Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 12

Quảng cáo

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…

    […] Làm việc, không chỉ vì muốn tự chủ tài chính mà còn là cơ hội giúp một người thỏa sức sáng tạo và định nghĩa bản thân qua cọ xát thực tế. Đó cũng là cách ông chủ Nhà Trắng và phu nhân của mình muốn hai con gái hiểu rõ. […] Họ luôn lấy câu chuyện thực tế của mình làm tấm gương và đồng ý cho hai con gái làm thử ít nhất một lần những công việc nặng nhọc với mức lương thấp nhất.

    Đồng tình với quan điểm trên, danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng vì ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động. Từ nhỏ các con của ông đã được dạy bài học sống không dựa dẫm. Các con của ông đều lăn xả đi làm thêm như bất cứ bạn trẻ nào từ rất sớm. Giờ đây họ trưởng thành, có sự nghiệp riêng, chẳng “đoái hoài” đến tài sản của bố.

     Susan Bruno, chuyên viên quản lý tài sản, người đồng sáng lập trang tư vấn đầu tư CollegeCFO.or, chia sẻ bí quyết dạy con: “Nếu bố mẹ hy sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ…”

(Theo Thiên Anh, Lối đi ngay dưới chân mình, Báo Phụ nữ, ngày 18/7/2015)

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. (0,5 điểm) Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên.

Câu 3. (1,0 điểm) Theo anh/chị, vì sao danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng”?

Câu 4. (1,0 điểm) Anh/chị có đồng tình với quan điểm của Susan Bruno khi cho rằng: “Nếu bố mẹ hi sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

     Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của mình về vấn đề “sống không dựa dẫm”.

Câu 2. (5,0 điểm)

     Về bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.

Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2:                   

- Câu văn nêu chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên: Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…

Câu 3:

Danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng” vì:

- Ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động.

- Ông muốn các con tự lập.

Câu 4:

Đồng tình vì:

- Khi bố mẹ làm quá nhiều cho con, con sẽ mặc định là đó là thứ mà mọi người phải làm cho mình, sẽ đòi hỏi ở người khác.

- Đứa con sẽ mất đi tính tự lập và tự chủ trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Nêu vấn đề

* Giải thích vấn đề

- Sống dựa dẫm là sống ỷ lại, phụ thuộc vào người khác.

* Phân tích, bàn luận vấn đề

- Tác hại của lối sống dựa dẫm:

+ Đối với cá nhân, lối sống này sẽ làm cho con người ngày càng lệ thuộc vào người khác, không có chính kiến cá nhân, lập trường và tư tưởng

+ Những người mang trong mình lối sống này sẽ trở thành gánh nặng của xã hội, dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội

- Nguyên nhân của lối sống dựa dẫm:

+ Do quen được người khác lo lắng và làm cho nhiều việc, được gia đình nuông chiều

+ Do lười biếng, chưa nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với chính cuộc sống của mình.

+ Do chưa được giáo dục đúng cách.

- Biện pháp khắc phục:

+ Mỗi cá nhân tự nhận thức lại giá trị của mình cũng như trách nhiệm của mình trong cuộc sống.

+ Gia đình, nhà trường cần phải rèn luyện cho con em mình lối sống tự lập, tự chủ.

- Liên hệ bản thân

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, ý kiến nhận xét:

- Xuân Quỳnh là gương mặt nổi bật của nền thơ Việt Nam hiện đại, thuộc nhà thơ lớp đầu tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

- Thơ Xuân Quỳnh là tấm lòng của một phụ nữ có nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.

- Sóng (1967) là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ đã thể hiện vẻ đẹp của một tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa mang màu sắc truyền thống. Đoạn thơ trên là tiêu biểu cho nhận định trên.

2. Phân tích

2.1 Giải thích ý kiến:

- Quan niệm mới mẻ, hiện đại là quan niệm ngày nay, quan niệm của những người có đời sống văn hóa, tinh thần không bị ràng buộc bởi ý thức hệ tư tưởng phong kiến. Về tình yêu, sự mới mẻ, hiện đại thể hiện ở: sự chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt, khát vọng mạnh mẽ, táo bạo về những rung động rạo rực cảm xúc trong lòng, tin vào sức mạnh của tình yêu.

- Quan niệm truyền thống là quan niệm có từ xa xưa, được bảo tồn trong đời sống hiện đại. Trong tình yêu, nó được thể hiện ở những nét đẹp truyền thống: đằm thắm, dịu dàng, thủy chung,…

→ Hai ý kiến bổ sung cho nhau.

2.2 Chứng minh ý kiến qua đoạn thơ trên:

* Vẻ đẹp của tình yêu mới mẻ, hiện đại:

- Đó là một tình yêu với nhiều cung bậc phong phú, đa dạng: dữ dội, ồn ào, dịu êm, lặng lẽ - các trạng thái đối cực.

- Đó là sự chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và rung động rạo rực trong lòng mình “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”. Người phụ nữ không còn sự thụ động, chờ đợi tình yêu mà chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt.

- Người con gái dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời.

- Tình yêu như những con sóng, đập những nhịp đập trên lồng ngực của tuổi trẻ. Tình yêu cũng trường tồn vĩnh cửu và bất diệt “Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế…”

- Bản chất của tình yêu là sự bí ẩn không thể lý giải được. Chúng ta có thể lý giải được cội nguồn của sóng, của gió nhưng không thể nào cắt nghĩa, lý giải được nguồn cội của tình yêu. Nó lạ lùng bí ẩn nhưng cũng rất tự nhiên. Sức hấp dẫn của tình yêu chính là ở chỗ đó.

* Tình yêu mang màu sắc truyền thống:

- Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ:

+ Nỗi nhớ trong tình yêu là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng và cồn cào. Nỗi nhớ ấy bao trùm cả không gian chiều sâu, chiều rộng, choán ngợp cả vũ trụ bao la: “Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam”.

+ Nỗi nhớ mãnh liệt, khắc khoải, triền miên, giày vò thao thức theo thời gian từ ngày sang đêm, mọi lúc mọi nơi như những con sóng triền miên, dào dạt, không bao giờ ngưng lặng, nỗi nhớ tồn tại trong ý thức và cả tiềm thức: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”.

+ Cảm xúc vô cùng phong phú: có khi được bộc lộ trực tiếp, có khi bộc lộ gián tiếp để diễn tả nỗi nhớ vô biên tuyệt đích của một tình yêu chân thành, mãnh liệt.

- Tình yêu còn gắn với sự thủy chung:

+ Dẫu có vất vả, nhọc nhằn, dẫu phải xuôi ngược mọi không gian; dù xa xôi cách trở nhưng “em” chỉ hướng về phương anh.

+ Khát vọng về một tình yêu sắt son, không thay lòng đổi dạ dù bất cứ điều gì xảy ra. Đó là nét đẹp tình yêu giàu tính nhân bản.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Loigiaihay.com

Tải về

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close