Soạn bài Cảnh khuya - Rằm tháng Giêng (Chi tiết)Soạn bài Cảnh khuya - Rằm tháng Giêng trang 140 SGK Ngữ văn 7 tập 1. Câu 2. Phân tích hai câu đầu của bài thơ Cảnh khuya. Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Câu 1 Video hướng dẫn giải Trả lời câu 1 (trang 142 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1) Hai bài Cảnh khuya và Nguyên tiêu được làm theo thể thơ nào? Vận dụng những hiểu biết về thể thơ này qua những bài thơ Đường mà em đã học, hãy chi ra đặc điểm về số tiếng trong mỗi câu thơ, số câu của một bài, cách gieo vần, ngắt nhịp của hai bài thơ nói trên. Lời giải chi tiết: - Hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng đều được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt. - Đặc điểm: + Số chữ: Mỗi dòng thơ có 7 chữ (thất ngôn) + Số dòng: Mỗi bài có 4 dòng thơ (tứ tuyệt) + Hiệp vần: Chữ cuối cùng của các dòng 1 – 2 – 4.
- Ngắt nhịp: + Cảnh khuya: Câu 1: 3/4; Câu 2 + 3: 4/3; Câu 4. 2/5. + Rằm tháng giêng: Toàn bài 4/3. Câu 2 Video hướng dẫn giải Trả lời câu 2 (trang 142 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1) Phân tích hai câu đầu của bài thơ Cảnh khuya. Lời giải chi tiết: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Cái hay của câu thơ là không cần dùng từ khuya vẫn có thể đưa người đọc đến thẳng vào "Cảnh khuya". Bởi lẽ chỉ ở thời điểm này tiếng suối từ xa vẳng tới mới được nghe rõ thanh âm. Cách so sánh tiếng suối như tiếng hát là cách so sánh đặc sắc. Người xưa hay ví von tiếng suối với tiếng đàn: Côn Sơn có suối nước trong/ Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm (Côn Sơn ca - Nguyễn Trãi), hay Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền (Tiếng hát bên sông - Thế Lữ). Nay Hồ Chí Minh so sánh tiếng suối với tiếng hát. Cách liên tưởng của Bác rất chân thực, phù hợp với cảnh vật và sinh hoạt ở Việt Bắc lúc bấy giờ. Cách so sánh ấy làm cho tiếng suối thêm gần gũi với con người, thêm sống động trẻ trung hơn. Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa. Đúng là “thi trung hữu họa”. Ánh trăng lồng vào vòm lá cổ thụ tạo nên những mảng tối, đậm, nhạt, đen, trắng... gợi nên cảnh chập chùng của bóng trăng, bóng cây và bóng hoa. Tất cả làm thành một bức tranh có nhiều tầng lớp, đường nét và hình khối hòa hợp quấn quýt và ấm áp thể hiện trong âm hưởng của hai từ lồng, trong một câu thơ vừa lung linh huyền ảo vừa cổ kính trang nghiêm. Câu 3 Video hướng dẫn giải Trả lời câu 3 (trang 142 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1) Hai câu thơ cuối của bài Cảnh khuya đã biểu hiện những tâm trạng gì của tác giả? Trong hai câu thơ ấy có từ nào được lặp lại và điều đó có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện tâm trạng của nhà thơ? Lời giải chi tiết: Hai câu thơ cuối của bài thơ là cái tình say đắm của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Có thể nói một trong những lí do khiến "người chưa ngủ" ấy chính là vì cảnh thiên nhiên quá đẹp. Người vì say đắm trước vẻ đẹp thiên nhiên mà không nỡ ngủ. Song hai câu thơ cuối còn khắc hoạ một phương diện khác của Hồ Chí Minh. Bác "chưa ngủ" không chỉ bởi thiên nhiên quá đẹp và quá ư quyến rũ mà còn bởi "Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà". Cụm từ "chưa ngủ" được nhắc lại hai lần gắn với nỗi băn khoăn về vận nước, điều đó đủ cho thấy tấm lòng thiết tha vì dân vì nước của Bác Hồ. Câu 4 Video hướng dẫn giải Trả lời câu 4 (trang 142 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1) Hãy nhận xét về hình ảnh không gian và cách miêu tả không gian trong bài Rằm tháng giêng. Câu thơ thứ hai có gì đặc biệt về từ ngữ và đã gợi ra vẻ đẹp của không gian đêm rằm tháng giêng như thế nào? Lời giải chi tiết: - Nhận xét về không gian miêu tả trong bài thơ: + Rộng bao la: bởi sự mở ra đến vô biên của dòng sông và bầu trời. Tràn ngập ánh trăng, trời trăng, sông trăng và con thuyền chơ đầy trăng. + Tràn ngập ánh trăng: Tiêu đề của bài thơ đã thể hiện ý nghĩa đó, đây là ngày trăng đẹp nhất "Nguyệt chính viên": "trăng ngày rằm", hơn nữa đây là mùa trăng đầu tiên của năm, bao sự tinh khôi, mới mẻ, linh thiêng trong "rằm tháng giêng". + Tràn đầy sức xuân: sông xuân, nước xuân, trời xuân, vạn vật căng đầy sự sống. ⟹ Dù là ban đêm nhưng cảnh vật ở đây vẫn phơi phới lồng lộng rất đẹp và đầy sức sống. - Cách miêu tả: + Không miêu tả cụ thể chi tiết. + Chú ý sự khái quát của toàn cảnh và sự hài hòa giữa các cảnh vật. - Nét đặc biệt về từ ngữ của câu thơ thứ hai: + Ba chữ xuân nối tiếp nhau: xuân giang, xuân thủy, xuân thiên. + Ý nghĩa: thể hiện sự tràn đầy của sức xuân và sắc xuân, tạo cảm giác sức sống ấy đang ùn ùn trỗi dậy, đây là một mùa xuân đang ở trong trạng thái chuyển động lớn dần, lớn dần lên. Câu 5 Video hướng dẫn giải Trả lời câu 5 (trang 142 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1) Trong bài Nguyên tiêu (phiên âm) gợi cho em nhớ tới tứ thơ, câu thơ và hình ảnh nào trong thơ cổ Trung Quốc có trong SGK Ngữ văn 7 tập 1? Lời giải chi tiết: Bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) có nhiều hình ảnh và từ ngữ rất tương đồng với những hình ảnh và từ ngữ trong nhiều câu thơ ở Trung Quốc, đặc biệt là thơ Đường. - Hai chữ yên ba rất thường gặp trong thơ cổ điển Trung Quốc Việt Nam nói chung, thơ Đường nói riêng, rất tiếc câu thơ dịch bỏ mất. - Hai câu cuối từ ngữ âm điệu rất gần gũi với một số câu thơ Đường và thơ cổ điển quen thuộc: chẳng hạn như hai câu cuối của bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường: Cô Tô thành ngoại Hàn San tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Dịch thơ: Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. Hoặc câu cuối bài Ngư nhân của Không Lộ Thiền sư đời Lí: Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền. Dịch thơ: Quá trưa tỉnh dậy, tuyết che đầy thuyền. Ngoài ra ý thơ “nước liền trời" ở câu 2 khiến người đọc liên tưởng cảnh quan gác Đằng Vương của Vương Bột: Lạc hà dữ cô lộ tề phi Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc. (Ráng trời cùng bay với cò lẻ Nước thu một màu với trời cao.) Điều này cho thấy màu sắc cổ điển đậm nét trong phong cách thơ Hồ Chí Minh. Câu 6 Video hướng dẫn giải Trả lời câu 6 (trang 142 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1) Cảnh khuya và Rằm tháng giêng được viết trong những năm đầu rất khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai bài thơ đó đã biểu hiện tâm hồn và phong thái của Bác Hồ như thế nào trong hoàn cảnh ấy? Lời giải chi tiết: Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn của đất nước, vận mệnh dân tộc đang nghìn cân treo sợi tóc, nhưng hai bài thơ vẫn thể hiện được phong thái ung dung, tình thần lạc quan của Bác, cụ thể là: - Tâm hồn chan hòa thiên nhiên, say đắm thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh. - Hình ảnh trong hai bài thơ mang đậm vẻ đẹp cổ điển, những hình ảnh quen thuộc của thơ ca cổ phương Đông: con thuyền, dòng sông, ánh trăng, giọng thơ khỏe khoắn, trẻ trung. - Cả hai bài thơ đều thể hiện vẻ đẹp ung dung tự tại của người chiến sĩ Cách mạng, đêm ngày lo vận nước. Câu 7 Video hướng dẫn giải Trả lời câu 7 (trang 142 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1) Hai bài thơ đều miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc. Em hãy nhận xét cảnh trăng ở mỗi bài có nét đẹp riêng như thế nào? Lời giải chi tiết: Tuy hai bài thơ đều viết về trăng ở chiến khu Việt Bắc, nhưng ở mỗi bài vẻ đẹp của trăng lại được người thi sĩ cảm nhận bằng một vẻ riêng. - Trăng trong Cảnh khuya là ánh trăng đã được nhân hoá. Trăng lồng bóng vào cây cổ thụ để giãi "hoa" (hoa trăng) trên mặt đất. Cảnh vật như hiện ra lồng lộng dưới ánh trăng. Thêm nữa, tiếng suối trong đêm trong trẻo như tiếng ai đang ngân nga hát càng làm cho trăng khuya thêm mơ mộng. - Trăng trong Rằm tháng riêng là trăng xuân, trăng mang không khí và hương vị của mùa xuân. Cảnh ở đây là cảnh trăng ở trên sông, có con thuyền nhỏ trong sương khói. Nhưng điểm đặc biệt nhất phải nói đến đó là sự chan hoà của ánh trăng như tràn đầy cả con thuyền nhỏ. Luyện tập Tìm đọc và chép lại một số bài thơ, câu thơ của Bác Hồ viết về trăng hoặc cảnh thiên nhiên. Lời giải chi tiết: NGẮM TRĂNG Trong tù không rượu củng không hoa Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ Trăng nhòm khe của ngắm nhà thơ. TIN THẮNG TRẬN Trăng vào cửa sổ đòi thơ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu Ấy tin thắng trận liên khu báo về. Bố cục Video hướng dẫn giải Bố cục: * Cảnh khuya: 2 phần - Phần 1 (2 câu đầu): Bức tranh thiên nhiên cảnh khuya nơi chiến khu Việt Bắc. - Phần 2 (2 câu cuối): Tâm trạng của Bác. * Rằm tháng giêng: 2 phần - Phần 1 (2 câu đầu): Cảnh trăng rằm tháng giêng trên sông Việt Bắc. - Phần 2 (2 câu cuối): Hình ảnh con người. ND chính Video hướng dẫn giải
Loigiaihay.com
Quảng cáo
|