Việt Nam là quốc gia phát triển bởi nền nông nghiệp. Lịch sử trồng lúa nước ở Việt Nam đã có từ hàng nghìn năm trước, gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân tộc. Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, ông cha ta đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Những kinh nghiệm ấy được truyền từ đời này qua đời khác thông qua ca dao, tục ngữ. Bởi vậy, thiên nhiên và lao động sản xuất là chủ đề phổ biến trong ca dao, tục ngữ Việt Nam. Dưới đây là danh sách ca dao, tục ngữ nói về thiên nhiên và lao động sản xuất
1. Ca dao về thiên nhiên và lao động sản xuất
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng
Ai ơi! chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Muốn cho lúa nảy bông to
Cày sâu bừa kĩ phân tro cho nhiều
Trời mưa trời gió đùng đùng
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu
Đem về trồng bí trồng bầu
Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà.
Nhờ trời mưa gió thuận hòa
Lúa vàng đầy ruộng, lời ca vang đồng.
Lúa khô cạn nước ai ơi,
Rủ nhau tát nước chờ trời còn lâu.
Chớp đằng Đông vừa trông vừa chạy
Chớp đằng Nam vừa làm vừa chơi
Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên
Kiến đen tha trứng lên cao
Thế nào cũng có mưa rào rất to
Lợn ăn xong lợn nằm lợn béo
Lợn ăn xong lợn réo lợn gầy
2. Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất
Ao sâu tốt cá
Ăn có mời, làm có khiến
Ăn có nơi, làm có buổi
Ăn không thì hóc, chẳng xay thóc phải ẵm em
Ba tháng trồng cây chẳng bằng một ngày trông quả
Bắt lợn tóm giò, bắt bò tóm mũi
Bụng đói đầu gối phải bò
Bụng đói thì tai điếc
Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn
Cha đánh chẳng lo bằng ăn no giã gạo
Chắc rễ bền cây
Chăn lợn ba nằm không bằng chăn tằm một lứa
Chiêm cứng ré mềm
Chó khôn tứ túc huyền đề, tai thì hơi cúp, đuôi thì cong cong
Con trâu là đầu cơ nghiệp
Của đời ông, ăn không cũng hết
Đàn ông học sẩy học sàng, đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn
Đất không ải thì rải thêm phân
Đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau
Đầu năm trồng chuối, cuối năm trồng cam
Đậu ra hoa, thì ta vun gốc
Đói ăn vụng, túng làm liều
Đói thì ăn ráy ăn khoai, đừng thấy lúa giỗ tháng Hai mà mừng
Đông chí trồng bí trồng bầu
Được mùa cau, đau mùa lúa
Được mùa quéo, héo mùa chiêm
Được người mua, thua người bán
Ếch tháng Ba, gà tháng Bảy
Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua
Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy
Giàu nuôi lợn đực, khó nuôi lợn cái
Khoai đất lạ, mạ đất quen
Không nước không phân chuyên cần vô ích
Không tại mạ, tại lạ tay bừa
Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn
Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng
Lang đuôi thì bán, lang trán thì cày
Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ
Nắng sớm thì đi trồng cà, mưa sớm ở nhà phơi thóc
Nhịn đói nằm co hơn ăn no vác nặng
Nước cả, cá to
Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ
Thóc lúa về nhà, lợn gà ra chợ
Trăm hay không bằng tay quen
Trồng cây đừng chạm lá, nuôi cá đừng chạm vảy
Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng
Nhất thì, nhì thục
Chuồng gà hướng Đông, cái lông chẳng còn
Tấc đất tấc vàng.
Trồng tre đất sỏi, trồng tỏi đất bồi.
Ăn kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa.
Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc.
Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa.
Được mùa chê cơm hẩm,
Mất mùa lẫm cơm thiu.
Đất màu trồng đậu trồng ngô
Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn.
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.
Đầu năm gió to, cuối năm gió bấc.
Cha chết không lo bằng đỏ lò Tây Bắc
Chớp Đông nhay nháy, gà gáy thì mưa
Chớp thừng chớp chão, chẳng bão thì mưa
Cỏ gà màu trắng, điềm nắng đã hết
Cóc nghiến răng, đang nắng thì mưa
Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm
Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng
Đông chết se, hè chết lụt
Gió bắc hiu hiu, sếu kêu thì rét
Gió bấc thì hanh, gió nồm thì ẩm
Gió may quay mồm
Gió Nam đưa xuân sang hè
Gió thổi là chổi trời
Kiến dọn tổ thời mưa
Lá tre trôi lộc, mùa rét xộc đến
Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa
Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa
Mống Đông vồng Tây, chẳng mưa dây cũng bão giật
Mống vàng thời nắng, mống trắng thời mưa
Mồng bảy ngâu ra, mồng ba ngâu vào
Một ngôi sao, một ao nước
Mỡ gà thời gió, mỡ chó thời mưa
Mưa tháng Ba hoa đất
Mưa tháng Sáu máu rồng
Mưa tháng Tư hư đất
Nắng chóng trưa, mưa chóng tối
Nắng tháng Ba chó già lè lưỡi
Nắng to thì nằm co cũng ấm
Ngày tháng Mười chưa cười đã tối
Ông tha nhưng bà chẳng tha, còn sợ cái lụt hăm ba tháng Mười
Quạ tắm thì nắng, sáo tắm thì mưa
Ráng mỡ gà, có nhà thì chống
Rét tháng Ba bà già chết cóng
Sấm kêu, rêu mọc
Sấm trước, trước mưa
Tháng Bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão
Tháng Bảy kiến bò chỉ lo lại lụt
Tháng Bảy kiến đàn, đại hàn hồng thủy
Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa
Trời đương nắng, cỏ gà trắng thì mưa
Vồng chiều mưa sáng, ráng chiều mưa hôm
Vồng rạp mưa rào, vồng cao gió táp
Nước chảy đá mòn.
Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy,
Cơn đằng nam vừa làm vừa chơi.
Mưa chẳng qua Ngọ, gió chẳng qua Mùi.
Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền.
Ráng mỡ gà có nhà thì giữ.
Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa.
Gió thổi đổi trời
Những câu ca dao, tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất mang đến nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong cuộc sống. Đồng thời, qua những bài ca dao, câu tục ngữ ấy, chúng ta cũng có thể thấy được nhiều giá trị tốt đẹp mà ông cha ta để lại.