Hướng dẫn cách viết văn bản nghị luận về một hiện tượng đời sống lớp 11

- Dạng bài: Nghị luận - Yêu cầu: Nghị luận về một hiện tượng đời sống + Cần phải có những quan điểm cá nhân riêng và lập trường thật vững vàng trước mọi hiện tượng đời sống.

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Hướng dẫn phân tích để bài

- Dạng bài: Nghị luận 

- Yêu cầu: Nghị luận về một hiện tượng đời sống 

+ Cần phải có những quan điểm cá nhân riêng và lập trường thật vững vàng trước mọi hiện tượng đời sống.

+ Phải thể hiện quan điểm và thái độ của bản thân thật rõ ràng trước vấn đề đang nghị luận.

+ Người viết cần phải nắm thật chắc bản chất của vấn đề nghị luận, hiểu sâu, đúng đắn trước vấn đề đang được đề cập tới.

- Cách để làm một bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống thì phải đảm bảo được những yêu cầu sau đây:

+ Trình bày một cách khái quát nhất về hiện tượng được nghị luận.

+ Phân tích hiện tượng đang được nghị luận: đúng hay sai, đã hợp lí hay không hợp lí ở điểm nào,...

+ Lý giải được những nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng này, từ đó trình bày được những giải pháp tương ứng giải quyết vấn đề. Nguyên nhân nào thì sẽ có giải pháp ấy.

+ Đưa ra được những dẫn chứng thuyết phục, so sánh kết hợp liên hệ thực tế với chính bản thân chúng ta để bài viết tăng được tính thuyết phục.

- Khái niệm cần làm rõ: 

+ Nghị luận về một hiện tượng đời sống được định nghĩa là việc sử dụng tổng hợp một số các thao tác lập luận để chúng ta bàn bạc về một hiện tượng đã hoặc đang diễn ra trong đời sống thực tế, đời sống xã hội thu hút được rất nhiều sự quan tâm của con người và mang tính chất thời sự (như ô nhiễm môi trường, nề nếp sống ...

Dàn bài chung

Mở bài

- Giới thiệu về hiện tượng đời sống cần bàn luận

Thân bài

- Giải thích từ ngữ 

- Trình bày thực trạng – Mô tả hiện tượng đời sống được nêu ở đề bài 

- Phân tích nguyên nhân – tác hại của hiện tượng đời sôngs đã nêu ở trên. 

+ Nguyên nhân: (Khách quan, chủ quan)

+ Ảnh hưởng, tác động: (Đối với cộng đồng xã hội; đối với cá nhân mỗi người)

- Bình luận về hiện tượng (Tốt/ xấu, đúng/ sai) 

- Đề xuất những giải pháp  

Kết bài

- Kết luận, khẳng định, phủ định lời khuyên

Ví dụ minh họa Mẫu 1

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về tác hại của mạng xã hội facebook

a.Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề: tác hại của mạng xã hội faceboook

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề

- Tác hại của mạng xã hội là những gì tiêu cực đem lại cho cuộc sống con người

b. Thực trạng/Dẫn chứng

- Nhiều người cuồng like, cuồng tương tác bất chấp đăng bài sai sự thật để câu view, câu like

- Báo lá cải đăng bài giật tít, dắt mũi dư luận

- Nhiều văn hóa phẩm không lành mạnh tràn lan trên mạng

- Nhiều người lợi dụng không gian mạng để lừa tình, lừa tiền... 

c. Nguyên nhân

- Do sự phát triển mạnh mẽ của thông tin

- Do nhu cầu kết bạn của con người

- Do thị hiếu quần chúng muốn nắm bắt các thông tin hot của xã hội

- Facebook giúp con người có thể người ẩn danh, không phải tiếp xúc trực tiếp

- Vì mong muốn được nổi tiếng mà bất chấp

d. Hậu quả

- Giảm tương tác giữa người với người

- Gây ra hiện tượng sống ảo: nhiều người có những hành động lố lăng, kệch cỡm trên mạng

- Khiến nhiều người trở nên trầm cảm, thu mình không muốn cởi mở

- Giết chết sự sáng tạo

- Gây ra bạo lực trên mạng

c. Giải pháp

- Ý thức được cái tốt, cái xấu của mạng xã hội

-Chọn lọc các thông tin lành mạnh để thu nhận

e. Phản đề

- Ngoài cái tiêu cực thì mạng xã hội FB cũng có điểm tích cực: giúp con người giao lưu bạn bè quốc tế khắp mọi nơi mà không bị ngăn cách bởi khoảng cách địa lý, chứa nhiều thông tin bổ ích...

3. Kết bài

- Khẳng định lại sự tiêu cực của facebook

- Liên hệ bản thân

b.Bài tham khảo 

Bài làm mẫu số 1

Facebook là một mạng xã hội thu hút hàng chục triệu người dùng trên thế giới, đặc biệt ở Việt Nam, số lượng người dùng khá lớn, hầu hết giới trẻ đều có cho mình một trang Facebook cá nhân. Vậy dùng Facebook có thật sự tốt và trang mạng này hữu ích như thế nào mà thu hút nhiều bạn trẻ sử dụng đến mức trở thành căn bệnh "nghiện Facebook"?

Thứ nhất, xét về những ưu điểm, chúng ta không thể phủ nhận rằng nó là một công cụ hữu hiệu để kết nối mọi người với nhau một cách nhanh chóng, dù ở đâu trên mọi miền đất nước, dù ở một quốc gia khác xa xôi, ta vẫn có thể dễ dàng liên hệ với nhau mà không mất quá nhiều chi phí hay thời gian. Mặt khác, mạng xã hội này giúp chúng ta phát triển kinh tế, nguồn thu nhập một cách khá hiệu quả khi có cơ hội để thử sức mình trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng, nơi tập trung hàng triệu người dùng tức là nơi đó có một thị trường tiêu thụ khá lớn. Facebook cũng hỗ trợ đắc lực trong việc thực hiện kết nối các thành viên hội/ nhóm, là nơi mọi người được bày tỏ, chia sẻ những quan điểm, cảm xúc, ý kiến của mình một cách tự nhiên, lành mạnh. Đồng thời đây cũng là nơi tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm, những nơi gặp thiên tai, khó khăn mang lại kết quả tích cực. Đối với các bạn trẻ, đó cũng là công cụ để học tập, chia sẻ những kinh nghiệm học, những bài giảng hay, những kiến thức chuyên sâu trong nhiều môn học để có thể tiếp thu và trau dồi kỹ năng cho bản thân. Đặc biệt, nó là nơi các bạn có dịp được thể hiện năng khiếu của mình cho cộng đồng mạng như ca hát, nhảy múa, khả năng ngoại ngữ, toán học,..., nơi để cập nhật những hoạt động của bản thân, lưu giữ những kỉ niệm của tuổi học trò, tuổi thanh xuân của mình.

Dùng Facebook ở mức độ nhất định sẽ mang lại hiệu quả tốt, tuy nhiên, ta cũng không khỏi quan ngại trước căn bệnh "nghiện" Facebook của các bạn trẻ hiện nay, bất cứ nơi đầu, từ nhà ga, bệnh viện, từ quán ăn, quán cà phê hay ở nhà, đều thấy người người cắm cúi vào chiếc điện thoại. Dường như cả thế giới chỉ gói gọn nơi đó. Mọi thời gian rảnh đa số đều dành cho facebook, đi ăn với gia đình cũng chăm chú vào điện thoại, đi chơi làm gì cũng chụp ảnh đăng face, nó như một thói quen, mà thói quen thì khó bỏ, cứ ăn sâu từ ngày này qua ngày khác. Thời gian dành cho mạng xã hội nhiều hơn cho gia đình, chỉ chăm chăm vào sống ảo, những comment vô bổ, thậm chí sống ảo câu like cũng thu hút nhiều bạn trẻ. Nhiều người dùng mạng xã hội như chiêu trò để "pờ-rồ" cho bản thân mình, thích nổi tiếng bằng những phát ngôn gây "sốc", những hành động không giống ai. Một bộ phận xem đó là nơi để trút bỏ tức giận rồi tranh cãi, gây gổ nhau qua mạng dẫn đến những hậu quả nặng nề, nhiều bạn chỉ vì một xích mích nhỏ mà đánh nhau gây thương tích, truyền bá những thông tin không được kiểm chứng gây hỗn loạn trong tiếp nhận với nhiều ý kiến trái chiều,.... Tác hại của việc dùng Facebook là rất lớn. Tốn thời gian, suy giảm sức khỏe, gây ảnh hưởng đến thị giác và não bộ. Những "anh hùng bàn phím" ngày một tăng lên trong khi khả năng giao tiếp ngày một kém đi. Thế giới ảo khiến con người đảo điên, lâu dần trở nên lạnh lùng, vô cảm với thế giới thực tại, thật đáng buồn!

Ai cũng biết tác hại nhưng không phải ai cũng thừa nhận và tìm cách để triệt tiêu căn bệnh "nghiện Facebook" của mình. Cần có sự phối hợp, quan tâm giữa gia đình, xã hội và nhà trường để góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, mọi người cần dành thời gian cho nhau nhiều hơn, cùng nhau tổ chức các hoạt động trong đời sống để giao tiếp với nhau mỗi ngày, tránh thói vô cảm ở một bộ phận giới trẻ hiện nay. Đặc biệt mỗi cá nhân phải tự nhận thức được bản thân, xác định lí tưởng sống của mình là gì, cần phải phấn đấu như thế nào chứ không phải ngày ngày chỉ ôm khư khư chiếc điện thoại. Đó là phương tiện để phục vụ cuộc sống chứ không phải để nó điều khiển đời sống của bạn.

Facebook không đáng sợ, điều đáng sợ là chúng ta đang dần biến mình thành "mọt Facebook", thay vào đó, hãy dành nhiều thời gian hơn cho mọi người xung quanh ta, cho những cuốn sách lý thú, những chuyến đi tươi đẹp. Bạn sẽ thấy thế giới ngoài kia có bao điều lớn lao, đẹp đẽ mà mãi mãi bạn chẳng bao giờ có được từ mạng xã hội kia đâu.

Bài làm mẫu số 2

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có thể nói rằng: Con người, đặc biệt là giới trẻ không thể sống mà thiếu mạng xã hội đặc biệt là Facebook”. Việc sử dụng mạng xã hội tuy có nhiều mặt tích cực phục vụ cho cuộc sống nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội cũng tác động tiêu cực không nhỏ đến cuộc sống giới trẻ.

Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook là trang mạng thu hút nhiều bạn trẻ sử dụng. Đó là nơi giao lưu, kết bạn, nói chuyện, cập nhật tin tức của rất nhiều người. Facebook trước hết là một trang mạng mang tính giải trí hấp dẫn, nơi giao lưu, chia sẻ của bạn bè, người thân. Facebook là nơi có thể đăng tải những clip, chia sẻ những tâm tư, tâm trạng, hỏi thăm bạn bè.

Facebook như một cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng kỉ niệm của chúng ta và bạn bè. Đó cũng là trang mạng truyền tải những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống đến với mọi người. Thông qua Facebook, mọi người biết được người thân, bạn bè đang gặp khó khăn gì để hỏi thăm, giúp đỡ. Facebook còn là trang mạng nơi chúng ta học tập và tìm tòi những kiến thức mới.

Bên cạnh những lợi ích mà Facebook đem lại, việc dành thời gian quá nhiều cho Facebook có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và việc học hành của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ dùng Facebook như một nơi để trút giận, bất cứ chuyện gì bực mình ở đâu cũng đem lên Facebook cho mọi người bàn luận hay dùng Facebook để chửi người khác một cách công khai.

Facebook kết nối trên thế giới ảo nhưng lại làm xói mòn và ảnh hưởng đến cách con người giao tiếp, thể hiện tình cảm. Nhiều bạn trẻ mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, chỉ đắm chìm trong thế giới ảo mà thờ ơ, dửng dưng với mọi người, không muốn và không biết cách giao tiếp, chia sẻ với mọi người xung quanh, thậm chí mất niềm tin nơi cuộc đời thực, có khi dẫn đến mặc cảm trong cô đơn, trầm cảm, thu mình lại.

Nhiều ông bà, cha mẹ thấy cô đơn khi con cháu họ chỉ “ôm” điện thoại, laptop. Nhiều bạn sao nhãng việc học hành chỉ vì dành thời gian lướt Facebook, nhiều bạn quên cả việc đọc sách, bỏ bê bài vở, kết quả học tập sa sút. Nguyên nhân của việc giới trẻ sử dụng Facebook một cách rộng rãi có lẽ chính là do sự hấp dẫn, mới lạ, tính giải trí cao trong việc sử dụng Facebook.

Việc đăng lên một tấm ảnh hay một status rồi nhận được các lượt like và bình luận, hay việc chém gió với nhau hàng giờ trên Facebook khiến nhiều bạn trẻ mất quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Facebook dễ dàng gây nghiện đặc biệt với giới trẻ. Từ năm 2010 đến nay, Facebook tăng vọt về số người sử dụng và con số ấy không ngừng tăng lên. Ngày nay, bất cứ ở đâu và bất cứ thời gian nào, ta cũng có thể bắt gặp các bạn trẻ cắm đầu vào Facebook, trong giờ học, trong giờ ăn, trước khi đi ngủ và ngay cả khi đang đi vệ sinh.

Họ bỏ cả nửa thời gian mỗi ngày để làm những công việc vô ích như lướt Facebook xem bạn bè có đăng ảnh mới không, xem ai có status gì không hay xem các chuyện trong showbiz,…Và có những người nghiện Facebook đến nỗi mà làm bất cứ việc gì họ cũng đăng lên Facebook, đến mức ăn gì, uống gì, nghĩ gì, làm gì cũng đưa nó lên, thậm chí mua cái áo mới cũng đưa lên để mọi người chém gió, đi ngoài đường gió lạnh quá cũng dừng xe lại post cái status “lạnh quá”, thậm chí đang chạy thoát hiểm cũng vào Facebook post cái status đã.

Là những con người của thế giới hiện đại, chúng ta phải làm thế nào để công nghệ phục vụ chúng ta chứ đừng để công nghệ chi phối cuộc sống chúng ta. Phải biết phân bố thời gian hợp lý trong việc sử dụng Facebook. Làm thế nào để phân bố thời gian hợp lí giữa công việc, gia đình, bạn bè, giải trí,… và Facebook? Không nên quá lệ thuộc vào mạng xã hội, thế giới ảo.

Cần xây dựng mối quan hệ ở thế giới thực tại, không nên quá sa đà, mất thời gian quá nhiều vào đó. Bạn nên dành thời gian vào những việc có ích hơn. Làm thế nào để Facebook không trở thành ông chủ, và chúng ta không trở thành những nô lệ của mạng xã hội? Tuổi trẻ chúng ta nhạy bén tiếp thu những cái đó nhưng hãy là người thông minh để dùng những cái đó một cách hiệu quả chứ không là nạn nhân của mạng xã hội.

Thời gian của đời người thật ngắn ngủi, không nên tiêu phí thời gian vào những điều vô bổ, thậm chí có hại. Làm sao tìm lại được thời gian đã mất ? Phải biết quý trọng thời gian, phải biết sống sao cho thật ý nghĩa. Cuộc sống thực vô cùng rộng lớn và hấp dẫn với bao điều bí ẩn, diệu kì sao ta lại chỉ đắm chìm trong thế giới ảo? Thời gian của đời người thật ngắn ngủi sao ta lại tiêu phí thời gian vào những điều vô bổ, thậm chí có hại?

Bạn có bao gờ tự hỏi mình: làm sao tìm lại được thời gian đã mất? Hãy biết quý cuộc sống này trong từng phút giây, sống sao cho thật ý nghĩa vì chúng ta còn trẻ còn rất nhiều việc phải học, phải làm chứ không phải dành thời gian trên những trang mạng vô bổ.

Ví dụ minh họa Mẫu 2

ĐỀ 2: Viết bài văn nghị luận về hiện tượng ô nhiễm môi trường. 

a.Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: vấn đề ô nhiễm môi trường.

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề

- Ô nhiễm môi trường là hiện trạng môi trường xuất hiện những chất độc, chất hại dẫn đến thay đổi nhanh chóng và gây tác hại xấu đến cuộc sống con người.

b. Thực trạng

+ Hàng ngày có hàng tấn rác thải được đổ ra biển, các chất độc hại ngày càng tích lũy và ảnh hưởng xấu tới môi sinh và các sinh vật biển. Bên cạnh đó, môi trường nước ngọt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

+ Môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề do khí thải công nghiệp, khí thải xe cộ và mùi rác thải sinh hoạt của con người.

+ Diện tích rừng bị chặt phá ngày càng tăng.

c. Nguyên nhân

+ Chủ quan: Do ý thức kém của con người.

+ Khách quan: Do hiện tượng cực đoan của xã hội; do sự quản lí của nhà nước hoạt động của các doanh nghiệp trong việc xử lí.

d. Hậu quả

+ Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

+Mất đi các nguồn lợi từ biển: các hải sản, du lịch biển.

+ Mất cân bằng đa dạng sinh học của môi trường sống.

e. Giải pháp

+ Mỗi người cần có ý thức bảo vệ môi trường sống quanh mình, thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất để khiến cho môi trường được cải thiện tốt hơn.

+ Nhà nước cần tăng cường sự quản lí cũng như xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm làm ô nhiễm môi trường.

+ Tiến hành áp dụng công nghệ khoa học để giải quyết hiện trạng ô nhiễm nước thải ... hiện nay.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: hiện tượng ô nhiễm môi trường; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

b.Bài tham khảo 

Bài làm mẫu số 1

Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ...

Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động.

Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường... Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc.

Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu?

Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Một số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều... Vậy nhưng không phải vậy! Phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Dù trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa phần lại là của người dân. Những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy hiện giờ ta chưa thấy được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều.

Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.

Điều này đã để lại hậu quả gì?

Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Điển hình như "làng ung thư" Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều...

Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ?

Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã... Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển...

Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vậy nên, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo vệ môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Bài làm mẫu số 2

Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là hàng loạt các vấn đề cần quan tâm, thậm chí là ở mức báo động như hiện tượng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,... Một đất nước muốn tồn tại và phát triển lâu bền thì vấn đề bảo vệ môi trường sống là rất quan trọng, nhưng thực tế môi trường hiện nay ngày một ô nhiễm trầm trọng, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường sống thiếu trong lành, bị nhiễm các chất độc hại tác động lớn đến đời sống. Thực trạng hiện nay, nhiều khu dân cư rác thải chất thành đống, không có biện pháp xử lý. Nước thải, nước ngầm từ các nhà máy xí nghiệp đổ ra sông, ra biển gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nước ở các hồ, sông đen ngòm, bẩn thỉu vì chất thải, vì rác, thậm chí các bãi biển, nơi tập trung nhiều khách du lịch đến tham quan cũng xảy ra hiện tượng rác vứt bừa bãi, gây ảnh hưởng lớn đến mỹ quan. Khói bụi, xe cộ tấp nập, nhiều vô kể trong thành phố, đặc biệt từ các nhà máy thải ra khiến bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề, kéo theo đó là các hiện tượng nóng lên của trái đất, hiệu ứng nhà kính,.... Đi khắp các đường làng, ngõ xóm hay các ngóc ngách ở những đô thị lớn, nơi đâu ta cũng thấy rác, dù ngày ngày các công nhân đô thị vẫn chăm chỉ làm việc, thu dọn nhưng vẫn không thể giảm đi lượng rác thải dùng trong ngày của người dân. Nhiều khu vệ sinh công cộng nhiễm bẩn kinh khủng, các công viên, khu vui chơi,... đâu đâu cũng thấy rác. Đó thực sự là một thực trạng đáng buồn hiện nay, khi mà xã hội càng hiện đại thì môi trường lại càng bị ô nhiễm.

Điều gì gây nên hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng như vậy? Phải chăng đó là do chính con người. Những hành vi tiêu cực, hành động khai thác rừng bừa bãi, đốt rừng làm nương rẫy chặt phá cây xanh gây hậu quả đến vấn đề điều hoà môi trường sống. Khai thác các nhiên vật liệu quá mức ở các mỏ quặng cũng gây áp lực rất lớn đến môi trường, làm mất cân bằng sinh thái. Công tác quản lý của nhà nước chưa được thắt chặt, ý thức của người dân còn kém, tiện đâu vứt đó như một thói quen khó bỏ. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy vì mục đích thu lợi nhuận, tiết kiệm tiền đầu tư mà bỏ qua các khâu xử lý nguồn nước thải, lợi dụng những kẽ hở, các sông suối biển gần nhà máy thải ra môi trường bao nhiêu nguồn nước bẩn, nhiễm chất độc gây nguy hại môi trường. Việc phân loại, xử lý rác thải chưa được thắt chặt, khó kiểm soát. Ngoài ra, việc người dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, trong trồng trọt và chăn nuôi cũng gây áp lực đến môi trường không nhỏ.

Vì những nguyên nhân trên, môi trường ô nhiễm để lại những hậu quả vô cùng lớn. Vấn đề sức khỏe con người bị đe doạ, số người chết sớm tăng lên, xuất hiện nhiều làng ung thư, vùng ung thư trên cả nước. Môi trường tù đọng là nơi trú ngụ của các loại muỗi gây nguy hiểm cho con người, nhiều người bị lao phổi, viêm xoang, dị ứng,... cũng do tác động không nhỉ của ô nhiễm mà ra. Môi trường sống thiếu an toàn khiến cho đời sống sinh vật cũng gặp khó khăn, nhiều loài sinh vật mất đi môi trường sống của mình. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng trở nên cấp thiết bởi môi trường đang bị tàn phá quá nặng nề.

Để hạn chế những hậu quả mà ô nhiễm môi trường gây ra. Hơn ai hết, mỗi người dân phải tự ý thức được việc làm của mình. Nhà nước, cơ quan quản lý phải không ngừng tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Kiểm tra, xử lý nghiêm minh những nhà máy, xí nghiệp vi phạm quy định về môi trường, thắt chặt công tác cấm xả rác thải bừa bãi ở bất cứ nơi đâu. Cần có các phương pháp, phương tiện xử lý rác thải hiệu quả, tránh đề tình trạng rác ứ đọng, chồng chất từng đống gây ô nhiễm. Sử dụng các phương tiện công cộng hoặc đi xe đạp, xe điện thay thế cho các loại phương tiện gây ô nhiễm đường phố. Phát động trồng nhiều cây xanh tạo sự trong lành, điều hoà môi trường sống. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khoa học hay mỗi người cần nghiên cứu phát minh ra những thiết bị, công cụ xử lý, tái chế hay phân loại rác thải nhằm giảm công sức và chi phí, đồng thời giảm thiểu lượng rác thải mỗi ngày.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vui không của riêng ai, hãy chung tay hành động vì một thế giới sống xanh - sạch - đẹp và an toàn. Sứ mệnh của chúng ta là xây dựng môi trường sống lành mạnh và an toàn.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close