Vẻ đẹp xứ Huế qua hai tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) và Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

I.Mở bài - Giới thiệu bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Giới thiệu bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I.Mở bài 

- Giới thiệu bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

- Giới thiệu bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường

- Giới thiệu vấn đề nghị luận : Vẻ đẹp xứ Huế qua hai tác phẩm

II. Thân bài

Luận điểm 1 : Phân tích vẻ đẹp xứ Huế trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

+ Cảnh vườn cây đẹp trong nắng ban mai với cành lá mơn mởn ướt sương, ánh như ngọc được miêu tả trực tiếp, qua những hình ảnh cụ thể, sinh động. Con người xứ Huế hiến lành, phúc hậu. + Sau vườn cây xứ Huế là thiên nhiên xứ Huế. Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây thật đẹp, nhất là cảnh một dòng sông được tưới đẫm ánh trăng với con thuyền chở đầy ánh trăng nhưng tất cả đều thấm đượm nỗi buồn.

+ Khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong không gian bao la của trời, mây, sông, nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là sự hy vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Vẫn ở trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều hư hư, thực thực. Tóm lại : Cảnh đẹp, giàu sức sống, thơ mộng nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết.

Luận điểm 2 : Phân tích vẻ đẹp xứ Huế trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thực chất là phân tích vẻ đẹp của dòng sông Hương

Có thể tham khảo những ý chính sau:

Vẻ đẹp được phát hiện ở cảnh sắc thiên nhiên: Sông Hương có vẻ đẹp “phóng khoáng và man dại, rầm rộ, mãnh liệt, một bản trường ca của rừng già" khi nó đi qua giữa lòng Trường Sơn; có vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ khi trở thành “người mẹ phù sa" của một vùng văn hóa đất cố đô, có vẻ đẹp phản quang nhiều màu sắc của nền trời tây nam thành phố "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”, có vẻ đẹp “trầm mặc” khi lặng lẽ chảy dưới chân những rừng thông u tịch với những lăng mộ âm u mà kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn; có vẻ đẹp mang màu sắc "triết lí, cổ thỉ" khi đi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ, có vẻ đẹp “vui tươi” khi đi qua những bãi bờ xanh biếc vùng ngoại ô Kim Long; có vẻ đẹp “mơ màng trong sương khói" khi nó rời xa dần thành phố để đi qua những nương dâu, lũy trúc và

những hàng cau thôn Vĩ Dạ....

- Vẻ đẹp sông Hương nhìn từ góc độ văn hóa. Tác giả cho rằng đã có một dòng thi ca về con sông

Hương, một dòng thơ không lặp lại mình, ấy là “dòng sông trắng- lá cây xanh", trong thơ Tản Đà, là

vẻ đẹp hùng tráng “như kiếm dựng trời xanh" trong thơ Cao Bá Quát, là nỗi quan hoài vạn cổ trong

thơ Bà Huyện Thanh Quan, là sức mạnh phục sinh tâm hồn trong thơ Tố Hữu.

– Vẻ đẹp nhìn từ góc độ lịch sử: sông Hương từng là dòng sông bảo vệ biên thùy tổ quốc thời Đại Việt, từng soi bóng kinh thành Phú Xuân của Nguyễn Huệ, từng chứng kiến bao cuộc khởi nghĩa, rồi đến cách mạng tháng tám, chiến dịch mậu thân năm 1968...

- Vẻ đẹp trong trí tưởng tượng đầy tài hoa của tác giả:

Ông đã nhìn sông Hương như một cô gái Huế, từng có lúc là một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, nhưng nói chung là một thiếu nữ tài hoa, dịu dàng mà sâu sắc, đa tình và kín đáo, lẳng lơ nhưng rất mực chung tình, khéo trang sức mà không lòe loẹt phô phang, giống như những cô dâu Huế ngày xưa trong sắc áo điều đục. "Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông...".

Luận điểm 3: Chỉ ra nét tương đồng và khác biệt

“Nét tương đồng:

– Cả hai nhà thơ đều lấy những địa danh nổi tiếng của xứ Huế (Vĩ Dạ và sông Hương) làm điểm nhấn và khởi hứng cảm xúc.

- Cùng tái hiện được vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc con người xứ Huế rất riêng, rất thơ mộng. Có được điều đó chứng tỏ mảnh đất, con người Huế đã chiếm chỗ sâu bến nhất trong lòng các tác giả. – Cả hai đều là những cây bút tài hoa, tinh tế, nhạy cảm trong văn chương, có tâm hồn hết sức lãng mạn, phong phú.

"Nét khác biệt:

– Đây thôn Vĩ Dạ: Bài thơ được gợi cảm hứng từ tấm bưu thiếp mà Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử nên điểm nhìn cảm xúc trong một không gian hẹp, cái nhìn từ kí ức. Cảnh vật của xứ Huế hiện lên với những nét đặc trưng rất bình dị, quen thuộc, gần gũi nhưng cũng thật lãng mạn: cảnh khu vườn mướt như ngọc, sông trăng huyền ảo, con người với vẻ đẹp đằm thẳm, dịu dàng...cảnh vật in đậm cảm xúc về tình đời, tình người.

– Ai đã đặt tên cho dòng sông?: Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn điểm nhìn là sông Hương, đặt trong

một không gian phóng khoáng, rộng lớn hơn. Vẻ đẹp của xứ Huế hiện lên ở rất nhiều góc độ từ quá

khứ cho đến hiện tại, từ lịch sử, thơ văn đến địa lý, văn hóa....Vì thế vùng đất cố đô hiện lên toàn

diện hơn, hiện thực hơn bởi sông Hương chính là linh hồn của Huế, là nơi tích tụ những trầm tích

văn hóa lâu đời của mảnh đất kinh thành cổ xưa.

Luận điểm 4: Lí giải sự khác biệt

+ Xuất phát từ đặc điểm của thể loại thơ và bút kí là khác nhau. Thơ nghiêng về cảm xúc, tâm

trạng. Bút kí không chỉ đòi hỏi có cảm xúc mà ít nhiều có tính xác thực và khách quan.

+ Đối với Hàn Mặc Tử, Huế là nơi tác giả từng gắn bó, giờ đã trở thành kỉ niệm. Còn Hoàng Phủ

Ngọc Tường là người con của xứ Huế nên chất Huế đã thấm sâu vào tâm hồn máu thịt của ông.

III.Kết bài 

- Đánh giá chung về sự sáng tạo của mỗi tác giả

Bài tham khảo

Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường để tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của mình là một nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học, đặc biệt là đoạn trích “Từ đây, như đã tìm đúng đường về... tứ đại cảnh”. Cùng một mạch cảm xúc về xứ Huế, khổ 2 “Đây thôn vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử cũng gây được dấu ấn với độc giả. Tuy đều hướng về Huế mộng mơ nhưng cảm hứng trữ tình của hai đoạn văn và thơ này vừa có điểm gặp gỡ vừa có nét khác biệt.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông” rút từ tập bút kí cùng tên, được xuất bản năm 1984. Tập bút kí gồm tám bài viết về nhiều đề tài. Trong số những bút kí đó, “Ai đã đặt tên cho dòng sông là bài kí độc đáo và hay nhất viết về dòng Hương của xứ Huế. Dòng sông gợi cảm hứng cho thi ca, nhạc họa đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận từ nhiều góc nhìn, đặc biệt là góc nhìn tâm linh, mang những nét riêng của “văn hóa Phú Xuân”. Sau khi từ khúc thượng nguồn giữa lòng Trường Sơn cuộn xoáy, sông Hương như “người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại” nơi ngoại vi và vui tươi “kéo một nét thẳng thực yên tâm” vào lòng thành phố Huế.

Khi chảy về Huế, sông Hương đã tìm thấy chính mình, tìm thấy người tình mà nó hằng mong đợi bởi vậy gương mặt của nó khởi sắc để trở nên rạng rỡ hơn bất cứ lúc nào. Cái vẻ “vui tươi”, “kéo một nét thẳng thực yên tâm”, tâm trạng của con sông như có một chút gì đó bồi hồi náo nức của người con gái đang đến với điểm hẹn tình yêu. Quan sát sông Hương dưới cầu Tràng Tiền, Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phát hiện vô cùng thi vị “ chiếc cầu trắng của thành phố in ngần lên nền trời nhỏ nhắn như vầng trăng non”. Nếu chiếc cầu là vầng trăng non đầu tháng thì sông Hương chính là cô gái Huế dịu dàng duyên dáng đang chờ đợi người yêu dưới vầng trăng ấy. Nguyễn Bính từng có câu lục bát rất đẹp viết về dòng sông huyền thoại này cùng chiếc cầu Tràng Tiền:

“Cầu cong như chiếc lược ngà

Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”

So sánh của Nguyễn Bính đẹp ở sự kiều diễm, so sánh của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại đẹp ở nét đa tình. Sông Hương và Huế đều đẹp, đều làm bừng lên và tôn vinh những nét đẹp cho nhau. Dáng sông được tác giả miêu tả “mềm như tiếng vâng không nói ra của tình yêu”. Thật là một vẻ đẹp duyên dáng có chút e thẹn nhưng vô cùng ý nhị, kín đáo, tình tứ. Nhìn dáng sông mà cảm được cái nét tâm hồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn sông Hương như cái nhìn của chàng trai với cô gái trong tình yêu đôi lứa. Ngôn ngữ giàu sức gợi đã đem đến cho người đọc những khoái cảm thẩm mĩ, hẳn là không có cách nào hay hơn thế, tình tứ hơn thế.

Không chỉ dịu dàng quyến rũ, con sông xứ Huế còn mang vẻ lắng sâu trầm tĩnh ở vẻ đẹp cổ kính của nó. Nằm giữa lòng thành phố Huế giống như sông Xen của Pari và sông Đa-nuýp của Bu-Đa-Pét, sự cổ kính của sông Hương được làm nên bởi những chi lưu của nó. Với niềm hoài cổ của một nền văn hóa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hướng cái nhìn tới hình ảnh xưa cũ qua: “Những cây đa, cay cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít”. Hình ảnh này khiến sông Hương vừa gần gũi với cuộc đời thường vừa có cái xa xăm của Đường thi. Con sông Hương từ trước tới nay đã ghi dấu bằng điệu chảy thực chậm, thực êm của nó trong câu thơ của Hàn Mặc Tử với niềm hoài vọng xa xăm của người thôn Vĩ “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”, hay trong câu thơ Tố Hữu:

“Hương giang ơi dòng sông êm

Quả tim ta vẫn ngày đêm tự tình”

Nói về điệu chảy của con sông xứ sở, Hoàng Phủ Ngọc Tường so sánh với dòng chảy của Neeva, của Leningrad. Nếu như sông Neva chảy quá nhanh thì điệu chảy của sông Hương “lặng lờ”, “là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Phải chăng Hương Giang sinh ra là để an ủi con người đừng quá buồn phiền về những biến đổi vô thường của cuộc đời, về sự vèo qua chóng mặt của thời gian. So sánh sông Hương với các dòng sông nổi tiếng khác trên thế giới- những dòng sông đã trở thành biểu tượng văn hóa của các quốc gia, bộc lộ niềm tự hào về sông Hương và xứ Huế.

“Ôi dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát”

Cũng như biết bao dòng sông đẹp trên thế giới, sông Hương bắt nước từ đại dương văn minh của nhân loại nhưng khi vắt mình qua kinh thành Huế thì nó mang vẻ đẹp riêng ở điệu chảy êm đềm lặng lẽ. Nhà văn xứ Huế đã đem cả kiến thức triết học để nhấn mạnh điều đó. Nếu Hê-ra-clit khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh thì sông Hương, điệu chảy và thần thái của nó dường như không thay đổi. Đó là cốt cách, là điệu hồn của Huế, đúng như nhà thơ Thu Bồn đã cảm nhận:

“Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

So sánh mặt nước sông như “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”, tác giả đã làm hiện lên vẻ đẹp đầy nỗi niềm sâu kín, chính cái đẹp ấy đã hấp dẫn tác giả Nguyễn Du sáng tác những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Bóng dáng Nguyễn Du và những trang Kiều nhiều lần xuất hiện trong bài kí bộc lộ khả năng liên tưởng phong phú, một vốn văn hóa sâu rộng và sự gắn kết với truyền thống, một sự đồng điệu trong tâm hồn nhà văn.

Ở khổ hai của “Đây thôn vĩ dạ”, Hàn Mặc Tử cũng đã hoài niệm về một cảnh dòng sông Hương của xứ Huế:

“Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Ẩn sâu bên trong bốn câu thơ là vô cùng những cảm xúc, suy tư của nhà thơ. Hai câu thơ đầu, Hàn Mặc Tử đã tả thực vẻ êm đềm, nhịp điệu khoan thai của xứ Huế: có gió, có mây, có hoa, có nước, có trăng, có thuyền. Cảnh đẹp nhưng lại thấp thoáng nỗi buồn của sự chia li. Xưa nay mây và gió luôn là biểu tượng song hành gắn bó nhưng trong thơ của thi sĩ họ Hàn, mây và gió lại tách nhau, hai sự vật ấy chia làm đôi ngả. Dòng nước “buồn thiu” hay tâm trạng người “buồn thiu”. Hoa bắp cũng chỉ “lay”, một sự chuyển động khẽ khàng, gợi cái hiu hắt thưa vắng. Cảnh vật buồn, lòng người cũng buồn như Nguyễn Du đã từng nói “Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ”. Miêu tả hình ảnh sông trăng, con thuyền kì ảo, tác giả đã sử dụng bút pháp tượng trưng để thể hiện khao khát hạnh phúc. Câu hỏi “có chở trăng về kịp tối nay” với nhãn tự “kịp” thể hiện sự mong ngóng, hi vọng và cả những nỗi đau thương tuyệt vọng. Bốn câu thơ dưới ngòi bút huyền ảo hóa của Hàn Mặc Tử vừa đẹp, vừa gợi cảm nhưng cũng gợi cảm giác bâng khuâng, xót xa biết bao.

Đoạn văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường và khổ thơ của thi sĩ họ Hàn vừa có điểm gặp gỡ vừa có nét khác biệt. Nét tương đồng đầu tiên là cả hai nhà thơ đều lấy những địa danh nổi tiếng của xứ Huế là Vĩ Dạ và sông Hương để làm điểm nhấn và gợi cảm xúc. Cả hai tác giả đã cùng tái hiện được vẻ đẹp của điệu chảy nhẹ nhàng thơ mộng của dòng Hương và đều là những cây bút tài hoa tinh tế, có tâm hồn đắm say với sông Hương, với xứ Huế mộng mơ. Điểm khác giữa tay bút kí đại tài và nhà thơ “lạ lùng” nằm ở tâm trạng của họ đối với đối tượng miêu tả. Nhìn sông Hương, Hàn Mặc Tử buồn vì phải xa cách còn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì vui mừng, hân hoan vì được hội ngộ.

Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hàn Mặc Tử, mỗi người đã cùng góp một trang văn, một câu thơ thật hay về đề tài sông Hương của xứ Huế. Nhờ có những người nghệ sĩ tài hoa cùng tâm hồn lãng mạng phong phú, yêu Hương giang, yêu Huế thì những bài kí, những bài thơ đậm chất trữ tình ấy mới đến được và giữ được cảm tình của bạn đọc muôn thời.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close