Giải VBT ngữ văn 8 bài Tổng kết phần Văn (tiếp theo)

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 Tổng kết phần Văn (tiếp theo) trang 153 VBT Ngữ văn 8 tập 2.

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Câu 1 (trang 153 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Lập bảng kê các văn bản nghị luận ở các bài 22, 23, 24, 25 và 26, theo các mục sau: tên văn bản, thể loại, tác giả, nội dung chính (vấn đề nghị luận).

Lời giải chi tiết:

STT

Tên văn bản

Thể loại

Tác giả

Nội dung chính

1

Chiếu dời đô

Chiếu

Lí Công Uẩn

Bài chiếu phản ảnh khát vọng của nhân dân về một dân tộc độc lập thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt trên đà lớn mạnh

2

Hịch tướng sĩ

Hịch

Trần Quốc Tuấn

Bài hịch phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc chiến chống ngoại xâm, thể hiện lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược

3

Nước Đại Việt ta

Cáo

Nguyễn Trãi

Văn bản có ý nghĩa như bản tuyển ngôn độc lập, tuyên bố chủ quyền, lãnh thổ của nước ta

4

Bàn về phép học

Tấu

Nguyễn Thiếp

Văn bản giúp ta hiểu mục đích của việc học và phương pháp, học đúng đắn

5

Thuế máu

Chính luận

Hồ Chí Minh

Văn bản đã vạch trần tội ác thực dân bằng những tư liệu phong phú, xác thực, bằng ngòi bút trào phúng sắc sảo

Câu 2

Câu 2 (trang 154 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Qua các văn bản trong bài 22, 23, 24, 25 và 26, hãy cho biết thế nào là văn nghị luận. Em thấy văn nghị luận trung đại (các văn bản trong bài 22, 23, 24, 25) có nét gì khác biệt nổi bật so với văn nghị luận hiện đại (văn bản trong bài 26 và các văn bản nghị luận đã học ở lớp 7)?

Lời giải chi tiết:

- Văn nghị luận:

Là loại văn được viết nhằm xác lập cho người nghe, người đọc một tư tưởng, quan điểm nào đó. Văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, xã hội thì mới có ý nghĩa.

- Văn nghị luận trung đại và hiện đại có nhiều nét khác nhau:

+ Hình thức của văn nghị luận trung đại thường được cố định ở một số thể loại như: chiếu, hịch, cáo, tấu... Còn trong nghị luận hiện đại thì hình thức co duỗi tự nhiên, câu văn sinh động, phong phú, có nhiều yếu tố khác cùng tham gia vào quá trình lập luận (chẳng hạn như biểu cảm, tự sự, miêu tả,...).

+ Về nội dung:

Văn nghị luận trung đại thường bàn tới những vấn đề to lớn, quan hệ tới quốc kế, dân an.

Văn nghị luận hiện đại có đề tài rộng hơn, phong phú hơn. Những vấn đề đời thường cũng được đưa ra đề nghị luận. Chẳng hạn “Cần tạo ra thói quen tốt trong xã hội”, “Hai biển hồ” (Ngữ văn 7 - tập hai).

Câu 3

Câu 3 (trang 154 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Hãy chứng minh các văn bản nghị luận (trong bài 22, 23, 24, 25 và 26) kể trên đều được viết có lí, có tình, có chứng cứ, nên đều có sức thuyết phục cao.

Lời giải chi tiết:

- Chiếu dời đô:

+ Có lí: lấy sử sách làm lí lẽ

+ Có tình: hỏi ý kiến của các quan

- Hịch tướng sĩ:

+ Có lí: kể về tội ác, sự ngang ngược của kẻ thù để khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc trong tướng sĩ; nêu mối ân tình giữa chủ và tướng, phê bình những hành động sai, khẳng định những hành động đúng, nhắc nhở trách nhiệm để khích lệ tinh thần giết giặc bảo vệ đất nước của tướng sĩ.

+ Có tình: Trần Quốc Tuấn đã bộc bạch lòng căm thù giặc, lòng yêu nước của mình bằng những lời sôi sục, tâm huyết.

+ Dẫn chứng: nêu gương sử sách đế khích lộ chí lập công danh

- Nước Đại Việt ta

+ Có lí: dựa vào các yếu tố như nước ta có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, có phong tục riêng, có chù quyền, có truyền thống lịch sử.

+ Có tình: Lấy tư tưởng nhân nghĩa làm cơ sở

+ Dẫn chứng: Toa Đô, Ô Mã Nhi đã từng thất bại trước các anh hùng của dân tộc ta.

- Bàn luận về phép học

+ Có lí: nêu mục đích của việc học chân chính, học để làm người có đạo lí, có kiến thức

+ Có tình: tất cả mọi người đều được đi học, học để xây dựng đất nước.

+ Dẫn chứng: Nguyễn Thiếp khuyên vua, cách giáo dục của Chu Tử

- Thuế máu

+ Có lí: Thực dân bóc lột, lợi dụng nhân dân ta làm tay sai cho chúng là việc đáng lên án.

+ Có tình: Sự đau xót của tác giả khi người dân bị bóc lột tàn bạo

+ Dẫn chứng: từng tốp lính bị bắt đi tình nguyện, bị hành hạ, chà đạp.

Câu 4

Câu 4 (trang 155 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Nêu những nét giống nhau và khác nhau cơ bản về nội dung tư tưởng và hình thức thể loại của các văn bản trong bài 22, 23 và 24.

Lời giải chi tiết:

- Giống:

+ Đều thể hiện một tinh thần dân tộc sâu sắc thể hiện ý chí tự cường.

+ Tư tưởng yêu nước là gốc của sắc thái biểu cảm được thể hiện qua văn bản

- Khác:

 

Chiếu rời đô

Hịch tướng sĩ

Nước Đại Việt ta

Hình thức

Thể chiếu

Thể hịch

Thể cáo

Nội dung

Thể hiện ý chí tự cường cỉa một dân tộc đang lớn mạnh

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng lũ giặc bạo tàn

Ý thức sâu sắc, đầy tự hào về đất nước độc lập, có chủ quyền

Câu 5

Câu 5 (trang 156 VBT Ngữ văn 8, tập 2)

Qua văn bản Nước Đại Việt ta (bài 24), hãy cho biết vì sao tác phẩm Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam khi đó. So với bài Sông núi nước Nam (học ở lớp 7) cũng được coi là một tuyên ngôn độc lập, em thấy ý thức về nền độc lập dân tộc thể hiện trong văn bản Nước Đại Việt ta có điểm gì mới?

Lời giải chi tiết:

Qua văn bản Nước Đại Việt ta, có thể thấy tác phẩm Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt nam khi đó là vì:

- Đã khẳng định dứt khoát nước Đại Việt là một nước độc lập, điều đó được xem là chân lí hiển nhiên.

- So với bài Sông núi nước Nam có thể thấy ý thức về nền độc lập dân tộc thể hiện trong văn bản Nước Đại Việt ta có những điểm mới:

+ Ý thức về nền độc lập của dân tộc thể hiện trong bài Sông núi nước Nam được xác định ở hai phương diện: lãnh thổ và chủ quyền;

+ Còn trong bài Nước Đại Việt ta, ý thức dân tộc đã phát triển cao, sâu sắc và toàn diện: đó là nền văn hiến lâu đời, đó là phong tục tập quán riêng, truyền thống lịch sử, anh hùng.

⇒ Có thể nói, ý thức dân tộc đến thế kỉ XV đã phát triển sâu sắc, toàn diện hơn nhiều so với thế kỉ X.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close