Viết bài văn phân tích bài thơ Thu vịnh lớp 101. Mở bài: - Nguyễn Khuyến có nhiều bài thơ viết về mùa thu. Chùm thơ thu nổi tiếng đã góp phần tôn vinh tên tuổi tác giả lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về quê hương làng cảnh Việt Nam. Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa... Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết 1. Mở bài - Nguyễn Khuyến có nhiều bài thơ viết về mùa thu. Chùm thơ thu nổi tiếng đã góp phần tôn vinh tên tuổi tác giả lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về quê hương làng cảnh Việt Nam. - Trong chùm thơ đó thì bài Thu vịnh tiêu biểu nhất, in đậm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Khuyến. 2. Thân bài + Hai câu đề: "Trời thu xanh ngắt mấy từng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu." - Mở đầu là hình ảnh bầu trời mùa thu xanh ngắt và cao vời vợi. Xanh ngắt là xanh thăm thẳm một màu; mấy từng cao là tưởng như bầu trời có nhiều lớp, nhiều tầng. - Nghệ thuật lấy điểm tả diện, lấy động tả tĩnh trong câu thứ hai thường thấy trong thơ cổ điển, được Nguyễn Khuyến vận dụng rất tự nhiên và phù hợp. Cần trúc thanh mảnh khẽ đong đưa trước ngọn gió hắt hiu (gió nhẹ) càng tôn thêm vẻ mênh mông của bầu trời mùa thu. + Hai câu thực: "Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào." - Nước biếc là màu đặc trưng của nước mùa thu (trong xanh). Lúc sáng sớm và chiều tối, mặt ao hồ thường có sương, trông như tầng khói phủ. Cảnh vật quen thuộc, bình dị trở nên huyền ảo. - Hình ảnh Song thưa để mặc bóng trăng vào có sự tương phản giữa cái hữu hạn (song thưa) và cái vô hạn (bóng trăng), do vậy mà tứ thơ rộng mở, mênh mông ý nghĩa. - Cảnh vật trong bốn câu thơ trên được nhà thơ miêu tả ở những thời điểm khác nhau trong ngày, nhưng mối dây liên hệ giữa chúng lại là sự nhất quán trong cảm xúc của tác giả. + Hai câu luận: "Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào." - Tâm trạng hoài cổ chi phối cách nhìn, cách nghĩ của nhà thơ. Hoa năm nay mà nghĩ là hoa năm ngoái. Tiếng ngỗng trời kêu quen thuộc mỗi độ thu về khiến nhà thơ giật mình, băn khoăn tự hỏi ngỗng nước nào? - Âm điệu câu thơ 4/1/2 như chứa chất bâng khuâng, suy tư. Nhà thơ quan sát cảnh vật với một nỗi niềm u uất. + Hai câu kết: "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào." - Thi hứng dạt dào thôi thúc nhà thơ cầm bút, nhưng phần lý trí bừng thức khiến nhà thơ chợt thấy thẹn với ông Đào. (Tức Đào Tiềm, nhà thơ nổi tiếng đời Đường bên Trung Quốc). - Nguyễn Khuyến thẹn về tài thơ thua kém hay thẹn vì không có được khí tiết cứng cỏi như ông Đào ? Nói vậy nhưng Nguyễn Khuyến vẫn sáng tác nên bài Thu vịnh để đời. - Câu thơ cuối bỏ lửng khơi gợi suy ngẫm của người đọc. 3. Kết bài - Thu vịnh là một bài thơ hay, góp phần khẳng định tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước trong thơ Nguyễn Khuyến - Trình độ nghệ thuật của bài thơ đã đạt tới mức điêu luyện, khó ai sánh kịp. Bài siêu ngắn Mẫu 1 Nguyễn Khuyến- một nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, những khung cảnh, đời sống của làng quê được ngòi bút tinh tế của ông khắc lên vừa có hồn lại vừa vẻ nên được những bức ảnh làng quê vô cùng lãng mạn, trữ tình. Đặc biệt là chùm thơ thu, với Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm đã để lại những dấu ấn khá sâu đậm và đi vào lòng người bằng những hình ảnh, những nét đặc trưng tiêu biểu của mùa thu. Và với bài thơ thu vịnh, Nguyễn Khuyến cho thấy một tâm sự u hoài, một tấm lòng xót xa trước cảnh, kín đáo, bày tỏ một tình cảm yêu nước chân thành. “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.” Ở đây, khác hẳn với những trời thu trong “thu điếu” và “thu ẩm”, trời thu của thu vịnh được mở đầu là một khung cảnh cao vút và thăm thẳm của trời thu, và xen vào đó là cái se se lạnh của mùa thu. Với cái nền là bầu trời bao la “xanh ngắt”, “ mấy tầng cao” nổi bật lên hình ảnh thanh tú của cần trúc đang đong đưa khe khẽ trước gió thu. Và hình ảnh động của gió hắt hiu như chứa chất tâm trạng bên trong. Mở đầu như vậy khiến cho người đọc có thể phần nào thấy được một nỗi lòng đầy lo âu. Sự lay động rất nhẹ của cần trúc càng làm tăng thêm cái lặng thinh, sâu thẳm của bầu trời. Hai câu đề chấm phá hai nét phong cảnh đơn sợ, thanh thoát nhưng hoà điệu nhịp nhàng với tâm hồn tác giả. Nhà thơ đã vẽ lên một khung cảnh trời thu vừa có cảnh thực là vừa có hồn thu ở trong cảnh. “Nước biếc trông như tầng khói phủ Song thưa để mặc bóng trăng vào.” Nước biếc là màu nước đặc trưng của mùa thu khi khí trời bắt đầu se lạnh. Sáng sớm và chiều tối, trên mặt ao, mặt hồ có một lớp sương mỏng trông như khói phủ làm cho người đọc có cảm giác cảnh mùa thu được chen lẫn với màu khói. Và chính cái cảnh mặt nước khói sương bình thường ấy qua con mắt và tâm hồn thi sĩ đã trở thành một dáng thu ngâm vịnh. Tầng khói phủ khác làn khói phụ vì sương đã trở nên dày hơn, nhiều lớp hơn, có chiều cao, độ sâu, như chất chứa cái gì đó ở bên trong. Chỉ bằng vài nét chấm phá nho nhỏ của mùa thu đã khiến cho mùa thu như có hồn và sự hòa quyện giữa cảnh thu và lòng người đi vào trong lòng người đọc. Nếu ở câu trên là một trạng thái có chiều cao, có độ sâu thì ở câu này lại là một trạng thái mở ra thành một bề rộng. “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?” Nếu như cảnh vật ở 4 câu thơ trên được miêu tả qua con mắt nhìn có vẻ khách quan, đầy cảm xúc của trái tim. Nghệ thuật đảo ngữ làm nổi bật hình ảnh "mấy chùm” hoa và “một tiếng” ngỗng. Hình ảnh “hoa năm ngoái” có sức gợi tả mạnh; “hoa năm ngoái” có nghĩa là hoa vẫn là hoa y như năm ngoái mà nước hôm nay thì đã trở thành "nước nào”. Và tiếng ngỗng ở đây, về nghệ thuật, là lấy cái động để diễn tả cái tĩnh. Cảm giác khi nghe tiếng ngỗng trên không văng vẳng mà giật mình băn khoăn tự hỏi: ngỗng nước nào? Mặc dù âm thanh ấy đã quá quen thuộc mỗi độ thu về. Và nếu như 4 câu thơ trên sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người có sự kết hợp hài hòa thì đến 2 câu thơ này, là một nỗi u uất của lòng người trước cảnh vật thiên nhiên, là nỗi niềm xót xa, nẫu ruột, chết lòng. Và rồi đến 2 câu thơ kết của của bài thơ là cảm hứng và nỗi thẹn của nhà thơ “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.” “Nhân hứng” ở đây chính là hứng làm thơ trước cảnh mùa thu, “toan cất bút” định không viết nhưng trước cảnh đẹp thì lại tạo được hứng khởi để viết. “Nghĩ ra" tức là ý thức, là lý trí, là tỉnh. Nguyễn Khuyến rất say mà rất tỉnh. Ông say trước cảnh đẹp của mùa thu, nhưng ông vẫn tỉnh trước lương tâm của mình. Cho nên, ông nói được là thẹn. Nhưng thẹn với ai? Có lẽ thẹn vì tài thơ thua kém hay thẹn vì mình chưa có được nhân cách trong sáng và khí phách cứng cỏi như Đào Tiềm? Với hướng văn đi từ cảnh đến tình, từ tình đến người và rồi là cái kết có chút lẳng lơ nhưng mà lại vô cùng kín đáo ẩn chứa rất nhiều suy tư của người đọc. Thu vịnh của Nguyễn Khuyến không chỉ khắc họa bức tranh mùa thu thôn dã đẹp bình dị, mộc mạc mà gần gũi, qua đó còn thể hiện cái tâm của người thi sĩ yêu làng quê Bài siêu ngắn Mẫu 2 Nguyễn Khuyến có nhiều bài thơ viết về mùa thu bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thu vịnh là một trong ba bài thơ Nôm nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Chùm thơ này đã tôn vinh Nguyễn Khuyến lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về mùa thu của quê hương, làng cảnh Việt Nam. Mở đầu bài thơ là hình ảnh bầu trời bao la, bát ngát: “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.” Xanh ngắt là xanh thăm thẳm, mấy từng cao là rất cao, tưởng như có nhiều lớp, nhiều tầng. Trên cái nền là bầu trời bao la nổi bật lên hình ảnh thanh tú của cần trúc (cây trúc non dáng cong cong như chiếc cần câu) đang đong đưa khe khẽ trước gió thu. Giô hắt hiu là gió rất nhẹ và như chứa chất tâm trạng bên trong. Tất cả dường như có một mối cảm thông thầm lặng, sâu kín, tinh tế và khó nắm bắt… Sự lay động rất nhẹ của cần trúc càng làm tăng thêm cái lặng thinh, sâu thẳm của bầu trời. Bầu trời lại như dồn hết cái sâu lắng vào bên trong cần trúc, để cho nó vừa như đong đưa mà cũng vừa như đứng yên. Đó là nét động và nét tĩnh của cảnh thu. Hai câu đề chấm phá hai nét phong cảnh đơn sơ nhưng hoà điệu nhịp nhàng với tâm hồn thi sĩ. Trong đó, mọi chi tiết, sắc màu, đường nét, cử động đều rất hài hoà. Nhà thơ mới nói đến trời thu nhưng ta đã thấy cả hồn thu trong đó. “Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào.” Nước biếc là màu nước đặc trưng của mùa thu khi trời bắt đầu se lạnh. Sáng sớm và chiều tối, trên mặt ao, mặt hồ có một lớp sương mỏng trông như khói phủ. Cảnh mặt nước khói sương bình thường ấy qua con mắt và tâm hồn nhà thơ đã trở thành một dáng thu ngâm vịnh. Mỗi cảnh một vẻ đẹp khác nhau, nhưng mối dây liên kết giữa chúng lại chính là sự nhất quán trong tâm tư tác giả. Ngòi bút cũng theo diễn biến tâm tư mà chọn ra mấy nét điển hình kia. Tâm trạng chủ đạo ấy chi phối cách nhìn, cách nghĩ của Nguyễn Khuyến: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?” Sau khi nhìn mặt nước khói phủ, ngắm ánh trăng tràn qua song thưa, nhà thơ trông ra bờ giậu ngoài sân, ở đó, nở mấy chùm hoa. Điều lạ là bỗng dưng, nhà thơ cảm thấy đó là hoa năm ngoái. Ở trên, cảnh vật đã được miêu tả qua con mắt nhìn có vẻ khách quan, đến đây cảm xúc của trái tim đã khoác lên cảnh vật màu sắc chủ quan. Hoa nở trước mắt hẳn hoi mà cảm thấy là hoa năm ngoái. Điều gì đã xảy ra trong lòng người? Con người đang ở trong hiện tại mà như lùi về quá khử hay bóng dáng quá khứ hiện về trong thực tại? Mùa thu tới, nhà thơ nhìn hoa trước sân, nghe tiếng chim kêu trên trời vẳng xuống mà trỗi dậy cả một niềm xót xa, lặng lẽ mà như nẫu ruột, chết lòng. Chiều sâu của tâm hồn thi sĩ lắng đọng vào chiều sâu của câu thơ là vậy. Trước cảnh thu và hồn thu khiến thi hứng dạt dào, nhà thơ toan cất bút, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bỗng nhiên thấy thẹn với ông Đào nên đành thôi: “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.” Nhà thơ thẹn nỗi gì vậy? Thẹn vì tài thơ thua kém, hay là thẹn vì mình chưa có được nhân cách trong sáng và khí phách cứng cỏi như Đào Tiềm? Logic của bài thơ là từ cảnh đến tình, từ tình đến người. Lời thơ trong câu kết có cái gì đó lửng lơ mà kín đáo, do đó càng làm tăng thêm chất suy tư của cả bài thơ. Nguyễn Khuyến miêu, tả cảnh thu ở quê hương mình, từ mày trời, ngọn trúc, mặt nước, ánh trăng đến chùm hoa trước giậu, tiếng ngỗng trên không… để dẫn đến cảm xúc đầy suy tư ẩn chứa trong cảnh vật. Thông qua đó, ông gửi gắm tâm trạng xót xa, tiếc nuối trước tình trạng đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm, quá khứ tốt lành không còn nữa mà mình thì lực bất tòng tâm. Thu vịnh là một bài thơ hay, góp phần khẳng định tình yêu quê hương đất nước trong thơ Nguyễn Khuyến, thể hiện qua tình yêu thiên nhiên tha thiết. Trình độ nghệ thuật của bài thơ đã đạt đến mức điêu luyện, tinh tế, không dễ mấy ai sánh được. Bài siêu ngắn Mẫu 3 Bài thơ Thu vịnh Nguyễn Khuyến hay còn được biết đến với tên gọi Vịnh mùa thu được đông đảo bạn đọc yêu thích. Đây là một trong 3 bài thơ nằm trong chùm Thu vịnh, thu điếu, thu ẩm đặc sắc. Mỗi bài thơ là một bức tranh mùa thu thủy mặc được diễn tả bằng ngôn từ. Đó chính là cảnh thu đồng bằng bắc bộ với những hình ảnh mang đặc trưng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài thơ thu vịnh để nắm được cái hay, nét đặc sắc nhất nhé! “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào. Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào? Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.” Bài thơ Thu vịnh đã được Xuân Diệu nhận xét là bài thơ hay nhất trong ba bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Bởi nó mang được cái hồn của mùa thu hơn cả, đó cũng chính là cái thanh, cái nhẹ, cái cao của nhà thơ. Nó mang cả tinh thần và cả cảnh mùa thu của miền Bắc và cũng chất chứa trong đó là nỗi u uẩn của thi nhân. Mùa thu xứ Bắc được tác giả khắc họa với bầu trời cao xanh. Đó là mùa thu của đất trời và cũng chính là mùa thu và là cảm xúc của thi nhân trước khung cảnh ấy. Không gian như được mở rộng hơn với các tầng cao. Nét cong ấy tạo được một không gian tuyệt đẹp. Nhưng nó cũng chứa đựng sự mềm mại thanh cao nhờ cần trúc vươn lên. "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào" Bức tranh ấy như thêm phần sống động và tinh tế hơn với màu nước biếc. Đó cũng là màu áo thu trong xanh. Chính việc sử dụng từ láy hắt hiu đã gợi được sự rung động của cành trúc hay đó cũng chính là tâm hồn và là sự rung động của thi nhân trước cảnh thu này. Bức tranh mùa thu sẽ không còn trọn vẹn nếu trong đó không chứa đựng hình ảnh của con người. đó cũng chính là tâm trạng của nhà thơ. Sở dĩ có điều này bởi khung cảnh đêm thu ấy có trăng là người bạn tri kỷ. Chính trăng đã làm cho bức tranh mùa thu thêm phần tươi sáng. Và các cảnh vật trong đó cũng thêm phần huyền ảo và mơ mộng. Ở đây ta có thể cảm nhận được hình ảnh thơ rất đậm chất Nguyễn Khuyến. “Hoa năm ngoái” thể hiện sự ngưng đọng và cũng là tâm trạng bất biến của thi nhân. Thêm vào đó ta cũng thấy được một nỗi buồn man mác. Nó bỗng trở nên xa lạ với “ngỗng nước nào”. Chính bức tranh ấy cũng đã chạm tới nỗi lòng của nhà thơ. Và nó làm nhà thơ thổn thức nỗi lòng. Đêm thu với khung cảnh tuyệt vời ấy đã tạo cảm hứng cho nhà thơ và cũng chính là nỗi niềm u uẩn của thi nhân. Trước khung cảnh ấy nhà thơ đã bộc lộ nỗi lòng mình. “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào? Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.” Đó chính là một nhân cách lớn của nhà thơ lớn. Ở đây có hình ảnh ông Đào tức là Đào Tiềm – một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Và nếu để xét tại sao Nguyễn Khuyến lại thẹn với ông Đào thì khó có thể giải thích được. Bởi xét về học vấn Nguyễn Khuyến chính là Tam nguyên Yên Đỗ nên không hề thua kém. Tuy nhiên có lẽ ông thẹn với Đào Tiết bởi vì khí tiết. Khí thế của ông Đào chính là sự nổi tiếng với tư cách quan dứt khoát trong xã hội Trung Quốc bấy giờ. Còn đối với Nguyễn Khuyến ông vẫn con nguôi hận vì những năm tháng đã tham gia chính quyền thối nát. Và câu thơ này đã thể hiện được một tấm lòng chân thực và cũng là nỗi niềm u uẩn của một nhân cách lớn. Bài tham khảo Mẫu 1 Nhắc đến thơ viết về đề tài tình yêu không thể không nhắc đến Xuân Diệu; nhắc đến thơ ca cách mạng không thể không nhắc đến Tố Hữu; còn nếu nhắc đến thơ viết về mùa thu, chúng ta không thể nào không nhắc tới cái tên Nguyễn Khuyến! Ông có cả một chùm thơ hay viết về mùa thu gồm 3 bài: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Cả ba bài trong chùm thơ thu đều lấy bối cảnh là làng cảnh quê hương tác giả. Đó là vùng đồng chiêm trũng Bình Lục một năm chỉ cấy được một mùa, còn lại toàn là ngập nước. Làng quê Bình Lục ấy cũng bình dị như biết bao làng quê thân thuộc khác, có vô số ao chuôm với những bờ tre quanh co bao bọc những mái tranh nghèo. Nếu như trong Thu điếu bức tranh mùa thu được cảm nhận theo chiều không gian từ gần rồi đến cao, xa thì ở Thu vịnh, nhà thơ thưởng thức bức tranh thu bắt đầu từ cao xuống thấp. Mở đầu bài thơ là hình ảnh bầu trời bao la, bát ngát, xanh trong rất điển hình của mùa thu nơi thôn dã: “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu” “Xanh ngắt” có nghĩa là xanh thăm thẳm, dường như trời thu trong thơ Nguyễn Khuyến luôn được bao phủ bởi sắc màu “xanh ngắt” ấy. Ví dụ như trong Thu ẩm ông viết: “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” Hay ở Thu điếu: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” Xanh ngắt là sắc xanh trong, mở ra một không gian rất rộng, rất cao. Đặc biệt, khi kết hợp với “mấy từng cao” càng làm không gian thêm bao la, thăm thẳm. Mấy từng cao gợi cho chúng ra cảm giác là rất cao, tưởng như có nhiều lớp, nhiều tầng. Trên cái nền là bầu trời bao la nổi bật lên hình ảnh thanh tú của cần trúc. Không phải là “khóm trúc” mà là “cần trúc”, là cây trúc non dáng cong cong như chiếc cần câu đang đong đưa khe khẽ trước gió thu “hắt hiu” thổi. Gió hắt hiu là gió rất nhẹ, gió thổi không vội vàng cũng nhưng cũng không lưu luyến, gợi lên chút cảm giác hững hờ. Đến cả gió thu cũng đậm chất thu, phảng phất buồn như chứa chất tâm trạng bên trong. Tất cả dường như có một mối cảm thông thầm lặng, sâu kín, tinh tế và khó nắm bắt. Giữa cái nền “xanh ngắt”, sự lay động rất nhẹ của cần trúc càng làm tăng thêm cái lặng thinh, sâu thẳm của bầu trời. Bầu trời lại như dồn hết cái sâu lắng vào bên trong cần trúc, để cho nó vừa như đong đưa mà cũng vừa như đứng yên. Đó là nét động và nét tĩnh của cảnh thu, cũng chính là biệt tài trong dụng nghệ lấy động tả tĩnh của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Thông qua hai câu đề này, nhà thơ đã chấm phá hai nét phong cảnh đơn sơ, thanh thoát nhưng hoà điệu nhịp nhàng với tâm hồn tác giả. Trong đó, mọi chi tiết, sắc màu, đường nét, cử động đều rất hài hoà. Nhà thơ mới chỉ nói đến trời thu nhưng ta đã thấy cả hồn thu trong đó vậy! “Nước biếc trông như tầng khói phủ Song thưa để mặc bóng trăng vào” Hai câu luận tiếp tục phác thảo rõ nét hơn cảnh sắc của mùa thu. Nước biếc là màu nước đặc trưng của mùa thu khi khí trời bắt đầu se lạnh. “Biếc” ở đây chỉ sắc xanh của nước: vừa xanh, vừa trong; còn gợi lên hình ảnh vừa tĩnh lặng vừa như sáng lấp lánh. Mùa thu, vào sáng sớm và chiều tối, trên mặt ao, mặt hồ có một lớp sương mỏng trông như khói phủ. Cảnh mặt nước khói sương bình thường ấy qua con mắt và tâm hồn thi sĩ đã trở thành một dáng thu ngâm vịnh. Cách sử dụng “tầng khói phủ” cũng đem lại hiệu ứng gợi hình, gợi cảm hơn hẳn. Không phải “làn” mà lại là “tầng”. Tầng khói phủ khác làn khói phủ vì sương đã trở nên dày hơn, nhiều lớp hơn, có chiều cao, độ sâu, như chất chứa cái gì đó ở bên trong. Nước biếc cỏ tầng khói phủ thì màu nước không còn biếc nữa mà hoà lẫn vào làn khói lam mờ, trở nên mông lung, huyền ảo. Cách so sánh này thấy sự rất độc đáo, rất thơ! Từ bầu trời nhìn xuống mặt nước, rồi lại từ mặt ngước lên bầu trời. Tuy nhiên, khung cảnh thu càng làm nên thơ mộng khi được dát lên mình màu trắng bạc của ánh trăng. Hình ảnh song thưa gợi ý thanh thoát, cởi mở. Bóng trăng vào qua song thưa để ngỏ thì bóng trăng trở nên mênh mông hơn, lặng lẽ hơn. Nếu ở câu trên là một trạng thái có chiều cao, có độ sâu thì ở câu này lại là một trạng thái mở ra thành một bề rộng, mặc dù bị giới hạn bởi khung cửa sổ song thưa mà vẫn cứ mênh mông ở ý nghĩa bên trong, ở tinh thần và âm điệu, những trạng thái nào thì cũng đều tĩnh mịch và chất chứa suy tư. Cảnh thu trong bốn câu thơ đầu được miêu tả ở những thời điểm khác nhau. Nhìn thấy màu trời xanh ngắt; cần trúc là lúc đang trưa; mặt nước biếc trông như tầng khói phủ là lúc hoàng hôn và bóng trăng tràn qua song thưa là lúc trời đã vào đêm... Cảnh sắc chuyển biến theo thời gian, nhưng lại nhất quán trong ý thơ, trong tâm tư của hồn thi sĩ. Đến hai câu thơ trong thực, tác giả viết: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái Một tiếng trên không, ngỗng nước nào” Sau khi nhìn mặt nước khói phủ lại đến ngắm ánh trăng tràn qua song thưa; lúc này nhà thơ trông ra bờ giậu ngoài sân thấy mấy chùm hoa đã nở. Hoa nở thì đâu có gì lạ? Điều lạ là bỗng dưng, nhà thơ cảm thấy đó là hoa năm ngoái. Nếu như ở 4 câu trên, cảnh vật được miêu tả qua con mắt nhìn có vẻ khách quan, thì đến đây cảm xúc của trái tim đã khoác lên cảnh vật màu sắc chủ quan. Rõ ràng là thấy hoa nở ngay trước mắt, nhưng nhà thơ lại cảm thấy đó là hoa nở từ năm ngoái. Phải chăng con người đang ở hiện tại mà như lùi về quá khứ? Hay quá khứ đang tìm về với thực tại mới đúng đây? Ở hai câu thơ này, âm điệu theo nhịp 4/1/2. Từ “Mấy chùm trước giậu đến hoa năm ngoái” có một đoạn suy tư, ngẫm nghĩ và sau đó đột nhiên xuất hiện cảm giác lạ lùng là hoa năm ngoái chứ không phải hoa năm nay. Cảm giác ấy khiến nhà thơ nghe tiếng ngỗng trên không văng vẳng mà giật mình băn khoăn tự hỏi: ngỗng nước nào? Nếu như bốn câu đầu, cảnh vật hài hoà, giao cảm với nhau thì đến đây, con người hoà hợp với cảnh vật trong một nỗi niềm u uất. Cảnh vật thể hiện tâm tư con người và tâm tư con người thể hiện qua cách nhìn cảnh vật. Như vậy, cảnh vật được miêu tả qua đôi mắt và trái tim rung cảm của nhà thơ. Mùa thu tới, nhà thơ nhìn hoa trước sân, nghe tiếng chim kêu trên trời vẳng xuống mà trỗi dậy cả một niềm xót xa, lặng lẽ mà như nẫu ruột, chết lòng. Chiều sâu của tâm hồn thi sĩ lắng đọng vào chiều sâu của câu thơ là vậy. Quả ứng với câu: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo tình Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” Đứng trước cảnh thu, cảm nhận hồn thu khiến cảm hứng làm thơ của thi sĩ bỗng dạt dào. Ông toan cất bút nhưng rồi lại ngập ngừng: “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.” Nhà thơ thẹn với ông Đào, là thẹn điều gì? Thẹn vì tài thơ thua kém hay thẹn vì mình chưa có được nhân cách trong sáng và khí phách cứng cỏi như Đào Tiềm? Câu hỏi ấy còn lửng lơ bỏ ngỏ. Một chữ “thẹn” vừa khiến nhịp thơ chùng xuống, vừa thấy được sự kính trọng, sùng bái của nhà thơ với người thi sĩ nhà Đường không màng danh lợi. Lời thơ trong câu kết có cái gì đó lửng lơ mà kín đáo, do đó càng làm tăng thêm chất suy tư của cả bài thơ. Không thể phủ nhận Thu vịnh là một trong những bài thơ đỉnh cao viết về đề tài mùa thu, về làng cảnh trong nền văn học Việt Nam. Bài thơ không chỉ khắc họa bức tranh mùa thu thôn dã đẹp bình dị, mộc mạc mà gần gũi, qua đó còn thể hiện cái tâm của người thi sĩ yêu làng quê, đất nước; người thi sĩ có tâm hồn cũng trong sáng, mộc mạc như chính cảnh sắc thu quê. Bài tham khảo Mẫu 2 Nguyễn Khuyến được mệnh danh là "Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam" với kho tàng văn chương rất đồ sộ. Và chùm thơ thu với ba bài: "Thu điếu", "Thu ẩm", "Thu vịnh" đã tôn vinh tên tuổi của ông lên vị trí hàng đầu trong các thi sĩ viết về quê hương Việt Nam. Trong chùm thơ đó, "Thu vịnh" là tiêu biểu nhất, in đậm phong cách nghệ thuật của ông. Mở đầu bài thơ là hình ảnh bầu trời trong xanh với mấy cành trúc mảnh mai trong gió: "Trời thu xanh ngắt mấy từng cao Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu" Trời thu được tô điểm bằng một màu xanh thăm thẳm "xanh ngắt" giống như trong bài "Thu ẩm" có viết: "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?". Nó trong trẻo và cao vời vợi, tạo cảm tưởng như có nhiều lớp, nhiều tầng đang được xếp chồng lên nhau "mấy từng cao". Trong cái nền trời xanh ấy, tác giả đã chấm phá một vài cần trúc thanh mảnh, mềm mại khẽ phất phơ, đung đưa trong gió (cây trúc non dáng cong cong như chiếc cần câu thế nên mới gọi là "cần trúc"). Ở đây, bút pháp lấy động tả tĩnh được vận dụng rất phù hợp, từ láy "lơ phơ" gợi sự thưa thớt của lá trúc lay động bởi những làn gió heo may hiu hắt càng tôn lên cái vẻ cô tịch, đìu hiu, mênh mang, khiến ta nhớ đến câu thơ "Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo". Tiếp đến hai câu thực là sự hiện diện của làn nước mùa thu cùng với ánh trăng sáng: "Nước biếc trông như tầng khói phủ Song thưa để mặc bóng trăng vào" Xanh biếc là màu đặc trưng của làn nước mùa thu khi khí trời bắt đầu se se lạnh và nó cho thấy sự trong trẻo như tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời sâu thẳm. Sáng sớm, trên mặt ao, mặt hồ thường có một lớp sương mỏng nhẹ và lớp sương ấy như ngày một dày thêm, nó không phải phảng phất nữa mà là dày đặc như tầng khói phủ, giống như làn sương trong thơ của Hàn Mặc Tử "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh". Nước biếc có tầng khói phủ nên màu nước không còn được trong veo nữa mà hóa mông lung, kì ảo như đang lạc ở chốn bồng lai tiên cảnh. Trong đêm lạnh lẽo, u tịch, bỗng vầng trăng xuất hiện, thi sĩ để "song thưa" mặc bóng trăng ùa vào tràn ngập phòng thơ, từ đó cho thấy tâm hồn của tác giả đầy rộng mở, phóng khoáng, lãng mạn. Giữa thời điểm canh khuya đầy những nỗi cô đơn thì trăng chính là người bạn tri âm tri kỷ của thi nhân, có ánh trăng, bức họa đồ càng thêm sáng, thêm huyền ảo. Và còn gì tuyệt vời hơn khi còn có cả sự góp mặt của những nhành hoa và tiếng chim: "Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái Một tiếng trên không ngỗng nước nào?" Đang say sưa thưởng nguyệt, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp thì đột nhiên nhà thơ trông ra bờ giậu ngoài sân, ở đó nở mấy chùm hoa thu, nhưng điều kỳ lạ là ông cảm thấy đây là hoa năm ngoái. Có lẽ là bởi nỗi u hoài, âu sầu trong lòng đã làm ông có cảm giác năm tháng dường như ngưng đọng lại trên những nhành hoa (nhìn hoa nở năm nay mà cứ ngỡ là hoa năm ngoái) khiến nó nhuốm màu nhạt nhòa, màu úa tàn của thời gian. Từ đó, hình ảnh này gợi cho ta liên tưởng đến câu thơ "Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ" trong bài "Thu hứng" của Đỗ Phủ. Nếu như cảnh vật được miêu tả qua cái nhìn khách quan của thi nhân thì cảm xúc trái tim đã khoác lên nó một màu sắc chủ quan và chính cảm xúc này đã khiến ông nghe tiếng ngỗng lạc đàn từ trên trời cao văng vẳng xuống mà giật mình tự hỏi: "Ngỗng nước nào?". Câu hỏi tu từ "Một tiếng trên không ngỗng nước nào?" cho thấy nỗi đau đáu khôn nguôi, băn khoăn trăn trở của ông trước cảnh mất nước. Hai câu kết đã nói lên nỗi lòng thầm kín của tác giả: "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào" Cảnh thu vừa đẹp, vừa thơ mộng trữ tình đã khơi dậy cái thi hứng tràn đầy, nồng đượm, dạt dào trong tâm hồn ông. Nguyễn Khuyến rất say mà rất tỉnh, ông say mê trước cảnh đẹp mùa thu nhưng vẫn tỉnh trước lương tâm của chính mình. Vậy ông "thẹn với ông Đào" là vì cái gì? Phải chăng là thẹn vì tài văn chương thua kém hay là thẹn vì bản thân còn thiếu cái nhân cách trong sáng, khí phách cứng cỏi của ông Đào, người đã từ quan một cách dứt khoát, trở thành một nhân vật nổi tiếng về khí tiết trong giới quan trường Trung Hoa? Đã từ quan về ở ẩn rồi mà nhà thơ vẫn còn vướng phải vòng danh lợi chốn quan trường, dính líu đến bọn quan lại; chưa nguôi nghĩ về vận nước, nỗi lo lắng ưu phiền luôn đầy ắp trong lòng "thân nhàn nhưng tâm không nhàn". Có lẽ nên hiểu theo nghĩa thứ hai bởi Nguyễn Khuyến chưa từng thẹn về tài thơ với bất cứ ai nhưng lại luôn ngưỡng mộ Đào Tiềm, con người "không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng uốn gối, khúm núm hầu hạ kẻ tiểu nhân", đã lập tức từ quan trở về vui với ba luống cúc. Nỗi u sầu nhuốm màu sắc thời thế này làm cho bức tranh cảnh trời thu quê hương Việt Nam thêm gợi cảm, làm xao xuyến, say đắm lòng người. Tóm lại, nhờ việc vận dụng tài tình thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cùng với chữ Nôm và những nghệ thuật: So sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ, từ láy.. hay bút pháp chấm phá, lấy động tả tĩnh, tác giả đã để lại cho độc giả ấn tượng sâu sắc về cảnh thu làng quê Việt Nam vừa đẹp, vừa trữ tình nhưng ẩn sâu trong đó là nỗi buồn xót xa, ưu tư về vận mệnh dân tộc và tình yêu tha thiết, sâu nặng với thiên nhiên, đất nước. Bài tham khảo Mẫu 3 Nguyễn Khuyến là một nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Trước đó đã có khá nhiều nhà thơ viết về làng cảnh Việt Nam, nhưng chưa có ai để lại ấn tượng sâu đậm bằng Nguyễn Khuyến. Qua những bài thơ của ông, cảnh sắc thiên nhiên của làng quê Bắc Bộ êm đềm tĩnh lặng hiện lên rõ nét. Đó là cảnh những đêm trăng huyền ảo, những ngôi chùa cổ kính, những khúc sông uốn lượn trôi xuôi, những mái nhà thấp thoáng, những ngõ trúc quanh co, những buổi trưa hè yên ả. Trong sáng thanh cao hơn cả là cảnh mùa thu ở làng quê được nhà thơ miêu tả bằng hết bút tinh tế, bằng gam màu thanh nhẹ và bằng một tấm lòng yêu mến nâng niu, trân trọng thiết tha. Khi đọc thơ Nguyễn Khuyến, nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ nôm. Mà thơ nôm của Nguyễn Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”. Đọc ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, chúng ta không những được chiêm ngưỡng bức tranh mùa thu thân thuộc nơi làng quê Việt Nam mà còn hiểu được bao nỗi niềm tâm sự của một thi nhân thiết tha gắn bó với quê hương đất nước. Thu vịnh là mùa thu làm thơ, Thu điếu là mùa thu câu cá, Thu ẩm là mùa thu uống rượu. Căn cứ vào tên gọi các bài thơ, chúng ta có thể hiểu rằng, bài thơ Thu vịnh là bài thơ vịnh cảnh mùa thu nói chung, còn hai bài thơ Thu điếu và Thu âm là cảnh thu được miêu tả trong tương quan với sự việc câu cá và uống rượu. Như vậy nét độc đáo của từng bài thơ là ở điểm nhìn nghệ thuật, là sắc thái tâm trạng khi đón nhận cảnh thu. Nhà thơ Xuân Diệu rất tinh tế khi nhận xét: “Trong ba bài thơ, bài này (tức Thu vịnh) mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao. Mang cái thần của cảnh mùa thu”. Cái thần của cảnh thu mà Nguyễn Khuyến miêu tả là ở bầu trời: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”. Ấn tượng nổi bật của trời thu là trong sáng, cao rộng gợi lên chiều cao thăm thẳm không cùng. Hai chữ xanh ngắt vừa diễn tả màu sắc trời thu nhưng điều quan trọng hơn là gợi lên chiều cao vời vợi của không gian, cao đến mấy tầng. Cảnh sắc ấy toát lên vẻ đẹp trong sáng, thanh nhẹ rất phù hợp với vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Khuyến, một nho sĩ có cốt cách thanh cao đã lánh xa chốn quan trường bon chen đố kỵ, lánh xa cái xã hội đảo điên đương thời để giữ trọn khí tiết và nhân cách của mình. Cách nhập đề của tác giả giản dị, trực tiếp mà gây được ấn tượng mạnh lạ thường. Với bản tính tự nhiên, hồn hậu, Nguyễn Khuyến vượt qua được những hình ảnh sáo mòn ước lệ trong thơ ca phương Đông cô điên vào cảnh thực của mùa thu Việt Nam. Từ bầu trời cao, hồn thơ như tỏa xuống khóm trúc gần gũi trong khuôn viên yên tĩnh: “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.” Câu thơ giàu tính tạo hình đã in được những cành trúc uốn cong mềm mại lên bầu trời xanh cao rộng. Những cây trúc, cây tre còn non cao vút lên uốn cong như cần câu gặp làn gió thu thổi nhẹ khe khẽ lay động gợi lên không khí hiu hắt của mùa thu. Hai hình ảnh bầu trời và khóm trúc tuy xa nhau về khoảng cách nhưng có nhiều nét tương đồng về màu sắc và đường nét, cần trúc uốn cong gợi nên vòm trời. Vòm trời làm nền cho cần trúc, cần trúc tô điểm cho bầu trời, chúng in hình soi bóng qua nhau, sự phối cảnh của nhà thơ thật tinh tế. Cảnh thu vẫn được tác giả tiếp tục tái hiện theo cách nhìn từ xa đến gần, từ bầu trời xanh đến khóm trúc, từ khóm trúc đến mặt nước ao nhà, từ ao nhà đến song cửa sổ: “Nước biếc trông như từng khói phủ Song thưa để mặc bóng trăng vào.” Cảnh thu bay bổng nhẹ nhàng thanh thoát mà hư ảo. Bầu trời gợi hư ảo bằng sự xa xám, làn nước gợi hư ảo bằng từng khói phủ. Câu thơ tả cảnh rất ảo mà lại rất thực. Làn nước mùa thu ít xao động bởi gió mùa thu thổi nhẹ, thời tiết mùa thu chớm lạnh, những làn nước hơi không bay đi, không bốc lên mà vương vấn trên mặt nước như từng khói. Có nhiều người băn khoăn trước bước nhảy đột ngột về thời gian ở bài thơ này. Sao nhà thơ đang miêu tả cảnh thu ban ngày lại có bóng trăng? Thực chất Nguyễn Khuyến đã tổng hợp nhiều cảnh thu ở nhiều thời điểm khác nhau để tạo nên bức tranh thu trong bài Thu vịnh. Không phải đợi đến lúc cất bút làm thơ Nguyễn Khuyến mới quan sát, chiêm ngưỡng cảnh mùa thu. Những hình ảnh đã đầy ắp trong tâm trí, nhà thơ cứ việc chọn lọc những hình ảnh tiêu biểu nhất để miêu tả. Điều quan trọng nhất ở đây là tìm ra vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên trong tương quan với cách cảm thụ của thi nhân. Có người vì bị ám ảnh bởi hai chữ để mặc và cho đó là thái độ hờ hững của nhà thơ trước cảnh đẹp, cần phải hiểu ngược lại mới đúng. Đã có song thừa hẳn phải có để mặc bóng trăng vào. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ cáo quan về quê nhà là để “lánh đục về trong”, nhà thơ sống hài hòa với thiên nhiên, coi thiên nhiên là bầu bạn. Cánh cửa nhà luôn luôn rộng mở để đón nhận bóng trăng, đón nhận làn hương từ bên ngoài thoáng tới. Trăng đến với người như đến với người bạn tri kỉ, người luôn rộng mở tâm hồn để đón nhận ánh trăng, để hòa nhập với thiên nhiên trong trẻo. Đó là cách lựa chọn của Nguyễn Khuyến khi treo ấn từ quan: “Lầu son phủ tía nhường cho trẻ Nước biếc non xanh bạn với già.” (Cảnh trong nhà) Đọc những bài thơ trữ tình phong cảnh của Nguyễn Khuyến chúng ta đều thấy được sự hòa hợp hồn nhiên đằm thắm giữa người và cảnh. Ở hai câu đề và hai câu thực, nhà thơ tả cảnh thu, đến hai câu luận, tác giả vẫn tiếp tục viết về cảnh vật nhưng thực chất đã mở ra hướng suy nghĩ luận bàn: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái Một tiếng trên không ngỗng nước nào?” Nhà thơ không miêu tả cảnh hoa nở, loài hoa nở mùa thu mà muốn “gợi cái bâng khuâng man mác về thời gian” (Xuân Diệu). Câu thơ của Nguyễn Khuyến gợi nhớ đến hai câu thơ của Thôi Hộ (Trung Quốc): “Nhân diện bất tri hà xứ khứ Đào hoa y cựu tiếu đông phong.” Hình ảnh “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoài” đã nói lên sự bất biến của thiên nhiên tạo vật và sự khả biến của thời gian, thời cuộc. Hoa vẫn như xưa, đến mùa lại nở, còn cuộc đời luôn vận động đổi thay. Nỗi niềm u hoài của Nguyễn Khuyến được bộc lộ kín đáo qua từng hình ảnh thơ như vậy. Nỗi niềm tâm sự đó cũng thể hiện qua câu hỏi tưởng như bâng quơ: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”. Một tiếng kêu lạc điệu phá tan không gian tĩnh mịch của đêm khuya. m thanh lẻ loi ấy gợi lên cả phương trời xa xôi và gợi lên nỗi bơ vơ đơn độc lẻ loi của con người giữa một thời loạn lạc. Nguyễn Khuyến về quê nhà ở ẩn để tìm sự thanh thản cho tâm hồn nhưng nhà thơ vẫn không thể dứt bỏ được những trăn trở về tình cảnh của đất nước, nỗi ưu tư về thời thế vẫn dội lên trong lòng nhà thơ trước bất cứ cảnh huống nào. Luôn mang tâm sự u hoài như vậy, tiếng cuốc kêu trong đêm cũng gợi nhớ đến nước non: “Cỏ phải tiếc xuân mà đứng gọi Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.” (Cuốc kêu cảm hứng) Mạch cảm hứng về thời cuộc đọng lại trong hai câu kết: “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.” Cảm hứng thi ca đã đến với nhà thơ, cảnh thu, cảnh đời bao điều đang thôi thúc. Nhưng khi cầm bút làm thơ, Nguyễn Khuyến lại cảm thấy thẹn với Đào Tiềm. Đào Tiềm (365 - 427) là một nho sĩ có nhân cách cứng cỏi, có khí tiết thanh cao, cáo quan về ở ẩn lúc mới 41 tuổi. Nguyễn Khuyến rất kính trọng nhân cách của Đào Tiềm, lấy gương cố nhân để soi mình. Soi vào đó Nguyễn Khuyến cảm thấy mình chưa sánh kịp với người xưa về nhân cách, khí tiết. Nỗi niềm tâm sự ấy làm ông day dứt đến trọn đời. Trong Di chúc, Nguyễn Khuyến còn ghi lại: “Ơn vua chưa chút báo đền Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời.” Đây không phải là chuyện ơn vua mà chính là nợ nước. Nhìn giang sơn đang bị kẻ thù giày xéo mà không thể làm gì để cứu vớt. Vì bất lực nên nhà thơ chỉ còn biết giữ mình sao cho trong sạch, không chịu luôn cúi nơi triều đình, không mong vinh hoa phú quý nơi quan trường. Bởi vì làm quan trong hoàn cảnh ấy là có tội với dân với nước. Còn chút niềm an ủi mà Nguyễn Khuyến có được là: “Rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”, không dính dáng đến chuyện bán nước của triều đình nhà Nguyễn.
Quảng cáo
|