Giải VBT ngữ văn 8 bài Nhớ rừng

Giải câu hỏi 1, 2, 3, 4, 5, 6 Nhớ rừng trang 3 VBT Ngữ văn 8 tập 2.

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Câu 1 (trang 3 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Bài thơ được tác giả ngắt thành 5 đoạn, hãy cho biết nội dung mỗi đoạn.

Phương pháp giải:

Lưu ý trong văn bản bài thơ ở SGK, giữa các đoạn có cách dòng. Nêu nội dung mỗi đoạn, cần phân biệt đoạn 1 và 4 (cùng nói về con hổ trong vườn bách thú, nhưng đoạn 1 chủ yếu biểu hiện tâm trạng, còn đoạn 4 là cảnh vườn qua cái nhìn của con hổ), đoạn 2 và 3 cùng là hồi tưởng về thời oanh liệt của con hổ giữa đại ngàn, nhưng cũng có nét riêng trong nội dung mỗi đoạn.

Lời giải chi tiết:

- Đoạn 1: Cảnh ngộ bị rơi vào bẫy và trở thành đồ chơi của đám người nhỏ bé ngạo mạn trong công viên.

- Đoạn 2 và đoạn 3: Nỗi nhớ rừng và niềm tự hào một thời oanh liệt.

- Đoạn 4: Nỗi uất hận trước những tầm thường giả dối của cảnh công viên.

- Đoạn 5: Những hoài niệm và giấc mộng ngàn.

Câu 2

Câu 2 (trang 3 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Phân tích đoạn 1 và đoạn 4 để làm rõ tình cảnh con hổ và cảnh vườn bách thú qua cái nhìn của nó.

Phương pháp giải:

Tình cảnh của con hổ bị nhốt vào vườn bách thú được thể hiện tập trung ở đoạn 1 qua cảm nhận của chính nó. Chú ý tính chất trớ trêu của tình cảnh ấy được bộc lộ qua những đối lập: kẻ "khinh lũ người... rừng thẳm", phải "làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi" bị đặt ngang hàng cùng "bọn gấu dở hơi" và "cặp báo chuồng bên vô tư lự", cảnh vật nơi vườn bách thú qua cái nhìn của con hổ (đoạn 4) hiện lên với vẻ tầm thường, giả dối, tẻ nhạt. Chú ý những từ ngữ và hình ảnh miêu tả cảnh vật bộc lộ thái độ của con hổ: coi thường, chán ghét thực tại ở quanh mình.

Lời giải chi tiết:

Tình cảnh của con hổ bị nhốt vào vườn bách thú được thể hiện tập trung ở đoạn 1 qua cảm nhận của chính nó. Đó là cảnh ngộ sa cơ, bị tù hãm, thành thứ đồ chơi (cho lũ người ngạo mạn ngẩn ngơ), bị đặt ngang hàng với bọn thấp hèn, nhục nhã:

- Uất hận khi rơi vào tù hãm.

- Bị nhốt cùng bọn gấu dở hơi, cặp báo vô tư lự.

- Khinh loài người nhỏ bé ngạo mạn.

- Những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối.

- Nhớ về cảnh đại ngàn cao cả, âm u.

→ Căm hờn sự tù túng, khinh ghét kẻ tầm thường. Muốn vượt thoát tù hãm bằng nỗi nhớ thời đại ngàn.

Câu 3

Câu 3 (trang 4 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Phân tích khổ 2 và 3 để làm rõ vẻ đẹp của cảnh con hổ giữa chốn sơn lâm hùng vĩ.

Phương pháp giải:

Chú ý những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảnh rừng núi mà cái gì cũng kì vĩ, phi thường, mạnh mẽ, dữ dội (nhớ cảnh sơn lâm... khúc trường ca dữ dội), trên đó nổi bật lên hình ảnh oai hùng của vị chúa sơn lâm giữa vương quốc của mình.

Lời giải chi tiết:

∗ Khổ thứ 2:

- Cảnh sơn lâm bóng cả cây già, tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi, thét khúc trường ca dữ dội, chốn ngàn năm cao cả âm u...: Khung cảnh lớn lao, phi thường, hoang vu và dầy bí hiểm

- Ta bước lên dõng dạc đường hoàng, lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng... lá gai cỏ sắc... mắt thần ta đã quắc... mọi vật đều im hơi” Nghệ thuật so sánh, dùng từ ngữ giàu chất tạo hình, diễn tả chính xác vẻ đẹp uy nghi, dũng mãnh nhưng cũng rất mềm mại và uyển chuyển của vị chúa sơn lâm

∗ Khổ thứ 3:

- Cảnh những đêm vàng bên bờ suối - say mồi đứng uống ánh trăng tan.

- Cảnh những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn - đứng ngắm giang sơn đổi mới.

- Cảnh bình minh cây xanh nắng gội - Giấc ngủ tưng bừng.

- Cảnh buổi chiều lênh láng máu - Chờ chết mảnh mặt trời gay gắt để chiếm lấy riêng phần bí mật.

- Nghệ thuật: sử dụng so sánh, các điệp từ, các câu hỏi tu từ và câu cảm thán bộc lộ trực tiếp nỗi tiếc nuối quá khứ oai hùng của con hổ.

- Dùng đại từ “ta” thể hiện khí phách ngang tàng, làm chủ của con hổ.

∗ Sự tương phản gay gắt giữa hai cảnh tượng, hai thế giới, nhà thơ đã thể hiện nỗi bất hòa sâu sắc đối với thực tại, sự căm ghét cuộc sống tầm thường, giả dối, khát vọng mãnh liệt về một cuộc sống tự do, cao cả và chân thật

Câu 4

Câu 4 (trang 4 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Căn cứ vào nội dung bài thơ hãy giải thích vì sao tác giả mượn "lời con hổ ở vườn bách thú". Việc mượn lời đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung cảm xúc bài thơ?

Phương pháp giải:

Tác giả đã phát hiện được ở hình ảnh con hổ trong vườn bách thú ý nghĩa biểu tượng sâu sắc và độc đáo tượng trưng cho tình cảnh, tâm trạng của con người thời đại và cũng chính là tâm sự mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Lời giải chi tiết:

Với hình ảnh con hổ, tác giả đã có một biểu tượng rất thích hợp và đẹp đẽ để thể hiện chủ đề bài thơ.

- Con hổ có một vẻ đẹp oai hùng, lại được coi là chúa sơn lâm, huy hoàng đầy hống hách ớ chốn đại ngàn sâu thẳm, trong vũ trụ rộng lớn, nay bị giam hãm trong cũi sắt là biểu tượng rất đắt về anh hùng chiến bại mang tâm sự u uất. U uất vì tù túng, mà phải chấp nhận cái tẻ nhạt, tầm thường.

- Cảnh rừng khoáng đạt, hùng vĩ - giang sơn của chúa sơn lâm - là biểu tượng của thế giới rộng lớn, tự do và cao cả. 

- Mượn lời con hổ để tránh sự kiểm duyệt ngặt nghèo của thực dân.

- Việc mượn lời con hổ cũng là cách để tác giả dễ dàng thể hiện tâm trạng, khát vọng tự do thầm kín của mình.

Câu 5

Câu 5 (trang 5 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét về thơ Thế Lữ: "Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được" (Thi nhân Việt Nam, Sđd). Em hiểu như thế nào về ý kiến đó? Qua bài thơ, hãy chứng minh.

Phương pháp giải:

Nhận xét của Hoài Thanh là về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của tác giả Nhớ rừng. Nhưng sự sâu sắc của nhà phê bình là ở chỗ ông đã cảm nhận được rất đúng động lực từ bên trong của nghệ thuật ngôn từ ở Thế Lữ chính là mạch cảm xúc sôi nổi, cuồn cuộn của một hồn thơ lãng mạn được tuôn trào dưới ngòi bút nhà thơ. Cần chứng minh nhận xét của Hoài Thanh bằng việc phân tích nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ.

Lời giải chi tiết:

- Khi nói "tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường" là Hoài Thanh muốn khẳng định mạch cảm xúc sôi trào mãnh liệt, chi phối mạnh mẽ việc sử dụng câu chữ trong bài thơ của Thế Lữ. Đây chính là một trong những đặc điểm tiêu biểu của bút pháp lãng mạn và cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của tác phẩm.

- Khi nói "Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được" tức là nhà phê bình khẳng định tài năng của tác giả trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách chủ động, linh hoạt, phong phú, chính xác và đặc biệt hiệu quả để có thể biểu đạt tốt nhất nội dung bài thơ.

- "Đội quân Việt ngữ" có thể bao gồm nhiều yếu tố như: từ ngữ (ở đây là những từ ngữ diễn tả mạnh mẽ, đầy gợi cảm, giàu chất tạo hình như khi đặc tả cảnh sơn lâm hùng vĩ, gây cho người đọc ấn tượng đậm nét về vẻ đẹp vừa phi thường tráng lệ, vừa thơ mộng), các cấu trúc ngữ pháp, nhịp điệu và nhạc điệu phong phú, giàu sức biểu cảm (âm điệu dồi dào, cách ngắt nhịp linh hoạt).

Câu 6

Câu 6 (trang 5 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Viết một đoạn văn bình giảng đoạn 3 của bài Nhớ rừng.

Phương pháp giải:

Xem gợi ý ở câu 3, chú ý những cảnh tượng được tái hiện trong hoài niệm của con hổ về thời oanh liệt của mình, cùng với vẻ đẹp tráng lệ, oai hùng là nỗi nhớ tiếc, kết thúc đoạn thơ là tiếng thở dài đầy tiếc nuối.

Lời giải chi tiết:

       Nằm trong cũi sắt, chúa sơn lâm nhớ về một thời oanh liệt cua mình với niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi. Mỗi nỗi nhớ gắn liền với một cảnh vật, một sinh hoạt, một khoảnh khắc thời gian. Cấu trúc đoạn thơ là cấu trúc tứ bình mang vẻ đẹp nghệ thuật cổ điển, có ít nhiều cách tân sáng tạo. Trước hết là nỗi nhớ khôn nguôi, nhớ suối, nhớ trăng, nhớ những “đêm vàng”, nhớ lúc “say mồi” ung dung thỏa thích bên bờ suối ánh trăng chan hòa trên dòng suối, hổ say mồi và say trăng trong niềm vui hoan lạc. Bức tranh thứ hai nói lên nỗi nhớ ngẩn ngơ man mác của hổ về những ngày mưa rừng Một không gian nghệ thuật hoành tráng của giang san chúa sơn lâm mang tầm vóc hùng vĩ. Hổ ung dung ngắm cảnh giang san ngày càng đổi mới, phát triển, qua đó thể hiện niềm tự hào, tiếc nuối về những điều đã qua. Kỉ niệm thứ ba nói về giấc ngủ của hổ trong cảnh bình minh. Một vương quốc tràn ngập trong màu xanh và ánh nắng, một bức tranh đầy màu sắc và âm thanh. Có màu hồng bình minh, màu vàng nhạt của nắng sớm, màu xanh bát ngát của cây rừng. Có tiếng ca tưng bừng của đàn chim. Trong khung cảnh thiên nhiên ấy, Hổ nằm ngủ trong khúc nhạc vô cùng thư thái, sảng khoái. Nhớ đêm trăng, nhớ ngày mưa, nhớ bình minh,... rồi hổ nhớ lại những chiều tà trong khoảnh khắc hoàng hôn chờ đợi. Trong cảm nhận của mãnh hổ, trời chiều không đỏ rực mà là "lênh lánh máu sau rừng". Mặt trời không lặn mà là “chết”. Phút chờ đợi của chúa sơn lâm trong khoảnh khắc chiều tàn và hoàng hôn thật dữ dội. Chúa sơn lâm sẽ “chiếm lấy riêng phần bí mật” của rừng đêm, để “tung hoành”. Ngôn ngữ thơ tráng lệ, nghệ thuật dùng từ sắc, mạnh, giàu giá trị gợi tả. Bức tranh thứ tư của bộ tứ bình là cảnh sắc một buổi chiều dữ dội, phút đợi chờ "lên đường" của chúa sơn lâm. Quá khứ càng đẹp, càng oanh liệt bao nhiêu thì nỗi nhớ tiếc càng đau đáu bấy nhiêu. Xưa là “tung hoành”, nay là tù hãm, nằm dài trong cũi sắt. Nuối tiếc thời oanh liệt với bao nỗi buồn đau, mãnh hổ sa cơ chỉ còn biết cất lời than. Đoạn thơ trên đã khắc họa một quá khứ huy hoàng, oanh liệt của chúa sơn lâm. Càng nhung nhớ, xót xa, con Hổ càng thể hiện khát vọng sống tự do của mình.

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close