Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ lãng mạn qua một số tác phẩm thời kì 1930-1945

Có lúc do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, người ta đã quá dè dặt, nếu không nói là quá khe khắt, trong việc xác nhận giá trị của thơ lãng mạn (1930-1945). Nhưng cuối cùng, bằng giá trị của chính nó, sự tác động lâu bền và tốt đẹp của nó đối với liên tục nhiều thế hệ người đọc, thơ lãng mạn đã xác định cho mình một vị trí xứng đáng trong nền văn học nước nhà.

Quảng cáo

 Ngày nay, những tên tuổi và nhiều bài thơ của những nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… vẫn được nhắc đến với rất nhiều trân trọng và mến yêu.

Hẳn công lớn đầu tiên của thơ lãng mạn, và cũng là của văn học lãng mạn nói chung, là đã đưa ra trước mọi người cái ý niệm “tôi”. Cái ”tôi” vốn rất vô nghĩa, rất đáng ghét, đối với chủ nghĩa khắc kỉ của đạo lí phong kiến, trong khoảng 15 năm từ sau 1930, bỗng được các nhà thơ nâng lên thành một ý niệm tốt đẹp và khẳng định vai trò quyết định của nó trong nghệ thuật với tư cách là chủ thể sáng tạo. Một thế giới cũ với những cách nhìn cũ, cách cảm nhận cũ, những lề luật cũ, bỗng vỡ ra, nhường chỗ cho một thế giới được đánh giá, cảm nhận, xúc động bởi cái tôi cá thể ấy. Và quả là một thế giới phong phú đa dạng vô cùng.

Các nhà thơ nói: cuộc sống đẹp quá chừng, đáng sống quá chừng, chớ coi thường nó, đừng né tránh nó. Làm sao có thể thờ ơ trước một cuộc đời mà hình như ở đó tạo hóa đã dành sẵn cho con người, cho mỗi người đủ mọi thứ để tạo nên hạnh phúc như thế này.

Của ong bướm này đây tuần trăng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si.

(Xuân Diệu – Vội vàng)

Thật ra, cũng chẳng có gì mới lạ: thì thời nào, thời Nguyễn Du hay Nguyễn Trãi, mà chẳng có ong, bướm, lá, hoa, chim oanh, chim yến! Nhưng đố tìm đâu ra những thời đó, kể đến thời Tản Đà, một niềm vui sống thiết tha và đắm say đến dường ấy. Chính với niềm ham sống mãnh liệt ấy mà Xuân Diệu lúc nào cũng cảm thấy cuộc đời hình như đang trôi nhanh quá, cái khoảng trăm năm sao mà ngắn ngủi, tuổi trẻ của mỗi người sao mà chóng qua. Cảm nhận ấy không khiến cho Xuân Diệu trở nên hư vô, bi quan theo triết lí “sắc không” nhà Phật hay”vô vi” của Lão trang, trái lại, càng khiến nhà thơ cảm nhận rõ hơn sự đáng quí của cuộc đời.

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;  Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,  ….

Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!  (Vội vàng)

Yêu đời, ham sống, nhưng cuộc sống là gì? Đâu là những yếu tố tạo nên cuộc sống. Theo các nhà thơ lãng mạn, cuộc sống bao gồm nhiều thứ, nhưng có hai thứ đẹp nhất, kì diệu nhất, ấy là thiên nhiên và con người.

Trước hết về thiên nhiên, các nhà thơ lãng mạn phá bỏ ngay cái bức tường thiên nhiên giả tạo của văn học cổ vốn lâu nay vây bọc con người, để nhận ra một thiên nhiên thực sự, đang bổi bổi sức sống, sự sống, nguồn cảm xúc vô tận. Quả thật, trong thơ Việt Nam, chưa bao giờ đầy ắp thiên nhiên đến vậy. Này đây, cái lạ lùng của đất trời khi mùa thu tới, buồn lắm, thê lương lắm nhưng sao mà đẹp đến vậy; những nét, những đường, những dáng hình, màu sắc, sao mà sống động, hài hòa, em ái:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;

Đây mùa thu tới – mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh,

Những luồng run rẩy rung rinh lá…

Đôi nhánh khô gầy xương mong manh.

(Xuân Diệu – Đây mùa thu tới)

Còn đây cảnh chiều về trên một cánh đồng quê:

Mây biếc về đâu bay gấp gấp

Con cò trên ruộng cánh phân vân

(Xuân Diệu – Thơ duyên)

Trước thơ lãng mạn, mây chưa hề “bay gấp gấp” và cánh con cò chưa hề có sự “phân vân” như thế, chưa co sự xốn xang tâm trạng như thế.

Giờ đây, người đọc, nhờ đọc thơ lãng mạn, mà trở nên giàu có quá chừng. Họ có cả một thế giới vô tận, những của kho vô tận. Hàn Mặc Tử sau này là nhà thơ của những nỗi đau thương. Nhưng trong những năm đầu tiên, khi chưa mắc phải chứng bệnh nan y hiểm nghèo, đã có những dòng thơ tuyệt đẹp về thiên nhiên xứ Huế:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

(Đây thôn Vĩ Dạ)

Có một điều thật có ý nghĩa: do chỗ thiên nhiên trong thơ lãng mạn là một thiên nhiên được cảm nhận trực tiếp, cụ thể, sống động chứ không phải là thứ thiên nhiên được vay mượn từ sách vở, nên đó hoàn toàn là thiên nhiên sống động của quê hương đất nước. Thế là thơ lãng mạn đưa đến cho người đọc thơ một tình cảm được hai lần nhân lên: tình yêu thiên nhiên cũng là tình yêu quê hương đất nước. Trong mắt người đọc, cái thôn Vĩ Dạ nhỏ bé bên kia bờ sông Hương của kinh thành Thuận Hóa sao mà rõ ràng, xanh thắm, mềm mại, trữ tình. Cần chi phải đến Hàng Châu để ngắm liễu, đến Paris để ngắm sống Seine! Hãy mở mắt và đắm say ngay những điều diệu kì trước mắt của đất nước quê hương. Trong một bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, bài Mùa xuân chín , bức tranh mùa xuân nơi xóm quê chỉ được nhắc tới bằng đôi ba nét mà êm ái, đáng yêu biết bao:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lí bóng xuân sang

Người đọc ngày trước cũng như ngày nay còn thích thú đến sửng sốt khi nhận ra trong bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, bao nhiêu nét đẹp đến tưởng chừng như không thể có mà đã có thật của một chặng đường trẩy hội mùa Xuân của con người Việt Nam. Trong thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… biết bao những cảnh sắc không thể dửng dưng. Cảnh trong bài Tràng giang của Huy Cận là một dòng sông. Dòng sông ấy mênh mang và phảng phất buồn nhưng đẹp lắm, đẹp nhất là nó đã gợi lên mối tình quê hương đằm thắm, tưởng rất nhẹ nhưng sâu thẳm và bền bỉ vô cùng:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng…

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Ai dám bảo thơ lãng mạn không góp phần xây dựng lòng yêu nước? Cũng có và cũng mạnh mẽ đó chứ! Trong một hoàn cảnh xã hội mà kẻ thống trị muốn xóa bỏ tất cả những gì gọi là tự hào dân tộc, muốn nô dịch mọi người trong một thứ tư tưởng vọng ngoại, sùng ngoại mê muội nhất, thì những câu thơ, bài thơ như thế đúng là chứa chan tình cảm dân tộc, niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt, đây là những câu thơ hay, những bài thơ hay, tác dụng của chúng càng mãnh liệt và bền vững hơn nữa.

Tuy nhiên, nói đến thơ lãng mạn thì phải nói đến thơ tình yêu. Thơ tình yêu nhiều đến nỗi hình như chính thơ tình yêu mới là thơ lãng mạn, đến nỗi theo nhận xét của nhà phê bình văn học Hoài Thanh, trong cả một tập Thi nhân Việt Nam, chỉ có một nhà thơ là không nói đến “anh anh, em em”! Điều ấy có lí do của nó. Suốt trong gần một nghìn năm của chế độ phong kiến Việt Nam, tình yêu, một nguồn tình cảm mãnh liệt, đẹp đẽ của con người, bị phủ nhận hoàn toàn. Chỉ có hôn nhân và nghĩa vụ, không có tình yêu.Sự bùng nổ của thơ tình sau 1930 chính là sự bùng nổ của một trào lưu để phá tan tành cái con đê kiên cố đã cản trở nó. Xuân Diệu nói đắm say sự sống, trước hết cũng là đắm say tình yêu. Có thể nói, không bài thơ nào của Xuân Diệu trong Thơ thơ không phải là thơ tình yêu. Thơ tình của Xuân Diệu thật lắm cung lắm bậc. Có lúc đó là một bài thơ tình e ấp, dịu nhẹ như một làn rung động của gió chiều, của nắng chiều:

Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu

Lá lá cành hoang nắng trở chiều

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn

Lần đầu rung động nỗi thương yêu

Tuy dịu nhẹ, e ấp, nhưng nó thật là tình yêu, nên nó có sức mãnh liệt và giá trị nhân bản vững bền riêng của nó. Trong thơ xưa, làm sao có được cách nói thẳng thắn như thế này về tình yêu:

Ai hay tuy lặng bước thu êm

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,

Lòng anh thôi đã cưới lòng em

(Thơ duyên)

Lòng anh “cưới” lòng em, đó chính là tình yêu.

Tình yêu trong thơ Hàn Mặc Tử tuy đượm nhiều buồn đau và hoài nghi nhưng không hề kém thiết tha.

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra  Ở đây sương khói mờ nhân ảnh  Ai biết tình ai có đậm đà?

(Đây thôn Vĩ Dạ)

Nhìn chung thơ lãng mạn khá buồn, có khi rất buồn. Cũng cần có cái nhìn thoả đáng hơn về cái buồn trong thơ lãng mạn. Người ta cần biết vui, biết yêu, nhưng cũng cần biết buồn, biết chán khi cần thiết. Phải buồn trước những điều không thể vui. Vui trước chuyện đáng buồn là vô liêm sỉ. Biết buồn để không vô tư đến trở thành vô tâm. Buồn để trở nên sâu sắc hơn. Nói gì thì nói, cuộc sống trong khoảng những năm 1930-1945 có nhiều chuyện đáng để buồn, trong đó điều đáng buồn nhất là làm dân nô lệ. Trừ những kẻ thật sự vô lương tâm hoặc cố tình vui vẻ để làm vừa lòng bọn chủ nô lệ, mọi người Việt Nam ngày đó, nhất là những người nhạy cảm, đều mặc nhiên mang một nỗi buồn thời đại. Cái buồn ấy lớn đến nỗi nhiều lúc như không thể nhận ra duyên cớ. Nó nằm ở đâu đó trong khắp cả cuộc đời. Xuân Diệu đã từng có câu thơ nổi tiếng mà ngày đó ai cũng công nhận là hay:

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

Trong thơ Huy Cận, nét nào của cảnh vật, dẫu tuyệt đẹp, vẫn phảng phất nỗi buồn. Nhìn một xóm làng, một phiên chợ vừa tan, một bến đò, Huy Cận cảm đến tận đáy lòng một nỗi sầu muộn mênh mang, nỗi cô đơn của thân phận trước cái vô cùng của cuộc sống:

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sầu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

(Tràng giang)

Cái buồn trong thơ lãng mạn Việt Nam, xét về bản chất, cũng có mặt tích cực. Nó là một thái độ cần thiết trước cái mong manh và u ám của đời sống lúc ấy. Nó có thể là bước khởi đầu dẫn tới những suy nghĩ sâu sắc và thấu đáo hơn, và có thể dẫn tới sự lựa chọn một thái độ, một hành động tích cực hơn trong đời sống.

Tuy vậy, thơ lãng mạn nhiều khi đã đẩy nỗi buồn lên một cung bậc thẳng căng quá, tuyệt đối quá. Thơ Xuân Diệu có lúc đã đi đến chỗ tột cùng chán nản, rã rời; nhà thơ nâng nỗi cô đơn thành vĩnh cửu.

Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề…

(Nguyệt cầm)

và:

Tôi là con nai bị chiều giăng lưới

Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối…

 

Huy Cận tự thấy mình mang trong lòng một nỗi “vạn cổ sầu” như một định mệnh. Hàn Mặc Tử càng về sau càng đau thương đến thành điên loạn.

Tuy nhiên, xét về mặt tư tưởng của cả trào lưu thơ mới (1930-1945), đó không phải là điều quá lớn. Cái mới, cái đáng quý mà trào lưu này đưa đến cho người đọc và thời đại vẫn là chính. Chả thế mà nó đã từng làm rung động cả một thế hệ người đọc phần lớn là có học và không phải là thiếu tâm quyết đó hay sao? Hơn nữa, xét về mặt nghệ thuật, thơ lãng mạn đã đưa đến cho văn học nước nhà nhiều điều mới mẻ.

Một mặt nó tiếp tục kế thừa những tinh hoa của thơ ca dân tộc, thơ ca Á Đông; mặt khác nó tiếp nhận tinh hoa mới lạ của thơ phương Tây để đẩy nền thơ Việt Nam bước hẳn sang thời kỳ hiện đại. Chỉ trong khoảng mấy năm, thơ lãng mạn đã hoàn thành trọn vẹn việc phá vỡ những khuôn vàng thước ngọc của thơ ca phong kiến mà lúc đó đã trở nên lỗi thời. Nếu nói: thơ phải chân thành, thơ phải là tiếng nói của trái tim, thì thơ lãng mạn đã biết phá bỏ những hình thức khiến nó phải sáo rỗng và giả tạo.

Truớc hết, thơ lãng mạn vứt bỏ những niêm luật gò bó, những đối chọi, những quy định “phá, thừa, thực, luận, kết” để nhà thơ có thể diễn tả một cách thoải mái và phóng khoáng cảm xúc của mình. Cảm xúc, điều đó quan trọng và quyết định giá trị của thơ hơn là ngồi để gò từng ý từng vần cho đúng luật. Thơ lãng mạn có thể sử dụng rất nhiều thể thơ, và ngay trong thể bảy chữ vốn là thể phổ biến của Đường luật, cũng được sử dụng một cách phóng khoáng, sáng tạo:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngã;  Củi một cành khô lạc mấy dòng.

(Huy Cận – Tràng giang)

Vứt bỏ những ước lệ, những điển cố vốn có tính chất bắt buộc trong ngôn ngữ thơ cổ, thơ lãng mạn đến với ngôn ngữ xanh tươi của đời sống. Trong thơ cổ, nói mùa thu là phải là lá ngô đồng rụng, mùa hè là phải cuốc kêu, liễu thì phải là liễu Chương Đài, mây thì phải mây Tần, mây Hàng… Trái lại, trong thơ lãng mạn, ngôn ngữ cứ tự nó đến với cảm xúc của nhà thơ. Chính thứ ngôn ngữ ấy nhận ra những cảm xúc của nhà thơ. Chính thứ ngôn ngữ ấy nhận ra những cảm xúc có thật về những điều rất thật. Thí dụ, đây là cảm xúc của Hàn Mặc Tử trước cái vời vợi của đất trời Vĩ Dạ:

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai       đậu    bến    sông trăng đó

 

Có chở trăng về kịp tối nay

(Đây thôn Vĩ Dạ)

 

Nói thơ lãng mạn đến với ngôn ngữ của đời sống, đó là nói đến xu hướng chính. Thật ra giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ của đời sống vẫn có một khoảng cách rất lớn. Ngôn ngữ trong thơ lãng mạn vẫn là một ngôn ngữ nghệ thuật, trong sáng, hàm súc và đầy tính nhạc. Các nhà thơ lãng mạn thật đã có công lớn trong việc xây dựng một ngôn ngữ thơ ca dân tộc. Những câu thơ này có sức diễn tả biết bao:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang…?

(Hàn Mặc Tử – Mùa xuân chín)

Bao nhiêu cảnh và tình hàm chứa trong chỉ mấy câu thơ dưới đây của Xuân Diệu:

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…

Non xa khởi sự nhạt sương mờ…

Đã nghe rét mướt luồn trong gió…

Đã vắng người sang những chuyến đò…

(Đây mùa thu tới)

Đặc biệt Xuân Diệu, với vốn Tây học của mình, đã đưa đến cho thơ những cách nói rất táo bạo. Quả thật, không phải bao giờ cái táo bạo của Xuân Diệu cũng thành công nhưng ông đã có nhiều cái mới thành công, được người đương thời tán thưởng, chẳng hạn:

Này lắng nghe em khúc nhạc thơm  Say người như rượu tối tân hôn.

Thơ lãng mạn (1930 – 1945) là một bước phát triển vượt bậc của thơ Việt Nam.Nó đã tiếp nhận một cách sáng tạo những tinh hoa của thơ ca dân tộc và thơ ca nhân loại, của thơ cổ điển và hiện đại. Cho đến nay, các nhà thơ vẫn còn thừa hưởng và tiếp tục phát huy nhiều thành tựu mà nó đã đạt được, nhiều vấn đề về nghệ thuật, kỹ thuật mà nó đã đặt ra trong khoảng 15 năm ngắn ngủi ấy. Không phải tất cả nhưng phần lớn những bài thơ lãng mạn vẫn được người đọc yêu thích, nhất là người đọc trẻ tuổi, vẫn có tác dụng xây dựng cho người đọc một thế giới nội tâm phong phú và nhân đạo

  • Quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh

    HCM xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp CM,là công cụ hỗ trợ chiến đấu:Văn chương trong thời đại CM phải có chất thép “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhàthơ cũng phải biết xung phong”.

  • Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa

    I. Mở bài Trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng có cho mình một thần tượng để ước mơ và vươn tới. Thần tượng ấy có thể là một doanh nhân thành đạt, một ca nhạc sĩ, hay chỉ là người mẹ, người cha trong gia đình.

  • Khái quát văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1954

    Trong quá trình 30 năm phát triển của văn học cách mạng (1945-1975), giai đoạn 1945-1954 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ðây vừa là thời kỳ mở đầu, đắp nền cho văn học mới vừa là bước chuyển tiếp lịch sử ghi nhận nhiều thay đổi triệt để và sâu sắc, từ quan niệm nghệ thuật cho tới thực tế sáng tác.

  • Trình bày những nét chính trong sự nghiệp thơ văn của Xuân Diệu

    Xuân Diệu (1916-1985) – một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác thật lớn lao và rất có giá trị. Hơn năm mươi năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật ấy, con người và thơ văn của Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ một nhà thơ lãng mạn thành nhà thơ cách mạng

  • Cảnh sắc và con người đất kinh kỳ trong thơ văn thời thịnh Lê

    Nói đến thơ văn thời thịnh Lê, dễ có cảm tưởng chúng mang đậm tính chính thống, quan phương, và kinh đô khi được tái hiện lại trong nhóm tác phẩm ấy cũng khó xa rời mục đích chính trị – yếu tố dễ khiến sáng tác nghệ thuật trở nên khuôn sáo.

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close