Phân tích nỗi thống khổ của người nông dân qua nhân vật Chí Phèo của Nam Cao1. Mở bài - Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo - Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết 1. Mở bài - Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo - Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận 2. Thân bài - Qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã phản ánh một cách chân thực khách quan trong từng chi tiết về nỗi thống khổ của người nông dân bị áp bức, bị lưu manh hóa trước Cách mạng. - Nam Cao không nói về sưu thuế như Ngô Tất Tố, mà tác giả nói về số phận người lao động bị chà đạp ở hai bình diện: +Bị tha hóa, lưu manh. + Muốn trở lại làm người lương thiện nhưng bị cự tuyệt - Nam Cao có cái nhìn mới mẻ, sâu sắc trong việc thể hiện nỗi đau khổ của người nông dân bị áp bức bóc lột trong xã hội cũ. Từ nỗi đau khổ của họ, nhà văn đã biểu hiện thái độ căm thù giai cấp địa chủ, cường hào đã đẩy người nông dân vào chỗ lưu manh hóa.. - Từ hình tượng Chí Phèo sau khi ở tù ra, Nam Cao đã phản ánh được quy luật ở nông thôn nước ta thời thuộc Pháp: người lương thiện bị xô đẩy vào con đường cùng. Họ đã phản kháng lại để tồn tại. - Nam Cao bày tỏ sự cảm thương cho số phận đau khổ của người nông dân (qua nhân vật Chí Phèo) và tác giả đã viết những trang văn đầy xúc động. Người đọc cảm thương cho người cố nông phải sống trong trạng thái cùng khổ triền miên, bị cướp mất hình người và linh hồn người. - Nam Cao đã chỉ ra được bản chất lương thiện của người lao động ẩn giấu trong con người lưu manh của họ. Tác giả khẳng định tình người, tình yêu đã sưởi ấm và làm sống dậy trong tâm hồn kẻ bất hạnh như Chí Phèo. Thị Nở và bao kiếp người cùng khốn trong xã hội cũ. 3. Kết bài - Thể hiện thái độ trân trọng, xót thương của Nam Cao đối với nỗi thống khổ của người nông dân - Lên án, tố cáo xã hội đương thời Bài tham khảo Năm 1941, truyện ngắn "Đôi lứa xứng đôi" của Nam Cao ra mắt độc giả. Đầu năm 1946, truyện được tái bản, ông đổi tên truyện thành "Chí Phèo". Nó là một tác phẩm viết về đề tài nông dân trước Cách mạng được xếp vào loại kiệt tác trong nền văn học Việt Nam hiện đại, làm cho tên tuổi Nam Cao trở thành bất tử. Qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã phản ánh một cách chân thực khách quan trong từng chi tiết về nỗi thống khổ của người nông dân bị áp bức, bị lưu manh hóa trước Cách mạng. Chí Phèo bốn mươi hay ngoài bốn mươi, lúc hắn chết? Hai mươi năm đầu, đời hắn đầy nước mắt. Tám năm đi tù trong oan uổng và uất hận. Hơn mười năm cuối đời, hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, chỉ biết rượu và chửi, chỉ có máu và nước mắt. Chỉ có ba người quan hệ với hắn là Bá Kiến, vợ ba Bá Kiến và Thị Nở. Đó là lí lịch Chí Phèo. Chí Phèo là một đứa không cha không mẹ, tứ cố vô thân. Kiếp người của hắn khổ từ khi nằm trong bụng một người đàn bà chửa hoang, cất tiếng khóc oe oe, mẹ hắn đùm hắn vào cái váy đụp vứt ở lò gạch cũ. Khi hắn xám ngắt, anh thả ống lưới rước hắn về đem cho mụ đàn bà góa mù; sau đó mụ ta bán hắn cho bác phó cối. Và khi bác phó cối chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Một hoang thai, một vật vứt đi, một vật cho không, một vật đem bán, một kẻ bơ vơ làm thuê kiếm sống. Đó là trang đời cô đơn, đầy nước mắt của Chí Phèo. Một tuổi thơ đầy bất hạnh, đáng thương! Năm 20 tuổi, Chí Phèo làm canh điền cho Bá Kiến. Chí Phèo bị vợ ba Bá Kiến lợi dụng "bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng” mà hắn bị đi tù bảy, tám năm. Một anh cố nông hiền lành đã bị người ta lợi dụng, bị tù oan uổng. Chính Bá Kiến là chủ mưu làm hại Chí Phèo. Nhà tù thực dân đã lưu manh hóa anh cố nông hiền lành này. Sau tám năm đi tù về, Chí hoàn toàn thay đổi. Cái đầu trọc lốc, cái mặt cơng cơng, cái răng cạo trắng hớn, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy! Phải chàng Chí ngạo đời, thách thức với thiên hạ cho bõ uất ức căm hờn? Hay anh cố nông này bị nhà tù thực dân tha hóa, làm biến chất? Nỗi thống khổ của Chí Phèo đến mức cùng cực là sau khi hắn đi tù về. Hắn đã gây ra bao "sự kiện", bao chuyện động trời. Chửi Bá Kiến, đến nỗi "mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất!". Xô xát với Lí Cường rồi rạch mặt, kêu làng ăn vạ. Cụ Bá phải xử nhũn với hắn, giết gà chết rượu, đãi thêm đồng bạc để hắn về uống thuốc! Chí Phèo đốt quán mụ bán rượu. Ngồi uống rượu với chuối xanh chấm muối ở ngôi miếu con cạnh bờ sông, cầm dao nhọn đến nhà Bá Kiến lần thứ hai xin đi ở tù: "Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ, cụ lại cho con đi ở tù"..., "con phải đâm chết dăm ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện". Một sự thật cay đắng phũ phàng, như Chí Phèo nói: "... bẩm quả đi ở tù sướng quá. Đi ở tù còn có cơm mà ăn, bây giờ về làng về nước, một thước cắm dùi không có, chủ làm gì nên ăn". Bá Kiến là một tên cường hào xảo quyệt "trị không lợi thì cụ dùng". Chỉ một câu mơn trớn, cụ cho Chí Phèo biết là anh ta với Lí Cường, con trai cụ “ còn có họ kia đấy". Chỉ một câu nói khích, Bá Kiến sai anh đầu bò này cầm dao đi thẳng đến nhà đội Tảo đòi nợ. Vô học, ngu dốt và lưu manh (sản phẩm của chế độ thực dân), Chí Phèo đã bị Bá Kiến "chinh phục". Năm đồng bạc, năm sào vườn ở bãi sông, Chí được cụ Bá "thưởng" cho. Năm đó Chí Phèo hăm bảy hăm tám, hắn "bỗng thành ra có nhà", hắn trở thành "anh chân tay mới" của Bá Kiến. Đoạn đời hơn mười năm còn lại của Chí Phèo đầy máu và nước mắt. Hắn bị đầu độc bằng rượu và các món lợi khác. Hắn trở thành kẻ đâm thuê chém mướn. Hắn "đập phá bao nhiêu cơ nghiệp... làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện". Hai bàn tay hắn vấy đầy máu và tội ác. Cuộc đời hắn là những cơn say dài bất tận, mênh mông: "hắn đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say nóng rượu trong lúc say để rồi say nữa, say vô tận". Chí Phèo đã bị cướp mất cả hình người lẫn linh hồn. Người ta biến hắn thành một con quỷ dữ. Cái mắt hắn "vàng vàng", "sạm màu lại", "vằn dọc vằn ngang... biết bao nhiêu là sẹo . Hắn bị đẩy xuống hố thẳm tội ác. Cái thẻ biển tên tuổi hắn cũng không có. Hắn không biết tuổi hắn, "hắn không còn ngày tháng nữa", cả làng Vũ Đại "đều sự hận thù tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua". Chí Phèo đâu phải là kẻ mạnh! Hắn là một tên điên khùng, là một kẻ mất trí, là một con quỷ dữ. Cuộc uống rượu giữa hắn với Tự Lãng, một kẻ làm nghề thầy cúng kiêm hoạn lợn cho thấy nỗi cô đơn bơ vơ của những kiếp người đau khổ. Cuộc "làm tình" năm ngày đêm của hắn với Thị Nở, một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, dở hơi xấu ma chê quỷ hờn là một bước ngoặt trong cuộc đời Chí? Bát cháo hành và bàn tay săn sóc của Thị Nở đã đánh thức chút ít lương tri còn sót lại trong con người Chí Phèo. Hắn buồn nhớ lại mơ ước bình dị thời trai trẻ. Hắn "thèm lương thiện". Hắn muốn tùng với Thị Nở ở chung "một nhà cho vui” "làm thành một cặp rất xứng đôi". Muốn thoát khỏi lốt quỷ dữ, muốn trở lại làm người, nhưng ai cho Chí làm người nữa? Bà cô Thị Nở không cho thị lấy "một thằng không cha", chỉ có một nghề là "rạch mặt ăn vạ”. Thị Nỡ đã phải chối bỏ cuộc tình. Thị đã giúi cho hắn một cái làm cho "hắn lăn khoèo xuống sân". Ai cho Chí Phèo làm người lương thiện? Làm thế nào để mất đi những vết sẹo mảnh chai trên mặt hắn? Đó là nỗi thống khổ của Chí Phèo. Chí Phèo đã bị xô đẩy vào con đường cùng bế tắc, không có lối thoát! Hắn đã uống rượu cho thật say! Hắn đến gặp Bá Kiến để "đòi lương thiện". Hắn đà đâm chết Bá Kiến rồi hắn tự sát! Đó là quy luật khốc liệt ở đời: "ác giả ác báo!". Từ một cố nông lương thiện, Chí Phèo bị biến thành quỷ dữ, bị cướp mất cả hình người lẫn linh hồn, rồi từ quỷ dữ mà "thèm lương thiện", mà muốn được trở lại làm người nhưng không thể được, không ai cho Chí được làm người!. Đó là một kiếp người đầy máu và nước mắt. Đó là nỗi thống khổ của Chí Phèo, nỗi thống khổ của người nông dân bị lưu manh hóa trước cách mạng. Nam Cao đã khắc họa và xây dựng nhân vật Chí Phèo thành một nhân vật điển hình cho sự thống khổ và lưu manh hóa của tầng lớp nông dân nghèo trong xã hội thực dân phong kiến. Chí Phèo lại có những nét riêng, tính cách riêng. Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức... đều là đầu bò, lưu manh, nhưng mỗi đứa lại có một cách riêng, một cuộc đời riêng, một số phận riêng. Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, v.v... đều chết bi thảm, nhưng mỗi người lại tự tử, tự sát một cách khác nhau. Nam Cao có tài kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ nhân vật trong đối thoại, độc thoại rất sinh động, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật Chí Phèo một cách sâu sắc. Ông đã phản ánh một cách chân thực, cụ thể nỗi thống khổ của người nông dân nghèo trước cách mạng. Qua cuộc đời thống khổ và cái chết bi thảm của Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh: Hãy cứu lấy con người, hãy cứu lấy những người nông dân nghèo khổ, đau khổ, dốt nát... Hãy xóa bỏ xã hội thực dân, phong kiến nguồn gốc của sự áp bức bóc lột, của cái ác và đau thương. Qua đó, ta càng thấy rõ, truyện Chí Phèo là một kiệt tác văn chương chứa chan tinh thần nhân đạo thống thiết!
Quảng cáo
|