Đề số 64 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 64 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Quảng cáo

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện yêu cầu:

Khi học lớp 2, tôi thường nghe các bác khen anh nào thi đỗ Đại học bằng một câu rất đặc biệt: Thằng A, thằng B là cái “trán” của xóm tôi đấy. Tôi nhớ năm đó cả làng mới có một người thi đỗ Đại học Y, tổng điểm ba môn Toán, Hóa, Sinh lại rất cao và được sang Hungary du học. Anh ấy trở thành cái trán được nhắc đến nhiều nhất của cả làng.Như một huyền thoại.Mấy năm liền đi đâu cúng nghe nhắc, nghe kể.

Rồi làng dần dần có nhiều người đỗ Đại học.Có năm truyền hình còn về làm cả một phóng sự về một làng quê có số học sinh thi đỗ Đại học với tỉ lệ rất cao. Nói theo cách của các bác là làng tôi giờ đi đâu cũng toàn thấy những trán là trán.

Ước vọng nhiều nên học vấn và tri thức của thủa xưa đã thường xuyên được đánh đồng với đỗ đạt. Cũng như các bác của tôi cứ quy tất cả về “cái trán”, xem nó là biểu tượng của sự thông minh sáng láng, của học hành đỗ đạt. Lớn lên tôi nhận ra đó là ước mong khi thầm kín, khi bộc lộ, nhưng luôn mãnh liệt của thế hệ những người như bác tôi. Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…

Điều đó vô tình gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò làng tôi.

Lớn lên đi xa, đến nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi nhận ra có rất nhiều người chưa từng được vinh danh là “cái trán” của khu phố, của xóm làng, của cộng đồng nhưng họ sống vô cùng hạnh phúc. Họ đóng góp rất nhiều cho cuộc sống bằng sự giàu có và rất yêu lao động. Một người trồng cây cảnh mỗi năm bán ra thị trường thu về hàng trăm tỉ đồng. Một người chơi …thả diều đến đẳng cấp nghệ nhân, cũng ngược Á xuôi Âu đi trình diễn nhiều kỳ lễ hội với những lời mời kèm tài trợ. Một anh thợ mộc ven con sông Phổ Lợi làm những chiếc lồng chim và bán được với giá ngang một chiếc xe hơi tầm trung. Hơn hết họ làm những điều đó bằng đam mê, và rồi đam mê bù đắp lại cho chính họ, cho cuộc sống của cả những người xung quanh.

Lại một mùa thi Đại học đã về. Đường phố sáng sớm cuồn cuộn người và xe. Thí sinh và người nhà hộ tống.Rồi sau mỗi kỳ thi, lại có những bạn nhày lầu, nhảy cầu thương tâm.Cuộc sống không chỉ có đỗ đạt mới là hạnh phúc. Cũng như thành đạt không chỉ có một con đường là đi học và đi thi. Trường thi chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người.Chính vì thế mà báo Hoa Học Trò vẫn luôn khuyên bạn đọc “Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt”.

(Đủ chỗ cho đam mêm khác biệt, Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân, NXB Văn học, tr.188)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả văn bản, điều gì đã “gây sức ep ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò”?

Câu 3. Hãy giải thích ý nghĩa của câu nói: “Trường thi chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người”?

Câu 4. Theo anh (chị), tâm lý coi “Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…” có ảnh hưởng như thế nào đến mỗi cá nhân và toàn xã hội?

II.LÀM VĂN (7.0  điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến của em về ý kiến trong phần đọc – hiểu: “Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt”.

Câu 2 (0.5 điểm)

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương moog viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 89)

Cảm nhận của Anh/Chị về đoạn thơ trên.Từ đó bình luận về nét mới lạ trong cách cảm nhận về người lính của Quang Dũng.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

- Phương thức biểu đạt: phương thức nghị luận kết hợp với tự sự.

Câu 2. 

- Theo tác giả văn bản, điều đã “gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò” là quan niệm của thế hệ trước: học vấn và tri thức thường xuyên được đánh đồng với sự đỗ đạt. Mong ước có khi thầm kín, có khi bộc lộ nhưng luôn mãnh liệt của thế hệ trước. Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm của làng, của huyện,…

Câu 3.

- Câu nói “Trường thi chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người” được hiểu như sau:

+ Trường thi là nơi mỗi thí sinh đến làm bài trong một khoảng thời gian nhất định với những kiến thức trong phạm vi được định sẵn.

+ Còn đam mê của mỗi con người là niềm hứng thú say mệ mà con người ta theo đuổi cả đời và kiến thức, tri thức về lĩnh vực theo đuổi sẽ được mở rộng theo tháng năm.

→ Như vậy trường thi không thể là nơi đánh giá được tất cả trình độ, năng lực của một người, đây không phải cái đích cuối cùng mà mỗi chúng ta hướng tới.

Câu 4. Tâm lí coi “đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm của làng, của huyện,…” có ảnh hưởng tới mỗi cá nhân và toàn xã hội như sau:

* Tích cực:

- Giúp các bạn học sinh có động lực học tập để đỗ đạt cao.

- Giúp xã hội đề cao việc học, có nhiều đầu tư hơn nữa cho giáo dục.

* Tiêu cực:

- Đối với cá nhân:

+Tâm lý trên sẽ tạo áp lực nặng nề với mỗi cá nhân. Chính vì vậy mà khi thi trượt, điểm kém con người mới sinh ra bị uất ức, trầm cảm dẫn đến việc tự tử và những hậu quả nghiêm trọng tương tự.

+Tâm lý trên sẽ gây ra một sự quy chụp của đám đông dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân sẽ không được đánh giá đúng năng lực của mình.

- Đối với xã hội:

+ Tâm lý trên tạo ra một xã hội cào bằng với điểm số, bằng cấp, dẫn đến hiện tượng “ngồi nhầm chỗ”.

+ Tâm lý trên còn tạo ra một trào lưu mua bằng, chạy điểm trong xã hội.

+ Chính tâm lý trên cũng làm cho tri thức và sự học trở nên rẻ mạt.

→ Một xã hội như vậy không thể phát triển văn minh và tiến bộ bởi con người trong xã hội đó phải đối mặt với nguy cơ bị mài mòn về tư duy.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề.

* Giải thích vấn đề:

- Đam mê khác biệt là gì: Đam mê khác biệt là niềm say mê, hứng thú đặc biệt với một vấn đề, lĩnh vực nào đó mà không giống những người khác và không bị phụ thuộc vào bất cứ điều gì.

→ Câu nói khuyên những người trẻ cần phải có những đam mê cho riêng mình và nỗ lực theo đuổi những đam mê đó.

* Phân tích vấn đề:

- Vì sao phải giữ niềm đam mê khác biệt?

+ Niềm đam mê khác biệt sẽ giúp các bạn có động lực hành động, làm việc, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục tiêu.

+ Theo đuổi đam mê của bản thân sẽ khiến sau này các bạn không phải hối hận với những lựa chọn quyết định của mình.

+ Theo đuổi đam mê thành công sẽ theo đuổi bạn.

+ Đam mê khác biệt sẽ giúp các bạn khẳng định mình, cống hiến cho cuộc đời, tạo dấu ấn cho bản thân và hơn hết là truyền cảm hứng cho những người trẻ.

Dẫn chứng: Nguyễn Tử Quảng, cái tên gắn liền với phần mềm diệt virus BKAV và chiếc điện thoại thông minh đầu tiền của Việt Nam. Ông khởi nghiệp từ việc viết chương trình diệt virus và mời bạn bè dùng thử nhưng bị từ chối. Bằng sự cố gắng, không ngừng theo đuổi đam mê, ông đã đạt được thành công như hiện tại.

* Bàn luận, mở rộng vấn đề:

- Hiện nay vẫn còn nhiều bạn trẻ chưa xác định được đam mê của mình, bằng lòng với sự sắp đặt của gia đình. Thiếu bản lĩnh, không đủ cam đảm để theo đuổi những gì mình yêu thích.

- Để theo đuổi đam mê khác biệt các bạn cần có bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên trì trong hành động.

* Liên hệ bản thân

- Anh/ chị có niềm đam mê khác biệt nào? Anh/ chị đã/ đang/ sẽ làm gì để theo đuổi niềm đam mê đó?

* Kết luận

- Mỗi chúng ta cần tìm thấy một đam mê thật ý nghĩa cho cuộc sống. Và khi đã xác định được đam mê cần kiên trì theo đuổi nó.

Câu 2:

Học sinh có thể trình bày theo định hướng sau:

I. Mở bài

- Quang Dũng là một nhà thơ khoác áo lính, một gương mặt tiêu biểu của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.

- Tây Tiến là một trong những thi phẩm xuất sắc của Quang Dũng viết về người lính Tây Tiến với bút pháp lãng mạn, tài hoa.

- Hình ảnh người lính Tây Tiến được phác họa rõ nét trong đoạn trích thơ sau…

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương moog viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

II. Thân bài

1. Giới thiệu khái quát về tác phẩm Tây Tiến

a. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ

- Tây Tiến là một đơn vị bộ đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ thiếu thốn về vật chất. Tuy vậy, họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. 

- Quang Dũng là đại đội trưởng ở đơn vị Tây Tiến từ đầu năm 1947, rồi chuyển sang đơn vị khác. Rời đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ “Nhớ Tây Tiến”. Khi in lại trong tập Mây đầu ô (1986), tác giả đổi tên bài thơ là “Tây Tiến”.

b. Nội dung, nghệ thuật

- Với ngòi bút lãng mạn và tài hoa, Quang Dũng không chỉ khắc họa thành công vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, mĩ lệ của thiên nhiên miền Tây mà còn vẽ lên trước mặt người đọc chân dung người lính Tây Tiến với chất lãng mạn, bi tráng.

2. Phân tích đoạn thơ

a. Đoạn thơ là bức tranh đầy đủ về người lính Tây Tiến với vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa bi tráng:

* Ngoại hình của người lính Tây Tiến (bi thương):

- Ngoại hình được khắc hoạ bằng một nét vẽ rất gân guốc, lạ hoá nhưng lại được bắt nguồn từ hiện thực:

+ Không mọc tóc, quân xanh màu lá đều là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp mà người lính nào cũng phải trải qua.

+ Hiện thực về cuộc sống thiếu thốn nơi chiến trường được khúc xạ qua bút pháp lãng mạn của Quang Dũng trở thành cách nói mang khẩu khí của người lính Tây Tiến rất chủ động: không mọc tóc. Vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính qua ngòi bút Quang Dũng lại toát lên vẻ oai phong, dữ dằn của những con hổ nơi rừng thiêng “quân xanh màu lá dữ oai hùm”. 

* Ẩn sau ngoại hình ấy là sức mạnh nội tâm (hào hùng):

- Thủ pháp đối lập được sử dụng trong việc khắc hoạ sự tương phản giữa ngoại hình ốm yếu và nội tâm mãnh liệt, dữ dội, ngang tàng:

+ Đoàn binh gợi lên sự mạnh mẽ lạ thường của "Quân đi điệp điệp trùng trùng" (Tố Hữu), của "tam quân tì hổ khí thôn ngưu" (ba quân mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu) (Phạm Ngũ Lão).

Dữ oai hùm là khí phách, tinh thần của đoàn quân ấy, như mang oai linh của chúa sơn lâm rừng thẳm.

+ Mắt trừng là chi tiết cực tả sự giận dữ, phẫn nộ, sôi sục hướng về nhiệm vụ chiến đấu.

* Thế giới tâm hồn đầy mộng mơ thể hiện qua nỗi nhớ (lãng mạn):

- Bên trong cái vẻ oai hùng, dữ dằn của họ là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

- Những giấc mơ mang hình dáng kiều thơm đã trở thành động lực để giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; đã thúc giục họ tiến lên phía trước; và cũng là sợi dây thiêng liêng của niềm tin mang họ vượt qua bom đạn trở về.

* Lí tưởng, khát vọng:

- Khung cảnh “rải rác biên cương mồ viễn xứ” hàng ngày vẫn trải ra trên các cung đường hành quân của người lính Tây Tiến nhưng nó không đủ sức làm các anh nản chí sờn lòng, mà trái lại càng nung nấu quyết tâm “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

- Đời xanh là tuổi trẻ, là bao mơ ước, khát vọng đang ở phía trước. Nhưng không gì quý hơn Tổ quốc, không có tình yêu nào cao hơn tình yêu Tổ quốc. Nên hai chữ “chẳng tiếc” vang lên thật quyết liệt, dứt khoát như một lời thề chém đá.

→ Những người lính sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng, mục đích cao cả.

* Sự hi sinh của những người lính Tây Tiến:

- Cụm từ “áo bào”“về đất” để nói giảm nói tránh về sự hy sinh của những người lính.

Áo bào (áo mặc ngoài của các vị tướng thời xưa) đã khiến họ trở thành những chiến tướng sang trọng.

Về đất là cách nói giảm nói tránh, cái chết lại là sự tựu nghĩa của những người anh hùng, thanh thản và vô tư sau khi đã làm tròn nhiệm vụ (liên hệ câu thơ của Tố Hữu: Thanh thản chết như cày xong thửa ruộng…)

- Sông Mã gầm lên khúc độc hành vừa dữ dội vừa hào hùng, khiến cái chết, sự hi sinh của người lính Tây Tiến không bi luỵ mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Sông Mã tấu lên bản nhạc dữ dội của núi rừng như loạt đại bác đưa tiễn những anh hùng của dân tộc về nơi vĩnh hằng.

b. Bình luận về nét mới lạ:

- Tác giả sử dụng bút pháp lãng mạn và màu sắc bị tráng trong việc phác họa chân dung người lính Tây Tiến. Điều này làm nên vẻ đặc biệt trong hình ảnh người lính Tây Tiến của một thời gian khổ và hào hùng.

+ Bút pháp lãng mạng thể hiện rõ nét ở thủ pháp đối lập mạnh mẽ, thể hiện rõ nhất trong bốn câu thơ đầu tiên. Đối lập giữa ngoại hình tiều tụy với sức mạnh nội tâm ẩn chứa sau đó; đối lập giữa con người hào hùng, mạnh mẽ phi thường  ấy với hình ảnh những chàng trai Hà thành hào hoa, mộng mơ và lãng mạn.

+ Màu sắc bi tráng chủ yếu được thể hiện trong bốn câu thơ còn lại. Cái bi hiện ra qua hình ảnh những nấm mồ hoang lạnh dọc đường hành quân, hình ảnh áo bào thay chiếu anh về đất gắn liền với sự hy sinh của người lính. Tuy nhiên cái bi chỉ làm nền cho cái trángCái tráng ở đây là lí tưởng khát vọng cống hiến đời xanh cho Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.

III. Kết bài: 

- Với ngôn ngữ độc đáo, giàu chất nhạc và chất họa cùng sự kết hợp giữa cảm hứng lãng mạn và màu sắc bi tráng, nhà thơ Quang Dũng đã làm nổi bât hình ảnh người lính Tây Tiến bất tử.

- Bài thơ để lại dư âm sâu sắc trong lòng người đọc. Tây Tiến xứng đáng là thi phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến.

 Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com

 Loigiaihay.com

Tải về

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close