Đề số 30 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ vănTải vềĐáp án và lời giải chi tiết - Đề số 30 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn Quảng cáo
Đề bài I. ĐỌC HIỂU Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau: Chim ưng là loài chim có tuổi thọ lớn nhất thế giới. Nó có thể sống nhiều nhất 10 năm. Khi chim ưng sống đến 40 tuổi, mỏ của nó trở nên dài và cong, gần như chạm vào ngực, móng vuốt của nó bắt đầu lão hóa, không thể bắt mồi một cách hiệu quả, lông của nó vừa dày vừa rậm, đôi cánh trở nên vô cùng nặng nề, khiến việc bay lượn vô cùng khó khăn. Lúc này, chim ưng chỉ có hai lựa chọn: hoặc là chờ chết, hoặc là trải qua một quá trình lột xác vô cùng đau khổ, kéo dài 150 ngày. Lúc ấy, nó cần trốn trong tổ ở trên vách núi, dùng mỏ mổ vào đá, cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rụng đi, sau đó lặng lẽ chờ chiếc mỏ mới mọc ra. Chim ưng dùng chiếc mỏ mới nhổ sạch từng móng vuốt đã lão hóa, trong quá trình này, máu của nó không ngừng chảy. Nó đã cố chịu đựng đau đớn. Sau khi những chiếc lông mới mọc ra, chim ưng liền dùng móng vuốt mới nhổ sạch từng chiếc lông trên người. Khi những chiếc lông mới mọc ra là lúc 5 tháng đau khổ ròng rã đã qua, chim ưng lại bắt đầu bay lượn, tiếp tục trải qua những năm tháng của 30 năm sau đó! (…) Về điểm này, con người cũng không ngoại lệ. Cùng với sự phong phú về kinh nghiệm sống, chúng ta dần hình thành thói quen tư duy nào đó. Cuộc sống tiếp theo của chúng ta phần nhiều là lặp lại quá khứ của mình, đồng thời chúng ta sẽ bị hạn chế bởi quá khứ, rất khó đột phá. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người sau khi đạt được đỉnh cao của sự nghiệp thì bước vào trạng thái trầm cảm. Khi bắt đầu chán ghét cái tôi không có gì thay đổi, trong lòng cảm thấy lo lắng và bất an, chúng ta cần phải lột xác, cần phải phủ định cái tôi được xây dựng từ quá khứ, sau đó tiếp thêm sức sống mới cho mình. (Trích Tìm lại cái tôi đã mất, cứu vãn cuộc đời không vui vẻ - Trịnh Chí Lương, NXB Văn học, 2015, tr.218 – 219) Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản. Câu 2. Nêu nội dung chủ đạo và đặt nhan đề cho văn bản. Câu 3. Quá trình lột xác của lời chim ưng diễn ra qua những sự việc cụ thể nào? Quá trình ấy có sự tương đồng như thế nào với quá trình “lột xác” của con người? Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị học được từ loài chim ưng là gì? II. LÀM VĂN Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được đặt ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Chúng ta cần phải lột xác, cần phải phủ định cái tôi được xây dựng từ quá khứ, sau đó tiếp thêm sức sống mới cho mình. Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về thiên nhiên và con người xứ Huế trong đoạn trích sau: Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. (…) Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thật bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: “Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ…”. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở. (Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.198 – 201) Từ đó, liên hệ với bức tranh thôn Vĩ trong khổ thơ thứ nhất của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử, Ngữ Văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để đánh giá nét độc đáo về nghệ thuật thể hiện của hai tác giả. Lời giải chi tiết I. ĐỌC HIỂU Câu 1: - Phương thức biểu đạt của văn bản: thuyết minh, nghị luận. Câu 2: - Nội dung chủ đạo: khẳng định "lột xác" là quá trình tất yếu của sự vật và con người nếu muốn tồn tại và trưởng thành. Qua đó, tác giả khuyên mỗi con người hãy dũng cảm "lột xác", phủ định thói quen cũ mòn để tiếp thêm sức sống, làm mới mình. - Nhan đề: Thí sinh có thể lựa chọn nhiều cách đặt nhan đề khác nhau, miễn phù hợp với nội dung chủ đạo. Gợi ý: Lột xác; Lột xác để tồn tại; Lột xác để trưởng thành, Thay đổi cái tôi; Đổi mới bản thân để thích nghi,… Câu 3: - Quá trình lột xác của chim ưng trải qua những việc: dùng mỏ của mình mổ vào đá, cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rụng đi, sau đó chờ chiếc mỏ mới mọc ra; nhổ sạch từng móng vuốt đã lão hóa; nhổ sạch từng chiếc lông trên người. - Sự giống nhau trong quá trình lột xác giữa chim ưng và con người: + Quá trình lột xác diễn ra toàn diện từ những thay đổi về diện mạo, hành động bên ngoài đến đời sống bên trong: sức sống, thói quen, suy nghĩ,… + Quá trình lột xác diễn ra không hề dễ dàng mà phải trải qua một thời gian dài, đòi hỏi ý chí, sự kiên trì, dũng cảm đối diện với những đau đớn, thử thách,… Câu 4: Thí sinh có thể chọn rút ra các bài học khác nhau: - Trước những sự lựa chọn sinh từ, con người cần mạnh mẽ lựa chọn con đường sống tiếp. - Con người cần lột xác để tồn tại và trưởng thành. - Sự lột xác nào cũng phải trải qua quá trình đau đớn, thậm chí đổ máu. - Cần phải có ý chí, sự chịu đựng phi thường mới có thể lột xác. (Các bài học kèm theo sự kiến giải hợp lý đều nên được khuyến khích, không phân biệt bài học chính/phụ). II. LÀM VĂN Câu 1: * Giải thích nhận định: - Lột xác, phủ định cái tôi được xây dựng từ quá khứ: gạt bỏ những dấu ấn, đặc điểm cá nhân đã có từ trước để thay đổi, làm mới bản thân, để đạt đến một trạng thái mới mẻ về cả thể chất và tinh thần, cả diện mạo, suy nghĩ và hành động. - Nhận định khuyên con người trong quá trình phát triển cần phải dũng cảm thay đổi bản thân, gạt bỏ những điều đã cũ, là mới mình cả về thể chất và tinh thần. * Bàn luận: - Nhận định đúng đắn khi cho rằng con người cần phải tự lột xác, cần phải phủ định cái tôi được xây dựng từ quá khứ, sau đó tiếp thêm sức sống mới cho mình. Bởi: + Cuộc sống luôn vận động, biến đổi không ngừng. Thay đổi để thích nghi với môi trường sống là quy luật tất yếu của sự sinh tồn. + Những diện mạo, thói quen suy nghĩ, hành động cũ nếu duy trì lâu sẽ trở thành lạc hậu, bảo thủ, lực cản của sự phát triển. Vì vậy, nó cần phải bị loại trừ, phủ định. + Chỉ có thông qua quá trình lột xác, con người mới hình thành những đặc điểm, phẩm chất mới tối ưu hơn, giúp bản thân thêm hoàn thiện. Quá trình lột xác cũng sẽ đem lại niềm cảm hứng mới, giúp mỗi người thêm yêu đời, yêu bản thân và hứng thú hơn với công việc,… + Bàn luận mở rộng: cần phải hiểu đúng bản chất của sự lột xác, sự phủ định cái tôi trong quá khứ để tránh những sai lầm, ngộ nhận đáng tiếc: + Không phải khi nào con người cũng cần lột xác, cần phủ định cái tôi đã được xây dựng trong quá khứ nếu những yếu tố cũ vẫn còn ý nghĩa, giá trị. + Sự lột xác không phải diễn ra vào bất kỳ lúc nào mà chỉ nên tiến hành khi con người đã chuẩn bị nền tảng cho những yếu tố mới tích cực xuất hiện. + Quá trình “lột xác” không phải là sự phủ định triệt để yếu tố cũ và làm mới bản thân hoàn toàn. “Lột xác” mà không có sự kế thừa, phát huy sẽ khiến con người dễ đánh mất mình. Thí sinh liên hệ với thực tế, dẫn chứng để làm rõ hơn quan điểm của mình về nhận định. * Rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp. Câu 2: 1. Mở bài * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm: - Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, chuyên về thể loại bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý… Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa. - Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút ký xuất sắc viết tại Huế, năm 1981, in trong tập sách cùng tên. - Đoạn trích miêu tả thủy trình sông Hương đoạn chảy qua cánh đồng Châu Hóa ra khỏi thành phố Huế để đổ về biển. Qua thủy trình đó, đoạn trích làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương, cảnh sắc thiên nhiên và con người xứ Huế. 2. Phân tích 2.1 Vẻ đẹp thiên nhiên và con người xứ Huế trong đoạn trích: * Vẻ đẹp thiên nhiên: - Sự hòa quyện giữa thủy trình sông Hương với cảnh quan thiên nhiên xung quanh đã tạo nên vẻ đẹp biến ảo, đầy sắc màu, vừa hùng vĩ vừa nên thơ cho xứ Huế. Cụ thể: + Ở đồng bằng Châu Hóa • Sông Hương trôi chảy giữa các cánh đồng đầy hoa dại đem lại vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn. • Trên hành trình dòng chảy, nó tiếp tục phô khoe nhtững vẻ đẹp sinh động, quyến rũ. Đó là dòng chảy liên tục vòng giữa những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, vẽ một hình cung thật tròn; nó đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua lòng vực sâu để sắc nước trở nên xanh thẳm, khi trôi đi giữa những dãy đồi sừng sững. Sông Hương mềm như tấm lụa, và là quang nhiều màu sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”… + Khi rời thành phố Huế: Sông Hương ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre, trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. * Vẻ đẹp con người: - Vẻ đẹp duyên dáng, yêu kiều song cũng thật dịu dàng, nữ tính của người con gái Huế qua các hình ảnh: sông Hương ở đồng bằng Châu Hóa được cảm nhận như người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng đ ầy hoa dại; thủy trình của nó được khắc họa bởi những đường cong, khúc quanh uốn lượn mềm mại. - Chung tình: trong hành trình xuôi về Huế, sông Hương như người con gái đẹp đã nỗ lực vượt qua những khó khăn thử thách bằng tất cả sức trẻ, khao khát tình yêu, sự chung tình để tìm về người tình của nó. Phút chia tay đầy lưu luyến bịn rịn của sông Hương với thành phố Huế được ví như nàng Kiều chí tình trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề: “Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ”. Lời thề ấy cũng chính là tấm lòng người dân Châu Hóa mãi chung tình với quê hương xứ sở. 2.2 Liên hệ với vẻ đẹp thiên nhiên và con người thôn Vĩ trong khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. * Vẻ đẹp thiên nhiên và con người thôn Vĩ: - Bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ buổi ban mai hiện lên với vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi, thơ mộng, bừng sáng và ngập tràn sức sống: Nắng hàng cau nắng mới lên, vườn ai mướt quá xanh như ngọc… - Câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là nét vẽ cách điệu hóa đã khắc họa sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp con người và cảnh vật con người phúc hậu, dịu dàng, duyên dáng; cảnh vật xinh xắn, nên thơ”. 2.3 Đánh giá nét độc đáo trong nghệ thuật thể hiện: * Nét tương đồng: Cả hai tác giả đều có phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa; có tâm hồn lãng mạn, tinh tế, nhạy cảm. Cả hai tác giả đều lấy những địa danh nổi tiếng của xứ Huế để làm điểm nhấn và khơi nguồn cảm hứng; cùng khắc họa được vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh sắc, con người xứ Huế. Qua đó bộc lộ tình yêu tha thiết, niềm tự hào đối với quê hương xứ sở. * Điểm khác biệt: - Đây thôn Vĩ Dạ + Đây thôn Vĩ Dạ được gợi cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử. Nên vẻ đẹp thôn Vĩ được hiện lên từ cái nhìn của kí ức, của hoài niệm. Qua đó, độc giả thấy được niềm khát khao giao cảm với cuộc đời, con người trong nỗi niềm đầy uẩn khúc, tiếc nuối, bất lực. + Về hình thức nghệ thuật: Sử dụng thể thơ thất ngôn, chịu ảnh hưởng khá rõ nét thơ tượng trưng siêu thực; hình ảnh thơ có tính biểu tượng cao; ngôn ngữ giản dị, trong sáng, gợi hình và biểu cảm… - Ai đã đặt tên cho dòng sông? + Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Vẻ đẹp của sông Hương được khắc họa bằng nguồn cảm hứng về đất nước, Tổ quốc và hiện lên nhiều góc độ, điểm nhìn nên rất sinh động, biến ảo. + Về hình thức nghệ thuật: Sử dụng thể loại bút kí giàu chất trữ tình, huy động vốn kiến thức phong phú trên nhiều lĩnh vực; ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm; lối hành văn mê đắm, súc tích, hướng nội; sử dụng nhiều hình ảnh liên tưởng, so sánh độc đáo, bất ngờ, thú vị… 3. Kết luận - Khái quát và mở rộng vấn đề. Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com Loigiaihay.com
Quảng cáo
|