Văn bản Huyện đườngMột đêm nọ, Ốc (kẻ chuyên nghề “đào ngạch”) hợp tác với Nghêu (thầy bói) đột nhập nhà trùm Sò (địa chủ) để ăn trộm. Quảng cáo
Huyện đường (trích tuồng Nghêu, Sò, Ốc Hến) Một đêm nọ, Ốc (kẻ chuyên nghề “đào ngạch”) hợp tác với Nghêu (thầy bói) đột nhập nhà trùm Sò (địa chủ) để ăn trộm. Nghêu bị bắt giữ còn Ốc chạy thoát được. Đang khi Ốc đem đồ ăn trộm bán cho Thị Hến - một người goá chồng, làm nghề buôn bán – thì trùm Sò và lí trưởng dẫn người ập đến bắt quả tang. Lí trưởng lợi dụng chuyện này đòi Thị Hến đút lót. Việc không thành, tất cả dắt nhau lên huyện đường. Tại đây, Ốc bị phạt tù, Nghêu và lí trưởng bị đánh đòn. Riêng lí trưởng, trùm Sò còn phải chi tiền để hối lộ tri huyện. Nhờ có nhan sắc, Thị Hến không những không bị hạch tội, lại còn được tri huyện và đề lại “chiếu cố hẹn hò. Lũ háo sắc ấy (có thêm cả lí trưởng) rơi vào bẫy của Thị Hến khi giáp mặt nhau tại nhà chị ta và bị các bà vợ đến đánh ghen một trận tơi bời. Đoạn trích dưới đây kể lại một cảnh làm việc nơi huyện đường, vào thời điểm diễn ra cuộc kiện tụng giữa các nhân vật liên quan đến vụ trộm. Cảnh 1 – Bàn giấy của tri huyện. Trên tường chính giữa là bức hoành phi đề hai chữ “Huyện đường”. Hai bên có hai câu đối. Bên cạnh câu đối phía trái có cửa vào nhà trong. Một chiếc bàn to để chính giữa làm bàn giấy của tri huyện, trên bàn có ống bút, nghiên mực, điếu bình. Bên trái, bàn giấy của viên đề lại để xây mặt ra khán giả phía phải của sân khấu, trên bàn cũng có nghiên bút và một chồng đơn từ. Màn mở tri huyện từ trong nhà bước ra, ngồi vào ghế. TRI HUYỆN (Nói lối) Quyền trọng trấn nha môn Bản chức xưng tri huyện Đỉnh chung đà đủ miếng Hoa nguyệt cũng quen mùi Lấy của cậy ngọn roi Làm quan nhờ lỗ khẩu Sự lí thường phân ẩu Được thua tự đồng tiền Dân xã nếu không kiêng Bỏ xuống lao giam kĩ (một lát, cười) Quan chức nghĩ nên thú vị Vào ra cũng phải chuyên cần ĐỀ LẠI (bước ra) Bẩm quan ạ! TRI HUYỆN Vâng chào thầy. A, thầy Đề này, hôm nay sao mà (Nói lối) Nha lại vắng bẩm thân Dân xã không đấu cáo ĐỀ LẠI Vâng, hôm nay chả thấy ai kiện cáo gì cả. Còn vụ Thị Hến, Nguyễn Sò quan đã định dứt khoát như thế nào chưa? TRI HUYỆN Vụ ấy à? Ý thầy thế nào? (không đợi đề lại trả lời) Tôi thì tôi nghĩ cứ để đu đưa như vậy đã. Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể “ấy” được. ĐỀ LẠI Vâng, ta cứ bảo là để tra cứu đã. Thưa còn thằng Ốc, thằng Nghêu, lí trưởng Thị Hến thì liệu xử cho xong bọn này toàn đầu trọc cả. TRI HUYỆN Phải, nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu. (cười khoái trá) Xử Ốc năm năm tù, Nghêu phạt đòn năm chục trượng, lí trưởng đòi ăn lót cần phạt trùng giới năm mươi quan tiền. ĐỀ LẠI Bẩm quan xử thật sâu sắc, nhưng đã xử Nghêu và Ốc rồi thì lấy lí gì mà không xử Sò và Hến được. TRI HUYỆN (cười) Ăn thua là những chỗ khó đấy đấy, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, nói thế nào chả lại được. Thị Hến thì cũng có thể cho về nhưng chưa nên xử vội,vì xử Hến thì phải xử Sò. Thầy hiểu chứ? ĐỀ LẠI Vâng ạ, quan xử hay lắm. (gọi) Lệ đâu? LÍNH LỆ A (lễ phép bước ra) Bẩm quan dạy ạ. ĐỀ LẠI Ra đòi vụ Nguyễn Sò vào hầu, cả bên nguyên, bên bị, nhân chứng. LÍNH LỆ A Vâng ạ. (quay đi) TRI HUYỆN Lệ hầu đâu? LÍNH LỆ B (từ trong) Vâng. (cầm quạt lông ra hầu cạnh tri huyện) (Có tiếng lệ A nói to bên trong: “Để ba người này vào trước. Đinh Ốc, Phan Nghêu vào sau, ngồi đấy”.) LÍNH LỆ A (dắt lí trưởng, Trùm Sò và Thị Hến vào. Vừa vào, lệ A bấm mấy người đứng lại nói nhỏ) Nhắc lại ông Trùm, anh xã và chị Hến biết rằng hôm nay quan bận lắm, tôi bẩm mãi quan mới chịu xử vụ này đấy. LÍ TRƯỞNG Vâng, tôi biết anh tử tế lắm, chúng ta với nhau rồi... TRÙM SÒ Vâng, tôi xin hậu tạ, anh cứ giúp đỡ cho. LÍNH LỆ A Thế bây giờ đứng đây, tôi vào bẩm lại đã. (chạy vào chắp tay trước bàn giấy tri huyện) Bẩm con đã đòi vụ Nguyễn Sò đến hầu ạ. (Hoàng Châu Kỳ chỉnh lí, Nghêu, Sò, Ốc, Hến, NXB Phổ thông – Bộ Văn hoá, Hà Nội, 1957, tr. 41 – 45)
Quảng cáo
|