1 - Yêu cầu về kỹ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
2 - Yêu cầu về kiến thức:
- Đảm bảo về mặt nội dung: Thương vợ là bài thơ Tú Xương viết về vợ mình. Qua hình ảnh bà Tú vất vả, giàu đức hi sinh là một ông Tú có nhân cách qua lời tự trách
3 - Hướng dẫn làm bài:
1. Mở bài:
- Giới thiệu đôi nét về nhà thơ Trần Tế Xương, hay còn gọi là Tú Xương hay Tú Mỡ, là một trong những nhà thơ có cách viết trào phúng, hài hước.
- Giới thiệu về bài thơ Thương vợ
2. Thân bài:
a. Hình ảnh bà Tú
* Hai câu đề:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
- Công việc: "buôn bán"
- Thời gian: "quanh năm" → từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, không có một ngày được nghỉ ngơi.
- Địa điểm: 'mom sông" (phần đất ở bờ sông nhô ra phía lòng sông, nơi người làng chài thường hay tụ tập mua bán) → hai chữ “mom sông” gợi tả một cuộc đời nhiều mưa nắng, một cuộc đời lắm cơ cực, phải vật lộn để kiếm sống.
- “Nuôi đủ năm con với một chồng”: Gánh nặng gia đình đang đè nặng lên đôi vai người mẹ, người vợ.
+ Cách đếm con, chồng → ẩn chứa nỗi niềm chua chát về một gia đình gặp nhiều khó khăn: đông con, còn người chồng đang phải “ăn lương vợ”
→ Hai câu thực gợi tả cụ thể hơn cuộc sống tảo tần gắn với việc buôn bán ngược xuôi của bà Tú.
* Hai câu thực:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
- Thấm thía nỗi vất vả, gian lao của vợ, Tế Xương đã mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà Tú: thân cò lầm lũi gợi liên tưởng về thân phận vất vả, cực khổ, của bà Tú cũng như những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ
- Ba từ "khi quãng vắng" đã nói lên không gian heo hút, vắng lặng chứa đầy những lo âu, nguy hiểm.
- Câu thơ dùng phép đảo ngữ (đưa từ "lặn lội" lên đầu câu) và dùng từ "thân cò" thay cho từ "con cò" càng làm tăng thêm nỗi vất vả gian truân của bà Tú. Không những thế, từ "thân cò" còn gợi nỗi ngậm ngùi về thân phận. Lời thơ, vì thế, mà cũng sâu sắc hơn, thấm thía hơn.
- Câu thứ tư làm rõ sự vật lộn với cuộc sống đầy gian nan của bà Tú: “Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”
+ "Eo sèo": là từ láy tượng thanh ý chỉ sự kì kèo, kêu ca phàn nàn một cách khó chịu → gợi tả cảnh tranh bán, cãi vã nơi “mặt nước”
+ Câu thơ gợi tả cảnh chen chúc, bươn trải trên sông nước của những người làm nghề buôn bán nhỏ.
+ “Buổi đò đông” hàm chứa không phải ít những lo âu, nguy hiểm "khi quãng vắng".
+ Nghệ thuật đối đặc sắc đã làm nổi bật cảnh kiếm ăn nhiều cơ cực. Bát cơm, manh áo mà bà Tú kiếm được để “nuôi đủ năm con với một chồng” phải lặn lội trong nắng mưa, phải giành giật, phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt trong thời buổi khó khăn.
* Hai câu luận:
Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa dám quản công
- Tú Xương vận dụng rất sáng tạo hai thành ngữ: “một duyên hai nợ” và “năm nắng mười mưa”, đối xứng nhau hài hòa, màu sắc dân gian đậm đà trong cảm nhận và ngôn ngữ biểu đạt:
+ “Duyên” là duyên số, duyên phận, là cái “nợ” đời mà bà Tú phải cam phận, chịu đựng.
+ “Nắng”, “mưa” tượng trưng cho mọi vất vả, khổ cực.
+ Các số từ trong câu thơ tăng dần lên: “một… hai… năm… mười…" làm nổi rõ đức hi sinh thầm lặng của bà Tú, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó vì sự ấm no, hạnh phúc của chồng con và gia đình.
+ “Âu đành phận”, “dám quản công”… giọng thơ nhiều xót xa, thương cảm, thương mình, thương gia cảnh nhiều éo le.
→ Tóm lại, sáu câu thơ đầu bằng tấm lòng biết ơn và cảm phục, Tú Xương đã phác họa một vài nét rất chân thực và cảm động về hình ảnh bà Tú, người vợ hiền thảo của mình với bao đức tính đáng quý: đảm đang, tần tảo, chịu thương chịu khó, thầm lặng hi sinh cho hạnh phúc gia đình.
b. Nỗi lòng của tác giả
* Hai câu kết:
Tú Xương sử dụng từ ngữ thông tục, lấy tiếng chửi nơi “mom sông” lúc “buổi đò đông” đưa vào thơ rất tự nhiên, bình dị:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không
+ Ý nghĩa của lời chửi là tác giả thầm trách bản thân một cách thẳng thắn, nhận ra sự vô dụng của mình. Nhưng đó lại là một lẽ thường tình trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Tú Xương dám thừa nhận mình là “quan ăn lương vợ”, dám tự nhận khuyết điểm của mình. Từ đó cho thấy ông là một người có nhân cách đẹp.
→ Hai câu kết là cả một nỗi niềm tâm sự và thế sự đầy buồn thương, là tiếng nói của một trí thức giàu nhân cách, nặng tình đời, thương vợ con, thương gia cảnh nghèo. Tú Xương thương vợ cũng chính là thương mình vậy: nỗi đau thất thế của nhà thơ khi cảnh đời thay đổi.
3. Kết bài:
- Cảm nhận chung về giá trị của bài thơ
|