Phân tích bài thơ Tự tình IIThân phận lẽ mọn của người phụ nữ trong xã hội phong kiến là một đề tài khá phổ biến trong văn học dân gian và văn học viết thời hiện đại. Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Mẫu 1 Lời giải chi tiết: Thân phận lẽ mọn của người phụ nữ trong xã hội phong kiến là một đề tài khá phổ biến trong văn học dân gian và văn học viết thời hiện đại. Tình yêu và hạnh phúc gia đình là một trong những mối quan tâm lớn của văn học từ xưa đến nay. Nó góp phần thể hiện rõ tinh thần nhân đạo trong văn học. Chùm thơ Tự tình là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về người phụ nữ trong văn học Việt Nam - Hồ Xuân Hương. Người phụ nữ cô đơn trong đêm khuya vắng lặng nghe tiếng trống cầm canh báo thời khắc đi qua. Canh khuya là thời gian từ nửa đêm cho đến sáng. Nàng cảm thấy tiếng trống canh báo hiệu thời gian khắc khoải mong ngóng một điều gì. Nhưng càng mong lại càng không thấy. Tiếng trống canh đang dồn dập kia chính là thông báo về thời gian tâm trạng của nàng. Nó thể hiện nỗi chờ mong khắc khoải, thảng thốt thiếu tự tin, đầy lo âu và tuyệt vọng của người đàn bà. Hồ Xuân Hương diễn tả tâm trạng bẽ bàng của người vợ cô đơn chờ mong chồng mà chồng không đến bằng một chữ trơ - trơ trọi, trơ cái hồng nhan, cái thân phận phụ nữ với nước non, với đời, với tình yêu. Hai câu tiếp theo, Hồ Xuân Hương diễn tả tâm trạng tuyệt vọng của người vợ chờ chồng. Câu thơ ẩn chủ từ, chỉ thây hành động và trạng thái diễn ra. Chén rượu hương đưa nghĩa là uống rượu giải sầu cho quên sự đời, nhưng say rồi lại tỉnh, tức là uống rượu vẫn không quên được mối sầu! Vầng trăng bóng xế trong câu bốn có nghĩa là đêm đã gần tàn, nhưng trăng chưa tròn mà đã xế, thể hiện cảm xúc về hạnh phúc chưa tròn đầy. Vầng trăng bóng xế cũng có thể có hàm ý chỉ tuổi người đã luống mà hạnh phúc chưa đầy. Nếu như bốn câu thơ đầu tiên diễn tả cái tâm trạng chờ đợi mòn mỏi có phần tuyệt vọng, buông xuôi, thì ở hai câu năm và sáu, Hồ Xuân Hương đã bất ngờ vẽ ra hình ảnh một sự cảm khái. Cái đám rêu kia còn được bóng trăng xế xiên ngang mặt đất soi chiếu tới. Ta có thể tưởng tượng: mấy hòn đá kia còn được ánh trăng đâm toạc chân mây để soi đến. Hoá ra thân phận mình cô đơn không bằng được như mấy thứ vô tri vô giác kia! Đây không nhất thiết phải là cảnh thực, mà có thể chỉ là hình ảnh trong tâm tưởng. Mấy chữ xiên ngang, đâm toạc có ý tiếp cái mạch văn trũng bóng xế ở câu trên. Nhưng các sự vật, hình ảnh thiên nhiên ở đây diễn ra trong dáng vẻ khác thường, do việc tác giả sử dụng những từ ngữ chỉ hành động có tính chất mạnh mẽ, dữ dội: Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám, Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn. Hai câu thơ này cũng có thể hiểu là đảo ngữ: rêu từng đám xiên ngang mặt đất, còn đá mấy hòn vươn lên đâm toạc chân mây. Và đó không phải là hình ảnh của ngoại cảnh, mà là hình ảnh của tâm trạng, một tâm trạng bị dồn nén, bức bối muốn đập phá, muốn làm loạn, muốn được giải thoát khỏi sự cô đơn, chán chường. Nó thể hiện cá tính mạnh mẽ, táo bạo của chính Hồ Xuân Hương. Những dồn nén, bức bôi, đập phá của tâm trạng nhà thơ bất ngờ bộc phát, và cũng bất ngờ lắng dịu, nhường chỗ cho sự trở lại của nỗi buồn chán và bất lực, chấp nhận và cam chịu. Câu thơ Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại chứa đựng biết bao nhiêu là thời gian và sự chán nản kéo dài. Cuộc đời cứ trôi đi, thời gian cứ trôi đi, tình yêu và hạnh phúc thì chỉ được hưởng tí chút. Tác giả đã đi, tình yêu mà hạnh phúc thì chỉ được hưởng tí chút. Tác giả đã dùng từ mảnh tinh để nói cái tình bé như mảnh vỡ. Lại nói san sẻ - Chắc là san sẻ với chồng, san sẻ với vợ cả chăng? Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ, như một tổng kết, như một lời than thở thầm kín của người phụ nữ có số phận lẽ mọn về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi không trọn vẹn trong xã hội xưa. Bài thơ là lời than thở cho số phận hẩm hiu của người phụ nữ chịu cảnh lẽ mọn, thể hiện thái độ bi quan, chán nản của tác giả và thân kiếp thiệt thòi của con người. Đặc sắc nhất về nghệ thuật của bài thơ là sử dụng những từ ngữ và hình ảnh gây ấn tượng mạnh. Tác giả chủ yếu sử dụng các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc, đường nét với sắc thái đặc tả mạnh, bằng những động từ chỉ tình thái: dồn, trơ, xế, xiên ngang, đâm toạc, đi, lại lại, san. sẻ, ... và tính từ chỉ trạng thái: say, tỉnh, khuyết, tròn... để miêu tả những cảm nhận về sự đời và số phận. Hình ảnh trong bài thơ gây ấn tượng rất mạnh bởi nghệ thuật đặc tả. Nhà thơ thường đẩy đối tượng miêu tả tới độ cùng cực của tình trạng mang tính tạo hình cao. Nói về sự cô đơn, trơ trọi đến vô duyên của người phụ nữ thì: Trơ cái hồng nhan với nước non. Mấy chữ xiên ngang, đâm toạc đều là những hành động mạnh mẽ như muốn tung phá, đầy sức sống thể hiện những cảm xúc trẻ trung. Tác phẩm trình bày một cách nghệ thuật mối mâu thuẫn giữa khát vọng hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn của người phụ nữ trong cảnh lẽ mọn với hiện thực phũ phàng là sống trong cô đơn, mòn mỏi mà họ phải chịu đựng, giữa mong ước chính đáng được sống trong hạnh phúc vợ chồng với việc chấp nhận thân phận thiệt thòi do cuộc sống đem lại. Bài thơ bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với nỗi bất hạnh của người phụ nữ, phê phán gay gắt chế độ đa thê trong xã hội phong kiến, đồng thời thể hiện rõ sự bất lực và cam chịu của con người trước cuộc sống hiện tại. Bài thơ diễn tả một tình cảm đáng thương, một số phận đáng cảm thông, một khát vọng đáng trân trọng, một tâm trạng đáng được chia sẻ của người phụ nữ trong xã hội xưa. Những mơ ước hạnh phúc đó là hoàn toàn chính đáng nhưng không thể thực hiện được trong điều kiện xã hội lúc bấy giờ, đó là bi kịch không thể giải tỏa. Vì thế giọng điệu của bài thơ vừa ngậm ngùi vừa ai oán. Yêu cầu giải phóng con người, giải phóng tình cảm chỉ có thể tìm được lời giải đáp dựa trên cơ sở của những điều kiện lịch sử - xã hội mới mà thôi. Mẫu 2 Lời giải chi tiết: Kho tàng văn học Việt Nam đã ghi dấu ấn của bao nhà văn, nhà thơ với những quan điểm sáng tác và phong cách nghệ thuật khác nhau vô cùng độc đáo và đa dạng. Một trong số đó ta không thể không nhắc đến nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương với cá tính mạnh mẽ và trái tim khao khát yêu thương. Tài năng của bà được thể hiện rõ nét qua bài thơ Tự tình 2 được rút từ tập thơ cùng tên. Mở đầu bài thơ là khung cảnh thời gian và không gian bộc lộ tâm trạng của nữ thi sĩ: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non Thời gian vào đêm khuya, khi mọi vật đã chìm trong bóng đêm, vạn vật trở nên tĩnh lặng, không gian trở nên hoang vắng, đủ để nghe thấy tiếng trống canh từ nơi xa vọng lại. Âm thanh “văng vẳng” được vọng lại từ một nơi rất xa xôi, dường như âm thanh tiếng trống canh chỉ nghe thấy thấp thoáng theo từng cơn gió thổi và người nghe phải lắng tai lắm mới nghe được. Từ “cái” đặt trước danh từ “hồng nhan” khiến cho hai chữ này không còn giá trị. Hồng nhan nhưng lại là “cái hồng nhan” ẩn chứa đằng sau một cái gì đó như xem thường, thể hiện rõ ràng ở đây sự tự ý thức của người trong cuộc. Trước “cái hồng nhan” còn là tính từ “trơ” chỉ trạng thái đơn độc, lẻ loi, không nơi nương tựa. Giữa không gian vắng lặng của buổi đêm, khi mọi vật đang chìm trong sự nghỉ ngơi, yên tĩnh còn mình lại vẫn ngồi đây với rất nhiều nỗi lòng, rất nhiều tâm sự đối lập với không gian rộng lớn. Nối tiếp không gian, thời gian là hình ảnh của người phụ nữ lẻ loi: Chén rượu hương đưa say lại tĩnh, Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn Thông thường, con người tìm đến rượu khi người ta cảm thấy đau khổ, bế tắc, thất vọng để nó trở thành một liều thuốc làm khuây khỏa tâm hồn nhưng cuối cùng, nữ thi sĩ vẫn không thể trốn tránh được hiện thực xót xa của mình. Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên cái vòng luẩn quẩn. Để miêu tả về vầng trăng, Hồ Xuân Hương đã dùng một lúc đến tận ba cụm từ: bóng xế, khuyết, chưa tròn. Cả ba từ này đều có ý nghĩa diễn tả về một vầng trăng không trọn vẹn. Nó là ta nhớ đến số phận éo le của chính nữ sĩ, chính sự tương đồng này đã khiến cho nỗi niềm tâm sự của nhân vật trữ tình càng trở nên sâu sắc và giàu sức ám ảnh. Hai câu thực là những hình ảnh độc đáo và vô cùng cá tính, khác biệt của thiên nhiên: Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn Đám rêu phải mọc xiên ngang mặt đất. Đá đã rắn chắc, lại càng phải trở nên rắn chắc hơn để có thể vượt lên “đâm toạc chân mây”. Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu thơ luận đã làm nổi bật sự phẫn uất của thân phận đất đá cỏ cây, cũng là sự phẫn uất của tâm trạng. Những động từ mạnh “xiên”, “đâm” được kết hợp với bổ ngữ “ngang”, “toạc” độc đáo thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh như một lời thách thức những khó khăn, cay đắng trong cuộc sống của nhân vật trữ tình. Khép lại bài thơ là tâm tình, thái độ của nữ thi sĩ trước số phận bất hạnh: Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con! Ngán là chán ngán, là ngán ngẩm cuộc đời éo le, bạc bẽo, thế cục xoay vần của tạo hóa mà mình thì vẫn cô độc. "Xuân" vừa là mùa xuân mà cũng chính là tuổi xuân. Mùa xuân quay vòng với tạo hóa nhưng tuổi xuân của con người đã đi qua thì không bao giờ trở lại. Hai từ “lại lại” nghe ngao ngán, nó khiến cho khoảng đối lập giữa con người và tự nhiên càng lớn và nghịch cảnh lại càng éo le hơn. Đã là một “mảnh tình” rất nhỏ bé tội nghiệp rồi mà giờ đây còn là “san sẻ” đến nỗi cuối cùng chỉ là “tí con con”. Điều ấy đối với một người bình thường đã là ít ỏi lắm rồi thì với một người bản lĩnh như Hồ Xuân Hương lại càng khó chấp nhận. Từ đây, ta cũng sẽ thấy được ý thức, cá tính mạnh của Hồ Xuân Hương càng khiến tình cảnh trở nên éo le, xót xa và tội nghiệp hơn. Bài thơ như một lời đại diện bộc lộ tâm tư, tình cảm của người phụ nữ trong xã hội cũ đối với số phận bất công của mình. Qua bài thơ ta thêm hiểu và yêu hoàn cảnh của họ; đồng thời sẽ thêm trân trọng những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đang có được ngày hôm nay. Bài thơ đã góp phần làm phong phú nền văn học Việt Nam và đưa tên tuổi của nhà thơ Hồ Xuân Hương đến gần hơn với độc giả. Mẫu 3 Lời giải chi tiết: Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung Từ lâu, thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa đã gắn liền với thân phận bèo bọt, trôi nổi, bất hạnh. Có lẽ, ai cũng đã từng khóc thương tha thiết cho nàng Kiều tài hoa mà bạc mệnh, từng ấm ức thay cho nỗi oan khuất thấu tận trời xanh của Vũ Nương. Và giờ đây, khi đến với tác phẩm “Tự tình 2” của Hồ Xuân Hương, ta lại thêm phần xót thương cho thân phận trôi nổi của người phụ nữ trong xã hội Phong kiến xưa. Bài thơ là tiếng lòng chất đầy nỗi niềm sâu kín của nữ thi sĩ. Với thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật được viết theo ngôn ngữ Nôm thuần Việt, bài thơ có lẽ đã được nữ sĩ viết về cuộc đời của chính bản thân mình, trong một phút suy tư. Nữ sĩ đã cảm nhận cuộc sống qua những âm thanh, quang cảnh lạnh buồn, vắng lặng và tự cảm thương cho số phận hẩm hiu của bà. Đó cũng là số phận chung của những người phụ nữ trong Xã hội đương thời.. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non Hai câu thơ mở đầu trên còn được gọi là hai câu thơ đề trong thể thơ độc đáo này. Nhắm mắt suy nghĩ về cuộc sống, từng nhịp thở của người phụ nữ trong đêm khuya lạnh tanh hoà theo tiếng trống thông báo dồn dập, diễn tả sự qua đi nhanh chóng của thời gian. Đêm nay, người phụ nữ đang lẻ loi, cô độc một mình. Không còn một âm vang nào khác, không còn những tiếng ồn ào náo nhiệt của một ngày dài, chỉ còn tiếng trống canh cùng người phụ nữ. Từ “Trơ” – một trong những từ ngữ thể hiện sự chua chát của cuộc đời và sự đối lập giữa vẻ đẹp “Hồng nhan” – “Nước non”. Tại sao nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại đặt mình vào trong nhân vật với một không gian buồn bã, tàn lụi đến như vậy? Đối với riêng nữ sĩ khi đối mặt với cái thực tế đó, tâm trạng bà thế nào? Phải chăng bà muốn diễn tả thân phận không chỉ của riêng bà, mà còn là của những người phụ nữ khác trong cái quy luật cổ hủ, vô nhân đạo “Hồng nhan bạc phận” ? Hay cái thân phận phải đi làm “Vợ lẽ” – Không được tôn trọng cả về phẩm giá và tâm hồn ? Thật đớn đau … Bước qua hai câu thơ kế, cũng là hai câu thực, liệu rằng ta có cảm nhận được điều gì trong sáng hơn, tươi đẹp hơn hay không ? Chén rượu hương đưa say lại tỉnh, Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn Trong cái không gian cô quạnh không bóng người của bầu trời đêm, người phụ nữ tìm đến những chén rượu để giải thoát mình khỏi nỗi sầu não của cuộc đời. Thật độc đáo khi sử dụng nghệ thuật “Mượn cảnh ngụ tình” trong hai câu thực này. Nỗi buồn đau, tủi nhục – như đã đề cập ở trên, có thể là thân phận làm vợ lẽ, phải chịu sự ghen ghét, cay nghiệt của người vợ cả ? Một chút hương rượu nồng có thể đã đưa người phụ nữ đến những giấc mơ trong cơn mê để xoa dịu những nỗi đau trong giây phút thực tại. Nhưng… Càng về khuya, khi tiếng trống canh dãn dài ra, thời gian bắt đầu chậm lại, thì cũng là lúc mùi hương nhè nhẹ của những chén rượu không còn tác dụng. Người phụ nữ chợt bừng tỉnh về phút giây hiện tại chan chứa nỗi buồn. Ba từ : “Say lại tỉnh” đã chứng minh được điều đó. Càng uống càng tỉnh, càng tỉnh lại càng nghĩ suy. Trong cái “Bóng xế khuyết chưa tròn” của Vầng trăng tưởng chừng như êm đềm, phải chăng tác giả đang nghĩ về nhan sắc của mình đang tàn phai theo năm tháng, mà tình duyên vẫn chưa thể vẹn toàn? Ánh trăng đêm là ánh trăng của kỷ niệm, của hẹn ước yêu đương, của bao đôi tình nhân. Ánh trăng cũng là biểu tượng của sự thuỷ chung của bao tình yêu đôi lứa. Giờ đây, ánh trăng đó sắp tàn và đang dần khuất bóng sau những rặng dừa cao, người phụ nữ vẫn chưa thể chìm sâu vào giấc ngủ. Trăng chưa thể tròn, như cuộc tình dang dở của người phụ nữ. Có lẽ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương muốn đưa cái sự suy nghĩ về lẽ đời, về sự hạnh phúc mà tác giả đang mong đợi vào chính tâm trạng của nhân vật. Trong lúc suy tư đó, mà đối với những bạn trẻ đang hạnh phúc là vầng trăng cổ tích, còn đối với người phụ nữ là ánh trăng suy tư, tác giả đã đánh động người đọc ra khỏi sự suy nghĩ về nỗi đau của phái đẹp trong xã hội phong kiến lạc hậu bằng hai câu thơ luận: Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám. Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn Ánh mắt ngước nhìn bầu trời đêm có trăng, có sao, có mây trôi, có gió thổi từ lúc “Trống canh dồn”, giờ đây người phụ nữ lạc lõng đó đang ngắm nhìn những sự vật xung quanh mình. Có lẽ nào người phụ nữ ấy đang dạo quanh đâu đó trong khung cảnh khi bình minh chưa ló dạng, và phát hiện ra một sự thật hiển nhiên mà lâu nay không một ai để ý đến? Những động từ mạnh mẽ như “Xiên ngang” – “Đâm toạc” được sử dụng trong phép đảo ngữ đã toát lên được sức mạnh của sự sinh tồn từ trong những sự vật nhỏ bé. Giữa mặt đất đầy đất và đá, đâu đó mọc lên một nhành cây con con, xanh tươi. Cũng đâu đó dưới khung trời rộng lớn nhưng trống trải, những hòn đá tuy nhỏ bé thôi, cũng đủ làm khung cảnh trở nên sinh động… Ta đang cảm nhận được sức mạnh của thiên nhiên. Những ngọn cỏ tí hon hay những sự vật vô tri như hòn đá kia, đã được tác giả tô điểm bằng nghệ thuật vô cùng độc đáo. Chính điều đó đã đánh thức người đọc ra khỏi tâm trạng u uẩn của người phụ nữ cô đơn trong bóng đêm. Ta cũng cảm nhận được sức sống mãnh liệt để sinh tồn, dù trước mắt hiện tại đang rất rất khó khăn của từng sự vật thiên nhiên. Nếu như thế, phải chăng tác giả đang hướng người đọc đến sự hạnh phúc, niềm tin ở tương lai, dù khó khăn, bất hạnh ở phút hiện tại, đối với nhân vật trong bài thơ, với tác giả hay toàn thể những người phụ nữ trong Xã hội phong kiến? Dưới góc nhìn của chúng ta ở thời này, có thể cho là như vậy. Với hai câu Luận này, khát vọng sống và được sống, yêu và được yêu của nữ sĩ được thể hiện vô cùng quyết liệt ! Thật là một người phụ nữ có ý chí và niềm tin Tưởng chừng như cảnh cửa cuộc đời đang mở ra cho người phụ nữ và toàn thể phái đẹp trong Xã hội phong kiến một hạnh phúc và niềm tin mới, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã kéo chúng ta về suy nghĩ hiện tại, cũng chính là hai câu thơ kết, vừa chua xót, vừa đắng cay của cuộc đời : Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con! Tâm trạng mong mỏi chờ đợi của người phụ nữ lại trở về khi ngày mới bắt đầu. Quy luật của thời gian chính là chỉ trôi theo một chiều chứ không tương tác song song. Xuân đến rồi Xuân lại đi. Ngày xuân hôm qua cũng chẳng giống ngày xuân hôm nay. Mùa xuân năm sau cũng khác hẳn mùa xuân năm nay. Chẳng có sự vật gì có thể thoát khỏi quy luật chung đó. Thế nhưng Xuân thì có thể đến, chứ người thì không thể trường tồn mãi mà không già đi. Tuổi xuân – là nhan sắc mà mỗi ngày một phai tàn của những “Hồng nhan”. Người phụ nữ ấy vẫn mong chờ một ngày nào đó được cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn thật sự, bằng cả trái tim nồng cháy của người đối diện, để nàng có thể trao đi tất cả những gì được gọi là sự thuỷ chung, sự vẹn toàn của tình yêu. Đó cũng là nỗi uất ức khi “Tình đã nhỏ, mà còn xé nhỏ hơn” thì cũng tương tự việc chia cắt trái tim. Thật không còn gì có thể diễn tả được nỗi đau đó. Bằng nghệ thuật tăng tiến giảm dần, ta thấy được sự ít ỏi, nhỏ bé của hạnh phúc trong cảnh cái cảnh chồng chung đáng phê phán, chê trách ấy… Có lẽ khi đọc đến đây, chúng ta mới cảm nhận được nỗi đau khổ đau đáu cũng những người phụ nữ thầm lặng, hi sinh cho chồng cho con, hay những số phận hẩm hiu khác trong xã hội đương thời. Bài thơ “Bánh trôi nước” của nhà thờ cũng từng thể hiện được nội dung tương tự. Thế nhưng trong cái xã hội này, ta cũng thấy được những người phụ nữ được sống trong hạnh phúc, được sự quan tâm, yêu thương của chồng con, dù cuộc đời có bôn ba vất vả. Tiêu điểm cho nhận định này chính là bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương. Nói cho cùng thì bất kỳ ai, sống trong thời kỳ nào thì cũng có nỗi khổ riêng của chính họ mà thôi… “Tự tình 2” chính là tiếng lòng của Hồ Xuân Hương đúng như nhận định “ Thơ là tiếng lòng” của Diệp Tiến. Tiếng lòng thiết tha vừa u buồn vừa phảng phất ánh sáng của khao khát, ước mơ hạnh phúc như một viên ngọc sáng thách thức bước đi nghiệt ngã của thời gian. Qua bao thế kỷ, Hồ Xuân Hương cùng tiếng thơ “ Tự tình” vẫn in sâu trong tâm trí độc giả ngàn đời.
Quảng cáo
|