Đề số 37 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 37 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Quảng cáo

Đề bài

I. ĐỌC – HIỂU

Lòng nhân ở mỗi con người, luôn tiềm ẩn và nếu nó được dung dưỡng và bồi đắp thì sẽ tạo ra những nhân cách sống đẹp và giúp ích cho xã hội. Câu chuyện bé gái Hải An 7 tuổi mấy vì bệnh hiểm nghèo để lại giác mạc cho người sống đang tiếp tục loan tỏa, và đặc biệt là nó đã đánh thức lòng nhân trong nhiều người chúng ta.

Những ngày qua, hàng trăm cuộc gọi điện và email hoặc trực tiếp đến nhờ tư vấn và đăng kí hiến tặng mô tạng tại Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia. Điều đó không phải bỗng dưng, nó được bắt đầu từ “đốm lửa nhỏ” mang tên Hải An. Một sự mất mát dù đau đớn nhưng lan truyền được cái đẹp, thậm chí tạo nên được một nguồn cảm hứng. Lòng nhân con người trong xã hội đầy bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền dễ bị “ngủ yên”, nếu không được đánh thức thì nó sẽ mãi “ngủ yên”.

Đời người trải qua sinh – bệnh – lão – tử và thường ngẫm rằng chết là hết. Nhưng với y học ngày càng phát triển, con người chết đi không chỉ để lại tiếng mà còn có thể để lại một phần cơ thể, giúp ích cho những người khác đang sống.

Không chỉ ở Việt Nam mà cả tại những quốc gia phát triển và văn minh bậc nhất thể giới như ở châu Âu và Bắc Mỹ, không phải cá nhân nào, gia đình nào cũng dễ dàng chấp nhận một thực tế hiến tặng mô tạng khi người thân mình mất đi. Các trường hợp hiến tặng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ nhoi nhưng cũng chẳng thể trách móc vì đó là quyền của mỗi cá nhân, quyền con người.

Thế mà một bé gái 7 tuổi, trong cơn bệnh hiểm nghèo, đã đồng ý hiến tặng mô tạng, đó mới là câu chuyện hiếm có. Chính vì thế, nó đã tạo ra được sự xúc động lan truyền trong xã hội, thúc đẩy sự mạnh dạn trong suy nghĩ của nhiều người về việc đăng kí hiến tặng mô tạng. Và hơn thế nữa, “đốm lửa nhỏ” Hải An cùng người mẹ của bé dã gợi cảm hứng về một suy nghĩ khác cho nhiều người: Trong cái chết nghĩ về sự sống, ta tiếp tục được sống trong một sự sống khác với tình yêu và sự chở che.

Sự đánh thức lòng nhân và gợi cảm hứng về một cách sống đẹp luôn là điều mà mỗi con người hướng đến, qua đó chúng ta mới tạo được những giá trị sống về mặt tinh thần mạnh mẽ có thể lay động bao người.

THẾ LÂM

(http://laodong.vn/dien-dan/tu-be-hai-an-long-nhan-duoc-danh-thuc-593337.ldo)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Theo tác giả vì sao “một bé gái 7 tuổi, trong cơn bệnh hiểm nghèo, đã đồng ý hiến tặng mô tạng, đó mới là câu chuyện hiếm có”?

Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến “Lòng nhân ở mỗi con người, luôn tiềm ẩn và nếu nó được dung dưỡng và bồi đắp thì sẽ tạo ra những nhân cách sống đẹp và giúp ích cho xã hội”?

Câu 4: Qua đoạn trích anh/chị rút ra được bài học gì cho mình?

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải lan tỏa những việc tử tế trong xã hội ngày nay.

Câu 2.

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài). Từ đó liên hệ nhân vật Liên trong tác phaảm “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) để nhận xét về tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

- Vì: “Không chỉ ở Việt Nam mà cả những quốc gia phát triển và văn minh bậc nhất thế giới như ở Châu Âu và Bắc Mỹ, không phải cá nhân nào, gia đình nào cũng dễ dàng chấp nhận một thực tế hiến tặng mô tạng khi người thân mình mất đi. Các trường hợp hiến tặng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ nhoi nhưng cũng chẳng thể trách móc vì đó là quyền của mỗi cá nhân, quyền con người”.

Câu 3:

“Lòng nhân ở mỗi con người, luôn tiềm ẩn và nếu nó được dung dưỡng và bồi đắp thì sẽ tạo ra những nhân cách sống đẹp và giúp ích cho xã hội”

- Lòng nhân – tình yêu thương con người là cái bản chất, cái vốn có trong mỗi con người.

- Lòng nhân không phải lúc nào cũng được biểu lộ rõ ràng, dễ thấy mà đôi khi nó bị khuất lấp bởi những bộn bề cuộc sống, bởi vậy cần có những hành động cụ thể để đem tình yêu thương đó vào thực tiễn.

- Khi cả xã hội đối xử với nhau tràn ngập tình yêu thương cuộc sống sẽ trở nên đẹp đẽ hơn, hạnh phúc hơn.

Câu 4:

Mỗi học sinh có thể tự rút ra cho mình những bài học khác nhau từ nội dung đoạn trích. Sau đây là một vài gợi ý:

- Tình yêu thương khi được lan tỏa sẽ đem lại những tác động tích cực cho cộng đồng xã hội.

- Mỗi chúng ta cần sống một cách tử tế, luôn yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh bằng sự chân thành.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích vấn đề

- Sống tử tế: là sống tốt với những người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người, không chỉ biết đến cá nhân mình, những việc tử tế làm phục hồi các giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp.

→ Sống tử tế là lối sống tốt đẹp, cần có trong mỗi con người để làm xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

* Bàn luận vấn đề

- Sự cần thiết của việc lan tỏa lối sống tử tế:

+ Lối sống tử tế đem lại niềm vui, sự hạnh phúc cho chính bản thân mình. Tố Hữu đã từng nói: “Đã là con chim, chiếc lá/ Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

+ Lối sống tử tế khi được lan tỏa sẽ khiến cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

+ Biết yêu thương những người xung quanh, cho đi – nhận lại yêu thương là điều đẹp đẽ và tuyệt vời nhất đối với chúng ta.

+ Trong xã hội ngày càng phát triển, con người ngày một vô cảm, tình yêu thương giữa con người với con người ngày càng trở thành món quà xa xỉ thì việc lan truyền những người tử tế, việc tử tế càng trở nên quan trọng hơn.

- Những hành động cần thiết để thực hiện điều tử tế:

+ Luôn quan tâm, giúp đỡ những người quanh mình mà trước hết là giúp đỡ người thân: ông bà, cha mẹ,…

+ Sống chân thành, mở rộng tấm lòng, cho đi bằng sự chân thật, không nghĩ đến những lợi ích khác.

+ Lên án những kẻ sống hời hợt, ích kỉ, chỉ suy nghĩ cho riêng mình.

- Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

+ Trong một môi trường sống đầy rẫy những việc không tử tế thì câu chuyện thực hành sự tử tế gặp không ít những thách thức. Tuy nhiên, tất cả đều có thể vượt qua nếu ta còn biết nghĩ đến mọi người. Tất cả chúng ta, dù ít dù nhiều, đều từng được hưởng sự tử tế hay ân huệ của cuộc đời. Lẽ nào ý thức về sự đáp đền không mảy may xuất hiện trong ta?

+ Em đã làm gì để thực hiện lối sống tử tế?

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.

- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu Mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.

2. Phân tích

2.1 Giới thiệu nhân vật

- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Mị xinh đẹp như bông hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc.

- Tài năng: thổi sáo, thổi lá. Hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:

+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”

+ Tự tin vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”

+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”

→ Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.

2.2 Phân tích nhân vật

a. Số phận bi kịch: Bị biến thành con dâu gạt nợ:

* Nguyên nhân:

- Do món nợ truyền kiếp.

- Vì Mị bị A Sử lừa bắt về do hủ tục cướp vợ của người dân tộc thiểu số.

* Khi mới về làm dâu:

- Xuất hiện ý thức phản kháng:

+ “Có đến mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc” ⟶ phản kháng yếu ớt.

+ Muốn tự tử ⟶ phản kháng mạnh mẽ.

* Khi làm dâu đã quen:

- Nỗi khổ về thể xác:

+ Thời gian của Mị chỉ được tính bằng công việc, các công việc nối tiếp nhau, việc này chồng lên việc kia. Mị trở thành một cỗ máy, công cụ lao động, mất hết ý niệm về thời gian.

+ Mị tưởng mình cũng là con trâu, con ngựa; thậm chí còn không bằng con trâu con ngựa.

- Nỗi khổ về tinh thần:

+ Thể hiện qua những câu văn tả thực trầm buồn mở đầu tác phẩm: “Ai có việc ở xa về…”, “lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.

Biện pháp so sánh: Mị - con trâu, con ngựa; Mị - con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa. ⟶ vật hóa nặng nề.

+ Hình ảnh ẩn dụ: căn buồng Mị ở “kín mít, chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào nhìn ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng”  giống như ngục thất giam cầm cuộc đời Mị, giống như nấm mồ chôn vùi tuổi thanh xuân, chôn vùi hạnh phúc của Mị.

→ Giá trị hiện thực và nhân đạo:

- Giá trị hiện thực : Phơi bày thực trạng xã hội phong kiến miền núi lúc bấy giờ.

- Giá trị nhân đạo:

+ Bày tỏ sự đồng cảm, xót thương cho những số phận dưới ách thống trị của bọn phong kiến miền núi.

+ Lên án, phê phán những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người.

b. Vẻ đẹp tâm hồn:

b1. Sức sống tiềm tàng trong đêm tình mùa xuân:

- Khung cảnh ngày xuân:

+ Màu sắc rực rỡ: cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy phơi trên mỏm đá xòe rộng ra như những cánh bướm sặc sỡ.

+ Âm thanh náo nhiệt, tưng bừng: tiếng trẻ con chờ tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà …

- Tiếng sáo: có sự dịch chuyển, vận động:

+ Từ xa đến gần (Từ ngoài vào trong, từ khách thể nhập vào chủ thể):

Lấp ló ngoài đầu núi vọng lại.

Văng vẳng ở đầu làng.

Lửng lơ bay ngoài đường.

Rập rờn trong đầu Mị.

+ Từ hiện tại đến quá khứ (Từ cõi thực đến cõi mộng).

+ Tiếng sáo rủ bạn đi chơi đầy háo hức ⟶ tiếng sáo gọi bạn yêu trong tuyệt vọng.

→ Ngoại cảnh đã thức dậy sức sống trong lòng Mị sau bao nhiêu năm tháng bị vùi lấp. Tiếng sáo dìu hồn Mị bềnh bồng sống lại với những khát khao yêu thương hạnh phúc của ngày xưa, dẫn Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ.

- Hơi rượu:

+ Uống cả hũ rượu

+ Uống ực từng bát

→ Say lịm mặt ngồi đấy ⟶ Lãng quên hiện tại ⟶ Sống lại quá khứ.

* Diễn biến tâm lí – hành trình vượt thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại để tìm lại chính mình:

* Tương tranh, mẫu thuẫn giữa sức sống tiềm tàng và thực tại hiện hữu:

- Sức sống tiềm tàng:

+ Mị thấy “phơi phới” trở lại, “vui sướng”

+ Thức dậy ý thức và khát vọng: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.

- Thực tại hiện hữu: Mị muốn đi chơi nhưng lại không đi chơi, Mị đi vào buồng.

* Trong hơi rượu ⟶ sức sống tiềm tàng lại trỗi dậy

- Mị như ở trạng thái mộng du, vượt thoát hoàn cảnh để tìm lại chính mình.

+ Lấy ống mỡ sắn một miếng để thắp đèn lên cho sáng. ⟶ thắp sáng căn buồng cũng là thắp sáng khát vọng giải thoát cuộc đời mình.

+ Chuẩn bị đi chơi: quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa, rút thêm cái áo.

* Hành động vượt thoát khỏi hoàn cảnh bị chặn đứng:

- Mị bị A Sử trói vào cột, không cho đi chơi.

→ A Sử chỉ trói được thân xác Mị chứ không trói được ý muốn đi chơi, không trói được khát vọng, sức sống của Mị.

→ Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo đến với những cuộc chơi.

* Sáng hôm sau Mị tỉnh lại, quay về thực tại, nhận ra tình thế bi đát của mình:

- Những dây trói xiết lại, đau dứt từng mảnh thịt.

→ Thấy mình không bằng con ngựa ở bên kia vách.

b2. Sức phản kháng mạnh mẽ trong đêm mùa đông: Mị cắt dây cởi trói cứu A Phủ và tự chạy trốn:

* Tình huống gặp gỡ:

- A Phủ: trong khi đi chăn bò cho nhà thống lí Pá Tra do mải bẫy nhím nên để hổ vồ mất một con bò ⟶ bị trói đứng.

- Mị: Sau đêm tình mùa xuân Mị rơi vào trạng thái tê liệt về tinh thần. Hàng đêm ngồi cạnh bếp lửa (cạnh chỗ A Phủ bị trói) hơ tay hơ chân.

→ Hai người gặp gỡ nhau.

* Sự thức tỉnh của Mị:

- Tác nhân: Giọt nước mắt A Phủ “giọt nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã đánh thức tình yêu thương con người trong lòng Mị.

- Diễn biến tâm trạng:

+ Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, nhớ về kí ức đau khổ ⟶ thương mình ⟶ thương người.

+ Mị từ cõi vô thức dần sống lại ý thức, nhận ra dấu hiệu về cái chết ⟶ càng thương hơn ⟶ thương người lấn át cả thương thân ⟶ Hành động cắt dây cởi trói.

+ Mị hốt hoảng, sợ hãi ⟶ thúc đẩy bản năng tự vệ tích cực của Mị ⟶ Mị vùng chạy theo A Phủ.

2.3 Tổng hợp, đánh giá

a. Giá trị nội dung:

- Giá trị hiện thực: Phơi bày, phản ánh một cách chân thực số phận cực khổ của người dân lao động Tây Bắc dưới ách áp bức của giai cấp thống trị miền núi.

b. Giá trị nhân đạo:    

- Đồng cảm, xót thương với số phận khổ đau của nhân vật Mị dưới ách áp bức của giai cấp thống trị miền núi.

- Lên án, phê phán mạnh mẽ giai cấp thống trị miền núi đã đẩy con người vào tình cảnh khốn cùng.

- Phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của tâm hồn Mị: sức sống tiềm tàng trong đêm tình mùa xuân và sức sống mạnh mẽ trong đêm mùa đông.

- Tìm hướng giải thoát  cho cuộc đời nhân vật: dũng cảm đứng lên chống lại cường quyền, tiền quyền, thần quyền để giải phóng bản thân; tham gia du kích.

c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Ít tả hành động, chủ yếu khắc họa tâm tư. 

- Giọng kể của nhà văn đan xen, hòa vào dòng tâm tư của nhân vật.    

2.4 Liên với nhân vật Liên trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”.

* Điểm tương đồng: Hai nhân vật đều có một tâm hồn nhạy cảm và sự khát khao một cuộc sống tươi đẹp.

* Khác nhau:

- Hoản cảnh sống:

+ Mị là cô gái miền núi trong hoàn cảnh bị thống trị bởi cả thần quyền lẫn cường quyền, mang thân phận bi kịch của cô dâu gạt nợ.

+ Liên là một cô bé mới lớn, từng có những khoảnh khắc hạnh phúc tại thành phố. Nay do gia đình sa sút mà chuyển về sống nơi phố huyện.

- Con đường vượt thoát:

+ Mị cuối cùng tìm được con đường vượt thoát khỏi nghịch cảnh éo le.

+ Liên cùng với em trai vẫn chỉ gửi tất cả mong mỏi vượt thoát đó vào những chuyến tàu đêm và niềm hoài niệm về một Hà Nội xa hoa và xa xăm.

* Nhận xét về tấm lòng nhân đạo của nhà văn

- Cả Tô Hoài và Thạch Lam đều gửi gắm tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình vào hai tác phẩm. Đó là:

+ Lòng thương cảm, đồng cảm với số phận và hoàn cảnh của những người dân lao động.

+ Phát hiện, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của họ.

+ Ủng hộ với những ước mơ, khát vọng của họ về một cuộc sống tươi đẹp.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com

 Loigiaihay.com

Tải về

Quảng cáo
close