Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử lớp 11

1. Mở bài - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

2. Thân bài

a. Hiện trạng

- Trong những kì thi, những giờ kiểm tra xảy ra rất nhiều trường hợp các em học sinh giấu tài liệu mang vào phòng thi để chép bài.

- Học sinh lén lút bàn luận, trao đổi bài khi giám thị không để ý.

- Nghiêm trọng hơn có những trường hợp học sinh mang thiết bị công nghệ cao như điện thoại, tai nghe không dây,… để tra cứu đáp án.

b. Nguyên nhân

- Chủ quan: các em học sinh lười học, không có ý thức học tập nhưng vẫn muốn được điểm cao hoặc bị bệnh thành tích.

- Khách quan: đề thi dài và khó, thầy cô và gia đình tạo áp lực về thành tích,…

c. Hậu quả

- Tạo thói quen xấu, đức tính xấu cho các em, ảnh hưởng đến quá trình làm người của các em.

- Các em không nắm vững kiến thức bài học.

d. Giải pháp khắc phục

- Bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử.

- Gia đình cần dạy dỗ các em đức tính trung thực, không tạo áp lực cho các em và không đặt nặng bệnh thành tích.

- Nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề nghị luận: hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Trong thời đại hiện nay, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của xã hội, có một hiện tượng đáng lo ngại là nhiều người đã mất đi chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống và thay vào đó, họ theo đuổi những ưu tiên tiêu cực mà đôi khi dẫn đến hiện tượng bệnh "thành tích" trong học tập.

Thi cử được xem là một khâu rất quan trọng để đánh giá kiến thức cũng như năng lực của học sinh. Thế nhưng ngày nay, hiện trạng thi cử tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục diễn ra ngày càng nhiều. “Tiêu cực trong thi cử” được hiểu là những hành vi và tư tưởng gian lận trong thi cử. Còn “bệnh thành tích trong giáo dục” là hiện tượng chạy theo những điểm số, danh hiệu cao một cách bất chấp, gian lận gây nên hiện tượng thành tích ảo. Ta có thể bắt gặp hành vi này rất nhiều trong môi trường giáo dục. Đó là hình ảnh các em học sinh lén lút mang tài liệu vào phòng thi, chép bài bạn, thậm chí mang cả những thiết bị điện tử vào để tra cứu lời giải. Vậy điều gì đã gây ra tình trạng tiêu cực ấy? Trước hết, tư tưởng ấy xuất phát từ chính các bạn học sinh lười học, không có ý thức học tập và thiếu trách nhiệm với bản thân. Tuy nhiên, một phần cũng do sự ảnh hưởng của gia đình, nhà trường đã dẫn đến sự áp lực về điểm số. Hiện tượng này được lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen xấu, đức tính xấu cho các em, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành mai sau. Việc “học giả” như vậy cũng dẫn đến không có kiến thức, sống phụ thuộc vào những chiêu trò gian lận. Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên trong kì thi đại học năm 2017 tại Hà Giang, có hai học sinh cá biệt đạt được điểm cao và được trúng tuyển vào trường đại học khối Công an nhờ "chạy" 500 triệu đồng. Hành vi này đã bị lên án và xử phạt rất nặng. Kết quả mà chúng ta nhận được bao giờ cũng là thành quả của sự cố gắng. 

Vậy nên bản thân mỗi người học sinh cần phải cố gắng học tập thật tốt và chỉn chu để trở thành một công dân có ích cho đất nước bằng chính năng lực thực sự của mình. 

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Hiện tượng gian lận trong thi cử luôn là vấn đề gây bức xúc trong ngành giáo dục ở mọi thời đại. Gian lận trong thi cử là cách gọi chung cho những hành vi tiêu cực như sử dụng tài liệu, quay cóp,… để hoàn thành bài thi một cách không chính đáng. Đó đều là những hành vi vi phạm quy chế thi nghiêm trọng được đề ra bởi Bộ Giáo dục nói chung và các trường học nói riêng.

Thực trạng của hiện tượng gian lận trong thi cử ngày nay diễn ra vô cùng phức tạp khi cách thức gian lận ngày càng tinh vi. Nếu như ngày xưa, gian lận chỉ được thực hiện bằng việc quay cóp tài liệu giấy, thì hiện nay thậm chí có cả những thiết bị điện tử ra đời để dành riêng cho việc gian lận như tai nghe mini, máy tính thông minh, mini có khả năng chứa được lượng lớn kiến thức,... Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng khảo thí và nhận thức của học sinh.

Năm qua, mạng xã hội đã nổi lên một cơn sốt về hiện tượng gian lận trong thi cử khi một cô bé học sinh có nickname là Linh Ka đã mạnh dạn khẳng định rằng điểm thi cấp 3 và đại học có thể mua được mà không cần học. Qua đó, chúng ta không chỉ thấy được hiện trạng gian lận trong thi cử mà còn thấy được hậu quả của hiện tượng này đối với nhận thức của học sinh. Các em trở nên chủ quan, không thèm học tập bởi cha mẹ đã “lót sẵn đường cho đi” rồi. Vì vậy, có thể nói, nguyên nhân của hiện tượng này không chỉ đến ở phía ý thức của học sinh, mà còn xuất phát từ chính cách giáo dục của cha mẹ, thầy cô.

Trong xã hội chạy theo đồng tiền như hiện nay, để ngăn chặn được hiện tượng gian lận trong thi cử thì phải cần sự tự ý thức của cả cộng đồng, nêu cao đức tính trung thực và tôn trọng nguyên tắc “học thật, thi thật”, có như vậy mới đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho các kì thi.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Môi trường sư phạm và nơi học đường luôn có nhiều vấn đề nổi cộm nhận được sự quan tâm của toàn dư luận trong mọi thời đại khác nhau. Một trong số đó phải kể đến hành vi gian lận trong thi cử của học sinh hiện nay.

Một thực trạng đáng lo ngại đó là trong những kì thi, những giờ kiểm tra trên lớp xảy ra rất nhiều trường hợp các bạn học sinh giấu tài liệu mang vào phòng thi để chép bài với nhiều thủ thuật khác nhau từ tài liệu chép bài trên lớp, tài liệu photo rồi thu nhỏ đến các thiết bị công nghệ như điện thoại di động, tai nghe không dây,… Bên cạnh đó, tình trạng học sinh lén lút bàn luận, trao đổi bài khi giám thị không để ý cũng không phải hiếm thấy. Dù tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng buồn cho thấy ý thức của các bạn học sinh ngày càng đi xuống.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận trong thi cử này trước hết là do ý thức chủ quan của các bạn học sinh tuy lười học, không có ý thức vươn lên nhưng vẫn muốn được điểm cao, bị bệnh thành tích. Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc đến đó là do áp lực từ phía gia đình và thầy cô giáo, nhà trường luôn muốn con em cũng như học sinh của mình đạt điểm cao, có thứ hạng cao để có thành tích xuất sắc.

Hậu quả của việc gian lận trong thi cử là hình thành thói quen xấu, ỷ lại, dối trá cho các bạn, làm ảnh hưởng đến quá trình làm tạo lập tính cách của các bạn. Việc gian lận thi cử còn khiến cho các bạn học sinh không nắm chắc kiến thức bài học, tạo lỗ hổng tri thức. Bên cạnh đó, hành động này còn tạo ra “thành tích ảo” khiến các bạn học sinh tưởng rằng mình không cần chăm chỉ học tập cũng có được thành tích như thế.

Để khắc phục tình trạng và hậu quả này, trước hết bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử. Gia đình cần dạy dỗ các bạn đức tính trung thực, không tạo quá nhiều áp lực cho các bạn và không đặt nặng bệnh thành tích. Nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe học sinh của mình.

Mỗi cá nhân học sinh cũng như mỗi người có liên quan cùng có trách nhiệm, ý thức trong việc tự giác học tập và trung thực trong thi cử sẽ giúp cho thế hệ học sinh không chỉ bây giờ mà còn các thế hệ mai sau có đức tính tốt đẹp và có ý chí nỗ lực vươn lên trong học tập.

Bài tham khảo Mẫu 1

Ngày nay, vấn đề học tập của học sinh rất quan trọng và cần được quan tâm bởi nó chính là nền tảng của một đất nước phát triển. Nhưng thực trạng học tập của nước ta hiện nay là chất lượng dạy và học của học sinh có chiều hướng giảm sút rất nhiều, một trong những nguyên nhân đó là thái độ thiếu trung thực trong thi cử, gian lận, quay cóp dẫn đến học giả, thi giả.

Vậy thế nào là thiếu trung thực? Thiếu trung thực là làm không đúng, là không ngay thẳng, thật thà đối với một vấn đề được giao. Thiếu trung thực trong học tập chính là sự gian lận, coi trọng điểm chác mà bỏ quên kiến thức thực.

Nhưng nguyên nhân nào dẫn tới việc học sinh lại thiếu trung thực trong học tập? Nguyên nhân chủ yếu ở đây chính là ý thức của mỗi học sinh. Nhiều học sinh lười học quá chú trọng về hình thức bên ngoài nên dẫn đến việc học kém, học yếu nhưng khi kiểm tra lại muốn được điểm cao thì bắt buộc phải quay cóp. Tuy nhiên, cũng có trường hợp học sinh có kiến thức nhưng đến lúc thi cử, kiểm tra do mất bình tĩnh, thiếu tự tin vào bản thân luôn nghĩ rằng mình không làm được bài nên đành nhờ sự “trợ giúp” của sách vở hay bè bạn xung quanh.

Chúng ta cũng không thể phủ nhận những nguyên nhân khách quan đã dần tới việc học sinh phải gian dối. Một trong những nguyên nhân khách quan ở đây chính là áp lực mà bố mẹ gây ra cho con mình. Đa số học sinh hiện nay đều phải đi học thêm, không những phải học toán, học văn, học tiếng Anh… mà còn phải học những môn nghệ thuật như nhạc, họa,… khiến học sinh không đủ thời gian để làm bài trên lớp, học thuộc bài dẫn đến việc học đối phó. Chính áp lực mà bố mẹ tạo ra đã khiến nhiều học sinh phải oằn mình ra gánh lấy ước muốn lớn lao của cha mẹ mặc dù không phải ai cũng “thông minh vốn sẵn tính trời”. Ngoài ra một số người lại ưa thành tích, ép chỉ tiêu, ép số lượng khiến học giả, thi giả nên đành phải thiếu trung thực để được số lượng như mong muốn.

Nhưng việc học đối phó, thiếu trung thực của học sinh ngày càng tràn lan, một phần cũng do nền giáo dục nước nhà còn lạc hậu, học thì nhiều mà thực hành thì ít. Chương trình học hiện nay quá nặng, không những đối với học sinh mà đối với cả các giáo viên. Do lượng kiến thức trong một buổi giảng quá nhiều mà thời gian giảng dạy bốn mươi lăm phút là quá ít đối với một giáo viên để có thể truyền tải được hết kiến thức, điều đó khiến cho nhiều học sinh không thể tiếp thu hết kiến thức nên dần dần những kiến thức mà học trò nhận được rất mơ hồ, không rõ. Vì vậy mà học sinh phải học đối phó, việc mở sách, quay cóp bài dường như đã trở thành sở thích của một số trò. Kiến thức nặng và nhiều là một phần nhưng bệnh thành tích của ngành Giáo dục và của một số giáo viên cũng là nguyên nhân dẫn tới việc học sinh học không thực chất. Có lẽ thực trạng học sinh giỏi “ảo” cũng xuất phát từ “căn bệnh thành tích” này.

Việc học sinh học không trung thực là vấn đề rất nguy hiểm, nó gây ra những tác hại khôn lường. Học sinh sẽ không có kiến thức khi bước vào đời. Hơn nữa việc học đối phó sẽ ảnh hưởng tới sự trung thực của con người, học sinh sẽ dần đánh mất những nhân cách tốt. Cách học không trung thực này sẽ dẫn tới những tệ nạn xã hội như hiện nay là: “ngồi nhầm lớp”, “bằng cấp giả”... nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, về lâu dài làm suy thoái nền giáo dục nước nhà.

Chính vì vậy chúng ta cần đề ra những biện pháp khắc phục cụ thể.

Học sinh chúng ta cần phải thay đổi từ ngày hôm nay, phải biết học cho mình và cần chủ động tìm hiểu, tiếp thu kiến thức. Giáo viên cũng cần nghiêm túc hơn trong các giờ kiểm tra, coi thi. Ngành Giáo dục cũng nên giảm tải chương trình học cho học sinh và nên tích cực tạo điều kiện cho học sinh học đi đôi với hành. Cũng như ở nước ngoài, nhiều nước như Anh, Pháp, Mĩ,… rất chú trọng tới việc cho học sinh thực hành và tiếp xúc với xã hội bên ngoài, điều đó không những hỗ trợ việc học cho các em mà còn giúp các em trưởng thành hơn trong cuộc sống. Ngoài ra cần phải lên án, cương quyết xóa bỏ “bệnh thành tích” bởi giáo dục góp phần xây dựng nên nhân cách con người mà ngành Giáo dục lại nhiễm phải căn bệnh trầm trọng này thì tất yếu họ sẽ tạo ra những con người, thậm chí là cả một thế hệ sẽ bị nhiễm “bệnh thành tích”. Như vậy quả là một gánh nặng cho xã hội.

Học sinh chúng ta hãy có ý thức phấn đấu bằng chính khả năng và thực lực của mình. Chỉ khi học sinh nào có ý thức trung thực trong học tập và thi cử thì mới trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

Bài tham khảo Mẫu 1

Giáo dục là một trong những vấn đề được xã hội Việt Nam chú ý, quan tâm hàng đầu. Mặc dù đây là một trong những ngành quan trọng bậc nhất của đất nước và nhận được sự quan tâm rất lớn của chính phủ, nhưng những khúc mắc, tiêu cực trong lĩnh vực này vẫn cứ tồn tại và lan rộng. Một trong những vấn đề lớn nhất, nổi bật nhất chính là hiện tượng gian lận trong thi cử, kiểm tra hay nói cách khác là tình trạng học đối phó, quay cóp bài của học sinh trong kiểm tra, thi cử.

Học đối phó là hiện tượng học sinh học bài chỉ để vượt qua một kì thi, một giờ kiểm tra một cách gượng ép và không hề lưu giữ được những kiến thức đã học sau lần thi, lần kiểm tra đó. Còn quay bài là tình trạng học sinh xem bài của nhau hoặc xem tài liệu trong giờ thi, kiểm tra. Nói cách đơn giản hơn, đó là hiện tượng tiêu cực trong nền giáo dục. Và đáng tiếc thay, cái tiêu cực đó dường như đã trở thành “một phần tất yếu trong cuộc sống” của học sinh thời nay và nó đang ăn sâu, lan rộng vào tiềm thức của những người đang ngồi trên ghế nhà trường.

Xét về một mặt nào đó, những hành động này có thể cho họ lợi ích nhất thời, đó có thể là những điểm tám, điểm chín,… trong các kì thi, kiểm tra. Nhưng nếu ta xét một cách toàn diện và sâu rộng hơn, thì cái lợi trước mắt đó sẽ lại là cái hại lâu dài cho chính bản thân họ và cho cả đất nước, dân tộc. Khi những người học sinh thực hiện những hành vi tiêu cực đó, thì liệu khi họ rời ghế nhà trường để bước vào xã hội, trong bộ óc của họ có chứa được lượng kiến thức nào đủ để có thể chung sống với xã hội hay không? Và liệu một dân tộc, một đất nước sẽ ra sao khi nền giáo dục của đất nước đó, dân tộc đó chỉ tạo ra những con người trẻ tuổi với cái đầu rỗng tuếch và suy nghĩ dối trá, chắc hẳn rằng dân tộc đó, đất nước đó sẽ trở nên suy yếu, thậm chí là diệt vong.

Mọi thứ đều có nguyên nhân của chính nó và những tiêu cực trên cũng thế. Nguyên nhân trước hết chính là do bản thân mỗi học sinh đã không tự xác định được mục đích của việc học để làm gì và học như thế nào, từ đó dẫn đến suy nghĩ và hành động của họ trở nên sai trái là đương nhiên. Nhưng ta cũng không thể trách họ hoàn toàn được, làm sao họ có thể tốt được khi mà những người thầy, người cô cứ mãi đếm tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp,… khi mà những người đứng đầu ngành cứ mãi loay hoay với những vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như cải cách sách giáo khoa, vấn đề học phí,… Và tất cả những thứ đó góp phần tạo nên hiện tượng tiêu cực phổ biến này.

Để có thể giải quyết một cách triệt để được những hiện tượng trên, thì những vị lãnh đạo của chúng ta cần phải có những chiến lược, mục đích thật sự đúng đắn và sáng tạo cho ngành giáo dục, cùng với đó những người giáo viên phải truyền được cho học sinh tinh thần học tập, phải cho họ thấy mục đích của học tập không phải để trở thành “ông này, bà nọ”, để được “ăn sung mặc sướng”, để có cái bằng cấp vô nghĩa,… mà là tích lũy tri thức để có thể tồn tại, chung sống, phát triển và tự khẳng định mình.

Và trên hết, bản thân mỗi học sinh cần phải tự nỗ lực học tập, tự xác định được mục đích và phương pháp học tập hiệu quả, nhất là phải để cho lòng tự trọng của mình lên tiếng trước những hiện tượng tiêu cực trong học tập và thi cử nói trên. Hãy hành động ngay từ bây giờ và đừng chờ đợi nữa.

Bài tham khảo Mẫu 3

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Câu Tục ngữ đã thể hiện phần nào sự thông minh, tinh nghịch của những cô cậu tuổi đến trường. Sự thông minh ấy được bộc lộ trong việc tiếp thu bài, trong việc vui chơi, trong việc sinh hoạt tập thể.… Tụy nhiên, thời gian gần đây, sự thông minh của học trò được sử dụng vào một mục đích không tốt, gây bức xúc trong nhà trường nói riêng và với xã hội nói chung. Mục đích đó là: gian lận trong thi cử.

Gian lận trong thi cử là sử dụng những hình thức vi phạm quy chế thi cử như mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp, nhờ người thi hộ, bản bài, viết “phao”…, trong đó hình thức quay cóp, bản bài, viết “phao” được áp dụng rất phổ biến. Quay cóp, viết “phao” thường xảy ra nhiều nhất trong những giờ kiểm tra môn xã hội – những bộ môn học thuộc lòng khó “nhằn”. Còn đối với các bộ môn tự nhiên như Toán, Vật lí, hóa học,… thì hình thức bản bài hay nhìn bài bạn được học sinh “ứng dụng” triệt để.

Một thực trạng đáng buồn hiện nay là việc gian lận trong thi cử đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” đối với học sinh. Ở những nơi gần phòng thì ta có thể nhặt được rất nhiều mẫu giấy bé hơn lòng bàn tay chi chít những con chữ nhỏ xíu. Chủ nhân của những mẩu giấy này dường như chẳng cần chọn chỗ hủy “phao”, bởi họ quan niệm “người người chép phao, nhà nhà chép phao, có phải mình mình chép đâu mà sợ!”. Còn việc bản bài, nhìn bài bạn hay thậm chí là cho bạn nhìn bài mình qua con mắt học sinh trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái! Gian lận trong thi cử dường như không có gì sai trái, mà lại còn là cách học sinh thể hiện sự thông minh của mình trong việc mặt giám thị.

Nhưng liệu gian lận trong thi cử có thật sự là một việc làm thông minh? Hãy cùng nhau xem xét. Đối với học sinh, gian lận trong thi cử có thể khiến họ trở nên lười biếng, không chịu động não, không chịu đào sâu suy nghĩ vào bài học. Không những vậy, việc có được điểm số cao một cách không quá khó khăn khiến cho học sinh kém chú ý trong giờ học, quay ra làm việc riêng hoặc nói chuyện, vừa ảnh hưởng tới trật tự lớp, cản trở việc tập trung nghe giảng của các bạn khác, vừa ảnh hưởng đến việc giảng dạy của thầy cô. Hơn nữa, không nắm được kiến thức cơ bản khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ khiến học sinh không đủ hành trang để bước vào cuộc đời, khó có thể tìm kiếm cho bản thân con đường đúng dân để xây dựng đất nước.

Hơn nữa, gian lận khi còn trong giai đoạn trưởng thành có thể khiến học sinh mất đi tính trung thực, tự giác, khả năng phấn đấu, học hỏi, từ đó những tính xấu như dối trá, biếng lười có thể thừa cơ phát triển. Gian lận trong thi cử đang làm hỏng cả một thế hệ tương lai của đất nước. Còn đối với gia đình và nhà trường, điểm số “ảo” do gian lận trong thi cử có được sẽ khiến đánh giá của các bậc cha mẹ và giáo viên đối với học sinh trở nên rối loạn gây khó khăn trong việc giúp đỡ học sinh tiến bộ. Như vậy, gian lận trong thi cử hoàn toàn là một việc làm xấu, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến những việc làm thiếu trung thực ấy?

Có nhiều ý kiến cho rằng việc học sinh gian lận trong thi cử xảy ra bởi sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ thông tin. Những trang web, mạng internet, những trò chơi trực tuyến đang ngày một thu hút thêm Sự chú ý và say mê của giới trẻ. Thời gian dành cho việc lướt web, chơi game thay thế cho thời gian học tập ở nhà vốn đã vô cùng ít ỏi. Khi học sinh sa vào những trò chơi hấp dẫn này, thì đừng nói một tiếng, cả đêm thậm chí cả ngày hôm sau cũng khó mà có thể dứt ra được. Như vậy, các trò chơi trên Internet đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với việc học hành thi cử của học sinh.

Không những vậy, có rất nhiều học sinh chia sẻ rằng lí do khiến họ phải gian lận trong thi cử là do sức ép từ các bậc phụ huynh, những người luôn muốn được tự hào khoe thành tích học tập của con mình. Khá nhiều bậc phụ huynh đầu tư kĩ lưỡng cho việc học của con bằng cách thuê gia sư về dạy kèm con, cho con đi học thêm, luyện thi ở các “lò” luyện đông đúc chật chội. Họ không hiểu rằng những gì con họ cần là thời gian dành cho việc làm bài tập và tự ôn luyện. Từ đó, việc gian lận trong thi cử diễn ra như một cách để học sinh đối phó với gia đình và nhà trường, một cách để họ tự giải tỏa phiền phức cho bản thân.

Tuy nhiên tất cả những lí do ấy thực chất chỉ là ngụy biện cho sự nản chí, không có quyết tâm vươn lên trong học tập. Nếu họ ham học hỏi thì sự kiềm chế của họ đối với những trò chơi điện tử phải mạnh mẽ hơn những gì họ nói. Nếu họ quyết tâm phấn đấu thì những sức ép từ gia đình sẽ biến thành động lực khiến họ cố gắng hơn, khiến cho họ chuyên cần hơn và thẳng thắn hơn để đối diện với cha mẹ và nói lên những điều họ mong muốn. “Lười biếng” mới chính là “con sâu làm rầu nồi canh”, phá hoại những đức tính tốt đẹp khác của học trò.

Gian lận trong thi cử là một việc làm xấu, cần phải được nhanh chóng đẩy lùi ngăn chặn. Với mong muốn có được môi trường học thân thiện, công bằng, nghiêm túc, đặc biệt là xóa bỏ việc gian lận trong thi cử, cả xã hội đang chung tay góp sức thực hiện những việc làm thiết thực cho nền giáo dục.

Nhưng điều quan trọng nhất cần phải chú ý đến, đó là mỗi học sinh cần phải nâng cao ý thức tự giác học tập. Chúng ta có thể thực hiện những việc làm nho nhỏ để “lên dây cót tinh thần” khi học: như trang trí góc học tập với. những khẩu hiệu kích thích tính ham học, như: “Học, học nữa, học mãi”, “Không gian lận trong thi cử”, “Học vì ngày mai tươi sáng”,… Khi nhìn những khẩu hiệu này, vô hình trung chúng ta đang tự xác định lại mục đích học tập đúng dẫn cho bản thân mình, từ đó học tập sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu mà học sinh không thể phủ nhận.

Học tập không phải vì điểm số mà là vì chính tương lai của bạn. Đừng để gian lận trong thi cử làm hại đến cuộc sống mai sau. Trung thực và thẳng thắn từ bây giờ, sẽ giúp cuộc sống mai sau của bạn tươi đẹp và mãi mãi vững bền!

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close