Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 (chi tiết)Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 trang 128 SGK Ngữ văn 8 tập 2 Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề 1 Video hướng dẫn giải Hãy nêu lên những suy nghĩ của em về câu nói sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ..."Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập." Lời giải chi tiết: Bài làm Bác Hồ kính yêu đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam bao tình cảm thiết tha sâu nặng. "Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh?". Tình yêu đằm thắm ấy được biểu hiện qua nhiều bức thư Bác gửi các cháu nhân ngày khai trường hoặc Tết trung thu: "Trung thu trăng sáng như gương, Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng". Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Hổ Chủ tịch có viết: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu". Hơn nửa thế kỉ trôi qua, trên đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta đã có bao đổi thay lớn lao, bao biến cố lịch sử trọng đại, nhưng câu nói của Bác vẫn sáng ngời giá trị giáo dục và khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc. Ý tưởng sâu sắc của Bác Hồ được diễn đạt bằng một câu văn giàu hình tượng và cảm xúc. Vế thứ nhất Bác hỏi: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không?" có nghĩa là Bác hỏi về tiền đồ của Tổ quốc ta, tương lai của dân ta có được tốt đẹp, rõ ràng, có trở nên giàu mạnh, văn minh như các cường quốc Anh, Nga, Pháp, Mĩ, Nhật,... hay không? Vế thứ hai là sự gợi ý, là cách trả lời của Bác: "chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu", hay nói một cách khác, Bác nêu lên nghĩa vụ học tập của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Qua câu văn ấy, Bác giáo dục học sinh về nhiệm vụ học tập, về trách nhiệm nặng nề, vẻ vang đối với tương lai tươi sáng của non sông Việt Nam, của dân tộc Việt Nam”. Học tập là nghĩa vụ vẻ vang của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Học sinh là mầm non, là tương lai của gia đình và dân tộc; là thế hệ nối bước cha anh để xây dựng và bảo vệ đất nước "mười lần đẹp hơn" như Bác Hồ mong muốn. Bằng tính cần cù sáng tạo và chí dũng cảm, bằng tâm hồn và trí tuệ, tài năng, học sinh - thanh thiếu niên nhi đồng - sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà Bác Hồ giao phó. Muốn hoàn thành nghĩa vụ ấy, học sinh phải đủ đức, tài. Muốn có đức tài chỉ có con đường học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật, trở thành công dân tốt, người lao động giỏi, những chuyên gia... tài năng, giàu nhiệt huyết để phục vụ Tổ quốc, đóng góp "một phần lớn" vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, mới kì vọng làm cho "non sông Việt Nam được trở nên vẻ vang... dân tộc Việt Nam được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu"... Học tập là trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của học sinh. Sau gần một thế kỉ bị thực dân Pháp thống trị, "nhà tù nhiều hơn trường học", nước ta xơ xác tiêu điều, dân ta đói khổ, hơn 90% dân số bị mù chữ! Việt Nam là một trong những nước lạc hậu trên thế giới. Thanh toán quá khứ nặng nề ấy, "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" là nhiệm vụ của toàn dân, nhưng học sinh phải là những chiến sĩ xung kích, như Bác dạy "chính một phần lớn là nhờ ở công học tập của các cháu". Câu nói trên đây là lời dạy, là tấm lòng, là tình thương của Bác đối với học sinh. Bác mong các cháu phải gắng sức, phải siêng năng học hành, biết học tập một cách thông minh sáng tạo. Có học tốt, học giỏi mới thành tài, có học vấn cao, có tri thức tiên tiến hiện đại. Có học tập tốt mới thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình. Bác giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam phải có mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn. Học để làm gì? Học tập không phải để làm quan, để vinh thân phù gia, mà là vì một mục đích cao cả: học tập để làm người, có nhân cách văn hoá, đem tài năng phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh. Câu nói trên biểu lộ một phần tin yêu sâu sắc của lãnh tụ đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Lời của Bác là lời non nước. Bác thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói của Tổ quốc để động viên, khích lệ học sinh ra sức thi đua học tập giỏi. Bác chỉ cho học sinh thấy con đường sáng đi tới ngày mai. Hạnh phúc của tuổi trẻ gắn liền với tiền đồ, tương lai xán lạn của đất nước và của dân tộc. Bác tin yêu học sinh - con em của một dân tộc cần cù và dũng cảm, thông minh và hiếu học. Sau gần 30 năm chiến tranh giải phóng, Tổ quốc đã giành được độc lập, hoà bình. Việt Nam là một trong những nước kém phát triển, chúng ta đã ngẩng cao đầu bước vào thế kỉ XXI. Các kì thi quốc tế về toán, lí, hóa,... học sinh Việt Nam đã giành được nhiều thành tích vẻ vang. Chặng đường đi tới để dân tộc ta, đất nước ta "vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu" đâu thuận lợi, dễ dàng, một sớm một chiều mà thực hiện được? Cho nên câu nói của Bác vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng, có giá trị giáo dục và động viên các thế hệ học sinh Việt Nam vươn lên. Suốt đời Bác Hồ chỉ có "một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Bác đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người". Trong thư Trung thu Bác đã viết: "Các cháu hãy xứng đáng Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Ôn lại những lời dạy của Bác Hồ, đọc lại bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta vô cùng cảm động trước sự thương yêu, chăm sóc, giáo dục của Người đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Còn gì hạnh phúc hơn được học tập và đem tài năng phục vụ Tổ quốc, làm vẻ vang cho dân tộc. Thi đua học tập tốt là chúng ta đã tự giác làm đúng lời Bác dạy. Câu nói trên là tình yêu lớn toả sáng tâm hồn tuổi thơ. Học tập cũng là yêu nước. Đề 2 Video hướng dẫn giải Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “Thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn. Lời giải chi tiết: Bài làm Lòng nhân ái là một chủ đề in sâu, in đậm trong nền văn học của dân tộc ta. Con người Việt Nam giàu tình thương nên văn học dân tộc mới có nhiều tác phẩm ca ngợi tình thương một cách thật hay, thật cảm động như thế. Tình cha con, mẹ con, tình anh em chị em ruột thịt, tình bè bạn, tình yêu đồng loại... như những ngọn lửa ấm áp làm bừng sáng câu thơ, bài văn, làm cho người đọc không khỏi bồi hồi xúc động. “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ...”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... Những câu hát câu ca đã cùng lời ru tiếng hát của bà, của mẹ thấm sâu vào hồn tuổi thơ, mà mỗi chúng ta sẽ mang theo suốt cuộc đời: Mẹ ru cái lẽ ở đời Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn Bà ru mẹ, mẹ ru con Liệu mai sau các con còn nhớ chăng? Từ mái nhà êm ấm mẹ cha, ta mang theo tình thương anh, thương chị, thương em, ta biết “Chị ngã, em nâng”, ta nhớ “Anh em như thể tay chân”,... để bước vào đời, sống giữa tình thương bao la của đồng bào, đồng chí, đồng loại. Thầy, cô giáo dạy ta bài học “Thương người như thể thương thân”, nhắc ta biết ăn, ở có tình nghĩa thuỷ chung: “Bầu ơi, thương lấy bí cùng, Tuy rằng khúc giống nhưng chung một giàn ”, hoặc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng ” Truyện Trung đại viết bằng chữ Hán đã ngợi ca những con người giàu tâm đức. Bà đỡ Trần giúp hổ cái vượt qua cơn đau đẻ được mẹ tròn con vuông, bác tiều phu ở Lạng Giang đã thò tay vào miệng hổ cứu hổ bị hóc xương. Người thì được hổ đền ơn 10 lạng bạc, người thì được hổ biếu lợn, nai, lúc qua đời được hổ đến đưa tang. Quan ngự y Phạm Bân đã dựng nhà thương, phát cơm cháo, thuốc men, cứu chữa hàng nghìn người nghèo khó vượt qua cơn dịch bệnh, được người đời ngợi khen là “bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức”. Vũ Trinh và Phạm Đình Hổ đã để lại bao trang văn, bao hình ảnh, bao câu chuyện nói về tình thương, ca ngợi tình thương rất giàu ý nghĩa và có tác dụng giáo dục sâu sắc. “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du và “Truyện Lục Vân Tiên” của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu là hai kiệt tác bằng chữ Nôm giàu giá trị nhân đạo. Hai cụ đã dành những vần thơ đẹp nhất ca ngợi tình yêu chung thuỷ của lứa đôi, đồng thời nói lên chữ nhân, chữ nghĩa thật sâu sắc, cảm động. Vãi Giác Nguyên, mụ Quản gia, Tiểu đổng, Lão bà, Vương Tử Trực,... là những con người đẹp mãi, sống mãi trong lòng người bởi tình thương. Người đọc có bao giờ quên lời Kiều nói trong buổi báo ân báo oán: “Nhớ khi lỡ bước sẩy vời, Non vàng chưa dề đền bồi tấm thân Nghìn vàng gọi chút lễ thường Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân! (Truyện Kiều) Coi những nhân vật như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Trịnh Hâm,... lũ bạc ác tinh ma ấy sẽ bị thế gian muôn đời nguyền rủa và phỉ nhổ. Bên cạnh những con người nhân đức biết san sẻ cưu mang “lá lành đùm lá rách” lại có những kẻ lòng dạ đóng băng, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, sống vô cảm, vô tình, “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”. Những kẻ ấy ai đoái, ai nhìn, ai trọng, ai gần? Tôi rất thích chữ “thương” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu: “Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Tôi nhớ mãi chữ “thương ” trong câu thơ của Tố Hữu: “ Thương nhau chia củ sắn lùi, Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" Tóm lại, lòng nhân ái, chữ thương, chữ tình, chữ nghĩa trong thơ văn của dân tộc đã ướp thơm hồn người, đã truyền cho ta sức mạnh để sống đẹp hơn, để vượt qua mọi thử thách khó khăn trong cuộc đời, để sống gần người hơn, nhân ái hơn. Đề 3 Video hướng dẫn giải Nói lên những suy nghĩ của em về các tệ nạn như: cờ bạc, tiêm chích ma túy, hoặc tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh. Lời giải chi tiết: Bài làm Đất nước ta đang trên đường phát triển và hội nhập. Xã hội ngày một đổi mới. Nhân dân ta đã và đang làm nên bao thành tựu to lớn về kinh tế, về văn hoá,... rất đáng tự hào. Nhưng đó đây, ta vẫn thấy “cộm” lên không ít hiện tượng tiêu cực làm hoen ố xã hội như tệ nạn cờ bạc, xì ke ma tuý, sống ăn chơi đua đòi, sống buông thả, tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh,... Có không ít kẻ phạm tội là lứa tuổi vị thành niên, là học sinh trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Báo An Ninh từng đăng tải bao chuyện đau lòng. Vì nghiện ma túy mà có đứa con cầm dao giết cha mẹ, có đứa cháu dùng thuốc độc giết ông bà. Vì thua lỗ cờ bạc, nợ nần mà có một số đứa trẻ 14, 15 tuổi tổ chức thành băng cướp, giết người, cướp của một cách rất dã man. Cầm đầu những nhóm trộm cướp mà nhiều phóng sự đưa tin và lên án là những kẻ cờ bạc, tiêm chích ma tuý. Đứng trước vành móng ngựa là hình ảnh những phạm nhân với cặp mắt tinh quái, với đầu bù tóc rối, nhuộm đỏ, nhuộm vàng, nhuộm xanh, tai đeo khuyên bạc, ngực, bụng, lưng và chân tay,... xăm đủ hình xanh, đen các quái vật, các dị nhân rất khủng khiếp. Để có tiền ăn chơi mà nhiều đứa trẻ vị thành niên gây ra bao vụ án mạng rùng rợn. Một số học sinh cá biệt sa vào vòng ăn chơi đua đòi, dây vào văn hóa phẩm không lành mạnh mà trốn học, bỏ học rồi sa ngã, phạm tội. Điện thoại di động “xịn” cầm tay đi lại nghênh ngang, túm tụm quán nhậu, quán cà phê... rất "sành điệu" phì phèo thuốc lá “ba số” tuy còn đi học nhưng trốn học kéo nhau đi chơi điện tử, dối cha mẹ lừa thầy cô giáo gây ra nhiều vụ “quậy” rất đáng lên án và chê trách. Không ít các bậc cha mẹ trở nên bất lực khi có con em ăn chơi trác táng, rượu chè cờ bạc bê tha, tiêm chích ma túy mà bỏ học mà phạm tội. Mở bất cứ tờ báo hàng ngày nào, báo địa phương cũng như báo trung ương, nhất là các báo Thanh niên, báo Tuổi Trẻ, báo Tiền Phong, báo Pháp luật... độc giả bắt gặp bao chuyện đau lòng, bao hiện tượng tiêu cực mà các phóng viên từng mạnh mẽ lên án. Hãy nói không với các tệ nạn! Hãy xa lánh các kẻ cờ bạc, tiêm chích ma túy! Hãy tự nghiêm khắc với bản thân mình đừng dây vào các văn hoá phẩm không lành mạnh! Câu tục ngữ: “dữ, giữ mình” mà ông bà, cha mẹ vẫn nhắc nhở cháu con là bài học vô cùng sâu sắc. Tuổi trẻ phải biết tự bảo vệ mình. Hơn bao giờ hết, học sinh phải biết tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân, chăm chỉ học hành để sớm trở thành người con tốt của gia đình, người công dân tốt của đất nước. Bài đọc thêm Trích từ báo “Pháp luật và xã hội ” - cơ quan của Sở Tư pháp Hà Nội, số 123 (357) Chủ nhật, ngày 25-10-2009. 1. Vì bị “lộ” bạn trai... Vụ việc đau lòng xảy ra vào chiều ngày 22-8-2007 tại phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội. Nạn nhân là ông Hà Sơn Tùng, 40 tuổi, còn thủ phạm gây ra cái chết của ông chính là con gái ruột tên là Hà Vân Trang, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT. Vụ việc tưởng chẳng có gì nghiêm trọng lại gây hậu quả đau lòng. Chiều hôm đó, khi ông Tùng về nhà gọi cửa, một lúc sau mới thấy cô “quý nữ" ra mở cửa. Vào nhà, ông Tùng phát hiện Nguyễn Minh Hải, 18 tuổi, trú tại Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội là bạn trai của con gái đang trốn trong tủ quần áo. Ông Tùng bảo Hải ra ngoài, rồi khép cửa phòng để nói chuyện với con gái. Ông Tùng mất bình tĩnh mắng con nhiều về mối quan hệ bạn bè quá giới hạn, giơ tay định đánh con. “Quý nữ” Hà Vân Trang cầm con dao Thái Lan giơ lên và nói: “Nếu ông đánh tôi, tôi sẽ giết chết ông!”. Rồi vụ việc kinh hoàng đã xảy ra. 2. Vì bố không cho tiền Khoảng 7 giờ, ngày 9 tháng 5 năm 2009, người dân sống quanh khu vực cầu Cong, thành phố Hải Dương phát hiện một phần thi thể người trôi trên sông Sặt. Đến tối cùng ngày, cơ quan công an đã xác định được danh tính nạn nhân là Nghiêm Viết Yên, sinh năm 1958, trú tại số 312, đường Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương. Cho dù khuôn mặt nạn nhân đã bị hung thủ dùng dao chém nhiều nhát đến mức không thể nhận dạng, cơ thể nạn nhân cũng bị cắt rời thành ba phần. Cuộc truy tìm hung thủ nhanh chóng được tổ chức. Từ những chứng cứ thu thập được tại hiện trường, cơ quan điều tra xác định nghi phạm số 1 của vụ án này chính là con trai của nạn nhân. Và sau hai ngày tập trung điều tra khám phá, tối ngày 12 tháng 5, 2009, Nghiêm Viết Thành, thủ phạm đã bị bắt khi hắn đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ ở thành phố Nam Định. Theo lời khai của Thành tại cơ quan điều tra thì hai năm trở lại đây, Thành nghiện chơi game, học hành sa sút và nợ rất nhiều tiền. Hắn phải giết bố để có tiền ăn chơi. 3. Kẻ côn đồ lĩnh án chung thân Hắn tên là Trần Quốc Tuấn sinh năm 1971, trú tại Thư Thị, Tân Lập, Yên Mĩ, Hưng Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng là con một nên hắn được nuông chiều từ nhỏ, trở nên lêu lổng, chơi bời, ngang ngược. Chưa đầy 20 tuổi hắn đã lấy vợ. Ba đứa con khoẻ mạnh, xinh xắn lần lượt chào đời nhưng cũng không làm cho Tuấn biết tu tỉnh làm ăn. Hắn vẫn sống buông thả! Hắn đánh vợ đập con. Người vợ cả xấu số qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Chỉ mấy năm sau, hắn lấy vợ hai, người đàn bà này cũng sinh cho hắn một thằng cu kháu khỉnh, nhưng bất hạnh là cháu bé bị câm, điếc bẩm sinh. Hắn liên tiếp hành hạ vợ, người đàn bà này cũng phải bỏ đi. Tuấn càng lao sâu vào cơn bạo loạn. Hết đánh mẹ, đánh con, hắn quay sang chửi bới, gây sự với người dân trong thôn xóm. Hắn đã có hai tiền sự ngược đãi mẹ, đánh nhau gây rối trật tự công cộng. Ngày 11 tháng 12, 2008, Tuấn lại đánh mẹ dã man. Hắn đã bị chính quyền cấp xã xếp vào danh sách những đối tượng cần quản lí giáo dục tại địa phương. Như một con ngựa bất kham, một kẻ mất hết nhân tính, khoảng 10 giờ 40 phút ngày 23 tháng 4 năm 2009, hắn đã đánh chết người láng giềng Trương Đăng Nhược, 80 tuổi, vì một chuyện không đâu vào đâu, vì “nhà mày xây hố xí, gió bấc thổi vào nhà tao, tao không ngủ được!”. Đứng trước toà, tên côn đồ này bị kết án tù chung thân, nhưng thỉnh thoảng còn cười mỉm. Bà mẹ hắn đau ốm, run run nói trước toà: “Cần xử lí nghiêm Tuấn theo pháp luật để tôi và hàng xóm được sống yên ổn!” Loigiaihay.com
Quảng cáo
|