Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 19 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 19 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU:

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Trong cuốn “The Hiding Place” (tạm dịch: Nơi ẩn náu), tác giả Corrie ten Boom kể lại trải nghiệm của mình tại trại tập trung Ravensbruck trong Thế chiến II. Bà và em gái Betsy bị giam giữ vì giúp người Hà Lan gốc Do Thái trốn quân Đức Quốc xã. Mỗi tối, sau một ngày dài lao động khổ sai, hai chị em dẫn dắt một nhóm cầu nguyện giữa khu trại bẩn thỉu và đáng sợ. Họ kết thúc mỗi đêm bằng một danh sách những việc họ lấy làm cảm kích trong ngày hôm ấy. Một tối nọ, Corrie ngạc nhiên khi thấy em gái nói lời cảm ơn đám bọ chét.

“Nhưng chị Corrie, Kinh Thánh nói chúng ta phải cảm ơn tất cả mà!” Sau này, bà biết lí do duy nhất đám cai tù độc ác không vào buồng chửi bới đánh đập hai chị em họ là vì chúng sợ bọ chét!

Lòng biết ơn vừa là tâm trạng vừa là cách sống. Nó giúp ta sống trọn với mọi điều trong cuộc sống - nhất là với các mối quan hệ. Những phẩm chất đi cùng với lòng biết ơn gồm có cảm kích, cảm ơn, và hào phóng. Thể hiện lòng biết ơn, ta nhận thức được những điều kì diệu của cuộc sống và nhờ vậy, ta tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại. Thể hiện lòng biết ơn đòi hỏi ta thực sự hiện diện... Khi nhận thức được điều đó, ta tự nhiên sẽ tìm kiếm những khía cạnh tích cực của mọi mối liên kết.

(Trích Hạt giống yêu thương, Jerry Braza, Hà Ly dịch, NXB Văn học, 2017, tr.160 - 161)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 2: Theo văn bản, những phẩm chất nào đi cùng lòng biết ơn?

Câu 3: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc cú pháp trong các câu văn sau: Thể hiện lòng biết ơn, ta nhận thức được những điều kì diệu của cuộc sống và nhờ vậy, ta tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại. Thể hiện lòng biết ơn đòi hỏi ta thực sự hiện diện.

Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan điểm của tác giả: Lòng biết ơn vừa là tâm trạng vừa là cách sống? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1: Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống.

Câu 2:

Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến.

Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:

- Điêu! Người thế mà điêu!

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt. À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười.

- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.

- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu. Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

- Đấy, muốn ăn gì thì ăn. Hắn vỗ vỗ vào túi.

- Rích bố cu, hở! Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

- Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì. Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố. Hắn cười:

- Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn tặc lưỡi một cái:

- Chậc, kệ! Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về...

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 26-27)

Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người phụ nữ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về giá trị nhân đạo được tác giả Kim Lân thể hiện trong đoạn văn.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Phương pháp:

Vận dụng những kiến thức đã học về phương thức biểu đạt đã học.

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt: Tự sự, nghị luận.

Câu 2: Theo văn bản, những phẩm chất nào đi cùng lòng biết ơn?

Phương pháp:

Đọc, tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Theo văn bản, những phẩm chất đi cùng với lòng biết ơn gồm có: cảm kích, cảm ơn, và hào phóng

Câu 3: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc cú pháp trong các câu văn sau: Thể hiện lòng biết ơn, ta nhận thức được những điều kì diệu của cuộc sống và nhờ vậy, ta tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại. Thể hiện lòng biết ơn đòi hỏi ta thực sự hiện diện.

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Chỉ ra biện pháp tu từ điệp cấu trúc: Thể hiện lòng biết ơn...

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh, làm rõ những biểu hiện, phẩm chất của lòng biết ơn và những giá trị đạt được khi chúng ta thể hiện lòng biết ơn với mọi người.

+ Tăng tính biểu cảm, tạo nhịp điệu cho câu văn.

Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan điểm của tác giả: Lòng biết ơn vừa là tâm trạng vừa là cách sống? Vì sao?

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Bày tỏ quan điểm: có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần.

- Lí giải thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Ví dụ lí giải trong trường hợp đồng tình:

- Biết ơn là thái độ trân trọng, cảm kích, cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác.

- Biết ơn còn là luôn mong muốn đền đáp trước những việc tốt đẹp mà người khác làm cho mình.

PHẦN II – LÀM VĂN (4 điểm)

Câu 1: Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống.

Phương pháp

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,...) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

Lời giải chi tiết

* Nêu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống.

* Phân tích, bàn luận:

- Biết ơn là thái độ cảm kích, trân trọng trước những điều tốt đẹp mà người khác làm cho mình...là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa đến nay.

- Lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta có những suy nghĩ và hành động đúng đắn; giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp như: sống sẻ chia, có ích, nhân ái...từ đó được người khác yêu mến, kính trọng; lan tỏa những thông điệp tích cực đến với mọi người, giúp xã hội trở nên tốt đẹp và nhân văn hơn ....

* Bàn luận mở rộng.

Câu 2. Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người phụ nữ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về giá trị nhân đạo được tác giả Kim Lân thể hiện trong đoạn văn.

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.

Lời giải chi tiết:

(*)Yêu cầu về hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

(*) Yêu cầu về nội dung:

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt.

- Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người phụ nữ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về giá trị giá trị nhân đạo được tác giả Kim Lân thể hiện trong đoạn văn.

b) Thân bài:

* Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người phụ nữ: Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Khái quát về nhân vật người phụ nữ (nhân vật thị):

+ Thị không có tên tuổi, không rõ quê hương, lai lịch, điều này góp phần làm nổi bật thân phận rẻ rúng, bèo bọt của con người trong nạn đói 1945.

+ Ngoại hình của thị tiều tụy, nhếch nhác thảm hại: thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

- Diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật người phụ nữ:

+ Khi gặp lại Tràng từ thái độ, hành động cho đến lời nói của Thị trơ trẽn, đanh đá. Toàn bộ lời thoại của thị tập trung ở từ ăn, cùng với dáng điệu của đôi mắt, lời từ chối ăn giầu và cả những hành động không chút ý tứ và khi ăn một chặp bốn bát bánh đúc. Hành động này của thị cho thấy, khi con người bị dồn đẩy vào bước đường cùng, đứng bên bờ vực của nạn đói và cái chết, người ta phải gạt sang một bên danh dự của một con người và trở nên gai góc để được ăn, được sống.

+ Theo không người đàn ông xa lạ về làm vợ: Hoàn cảnh xô đẩy khiến thị đánh mất lòng tự trọng, chỉ cần bốn bát bánh đúc cùng một vài câu đùa tầm phào, đã chấp nhận làm vợ nhặt, chấp nhận theo không, về làm vợ một người đàn ông xa lạ, xấu xí, ngờ nghệch, nhằm chạy trốn cái đói, cái chết.

→ Hành động vòi ăn và theo không Tràng về làm vợ của nhân vật người phụ nữa nhìn từ bề ngoài là hành động làm mất hết nữ tính, lòng tự trọng, khó chấp nhận được nhưng nhìn sâu vào bản chất lại là biểu hiện của khát vọng sống, của mong muốn vượt qua được những tháng ngày đói khát.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật người phụ nữ: đặt nhân vật vào tình huống truyện đầy éo le, độc đáo; nghệ thuật kể chuyện sinh động, hấp dẫn; nghệ thuật xây dựng nhân vật chân thực, sống động; sử dụng ngôn ngữ đối thoại mộc mạc, giản dị, có chọn lọc để thể hiện tâm lí, tính cách nhân vật một cách sắc sảo, tinh tế.

* Nhận xét về giá trị nhân đạo thể hiện trong đoạn trích:

Biến câu chuyện ngày đói thành khúc ca chiến thắng của tình người, Kim Lân thể hiện thái độ thương xót đối với cuộc đời những con người bất hạnh, nâng niu vẻ đẹp khuất lấp của người lao động, đồng thời thể hiện sự tôn trọng trước khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người.

c. Kết bài:

Khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close