Phân tích cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường tỏng bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”

I. Mở bài - Giới thiệu về Hoàng Phủ Ngọc Tường và "Ai đã đặt tên cho dòng sông", giới thiệu cái tôi trữ tình của tác giả trong tác phẩm

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

- Giới thiệu về Hoàng Phủ Ngọc Tường và "Ai đã đặt tên cho dòng sông", giới thiệu cái tôi trữ tình của tác giả trong tác phẩm

II. Thân bài

a. Giải thích cái tôi trữ tình và khái quát cái tôi trữ tình của nhà văn
- Cái tôi trữ tình là một thuật ngữ thuộc lĩnh vực Lý luận Văn học, chỉ tâm trạng, cảm xúc, cảm nhận của tác giả, là tâm hồn của riêng tác giả trước hiện thực khách quan. Qua cái tôi trữ tình, người đọc có thể cảm nhận được những suy nghĩ, tư tưởng và quan niệm...của tác giả trước cuộc đời.
- Cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là cái tôi mê đắm, tài hoa, uyên bác và có tình yêu say đắm quê hương, xứ sở, đặc biệt với Huế và Hương giang.

b. Cái tôi mê đắm và tài hoa

- Miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Hương từ góc nhìn địa lý
+ Cẩn trọng và kì công đúc kết từng câu từng chữ tinh tế và ngập tràn ưu ái, miêu tả dòng chảy của Hương giang từ thượng nguồn đến khi về đồng bằng
+ Dẫn chứng: "bản trường ca của rừng già", "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", là "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở", "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức", "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế"...
→ Tất cả những câu văn miêu tả sông Hương đều đẹp đến lạ lùng.

- Góc nhìn lịch sử về dòng sông.
+ Trong cái nhìn của nhà văn, sông Hương là "dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc".
+ Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không chỉ là một dòng chảy địa lý của thiên nhiên, nó từ lâu đã trở thành một sinh thể có tâm trạng, biết yêu nước trong những tháng ngày gian khổ hào hùng của dân tộc.
- Cái tôi tài hoa, mê đắm của ông cảm nhận được không chỉ một vẻ thuần nhất của dòng sông mà còn rất nhiều vẻ đẹp phong phú khác. Mỗi vẻ đẹp lại đem đến một cảm nhận riêng cho người đọc.

- Tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật.
+ Đoạn văn miêu tả sông Hương ở thượng lưu : "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng".
+ Lối hành văn uyển chuyển với ngôn từ đa dạng và hình ảnh phong phú.
+ Đặc biệt, sử dụng thành công nghệ thuật nhân hóa, so sánh, gợi hình ảnh dòng sông sinh động như con người, lúc "rầm rộ" và "mãnh liệt", lúc "dịu dàng" và "say đắm"; khi lại "vui tươi hẳn lên".
→ Trí tưởng tượng phong phú cùng những liên tưởng táo bạo đã giúp tác giả nêu bật những cảm nhận đa dạng về sông Hương. Cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông" trở nên đầy say mê và hào hứng.

c. Cái tôi uyên bác và giàu vốn hiểu biết
- Miêu tả sông Hương, nhà văn dường như thông thuộc từng bước đi, ngã rẽ, dòng chảy. Không chỉ biết chỗ nào cuộn xoáy, chỗ nào yên ả...
- Ông thậm chí phát hiện được những điều mà ngay cả người Huế cũng không nghĩ đến: sông Hương giống như "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở".

- Cái tôi uyên bác của nhà văn đã khám phá và phát hiện những đặc điểm văn hóa thú vị của sông Hương.
+ Vẻ trầm mặc như triết lí, như cổ thi của con sông khi chảy bên những lăng tẩm đền đài của các đời vua chúa triều Nguyễn... Hay còn là dòng sông thi ca, cội nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ.
+ Giai thoại tuyệt đẹp về nguồn gốc tên gọi của sông Hương: "Tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước của trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi".
→ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhờ đó đã mang đến cho người đọc nhiều tri thức về sông Hương nói riêng và Huế nói chung.

d. Cái tôi yêu tha thiết quê hương, xứ sở, Huế và sông Hương
- Nếu chỉ là cảm xúc rung động nhất thời trước vẻ đẹp của con sông, của xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ không thể viết lên được những trang văn mê đắm và rất đỗi tài hoa như thế.
- Yêu Huế, yêu Hương giang, nhà văn mới có được những rung cảm mãnh liệt
- Tình cảm đặc biệt ấy hóa thành những dòng chảy trong tâm hồn nhà văn để rồi tạo nên cả cái tôi mê đắm, tài hoa và uyên bác.
- Tình yêu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho Hương giang thực ra chính là tình yêu tha thiết, mãnh liệt dành cho đất nước.

III. Kết bài

- Đánh giá lại cái tôi trữ tình và phong cách tác giả, giá trị tác phẩm

Bài tham khảo Mẫu 1

Văn chương là hành trình đi từ trái tim đến những trái tim qua ngòi bút của người sáng tác. Khi những trang văn khép lại, cái còn đọng lại trong lòng người đọc chính là cái tôi trữ tình của tác giả. Nhắc đến cái tôi trữ tình trong văn học Việt Nam không thể không nhắc Hoàng Phủ Ngọc Tường với bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Cái tôi trữ tình của ông trong bài ký là cái tôi mê đắm lãng mạn, tài hoa, uyên bác và yêu say đắm quê hương, xứ Huế, ghi lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

Cái tôi trữ tình là một thuật ngữ thuộc lĩnh vực Lý luận Văn học, chỉ tâm trạng, cảm xúc, cảm nhận của tác giả. Hay thực chất là thế giới nội tâm, là tâm hồn của riêng tác giả trước hiện thực khách quan. Qua cái tôi trữ tình, người đọc có thể cảm nhận được những suy nghĩ, tư tưởng và quan niệm...của tác giả trước cuộc đời. Cái tôi trữ tình từ đó chính là yếu tố quan trọng góp phần hình thành phong cách nghệ thuật của riêng tác giả.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt ở thể kí. Ai đã đặt tên cho dòng sông là tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường nói chung, cho cái tôi trữ tình của ông nói riêng. Qua bài ký, tác giả khéo léo thể hiện cái tôi mê đắm, tài hoa, uyên bác và có tình yêu say đắm quê hương, xứ sở, đặc biệt với Huế và dòng Hương giang.

Đến với "Ai đã đặt tên cho dòng sông", trước tiên gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả là cái tôi Hoàng Phủ tài hoa và mê đắm, tinh tế và vô cùng lãng mạn. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành hết tâm sức, tình cảm và nhiệt huyết văn chương để say sưa khám phá và miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Hương từ góc nhìn địa lý. Ngay từ những câu văn đầu miêu tả thủy trình của dòng sông, nhà văn đã cẩn trọng và kì công đúc kết từng câu từng chữ tinh tế và ngập tràn ưu ái. Ở thượng nguồn, sông Hương hiện lên là "bản trường ca của rừng già", là "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", là "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Khi rời núi rừng để về với đồng bằng, nó lại hiện lên giống như "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức". Lúc chảy giữa lòng thành phố thân thương, sông Hương lại là "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế", là "người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya", để rồi trước khi chia tay "người tình mà nó mong đợi" ở "thị trấn Bao Vinh xưa cổ" sông Hương giống như nàng Kiều trở về tìm Kim Trọng để nói một lời thề trước khi đi xa... Tất cả những câu văn miêu tả sông Hương đều đẹp đến lạ lùng. Nó không chỉ miêu tả được vẻ đẹp độc đáo của dòng sông mà còn thể hiện được lối tư duy sắc bén được nuôi dưỡng trong dòng cảm xúc đam mê và cảm hứng nghệ thuật.

Cái tôi mê đắm tài hoa của tác giả còn được thể hiện rõ nét qua góc nhìn lịch sử về dòng sông. Trong cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương là "dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc". Những năm tháng chiến tranh ác liệt, nó "biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công". Khi trở về đời thường, nó lại lặng lẽ, khiêm nhường làm "người con gái dịu dàng của đất nước". Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không chỉ là một dòng chảy địa lý của thiên nhiên, nó từ lâu đã trở thành một sinh thể có tâm trạng, biết yêu nước trong những tháng ngày gian khổ hào hùng của dân tộc.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tinh tế phát hiện ra những vẻ đẹp vô cùng độc đáo của dòng sông Hương. Cái tôi tài hoa, mê đắm của ông cảm nhận được không chỉ một vẻ thuần nhất của dòng sông mà còn rất nhiều vẻ đẹp phong phú khác. Mỗi vẻ đẹp lại đem đến một cảm nhận riêng cho người đọc. Chỉ riêng việc miêu tả sông Hương đẹp như vẻ đẹp người con gái, tác giả đã sử dụng nhiều cách diễn đạt khác biệt. Khi thì là "cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại" khi là "người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya"; ở khúc khác lại "giống như nàng Kiều trong đêm tình tự"; "người con gái dịu dàng của đất nước"...

Tài hoa tinh tế trong cách cảm nhận vẻ đẹp sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn vô cùng tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật. Trong bài ký, có bao nhiêu góc nhìn về sông Hương thì có bấy nhiêu kiểu chữ nghĩa được sử dụng. Tiêu biểu như đoạn văn miêu tả sông Hương ở thượng lưu : "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Hay "qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ xuôi dần về Huế...".

Chúng ta có thể thấy được lối hành văn uyển chuyển với ngôn từ đa dạng và hình ảnh phong phú. Từng từ từng chữ đều mang đậm hơi thở tài hoa của người nghệ sĩ. Đặc biệt, tác giả còn sử dụng thành công nghệ thuật nhân hóa, so sánh, gợi hình ảnh dòng sông sinh động như con người, lúc "rầm rộ" và "mãnh liệt", lúc "dịu dàng" và "say đắm"; khi lại "vui tươi hẳn lên". Hình ảnh so sánh "đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu" hay "chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non" vô cùng ấn tượng và gợi cảm. Trí tưởng tượng phong phú cùng những liên tưởng táo bạo đã giúp tác giả nêu bật những cảm nhận đa dạng về sông Hương. Cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông" trở nên đầy say mê và hào hứng.

Bên cạnh cái tôi mê đắm tài hoa, người đọc còn cảm nhận được cái tôi uyên bác và giàu tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa Huế. Miêu tả sông Hương, nhà văn dường như thông thuộc từng bước đi, ngã rẽ, dòng chảy. Không chỉ biết chỗ nào cuộn xoáy, chỗ nào yên ả... Hoàng Phủ Ngọc Tường còn tường tận cả lịch sử của dòng sông. Ngoài tri thức địa lý, lịch sử đã ghi lại, ông thậm chí phát hiện được những điều mà ngay cả người Huế cũng không nghĩ đến. Đó là vai trò quan trọng của Hương giang - "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Người ta có lẽ chỉ nhìn sông Hương qua vẻ bên ngoài của nó mà không biết được nó là khởi nguồn của cả một không gian địa lý và văn hóa Huế. Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường lại hiểu rõ.

Cái tôi uyên bác của nhà văn đã khám phá và phát hiện những đặc điểm văn hóa thú vị của sông Hương. Đó là cái vẻ trầm mặc như triết lí, như cổ thi của con sông khi chảy bên những lăng tẩm đền đài của các đời vua chúa triều Nguyễn; là nền âm nhạc cổ điển đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Hay còn là dòng sông thi ca, cội nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ. Đặc biệt là giai thoại tuyệt đẹp về nguồn gốc tên gọi của sông Hương: "Tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước của trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi". Nếu không có Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiều người chắc chắn sẽ không bao giờ biết đến giai thoại này. Vì vậy, nó trở thành thông tin vô cùng hấp dẫn trong tác phẩm, nhấn mạnh cái tôi uyên bác của nhà văn. Hoàng Phủ Ngọc Tường nhờ đó đã mang đến cho người đọc nhiều tri thức về sông Hương nói riêng và Huế nói chung.

Ai đã đặt tên cho dòng sông ngoài ra còn thể hiện cái tôi trữ tình của nhà văn với tình yêu say đắm và sự gắn bó sâu sắc với quê hương, xứ sở, với Huế và Hương giang. Nếu chỉ là cảm xúc rung động nhất thời trước vẻ đẹp của con sông, của xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ không thể viết lên được những trang văn mê đắm và rất đỗi tài hoa như thế. Yêu Huế, yêu Hương giang, nhà văn mới có được những rung cảm mãnh liệt, sông Hương không đơn thuần là cảnh đẹp mà còn chiếm trọn tâm hồn ông. Chính con sông đã khiến trái tim ông chảy xuôi vô vàn cung bậc cảm xúc. Khi thì băn khoăn, trăn trở, khi lại nhớ đến nao lòng...

Tình cảm đặc biệt ấy hóa thành những dòng chảy trong tâm hồn nhà văn để rồi tạo nên cả cái tôi mê đắm, tài hoa và uyên bác. Bởi vì yêu nên say sưa trong vẻ đẹp của dòng sông, cố gắng tìm hiểu và tinh thông tri thức, dành hết tài hoa để miêu tả thành hình trọn vẹn vẻ đẹp của nó. Hương giang là một phần của Huế, cũng là một dòng chảy trong rất nhiều dòng chảy của non sông. Tình yêu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho Hương giang thực ra chính là tình yêu tha thiết, mãnh liệt dành cho đất nước.

Xuyên suốt bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông", Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dẫn dắt người đọc theo dòng cảm chảy ấn tượng. Cái tôi mê đắm, tài hoa, cái tôi uyên bác, tinh tế cùng cái tôi yêu sâu sắc quê hương xứ sở hòa quyện vào nhau kết hợp cùng nghệ thuật ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Từ đó không chỉ vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp về dòng sông Hương cùng xứ Huế mộng mơ mà còn thể hiện phong cách nghệ thuật của riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhà văn cùng "Ai đã đặt tên cho dòng sông" bởi vậy đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học dân tộc. Để rồi thời gian trôi đi, tác giả và tác phẩm vẫn lặng lẽ chảy mãi trong tâm hồn độc giả, giống như dòng chảy Hương giang không bao giờ ngừng lại.

Bài tham khảo Mẫu 2

Nhắc tới Hoàng Phủ Ngọc Tường là ta nhắc tới một người con xứ Huế với giọng văn hướng nội, uyên bác, tài hoa. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” có thể coi là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn. Đọc bài kí, ta ấn tượng với cái tôi trữ tình đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Cái tôi trữ tình có thể được hiểu nôm na là thế giới nội tâm, là tâm hồn của riêng góp phần quan trọng hình thành phong cách nghệ thuật của riêng tác giả.. Qua cái tôi trữ tình, người đọc cảm nhận được những suy nghĩ, tư tưởng tác giả trước cuộc đời. Ở tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, ta thấy được một Hoàng Phủ Ngọc Tường với cái tôi dạt dào cảm xúc và cẩn trọng trong tìm kiếm và khám phá.

Vừa bước ra từ trong khói lửa chiến tranh, Hoàng Phủ Ngọc Tường - người trí thức yêu nước đã dành những lời văn hay nhất để ngợi ca dòng sông Hương xứ Huế, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, một tư thế tự do, tự tin và đầy tự hào. Có thể nói, nhà văn đã dành hết tâm huyết và tình cảm của cả một đời văn để say sưa khám phá và miêu tả vẻ đẹp của Hương giang. Kể về thủy trình của dòng sông từ thượng nguồn đổ về xuôi rồi đi ra biển, nhà văn đã say sưa và khéo léo “đúc câu luyện chữ”: ở thượng nguồn, sông Hương là “bản trường ca của rừng già”, là “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”, là “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Với biện pháp sử dụng nhân hóa, nhà văn đã thổi hồn vào con sống khiến nó như một con người thật sự, biết uốn éo mình, bung xõa theo từng địa hình. Trở về với đồng bằng, dòng sông như "người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại" được người tình mong đợi đến đánh thức. Rồi, "từ ngã ba tuần sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang Tây Bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Chảy qua núi rừng, Sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh, khéo léo “uốn mình theo những đường cong thật mềm”. Về đến Huế, nó rũ bỏ hình ảnh hoang dại của mình trở thành dòng sông êm đềm, du dương, dịu dàng. Sông Hương khi chảy trong Huế, như đã tìm thấy chính mình khi gặp thành phố thân yêu, sông Hương “vui tươi hẳn lên giữa những bến bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”, dòng sông “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc”, rồi “uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến” khiến dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói là của tình yêu”. Nhà văn đã thật tâm huyết khi cảm nhận sông Hương ở nhiều góc độ: nhìn bằng con mắt của hội hoạ, sông Hương và những chi lưu của nó tạo những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô; qua cách cảm nhận âm nhạc, sông Hương “đẹp như điệu Slow” chậm rãi, sâu lắng, trữ tình và với cái nhìn đắm say của một trái tim đa tình, sông Hương là người tình dịu dàng và chung thuỷ. Điều này được diễn tả trong một phát hiện thú vị của tác giả: “Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bảo Vinh xưa cổ”. Cũng theo tác giả khúc quanh thật bất ngờ đó, tựa như một “nỗi vương vấn”, và dường như còn có cả “một chút lẳng lơ kín đáo” của tình yêu… Tác giả đã rất tài tình khi so sánh nhịp chảy bất ngờ này với một chút “lẳng lơ kín đáo của tình yêu”. Những lời hay ý đẹp trong tác phẩm hẳn phải là kết tinh của tình yêu sâu đậm, của những hiểu biết tường tận về dòng sông.

Từ góc nhìn lịch sử, dòng sông Hương xứ Huế cũng hiện lên trong cảm hứng say mê ngợi ca của cái “tôi” trữ tình. Sông Hương là “dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”. Trong chiến tranh, nó “biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công”. Nhưng khi trở về đời thường, nó lại lặng lẽ, khiêm nhường làm một “người con gái dịu dàng của đất nước”. Dòng sông không chỉ là một cô gái dịu dàng trong câu chuyện tình yêu, mà còn là một dòng sông chiến sĩ đã bảo vệ đất nước trong mấy nghìn năm lịch sử. Hương giang mang trong mình vẻ đẹp truyền thống đã làm thành bản sắc văn hóa Việt :

“Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”

(Huy Cận)

Bằng ngòi bút dạt dào cảm xúc và cái tôi trữ tình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đã vẽ nên một sông Hương trữ tình, đầy chất thơ. Nhà văn đã nhiều lần ví sông Hương với người thiếu nữ quyến rũ, gợi cảm : “cô gái Di – gan phóng khoáng và man dại”; “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”; “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”; “giống như nàng Kiều trong đêm tình tự”; “người con gái dịu dàng của đất nước”. Ví sông Hương như những cô gái Di-gan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh về vẻ đẹp hoang dã nhưng cũng rất tình tứ của con sông cố đô, liên tưởng sông Hương với những trang Kiều của Nguyễn Du, ông mang lại những ấn tượng về dòng sông thơ mộng, thấy “sông Hương và thành phố của nó” như hình ảnh “của cặp tình nhân lý tưởng của truyện Kiều khiến dòng sông nên thơ, nên họa.

Cả bài tuỳ bút giống như một cuộc hành trình thú vị tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông?". Phải chăng đây là câu hỏi bâng quơ của một người nghệ sĩ khi đến với Huế? Hay nó là một câu hỏi chất chứa đầy ngụ ý của tác giả nhằm xác lập mối quan hệ giữa dòng sông với con người, giữa cái tên của dòng sông với cách nhìn, cách nghĩ và những cảm nhận của con người về nó. Có thể thấy, khi tìm hiểu về sông, nhà văn đã rất công phu tìm hiểu về cuộc sống và con người bên dòng sông ấy. Từ đó, sông đã được soi ngắm từ nhiều góc độ, thời gian và không gian, văn hoá và lịch sử, sinh hoạt và phong tục, đời sống sinh hoạt và thế giới tinh thần... Cái tôi uyên bác đã giúp nhà văn khám phá và phát hiện những đặc điểm văn hóa thú vị của sông Hương. Đó là có lúc, dòng sông mang vẻ trầm mặc, cổ thi khi chảy bên những lăng tẩm đền đài của các đời vua chúa triều Nguyễn; cũng có lúc, nó lại là dòng sông thi ca, nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật. Đặc biệt là giai thoại tuyệt đẹp về nguồn gốc tên gọi của sông Hương: "Tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước của trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi". Nếu không có Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiều người chắc chắn sẽ không bao giờ biết đến giai thoại này. Chính giai thoại ấy đã góp phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn cho bài kí, nhấn mạnh cái tôi uyên bác của nhà văn. Chỉ bằng một bài tùy bút vài trang giấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đến cho người đọc nhiều tri thức về sông Hương nói riêng và Huế nói chung.

Sẽ thật là thiếu sót nếu ta không đề cập tới vẻ đẹp của ngôn từ trong tác phẩm. Sự tài hoa của cái tôi tác giả thể hiện rõ trên từng câu chữ. Người ta thường nói "Thi trung hữu hoạ" hay "Thi trung hữu nhạc". Nhưng ở đây, ta lại thấy một sự hòa quyện hoàn hảo giữa chất nhạc, chất họa và chất thơ trong chữ nghĩa của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Điển hình khi đoạn nhà văn miêu tả con sông Hương ở thượng lưu : “rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Hay như đoạn nhà văn miêu tả sông Hương rời khỏi vùng núi xuôi về đồng bằng chuẩn bị vào lòng thành phố Huế : “qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách”. Qua hai đoạn văn, ta thấy một lối hành văn uyển chuyển, ngôn từ đa dạng và giàu hình ảnh. Có thể nói, từng đường đi nước bước của con sông đều được cái kho ngôn ngữ giàu có và tài hoa ấy làm cho thỏa mãn. Mỗi nét bút lại khiến ta liên tưởng tới một nét vẽ tài hoa của người họa sĩ, một động tác chạm khắc tinh xảo của nhà điêu khắc mà qua đó, vẻ đẹp của sông Hương lại hiện ra thật đặc sắc, thật chân thực. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nâng niu từng con chữ, sắp xếp chúng theo một lối riêng nhằm tạo ra những ý văn hay, những câu văn đẹp. Dường như mỗi góc nhìn, về con sông lại có kiểu chữ nghĩa được huy động để diễn tả cho thật riêng, độc đáo.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết về sông Hương đâu chỉ bằng cảm nhận và hiểu biết về dòng sông mà còn bằng cảm nhận và hiểu biết về con người Huế để từ đó mà thấy một cách sâu sắc và thấm thía rằng, không chỉ đặc điểm địa lý mà quá trình lịch sử cùng với diện mạo văn hoá do con người tạo nên đã hình thành cho sông Hương một diện mạo, dáng vẻ và cả một tâm hồn.

Bài tham khảo Mẫu 3

“Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư”, đọc kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” ta bắt gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường với một cái tôi tài hoa uyên bác luôn tha thiết với sông Hương xứ Huế. Cái tôi đặc sắc không trộn lẫn ấy đã đóng một dấu triện riêng vào dòng chảy văn học và tâm hồn người đọc.

Hoàng Phủ Ngọc Tường được biết đến với vai trò vừa là nhà văn vừa là nhà thơ gắn bó sâu nặng với Huế. Những trang văn của ông đặc biệt là Ai đã đặt tên cho dòng sông? Đã khơi dậy tâm hồn Huế và dẫn dắt người đọc vào những vùng trầm tích của văn hóa kinh xưa. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” được lấy từ tập kí cùng tên, nhan đề tác phẩm khơi gợi cho người đọc thấy cả tác phẩm kí không chỉ là những ghi chép, quan sát thông thường mà là sự kiếm tìm khám phá vẻ đẹp của sông Hương xứ Huế.

Nguyễn Trọng Tạo đã từng khẳng định Hoàng Phủ Ngọc Tường là “một cuốn từ điển sống về Huế” và trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? Cái “tôi” uyên bác trí tuệ được thể hiện trọn vẹn trong những trải nghiệm sâu sắc và hiểu biết sâu rộng. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vận dụng những tri thức văn hóa để lí giải điệu trôi lặng tờ của sông Hương trong lòng thành phố Huế: tác giả vận dụng kiến thức địa lí “Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc…”giúp người đọc hiểu rõ lưu tốc dòng sông trôi đi thật chậm như một mặt hồ yên tĩnh là do sự hiện diện của hai hòn đảo nhỏ và những chi lưu mang nước sông Hương đi khắp phố phường. Hoàng Phủ Ngọc Tường còn vận dụng những tri thức văn hóa phong phú khi so sánh sự tương đồng và tương phản của sông Hương với những dòng sông nổi tiếng trên thế giới. Hương Giang cũng như sông Xen của Paris, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét đều gắn liền và biểu tượng cho thành phố thân thương của nó. Tuy nhiên nếu sông Xen và Đa-nuýp phản chiếu cái hoa lệ của đô thị hiện đại thì sông Hương lại lưu giữ trong lòng mình những nét cổ điển trầm mặc của những đền đài lăng tẩm của những cây đa, cầy cừa tỏa bóng u sầu. Tác giả còn so sánh cái điệu chảy lặng tờ của sông Hương với dòng chảy nhanh của dòng sông Nê-va qua cung điện Pê-téc-bua đổ ra Ban-tích mang theo những tảng băng trôi nhanh như tàu tốc hành để thêm yêu cái điệu chảy lập lờ nửa như muốn đi nửa như muốn ở của con sông quê hương. Cái “tôi” uyên bác còn được thể hiện khi tác giả nhìn con sông dưới góc nhìn lịch sử từ dòng sông biên thùy xa xôi thời vua Hùng đến dòng Linh Giang bảo vệ biên giới tổ quốc phía Nam Đại Việt,qua những năm tháng dưới thời vua Quang Trung rồi đến thời kỳ máu lửa của chiến tranh sông Hương đã sống hết mình với lịch sử, nó đã chịu nhiều mất mát đau thương, góp mình dựng xây Huế và đất nước. Từng tri thức lịch sử được cái “tôi” am tường lịch lãm của Hoàng Phủ sắp xếp khai thác đã biến sông Hương thành con sông sử thi con sông của lịch sử.

Bên cạnh đó cái “tôi” uyên bác còn được thẻ hiện ở những trải nghiệm sâu sắc với những suy tư đa chiều, bằng sự tinh tế trong những trải nghiệm âm nhạc, Hoàng Phủ Ngọc tường đã phát hiện sự gắn kết giữa sông Hương với âm nhạc Huế. Tác giả như cảm nhận được toàn bộ phần hồn của sông Hương đã thăng hoa, quyền hòa trong âm nhạc cung đình khi khẳng định rằng:”toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya.” Sông Hương không chỉ sinh thành và nuôi dưỡng văn hóa cố đô mà điệu chảy của sông Hương chính là điệu chảy của tâm hồn Huế, nhịp trôi của dòng sông chình là nhịp sống của miền đất kinh xưa. Bằng sự lịch lãm của những trải nghiệm văn chương,văn hóa,… Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện ra mối liên hệ điệu cháy sông Hương với những trang Kiều, người nghệ nhân già đọc Kiều mà thấy âm vang của nhã nhạc cung đình Huế thứ ấm nhạc cố đô sinh thành từ người mẹ phù sa sông Hương. Và phải chăng những trang Kiều mang âm vang của mặt nước sông Hương mà tạo nên những bản đàn đi suốt cuộc đời Kiều? Với những trải nghiệm sâu sắc Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận sông Hương ở chiều sâu, khơi gợi bóc tách trước dắt người đọc những lớp trầm tích văn hóa ẩn chìm trong lòng sông Hương.

Đi liền với sự uyên bác thì trong cái “tôi” Hoàng Phủ đó là sự tài hoa không trộn lẫn: tác giả nhìn con sông Hương không chỉ đơn giản là một con sông thuộc về một thành phố mà trong mắt ông Hương Giang là một người con gái đẹp với những vẻ đẹp độc đáo và Hoàng Phủ Ngọc Tường lại chính là chàng trai đang trên hành trình khám phá vẻ đẹp của người con gái. Khi thì sông Hương là cô gái Di-gan phóng khoáng man dại, lúc lại là người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở, ông còn ví sông Hương như “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng châu hóa đầy hoa dại” với những nét mềm mại dịu dàng trong lòng thành phố Huế. Không chỉ thế cuộc gặp gỡ giữa sông Hương và xứ Huế được nhìn qua lăng kính tình yêu đầy lãng mạn của tác giả, ông ví cuộc gặp gỡ này như cuộc gặp gỡ Kim-Kiều-một thiên diễm tình khơi gợi nên những cảm xúc tình tế say mê. Và trên hành trình hướng về thành phố thân yêu của nó, sông Hương đã tự thay đổi mình để hòa vào cái hồn chung của xứ Huế đặc biệt hình ảnh cây cầu Tràng Tiền biểu tượng của Huế như vầng trăng non in trên nền trời giống như tín hiệu của tình yêu, biểu tượng của tình yêu giúp con sông biết nơi mà nó muốn tới.

Cái “tôi’ tài hoa còn ghi dấu vào những trang kí những ấn tượng về những liên tưởng phóng khoáng lãng mạn đậm chất “tài tử tài tình” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những liên tưởng như ‘tiếng vâng không nói ra của tình yêu”, “điệu slow tình cảm” hay “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” . Sự ngọt ngào , gợi cảm của ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường đã biến sông Hương trở thành một cô gái Huế dịu dàng e ấp trong chất thơ huyền hoặc quyến rũ làm say đắm lòng người, mặt khác nhà văn cũng phả hồn mình vào dòng nước trong cái mê đắm của một tình yêu sâu nặng với sông Hương xứ Huế. Ngôn ngữ tinh tế và cách hành văn hướng nội, tài hoa của tác giả đã khắc họa sông Hương hiện lên mang vẻ đẹp của trầm tích văn hóa qua cái nhìn hướng vào bên trong khám phá tâm hồn sông nước của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cả tác phẩm kí đều sóng sánh chất thơ quyến rũ với giọng điệu, lời văn giàu hình ảnh, nhạc điệu làm nên những trang viết “tài hoa, tài tử, tài tình”

‘Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trầm hồn mình với đất trời sông nước xứ Huế” mà sáng tác nên những trang kí khắc họa trọn vẹn vẻ đẹp sông Hương vừa đa sắc biến ảo lại thẳm sâu hấp dẫn. Phải chăng sông Hương đã trao cả nhan sắc và tâm hồn mình cho Hoàng Phủ Ngọc Tường hay chính ngòi bút Hoàng Phủ đã làm nổi bật cả nhan sắc và linh hồn của con sông xứ Huế? Không chỉ vậy qua những dòng kí được tác giả dụng công sáng tác ta thấy được một cái “tôi’ tài hoa uyên bác và luôn đắm say trước vẻ đẹp của sông Hương, xứ Huế được “xây bằng khói và sương”.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close