quý báu nhất mà mỗi người cần có. 

Trên thế gian có thể tồn tại rất nhiều định nghĩa khác nhau nhưng suy cho cùng, lòng hiếu thảo chính là tấm lòng yêu thương, kính trọng, biết ơn mà con cháu dành cho ông bà cha mẹ. Hiểu rộng hơn, hiếu thảo còn là biết tự hào về nguồn cội, gốc gác của mình, nhớ ơn tổ tiên và những người đi trước. Đối với dân tộc ta, hiếu thảo đã trở thành một truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thấm nhuần trong mỗi con người. Lòng hiếu thảo được thể hiện ở rất nhiều biểu hiện cụ thể, đa dạng trong đời sống như thờ cúng tổ tiên, biết giúp đỡ và chăm sóc ông bà cha mẹ, chia sẻ và thấu hiểu với những người lớn tuổi,… Lòng hiếu thảo có ý nghĩa vô cùng lớn lao, mang lại những giá trị tích cực cho đời sống con người. Cha mẹ là những người đã cho ta sự sống, nuôi dưỡng và giáo dục ta nên người nên hiếu thảo chính là trách nhiệm của mỗi người con trên thế giới này. Hiếu thảo thể hiện sự tri ân, thấu hiểu của con cái dành cho bậc sinh thành. Đó là đạo lí căn bản mà con người cần thực hiện bởi nếu không biết không yêu thương những người thân thì ta không thể yêu thương bất kì ai khác. Không chỉ vậy, hiếu thảo còn là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình, xóa nhòa đi khoảng cách thế hệ, giúp mọi người thấu hiểu nhau hơn. Ngoài ra, việc sống có lòng hiếu thảo còn giúp tâm hồn con người tốt đẹp lên mỗi ngày, bồi đắp cho ta nhiều đức tính khác như: chăm chỉ, đồng cảm, vị tha,… Nhờ có lòng hiếu thảo, con người được tiếp theo động lực để phấn đấu trong cuộc đời. Người có lòng hiếu thảo sẽ giữ được sự yên bình trong tâm hồn, nhận được sự yêu mến từ cộng đồng. Một dẫn chứng tiêu biểu cho lòng hiếu thảo chính là câu chuyện về nhà bác học Edison. Ngày nhỏ, nhờ có sự dạy dỗ và yêu thương của mẹ mà Edison đã không từ bỏ việc học, tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu. Khi đã thành công, ông nói: “Mẹ là người tạo ra tôi. Bà khiến tôi cảm thấy có động lực sống, là người khiến tôi luôn cố gắng để không gây thất vọng". Trong cuộc sống, vẫn tồn tại những người không hiếu thảo, vô ơn với ông bà cha mẹ. Đó là những hiện tượng đáng phê phán. 

Như vậy, lòng hiếu thảo là phẩm chất tốt đẹp. Hãy thể hiện nó bằng cách yêu thương người thân ngay từ những điều bình dị nhất để mỗi gia đình trở nên hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close