Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Lạc Sơn

Tải về

Giải chi tiết đề thi kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2019 - 2020 trường THPT Lạc Sơn với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Quảng cáo

Đề bài

SỞ GD VÀ ĐT HÒA BÌNH

TRƯỜNG THPT LẠC SƠN

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2019 – 2020

MÔN NGỮ VĂN

(Thời gian: 90 phút)

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

      Đọc đoạn trích sau

     Giặc Covid đang áp đặt luật chơi cho loài người, và đã thấy rõ con người mới yếu ớt, mỏng manh, nhỏ bé biết bao. Trong cuộc chiến này, nếu muốn lật ngược thế cờ, đẩy giặc virus Covid ra khỏi cơ thể, dập dịch thành công ở mỗi quốc gia, nhân loại, thì con người phải nghĩ đến con người. Cá nhân nghĩ đến mình, những cũng phải nghĩ đến mọi người. Chỉ cần Covid đục thủng phòng tuyến ở một người, và người đó chủ quan, vô tình, tiếp xúc vô tội vạ, không cách ly toàn xã hội, thì đội quân virus sẽ tràn lan cả cộng đồng, cả quốc gia. Chỉ cần Covid xâm nhập vào một quốc gia, nhưng quốc gia ấy và các quốc gia khác không phong tỏa, lơ là phòng chống, thì đại dịch sẽ hoành hành, tàn phá khắp hành tinh.

      Mỗi người hãy hòa mình vào dân tộc, nhân loại. Loài người hãy hòa nhập với thiên nhiên. Không phá đi rồi xây. Không hủy diệt rồi nuôi trồng. Không đối đầu. Không đối nghịch. Không đối kháng. Con người phải đặt trong môi trường sinh thái của thiên nhiên, chung sống hòa bình với vạn vật. Một con voi, con hổ, hay con sâu cái kiến, một loài côn trùng, một loại vi khuẩn, một chủng virus nào đó cũng có vị thế trong vũ trụ của tạo hóa. Con người chớ ngạo mạn đến mức khùng điên làm chúa tể của muôn loài không chế, thống trị chúng sinh, mà không biết sống hòa nhập hoà bình trong sinh thái cân bằng.

      Nhận thức lại về thiên nhiên và giống loài trên trái đất để ứng xử là một điều cần thiết. Hy vọng nhân loại sẽ đi qua đại dịch Covid 19. Sau bão giông, trời lại sáng. Những cánh rừng lại xanh. Ngựa, dê, hổ báo nô đùa với con người. Chim chóc đậu nơi cửa sổ nghiêng ngó đầu nhìn đôi vợ chồng trẻ sau một đêm nồng nàn đang ngủ nướng. Nắng mới tràn mọi ngõ ngách! Cuộc sống thường nhật an lành sẽ lại về trong hạnh phúc bình dị. 

(Loài người có bớt ngạo mạn (trích) - Sương Nguyệt Minh)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Theo tác giả “Loài người hãy hòa nhập với thiên nhiên bằng những cách nào?

Câu 3: Anh/chị hiểu thế nào về câu: "Chỉ cần Covid đục thủng phòng tuyến ở một người, và người đó chủ quan, vô tình tiếp xúc vô tội vạ, không cách ly toàn xã hội, thì đội quân virut sẽ tràn lan cả cộng đồng, cả quốc gia"?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: "Giặc Covid đang áp đặt luật chơi cho loài người, và đã thấy rõ con người mới yếu ớt, mỏng manh, nhỏ bé biết bao"? Vì sao?

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu.

Lời giải chi tiết

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: Miêu tả, biểu cảm, tự sự, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

* Cách giải:

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Theo tác giả “Loài người hãy hòa nhập với thiên nhiên” bằng những cách sau:

- Không phá đi rồi xây.

- Không hủy diệt rồi nuôi trồng.

- Không đối đầu.

- Không đối nghịch.

- Không đối kháng.

- Con người phải đặt trong môi trường sinh thái của thiên nhiên, chung sống hòa bình với vạn vật

Câu 3:

* Phương pháp: phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- Sự lây lan Covid 19 từ người sang người xảy ra liên tục. Nó là chủng mới hoàn toàn chưa được xác định trước đó. Khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp, dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Chủng mới virus corona COVID-19 rất dễ lây truyền qua nhiều con đường… Đặc biệt, những người không có triệu chứng vẫn có thể lan truyền virus COVID-19. Nó có thể lây nhiễm ngay khi các triệu chứng vẫn còn nhẹ, thậm chí những người không có triệu chứng (không có dấu hiệu bị bệnh). Có nghĩa là những người này có thể truyền virus trước khi phát bệnh mà không phát hiện được.

- Vì thế, chỉ cần Covid đục thủng phòng tuyến ở một người, và người đó chủ quan, vô tình, tiếp xúc vô tội vạ, không cách ly toàn xã hội, thì đội quân virus sẽ tràn lan cả cộng đồng, cả quốc gia.

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Gợi ý:

Thí sinh tự do nêu quan điểm, lý giải hợp lý, thuyết phục, làm rõ vấn đề, có thể nêu theo 3 hướng:

- Đồng tình và giải thích được vì sao đồng tình.

- Không đồng tình và giải thích được vì sao không đồng tình.

- Vừa đồng tình, vừa không đồng tình và giải thích được lý do.

* Đồng tình với quan điểm của tác giả: Giặc Covid đang áp đặt luật chơi cho loài người, và đã thấy rõ con người mới yếu ớt, mỏng manh, nhỏ bé biết bao.

- Vì: Trên thực tế…

+ “Giặc Covid” rất dễ lây truyền từ người sang người bằng nhiều con đường. Virus này đang áp dụng luật chơi cho loài người: Nó chỉ cần chọc thủng “phòng tuyến ở một người”, mà người đó lại chủ quan, tiếp xúc với người khác, thì như phản ứng “dây truyền”, nó nhanh chóng tràn lan cả cộng đồng, hủy diệt con người, tàn phá mọi thành tựu con người gây dựng nên.

+ Trên thế giới có hàng triệu người bị nhiễm virus corona, hàng trăm nghìn người chết vì dịch bệnh này. Ngay ở các cường quốc lớn trên thế giới có nền y học hiện đại, phát triển, cũng bị giặc Covid 19 hoành hành, gây cảnh chết chóc, đau thương, bị thiệt hại nặng nề trên mọi lĩnh vực… Thế giới đã và đang điêu đứng vì đại dịch này.

+ Cuộc chiến chống lại “giặc Covid ” vô cùng nan giải, đòi hỏi con người phải đoàn kết lại, cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.

Phần II. Làm văn

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

1. Giới thiệu tác, tác phẩm

- Nguyễn Minh Châu là một trong số “những nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất”. Ông luôn thiết tha truy tìm những hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn.

Chiếc thuyền ngoài xa in trong tập Bến quê, tác phẩm đem đến cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và con người.

- Tác giả đã tìm thấy một trong những hạt ngọc ẩn giấu ấy trong tâm hồn người đàn bà hàng chài.

2. Phân tích

a. Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ vô danh có số phận bất hạnh.

* Ngoại hình:

- Xấu xí: “Trạc ngoài 40 tuổi, thân hình cao lớn, thô kệch”, “gương mặt với những nốt rỗ chằng chịt”, “cũng vì xấu, trong phố không ai lấy”.

- Không tên tuổi

* Số phận:

- Nghèo túng, đông con, cả gia đình chen chúc trong một chiếc thuyền chật chội:

+ Khi biển động, không thể đi biển: cả gia đình ăn xương rồng chấm muối. Đó là nỗi khổ vật chất và tinh thần.

+ Lưng áo bạc phếch, mặt mệt mỏi, tái ngắt, dường như đang buồn ngủ. Đó là kết quả của chuỗi ngày dài đối diện với hiểm nguy, đói khát.

+ Trải qua nhiều lần sinh nở, “có một sắp con trên dưới 10 đứa”.

+ Không gian sống lại là con thuyền lưới vó chật hẹp.

- Bị hành hạ vũ phu, thường xuyên: gã chồng lấy vợ làm phương thức giải tỏa uất ức “trút cơn giận... người đàn bà”, "3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng”.

+ Người đàn bà chịu đau đớn về mặt thể xác nhưng chị ta không kêu van, chạy trốn.

+ Chịu nhục nhã về tâm hồn: bị hành hạ bởi người mình yêu thương, làm tổn thương tâm hồn những đứa con nhỏ của bà. Đau đớn khi thằng Phát nhìn thấy cảnh tượng.

→ Nhận xét: người đàn bà là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói khổ, cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường.

b. Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài trước hết là ở lòng tự trọng:

- Bị chồng hành hạ, đánh đập tàn bạo. Thể xác bị chà đạp, tinh thần bị lăng nhục nhưng chị không khóc. Chỉ sau khi biết được hành động vũ phu của chồng bị thằng Phác và người khách lạ chứng kiến, chị mới thấy “đau đớn – vừa đau đớn vừa xấu hổ nhục nhã”. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà trào ra. Đó là nước mắt của người mẹ kiên cường chịu đựng vì con; nước mắt của con người có nhân cách có lòng tự trọng và thấu hiểu lẽ đời có một đức hi sinh cao thượng khiến ta nể phục.

* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài hiện lên qua tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha.

- Chị nhận hết phần thua thiệt về mình, nhận hết trách nhiệm về mình

- Bênh vực cho người chồng vũ phu, xin tha cho hắn.

* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài còn được thể hiện ở sự sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, sự từng trải.

- Với người đàn bà hàng chài, ẩn đằng sau lớp vỏ thất học, lam lũ kia, chị lại là người phụ nữ rất thấu hiểu lẽ đời.

+ Nhận ra sự ngây thơ, đơn giản trong suy nghĩ của nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu: “Các chú không phải người làm ăn... lam lũ”, theo người đàn bà, hai người họ thiếu sự từng trải, quen nhìn đời qua sách vở.

+ Người đàn bà xấu xí thất học ấy giúp người có học thức như Đẩu và Phùng hiểu được nguyên nhân mình không bỏ chồng: muốn nuôi con khôn lớn “cần phải có người đàn ông... chục đứa”

+ Lặng lẽ kín đáo: tất cả những vẻ đẹp của chị ta đều không được bộc lộ ra bên ngoài.

→ Người đàn bà không chỉ là hiện thân cho nỗi thống khổ mà là hiện thân cho vẻ đẹp cao cả của người phụ nữ.

* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài được thể hiện sâu sắc ở tình mẫu tử sâu nặng, đức hi sinh cao thượng, kiên cường bất khuất, chịu đựng tất cả vì con.

- Vượt lên trên sự cay đắng và cơ cực ấy, tình mẫu tử của chị tỏa sáng, đó chính là đức hi sinh cao thượng của một người phụ nữ luôn ý thức sâu sắc thiên chức làm mẹ.

+ Người phụ nữ truyền thống ấy luôn quan niệm: lấy chồng thì phải theo chồng rồi nuôi cho con khôn lớn. Chị chấp nhận tất cả vì con: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”.

+ Tình thương con ở người mẹ ấy sâu sắc đáng ngưỡng mộ. Vì thương con mà chị quặn lòng gửi thằng Phác lên rừng ở với ông ngoại nó. Vì thương con và để tránh sự tổn thương cho những tâm hồn con trẻ nên chị đã bảo lão chồng “có đánh thì đưa tôi lên bờ mà đánh”. Tình thương con ấy không chỉ gắn liền với cảm xúc, tình cảm mà còn gắn liền với lý trí và trách nhiệm của một người mẹ - Ths Phan Danh Hiếu.

+ Chị luôn nhìn về các con, lấy các con làm điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần để sống. Trong câu chuyện ở toà án huyện, chị luôn nhìn ra ngoài bãi phá – nơi ấy, đứa con gái lớn của chị đang ngồi đợi chị trên chiếc mủng. Khi nhắc đến con, mắt chị sáng lên niềm vui và hạnh phúc. Câu trả lời của chị cũng đầy vẻ tự hào: “Vui nhất là thấy đàn con chúng tôi được ăn no” - Ths Phan Danh Hiếu. Chị đã lấy những niềm vui bé nhỏ góp nhặt trong cuộc đời để khỏa lấp niềm  đau, lấy niềm tin để vá vết thương đời cay cực. Chị giống như con gà mẹ xòe đôi cánh che chở cho đàn con trước sự tấn công của loài chim ăn thịt. Tấm lưng chị như cánh buồm căng ra gánh chịu muôn chiều bão tố. Nhưng trước ngực, vòng tay chị lại tạo ra khung trời bình yên để các con chị được ấm êm trong giấc ngủ nồng nàn. Chính tình mẫu tử thiêng liêng cao thượng đã chấp cánh cho chị đưa đàn con bay vút lên trên sự cơ cực đói kém nhọc nhằn và lam lũ.

* Qua hình tượng người đàn bà hàng chài cùng tình huống truyện mang tính nhận thức và khám phá nhà văn muốn gửi người đọc thông điệp:

- Phùng chụp được bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa dập dềnh trong sương sớm nhưng nó chỉ thực sự đẹp khi nó ở ngoài xa – một khoảng cách đủ để tạo ra một vẻ đẹp huyền ảo nhưng khi lại gần nó không còn được toàn bích nữa. Từ bức tranh thần tiên ấy bước ra một sự thật nghiệt ngã: cảnh lão đàn ông đánh vợ, đứa con vì thương mẹ mà đánh lại người cha – đi ngược với luân lý của xã hội. Cuộc sống vốn vậy cái thiện luôn song hành bên cạnh cái ác; niềm vui luôn song hành với nuỗi buồn; cái đẹp luôn song hành cùng cái xấu… Đó là những tồn tại nghịch lý. Cuộc đời như khối vuông rubick, mỗi vòng xoay lại mang một sắc màu trộn lẫn. Nếu chỉ nhìn một phía, một chiều chắc chắn sẽ không đánh giá đúng sự vật hiện tượng. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ đánh giá lệch lạc phiến diện. Vậy cần phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản “nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức”.

- Thông điệp thứ hai: nghệ thuật phải gắn liền với cuộc đời, là tiếng nói của cuộc đời. Nghệ thuật phải vươn tới chiều sâu của cuộc sống, phải xuất phát từ vấn đề con người và vì con người.

* Nghệ thuật:

- Cốt truyện hấp dẫn

- Nghệ thuật khắc họa nhân vật

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo

- Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở

- Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo

3. Kết luận

Loigiaihay.com

Tải về

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close