Nêu cảm nhận về hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân

1. Mở bài - Giới thiệu về truyện ngắn Vợ nhặt và hình ảnh nồi cháo cám- chi tiết đặc sắc trong truyện.

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

- Giới thiệu về truyện ngắn Vợ nhặt và hình ảnh nồi cháo cám- chi tiết đặc sắc trong truyện.

II. Thân bài

- Vị trí: Nồi cháo cám xuất hiện trong bữa cơm đầu tiên khi gia đình bà cụ Tứ có người con dâu mới.

- Nồi cháo cám là "món quà cưới" đặc biệt mà bà cụ Tứ chuẩn bị cho các con của mình.

- Ý nghĩa tả thực:

+ Cháo cám món ăn vốn không dành cho con người.

+ Là hiện thân cho cái đói khát, thê thảm của con người trong nạn đói.

- Ý nghĩa biểu tượng: Là tình yêu, tấm lòng của người mẹ dành cho con

- Hình ảnh nồi cháo cám còn góp phần bộc lộ những vẻ đẹp đáng quý bên trong mỗi nhân vật:

+ Bà cụ Tứ: Tình thương con, sự quan tâm, trân trọng dành cho người con dâu. Bà cụ chuẩn bị một món quà đặc biệt để chào đón cô con dâu mới à Quan tâm đến những giá trị tinh thần.

+ Anh Tràng: Chín chắn, trưởng thành và có trách nhiệm hơn với gia đình.

+ Chị vợ nhặt: Bình tĩnh ăn từng miếng cháo cám, nói chuyện để xua đi không khí nặng nề của bữa cơm à Chủ động vun vén hạnh phúc gia đình.

III. Kết bài

- Khẳng định giá trị của chi tiết "nồi cháo cám" trong tác phẩm: 

- Phản ánh hiện thực

- Thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc.

Bài tham khảo Mẫu 1

Macxim Gorki từng khẳng định "Một chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Quả thực như vậy, giá trị của một tác phẩm không chỉ được phản ánh thông qua cốt truyện hấp dẫn, nội dung tư tưởng sâu sắc mà còn bởi chính những tình tiết đắt giá được người nghệ sĩ đưa vào trong tác phẩm của mình. Qua những tình tiết nhỏ, người nghệ sĩ gửi gắm vào đó được những giá trị lớn, đó là chủ đề, tư tưởng hay thông điệp cho toàn bộ tác phẩm. Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt cũng xây dựng được một tình tiết đắt giá như thế, đó chính là hình ảnh nồi cháo cám của bà cụ Tứ.

Nồi cháo cám xuất hiện trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là trong bữa cơm đầu tiên khi gia đình của bà cụ Tứ và anh cu Tràng đón chào cô con dâu mới. Mâm cơm ngày đói cũng thật thê thảm "giữa cái mẹt rách chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo". Trong khung cảnh sum họp hạnh phúc, cái đói, cái khổ cứ bày ra thực khiến người ta xót xa, nghẹn ngào.

Nồi cháo cám là "món quà cưới" đặc biệt mà bà cụ Tứ chuẩn bị cho các con của mình. Trong bữa cơm, cụ Tứ giới thiệu bằng giọng hồ hởi "Tao có cái này hay lắm cơ" rồi bà "lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi bốc lên nghi ngút". Nồi cháo cám được bà cụ Tứ gọi với cái tên đầy hấp dẫn "Chè khoán đây, ngon đáo để cơ". Sự xuất hiện của nồi cháo cám trong mâm cơm của gia đình cụ Tứ là hiện thân cho cái đói khát, thê thảm của con người trong nạn đói: phải ăn đến cả đồ ăn vốn không dành cho con người. Thế nhưng qua lời giới thiệu của cụ Tứ, nồi cháo cám như một món ăn gì đấy đặc biệt lắm. Đặt trong bối cảnh khốc liệt của nạn đói, khi con người bị đẩy đến ranh giới mong manh của sự sống và cái chết thì món cháo cám ấy là cả một sự cố gắng mới có được, nó là tấm lòng của người mẹ dành cho con.

Nồi cháo cám không chỉ gợi liên tưởng về hiện thực thê thảm của con người ngày đói, bởi như lời bà cụ Tứ tâm sự với các con thì "Xóm mình có khối người không có cám mà ăn ấy chứ" mà qua đó còn bộc lộ được vẻ đẹp của các nhân vật trong truyện, từ bà cụ Tứ, anh cu Tràng đến người vợ nhặt. Qua việc chuẩn bị "quà cưới" cùng những lời động viên các con trong bữa cơm, bà cụ Tứ đã bộc lộ được tấm lòng thương con sâu sắc. Trong cái đói, bà vẫn quan tâm đến những giá trị tinh thần, việc chuẩn bị nồi cháo cám thể hiện sự trân trọng, yêu thương của bà cụ Tứ với người con dâu mới. Nồi cháo cám ấy trở nên thật đặc biệt không phải bởi giá trị, hương vị của món ăn mà đó là tình yêu thương, tấm lòng bao la của một người mẹ. Đến đây người đọc không khỏi bồi hồi, xúc động bởi trong cái đói cùng cực thì tình yêu của người mẹ dành cho con vẫn không thay đổi, không những thế người mẹ ấy còn gieo niềm tin, hi vọng cho các con về một tương lai tươi sáng "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời".

Anh Tràng cũng có sự thay đổi lớn, không còn là người đàn ông ngờ nghệch, vô tâm thường ngày mà trở nên chín chắn, trưởng thành hơn. Trong bữa cơm ngày đói, khi ăn miếng cám "đắng chát và nghẹn bứ ở cổ" thì Tràng vẫn tỏ ra điềm tĩnh, cách ứng xử này thể hiện được khéo léo, tế nhị để bữa cơm không bị trùng xuống bởi ám ảnh đói khát. Mặt khác, nhìn vào sự trầm tư của Tràng ta có thể thấy được Tràng hiểu được hoàn cảnh gia đình, bắt đầu ý thức được trách nhiệm của bản thân với vợ, với mẹ và với gia đình nhỏ của mình.

Thông qua chi tiết nồi cháo cám, ta còn thấy được sự thay đổi đáng ngạc nhiên của người vợ nhặt. Không còn là một người đanh đá với những lời nói chao chát, chỏng lỏn như khi còn ở chợ Huyện, khi về làm dâu thị trở nên dịu dàng, rất đúng mực. Thị hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám, thế nhưng không để mẹ chồng buồn lòng, thị vẫn cố gắng nuốt xuống miếng cháo đáng chát. Để xua đi không khí bữa cơm vừa trùng xuống, Thị đã chủ động kể về câu chuyện phá kho thóc Nhật của người dân mạn Thái Nguyên, Bắc Giang. Có thể thấy người vợ nhặt đã coi bà cụ Tứ và anh Tràng là gia đình, người thân của mình. Mọi hành động, lời nói của Thị đều cố gắng vun vén cho hạnh phúc gia đình và có lẽ Thị cũng đã sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn sắp tới.

Có thể nói, "nồi cháo cám" là một chi tiết đắt giá trong truyện ngắn Vợ nhặt, nó không chỉ góp phần phát triển nội dung câu chuyện, tái hiện sống động mà cũng đầy xót xa về cuộc sống đói nghèo, túng quẫn của con người trong nạn đói mà còn chứa đựng giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc. "Nồi cháo cám" góp phần bộc lộ những nhân cách tốt đẹp bên trong các nhân vật, đó là vẻ đẹp của tình thương, của khát vọng sống và khát khao hạnh phúc. Dẫu đứng bên bờ vực của cái chết thì con người vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, họ không ngừng hi vọng vào một tương lai tươi sáng.

Bài tham khảo Mẫu 2

Đôi khi trong những tác phẩm lớn, người đọc sẽ không thể nào nhớ hết các tình tiết trong chuyện mà họ chỉ nhớ đến một chi tiết đắt giá đã là đủ rồi. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, hình ảnh nồi cháo cám để để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

“Vợ nhặt” là một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống khổ cực, thê thảm của người nông dân trong nạn đói lịch sử 1945. Điển hình cho những người dân trong thời kỳ này là gia đình anh Tràng. Trong hoàn cảnh nghèo đói đến vậy, việc anh lấy vợ đã gây lên sự ngạc nhiên cho nhiều người. Bởi giữa cảnh đói nghèo không lo được cho mình mà anh còn “rước cái của nợ ấy về”. Chính vì thế trong bữa cơm đón nàng dâu mới, hình ảnh nồi cháo cám khiến cho người ta không khỏi xót xa và thương cảm cho những số phận cùng khổ ấy. Qua chi tiết này, nhà văn muốn thể hiện tình yêu thương với con người và mơ ước về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Trong khung cảnh nghèo đói của xã hội lúc bấy giờ, cả nhà lại ngồi với nhau bên nồi cháo cám. Bà cụ Tứ sợ con dâu buồn nên đã phân trần: “kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo quá, cũng chả ai chấp nhặt gì lúc này”. Tình cảnh khốn khó ấy khiến cho người đọc không khỏi nghẹn ngào với bữa cơm đón nàng dâu thực sự thê thảm: “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Cả bà cụ Tứ, anh cu Tràng, vợ anh và cả người đọc đều hiểu bữa cơm như vậy không hề ngon một chút nào. Tuy nhiên cả ba người đều “ăn rất ngon lành” là vì nấy đều muốn thể hiện sự vui vẻ trong hoàn cảnh này.

Nhưng có lẽ đây cũng là niềm vui thực sự khi 3 con người ấy luôn muốn vượt lên trên cái nghèo đói hiện diện trước mắt để trân trọng niềm hạnh phúc đời thường. Bà cụ Tứ là một người mẹ đầy nhân hậu và bao dung, khi trong cảnh nghèo đói vẫn vui vẻ chấp nhận cô con dâu mới. Có lẽ vì điều này nên trong bữa cơm sáng, bà cụ đã nói toàn chuyện vui, chuyện tương lai để động viên các con: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà…. ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”. Những câu chuyện mà bà cụ nói đều là những điều tốt đẹp để hy vọng có một tương lai sẽ rộng mở hơn. Đây cũng là mong ước của tất cả mọi người trong thời kỳ khó khăn ấy.

Trong không khí vui vẻ của bữa cơm gia đình, bà cụ “lật đật chạy xuống bếp bưng ra một cái nồi bốc lên nghi ngút. […] vừa khuấy vừa nói: Chè đây! Chè khoán đây!”. Nhưng thực chất đó lại là một nồi cháo cám. Hình ảnh này được xem là một chi tiết đắt giá, nó vừa gợi lên cái nghèo đói cùng cực, vừa cho thấy tình người cao đẹp trong đó. Trong hoàn cảnh là nạn đói năm 1945, nhiều người không có nổi cám mà ăn, thì nồi cháo cám lại được xem là một món ăn cứu đói, là món ăn xa xỉ đối với nhiều người khác. Chính vì thế, mặc dù có chút thất vọng nhưng cả ba người không một ai chê trách. Cả 3 đều rất vui vẻ tiếp nhận nồi cháo cám. Mẹ Tràng thì đon đả khen “ngon đáo để”. Tràng dù cảm thấy nghẹn ứ nơi cổ họng nhưng vẫn cố gắng ăn để mẹ vui lòng. Còn người vợ thì “điềm nhiên và vào miệng”. Chi tiết này cũng cho thấy vợ Tràng đã chấp nhận hoàn cảnh, không còn trở nên đỏng đảnh như trước và thị đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới. Có được những điều này có lẽ là do cả ba người cùng tin vào một tương lai sẽ tốt đẹp hơn sẽ đến với họ.

Có thể nói rằng, hình ảnh nồi cháo cám đã để lại những ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc. Chi tiết này vừa có giá trị hiện thực lại vừa có giá trị nhân văn, nhân văn sâu sắc. Qua hình ảnh nồi cháo cám, người đọc hiểu hơn về tình cảnh nghèo đói, khốn khó của đồng bào ta trong nạn đói 1945. Tuy nhiên trong hoàn cảnh chết chóc nghèo đó, người ta vẫn thấy được tình người, tình yêu thương và lòng ham sống vô bờ bến. Tưởng chừng trong bờ vực của cái chết lay lắt ấy, người ta chỉ nghĩ đến những đau khổ, bất hạnh, nhưng không, ở hoàn cảnh ấy người đọc vẫn bắt gặp tình thương của một người mẹ dành cho con, tình cảm của người vợ đối với chồng và trách nhiệm của một người chồng đối với gia đình của mình. Tất cả đều cùng hướng đến một tương lai hạnh phúc và no đủ hơn.

Qua bút pháp tả thực cùng mới việc sử dụng những từ ngữ, hình ảnh dân dã và tượng trưng đã góp phần thể hiện sự thành công của tác phẩm. Những tài hoa trong nghệ thuật viết truyện của nhà văn Kim Lân cũng giúp người đọc hiểu và thông cảm cho những con người ở thời kỳ đó. Đồng thời, ta cũng thấy được tình cảm chân thành và tác giả đã dành cho những nhân vật của mình.

Bài tham khảo Mẫu 3

Thành công của một tác phẩm được làm nên từ rất nhiều yếu tố. Một trong số đó là những chi tiết đắt giá làm nên ấn tượng sâu sắc với người đọc và đồng thời qua đó phải thể hiện được dụng ý nghệ thuật cũng như tư tưởng của tác giả trong tác phẩm đó. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh nồi cháo cám vào trong tác phẩm, qua đó làm nổi bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn đối với cuộc đời và con người.

“Vợ nhặt” là một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống cùng cực, thê thảm của người nông dân trong nạn đói lịch sử 1945. Tiêu biểu cho những người nghèo đói là gia đình anh Tràng. Trong hoàn cảnh nhà khó khăn đến vậy, việc lấy vợ của anh khiến cho ai nấy đều ngạc nhiên hết sức. Bởi giữa cảnh nghèo đói, cận kề với cái chết, nuôi thân mình còn chưa xong vậy mà lại còn đèo thêm miệng ăn, “rước cái của nợ ấy về”. Và trong bữa cơm đón nàng dâu mới, hình ảnh nồi cháo cám khiến cho người đọc không khỏi xót xa và thương cảm cho những số phận cùng khổ. Với chi tiết này, nhà văn cũng muốn nói lên tình yêu thương con người và mơ ước về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Nếu trong bữa ăn nghèo đói thường ngày thì đã đành, nhưng đây trong bữa sáng đầu tiên nhà có cô dâu mới mà cả nhà lại ngồi với nhau bên nồi cháo cám. Bà cụ Tứ sợ con dâu buồn nên phân trần: “kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo quá, cũng chả ai chấp nhặt gì lúc này”. Tình cảnh khốn khó ấy lại càng khiến cho người đọc không khỏi nghẹn ngào vì bữa cơm đón nàng dâu mới thực sự thê thảm: “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Cả bà cụ Tứ, anh cu Tràng, vợ anh và cả người đọc đều hiểu rõ, với bữa cơm như vậy thì lấy đâu ra mà ăn ngon lành cho cho được. Nhưng ở đây, cả ba người đều “ăn rất ngon lành” là vì ai cũng hiểu, ai cũng nén trong lòng và cố làm ra vẻ vui tươi.

Nhưng có lẽ đó cũng là niềm vui thực sự. Bởi lẽ, vượt lên trên cái nghèo đói hiện diện trước mắt, con người ta cũng biết trân trọng những hạnh phúc đời thường. Bà cụ Tứ chính là một người mẹ đầy nhân hậu và bao dung, dù trong cảnh nghèo đói nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận cô con dâu mới, thậm chí là còn vui mừng vì những tưởng con mình không có ai để ý đến vậy mà nay con đã lấy được vợ. Chính vì thế mà trong bữa cơm sáng, bà cụ đã nói toàn chuyện vui, chuyện tương lai để động viên các con: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. [..] Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”. Những câu chuyện mà bà cụ nói đều là những chuyện tốt đẹp để mong tương lai sẽ rộng mở hơn. Đây cũng là những mong ước của tất cả mọi người trong hoàn cảnh khó khăn ấy.

Nhưng vừa mới nhen nhóm lên được chút hy vọng thì thực tại đã đổ sập ngay trước mắt. Khi mà bà cụ “lật đật chạy xuống bếp, lễ lễ bưng ra một cái nồi bốc lên nghi ngút. […] vừa khuấy vừa nói: Chè đây! Chè khoán đây!” nhưng kì thực đó lại là một nồi cháo cám. Đây được xem là một chi tiết đắt giá, nó vừa gợi lên cái nghèo đói cùng cực, vừa cho thấy tình người cao đẹp trong đó. Trong hoàn cảnh là nạn đói năm 1945, khi mà “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”, thì nồi cháo cám lại được xem là một món ăn cứu đói, là món “chè” xa xỉ hơn nhiều nhà khác rồi. Và vì thế, mặc dù có chút thất vọng nhưng cả ba người không một ai chê trách. Mẹ Tràng thì đon đả khen “ngon đáo để”. Tràng tuy cảm thấy nghẹn ứ nơi cổ họng nhưng vẫn cố gắng ăn để mẹ vui lòng. Còn người vợ thì “điềm nhiên và vào miệng”. Chi tiết này cũng cho thấy vợ Tràng không còn chao chát đỏng đảnh như hôm gặp trên phố nữa mà thị đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới. Chính vì thế mà tất cả ba người cùng tin vào một tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

Có thể nói rằng, hình ảnh nồi cháo cám đã để lại những ấn tượng đậm nét trong tâm trí người đọc. Chi tiết này vừa có giá trị hiện thực lại vừa có giá trị nhân văn, nhân đạo rất lớn. Qua hình ảnh nồi cháo cám, người đọc hiểu rõ hơn về tình cảnh nghèo đói, khốn khó của đồng bào ta trong nạn đói 1945. Tuy vậy nhưng trong cảnh chết chóc nghèo đó, người ta vẫn thấy ánh lên tình người, tình yêu thương và lòng ham sống vô bờ bến. Tưởng chừng như đang trong bờ vực của cái chết lắt lay, người ta chỉ nghĩ đến những thống khổ nhưng không, ở đây người đọc vẫn bắt gặp tình thương của một người mẹ dành cho con, tình cảm của người vợ dành cho chồng và trách nhiệm của một người chồng dành cho gia đình của mình. Tất cả đều cùng hướng đến một tương lai hạnh phúc và no đủ hơn.

Bài tham khảo Mẫu 4

Một tác phẩm văn học chạm được đến trái tim người đọc không phải là những trang viết có ngôn từ trau chuốt, mượt mà, dùng từ đắc địa. Kỳ thực một tác phẩm có thể khiến người đọc thấy ngấm phải là tác phẩm có những "chi tiết đắt", là điểm sáng thổi bùng lên chủ đề tác phẩm. Nam Cao đã đưa chi tiết "bát cháo hành" đầy tính nhân văn trong truyện ngắn "Chí Phèo", và Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh "Nồi cháo cám" vào trong tác phẩm, giữa nạn đói năm 1945 đang hoành hành. Chi tiết "Nồi cháo cám" trong truyện ngắn "Vợ nhặt" có thể xem là đầy dụng ý nghệ thuật và giàu tính nhân văn.

"Vợ nhặt" là một truyện ngắn tái hiện lại cuộc sống cùng cực, thê thảm, nhưng không bế tắc của những con người sống giữa nạn đói năm 1945. Kim Lân đã khắc họa thành công hình ảnh bà cụ Tứ, anh cu Tràng, vợ Tràng. Và hơn hết chỉ có một chi tiết nhỏ "Nồi cháo cám" ở giữa truyện dường như đã đẩy cao trào cái đói khổ lên tận cùng và cũng đẩy tình yêu thương và lòng vị tha của người mẹ đến ngưỡng cao nhất. Người đọc khi gấp trang sách lại sẽ bị ám ảnh bởi chi tiết này, cảnh tượng nạn đói năm 1945 dường như hiển hiện ra ngay trước mặt.

Tác giả đã rất khéo léo để lựa chọn đưa chi tiết "nồi cháo cám" vào câu chuyện nhặt được vợ của anh cu Tràng. Thời điểm này đã nói lên tất cả nỗi cơ cực, đường cùng của những nạn nhân năm 1945 và cũng qua đó mới thấy được tình thương yêu bao la, vô bờ bến của người mẹ. Giữa cái đói nhưng tình yêu thương vẫn không bị mai một, nó vẫn luôn bùng cháy, chỉ là đôi lúc nó ngấm ngầm chảy trong người.

"Nồi cháo cám" không phải xuất hiện trong một bữa ăn bình thường mà xuất hiện ngay trong buổi sáng hôm sau, buổi sáng đầu tiên của "lễ ra mắt con dâu", đáng nhẽ ra như bà cụ Tứ đã nói "kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo quá, cũng chả ai chấp nhặt gì lúc này". Cái sự tình khốn khổ, nghèo đói giữa năm 1945 này thật khiến co người ta phải nghẹn ngào.

Bữa cơm đón dâu giữa nạn đói thực sự thê thảm, "giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành". Cái không khí đói bao trùm nhưng ai cũng biết, ai cũng nén trong lòng, không bộc lộ ra bên ngoài. Điều đáng nói hơn hết là trong bữa cơm ngày đói này, tâm trạng của bà cụ Tứ khác hẳn, bà không rủ rũ như mọi ngày, bà kể toàn chuyện vui, nói toàn chuyện hay. Đây có thể xem là sự chuyển biến tâm lý đột ngột của người đàn bà nghèo khổ. Người mẹ này tuy nghèo đói một đời nhưng rất biết cách chiều con, với lại nhà lại có thêm cô con dâu mới giữa cảnh đói kém triền miên. Có thể nói những lời bà cụ Tứ nói đều gợi mở lên một tương lai tươi sáng của con người và của đất nước.

Nhưng có một chi tiết chuyển biến để nhấn mạnh hình ảnh "nồi cháo cám" khiến người đọc không kìm nổi xúc động "bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy vừa nói". Sau đó chính là lời thoại của chính bà cụ Tứ, lời thoại chan chat, nghẹn ứ ở trong lòng như chính "nồi cháo cám" ấy:

"Chè khoai đấy, ngon đáo để" và "Cám đấy mày ạ, xóm mình còn có khối người không có cám mà ăn ấy chứ". Một chi tiết thật đắt giá, một chi tiết gợi lên cái đói, cái nghèo đến cùng cực. Mặc dù ăn cháo cám nhưng ba mẹ con không ai than hay chê trách, ai cũng ăn một cách ngon lành. Bởi đây là nồi cháo yêu thương, nồi cháo đong đầy tình mẹ và nồi cháo của sự yêu thương và lòng vị tha. Người đọc sẽ thấy được rằng giữa cái đói nghèo cùng cực nhưng tình mẹ vẫn luôn bất diệt, luôn vĩnh cửu không bao giờ thay đổi. Bởi rằng trong suy nghĩ của bà cụ Tứ thì "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời" nên bà vẫn luôn vạch ra trước mắt của hai đứa con một viễn cảnh tươi sáng nhất.

Chi tiết "nồi cháo cám" vừa có giá trị hiện thực sâu sắc vừa có giá trị nhân đạo, chạm đến trái tim người đọc. Về giá trị hiện thực "nồi cháo cám" tái hiện lại cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn đến cùng cực của nạn đói năm 1945. Giữa khung cảnh ấy hiện lên những con người nghèo khổ đến tận cùng của xã hội, tưởng rằng sẽ không còn một lối thoát nào cho tương lai. Nồi cháo cám ấy cho đến bây giờ vẫn ám ảnh tâm trí của người đọc, bởi nó có sức ám ảnh quá lớn.

Bên cạnh đó, "nồi cháo cám" còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, là tấm lòng người mẹ nghèo thực sự đáng trân trọng. Dù đói khổ nhưng bà cụ Tứ luôn dành những yêu thương, những ân cần sâu sắc nhất đối với con.

Ngoài giá trị nội dung thì chi tiết "nồi cháo cám" còn mang giá trị nghệ thuật, bởi đây là một chi tiết nghệ thuật, tự bản thân của hình ảnh đó đã mang giá trị trong mình, khiến cho cả câu truyện ngắn trở nên tươi đẹp và ấm áp hơn trong cảnh đói nghèo, chết chóc.

Gấp lại trang sách, hình ảnh "nồi cháo cám" của Kim Lân vẫn luôn quẩn quanh trong tâm trí người đọc. Nó thực sự ám ảnh, thực sự có sức lay động ghê gớm. Nạn đói năm 1945 và những con người thời kỳ đó bằng tình yêu thương và lòng nhân hậu đã có thể vượt qua tất cả.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close