Phân tích và chứng minh thiên nhiên trong “Nhật kí trong tù”Quan niệm về thiên nhiên trong thơ Bác. Thiên nhiên đẹp, có các sự vật gắn bó hài hòa, có sự vận động. Quảng cáo
Phân tích và chứng minh thiên nhiên trong Nhật kí trong tù Quan niệm về thiên nhiên trong thơ Bác. Thiên nhiên đẹp, có các sự vật gắn bó hài hòa, có sự vận động. Thiên nhiên khắc nghiệt như thử thách nghị lực của con người. Thiên nhiên hòa hợp với con người và con người là trung tâm của thiên nhiên. DÀN Ý CHI TIẾT 1. MỞ BÀI + Đối với một người có tâm hồn thiết tha yêu cái đẹp, yêu cuộc sống như Bác Hồ, thiên nhiên không chỉ là một đối tượng miêu tả quan trọng mà còn là phương tiện biểu hiện tâm tình. Nhiều khi, thiên nhiên đã trở thành người bạn tâm tình hết sức thân thiết của Bác. Trong những ngàv phải chịu cảnh tù đày khắc nghiệt nơi đất khách quê người, dù ở nhà giam chật hẹp, tối tăm hay trên những con đường chuyến lao phải chịu bao cực hình đau đớn nhưng tâm hồn của Bác vẫn luôn rộng mở để đón nhận, thưởng thức tất cả mọi vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh. Khi được miêu tả thật cụ thể trong tập thơ Nhật kí trong tù thiên nhiên đó đã góp phần biểu hiện tâm hồn, tính cách cao đẹp của người tù - thi sĩ, người tù - chiến sĩ Hồ Chi Minh. 2. THÂN BÀI Trước hết tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của Bác hướng tới những vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên. Nhưng khác với một số nhà thơ thời xưa, yêu thiên nhiên có khi là một trong những cách để tránh đời (Nguyễn Trãi với Côn sơn ca), ở đây, với Bác, trong hoàn cảnh đang bị giam hãm tù đày, yêu thiên nhiên cũng có nghĩa là yêu đời, là mong muốn giao cảm với cuộc đời, là mơ ước về tương lai, là khát vọng tự do. Trong những cảnh tượng thiên nhiên đặc biệt có ý nghĩa với Bác là hình ảnh mặt trời, vầng trăng. Mỗi buổi sáng qua ô cửa sổ nhỏ bé của nhà giam, Bác thường say mê ngắm nhìn vẻ đẹp rực rỡ của bình minh: Đầu non sớm sớm vầng dương mọc Khắp núi nơi nơi rực ánh hồng (Cảnh bình minh) Bác cũng rất yêu trăng. Trong tập Nhật kí trong tù có khá nhiều bài thơ đề cập tới hình ảnh ánh trăng (Ngắm trăng, Giải đi sớm, Đêm thu, Đêm lạnh, Trung thu). Nhà giam tối tăm với bao cực hình khổ ải không ngăn được tâm hồn tự do của người tù thi sĩ hướng tới vẻ đẹp trong sáng của vầng trăng: Chắng được tự do mà thưởng nguyệt Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu (Trung thu) Có thể thấy cảnh ngộ tù đày của Bác thật buồn nhưng thiên nhiên trong thơ Bác bao giờ cũng tràn đầy sức sống và niềm vui bởi vì đấy là thiên nhiên có các sự vật gắn bó hài hòa với nhau và luôn vận động theo quy luật tất yếu của cuộc sống. Trên con đường chuyển nhà giam. Bác đã vượt lên trên những đau xót thể xác để tâm hồn hòa điệu vào nhịp sống vui tươi của thiên nhiên xung quanh: Mặc dù bị trói chân tay, Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng, Vui say ai cấm ta dừng, Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu (Trên đường đi) Ở bài thơ Giải đi sớm Bác không chỉ thấy được sự gắn bó vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên qua hình ảnh "Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn” mà còn cảm nhận sâu sắc sự vận động tất yếu của thiên nhiên ấy với “Phương đông màu trắng huyển sang hồng - Hơi ấm bao la trùm vũ trụ như là hình ảnh tượng trưng cho một ngày mai tươi sáng nhất định sẽ đến. Điều đó biểu hiện một cái nhìn lạc quan, biểu hiện cảm quan biện chứng của nguời chiến sĩ cách mạng. + .... Trong cuộc sống lao tù đầy đau khổ, đày đọa, với tâm hồn của người thi sĩ Bác thường hướng tới những cảnh tượng đẹp đẽ thơ mộng của thiên nhiên. Nhưng với tính cách chiến sĩ, Bác không hề thi vị hóa mà thường tả thực cảnh tượng dữ dội hoặc khác nghiệt của thiên nhiên. Đó là cảnh tượng đất trời tối tăm, lạnh lẽo, đường sá xa xôi hiểm trở, thời tiết bất thường, nghiệt ngã: Còn tối như bưng đã phải đi Đường đi khúc khuỷu lại gồ ghề (Trượt ngã) Hay: Gió sắc tựa gươm mài đá núi Rét như dùi nhọn chích cành cây (Hoàng hôn) Đặc biệt, đối với Bác, những cảnh tượng thiên nhiên không đơn thuần là những khó khăn phải chịu đựng một cách thụ động, mà quan trọng hơn, đây còn là những điều kiện cần thiết, những thử thách con người phải chủ động vượt qua để rèn luyện ý chí, nghị lực thêm kiên cường. Sự chuyển đổi tư thể trong cách ngắm cảnh núi non trong những vần thơ sau đây là một ví dụ sinh động: Đi đường mới biết gian lao, Núi cao rồi lại núi cao trập trùng. Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng núi non. (Đi đường) Ở bài thơ Tự khuyên mình, Bác khẳng định: Trong cảnh mùa đông tàn tạ cần phải tin tưởng mùa xuân huy hoàng sẽ tới, từ đó con người ta sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn thử thách: Ví không có cảnh đông tàn, Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân, Nghĩ mình trong lúc gian truân, Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng. Thiên nhiên trong Nhật kí trong tù không phải là một thiên nhiên vô tình mà là một thiên nhiên hữu tình luôn ấm áp tình cảm của con người. Bác viết trong bài Ngắm trăng: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ Đây không chỉ là “một cuộc vượt ngục bằng thơ của người tù - thi sĩ" mà còn là sự hài hòa kỳ diệu giữa cảnh với người, giữa cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của tâm hồn nhà thơ. Trăng và Bác đã trở thành đôi bạn tri âm, cái tôi của chủ thể nhà thơ và sự vật khách quan đã soi bóng, hòa quyện vào nhau. Bác còn viết trong bài thơ Chiều tối: Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không. Cô em xóm núi xay ngô tối, Xay hết, lò than đã rực hồng. Dưới cái nhìn của Bác, cành chiều buồn thảm trên con đường tù đày bỗng sáng lên ánh lửa của lao động, của cuộc sống con người. Điều đó thật khác với những vầng thơ xưa chỉ có “Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông” nhưng lại thiếu vắng bóng dáng con người. Ở Chiều tối, hình ảnh cô gái xay ngô chính là trung tâm của bức tranh thiên nhiên và chính chữ “hồng” đã tạo ra thần sắc của cả bài thơ. Suy đến cùng, tình cảm thiên nhiên trong thơ Bác chính là tình cảm nhân đạo. Thứ tình cảm này thấm tới từng sự vật bình thường của thiên nhiên xung quanh. Với Bác, một bông hoa hồng bị người đời quên lãng. Tạo hóa thờ ơ, vô tình dường như cũng có hồn người và Bác đã nghe thấy cả tâm sự đau đớn, xót xa của bông hồng ấy: Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng, Hoa tàn hoa nở cũng vô tình, Hương hoa bay thấu vào trong ngục, Kể với tù nhân nỗi bất bình. (Cảnh chiều hôm) Về bài thơ đó, nhà thơ Lưu Trọng Lư có viết: “Nỗi lòng đau tìm đến một lòng đau. Riêng nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Ly lại nhận xét: “Sự giao cảm của nhà thơ như một chiếc đũa thần, động đến đâu là ở đấy sống dậy lên và bồng bột tình cảm, cả đến những vật vô tri vô giác như bông hoa hồng kia”. 3. KẾT LUẬN Ông Đặng Thai Mai khẳng định: “Trong Nhật kí trong tù thiên nhiên chiếm một danh dự”. Tất nhiên, những hình ảnh thiên nhiên và tình yêu say đắm mà Bác dành cho thiên nhiên sẽ còn xuất hiện nhiều lần nữa trong thơ Bác, đăc biệt là những vần thơ Nguời viết khi ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Loigiaihay.com
Quảng cáo
|