Cảm nghĩ khi đọc bài Về thăm cố hương trích trong tác phẩm Thượng kinh kí sự của Lãn ông Lê Hữu Trác.

"Thăm lại cố hương" được viết theo dòng chảy thời gian và nỗi niềm tâm trạng của khách li hương sau ba mươi năm trở lại quê nhà. Người xưa đã vắng bóng, cảnh cũ đã đổi thay. Kỉ niệm tuổi thơ sống dậy man mác bồi hồi. Một nỗi buồn mênh mang thấm sâu vào từng trang kí sự.

Quảng cáo

    Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) là vị danh y của Đại Việt ở thế kỉ XVIII. Ông để lại bộ "Y tông tâm lĩnh" gồm 66 quyển nói về các bài thuốc và kinh nghiệm chữa bệnh cứu người, riêng quyển cuối cùng là một tác phẩm văn học rất đặc sắc mang tựa đề "Thượng kinh kí sự".

   Bài "Thăm cố hương" nằm ở vị trí gần cuối tập kí sự. Sau ba mươi năm trời xa cách mới được trở về thăm quê cha, đứa con li hương bồi hồi xúc động khi lặp lại cảnh cũ người xưa. Một số bài thơ viết theo thể ngũ ngôn xen vào làm cho bài kí sự thêm hồi hồi xúc động.

    Đoạn thứ nhất ghi lại một vài cảnh vật và tâm trạng của người lữ khách trên đường trở lại thăm cố hương. Đó là đoạn đường từ Bát Tràng đến Liêu Xá. Một ấn tượng rất đẹp về làng gốm bên tả ngạn sông Hồng: "Hai bên đường, làng mạc sầm uất, đình chùa mái ngói đỏ san sát; hàng quán bún rượu, bún nước liền nhau", vốn là một nhà thơ lại mang tâm trạng buồn nhớ cố hương, nên Lãn Ông “đi rồi lại dừng", bâng khuâng ngắm nhìn cảnh vật, ung dung "chống gậy dạo chơi". Cái cầu gạch là hình bóng đầu tiên của quê hương mà ông nhận ra sau những năm dài li biệt, xa cách. Tác giả kết hợp miêu tả với biểu cảm, tạo nên giọng văn nhẹ nhàng diễn tả một cách tinh tế những rung động tâm hồn của khách cố lí tha hương.

    Đoạn thứ hai nói lên những cảm xúc của đứa con xa quê nay gặp lại ngôi nhà của người cha thân yêu đã quá cố, gặp lại người chị dâu "đã ngoài bảy mươi, tóc bạc như tơ". Lê Hữu Trác dòng dõi quý tộc, thân phụ của ông là đại quan dưới thời Lê Trịnh; anh trai của ông làm quan Thự trấn Lạng Sơn. Trở về cố hương, ông được vào nghỉ ở dinh cũ của tiên phụ. Chị dâu gặp lại người em chồng sau những năm dài xa cách "mừng mừng tủi tủi, sụt sùi nói chuyện". Người em chồng thì vô cùng cảm động "sống trong cảnh lữ thứ buồn rầu khôn xiết".

   Biển dâu biến đổi, nhà cũ ngày xưa tráng lệ thế mà nay chỉ còn lại "móng nhà cũ" và một ít gạch ngói giữa vườn cau. Đứa con li hương "dạo chơi trong vườn", lần tìm dấu vết, bâng khuâng ngắm nhìn, thầm thì trong lòng: "Đây là phòng ngủ của thầy tôi ngày trước. Vườn cau này, xưa là nhà khách, nhà sảnh. Đằng sau là nhà trong. Bên trái là nhà bếp, bên phải là nhà học"... Trước cảnh vật tang thương, khách li hương buồn khôn xiết kể "băn khoăn suy nghĩ". Người thân yêu đã mất, cảnh vật tiêu điều, thời gian như nước chảy qua cầu, mái tóc đã bạc,... khách xa quê lâu ngày trở lại thăm cố hương sao không khỏi "băn khoăn suy nghĩ" về lẽ phế hưng của cuộc đời.

   Đoạn văn này, tác giả chỉ nhắc và gợi tả một vài nét nhưng dào dạt cảm xúc về tình cố hương. Đó là tình cảm sâu nặng, thuỷ chung đối với quê cha đất tổ.

   Đoạn thứ ba tiếp theo: trong tâm trạng "thử li", tác giả "càng thêm buồn", trước sự biến đổi, "càng dùng dằng không nỡ rời chân" khu vườn với bao di tích thương yêu. Đứa con li hương "sau một cái lễ cáo yết nhà thờ", đi thăm mộ và lễ ở nhà thờ họ, lễ các vị thần linh ở miếu làng. Mỗi việc làm là một nét đẹp thuần phong mĩ tục, thể hiện tình nghĩa đậm đà, thuỷ chung đối với cố hương.

   Được gặp lại bà con, anh em họ hàng, Lê Hữu Trác hoặc tặng tiền, hoặc mời uống rượu và cùng ngồi nói chuyện, nhưng trong mấy chục người, ông "chỉ biết mặt có vài người", "có người phải nói đến tên cúng cơm của cha ông, nói đến quan hệ họ hàng thân thuộc như thế nào", ông mới nhận ra, rồi "bỗng khóc òa lên". Đó là những bi kịch của những khách li hương "khi đi trẻ, lúc về già..." như Hạ Tri Chương - nhà thơ đời Đường đã nhắc đến trong bài thơ "Hồi hương ngẫu thư" mà nhiều người đã biết.

   Là một thầy thuốc giỏi mà lại có tài thơ văn, trong cảnh sum họp với bà con, anh em họ hàng, ông đã "cảm hứng" làm một bài thơ ngụ ngôn diễn tả tình cố hương dào dạt: "Chợt về thăm lại cố hương - Bỗng dưng trăm nỗi ngổn ngang bời bời". Qua đó, ta càng thâm thía về tình cố hương, một trong những tình cảm đẹp nhất, thắm thiết nhất của con người Việt Nam chúng ta.

   Đoạn thứ tư nói về cái cầu làng và những kỉ niệm đẹp về thời thơ ấu. Khi mọi công việc đã xong, Lê Hữu Trác đã rủ mấy công tử là em họ ra chơi thăm lại cầu làng. Như được gặp lại một người bạn nhỏ xưa. Đó là cái cầu nối hai bờ ngòi nhỏ hình trái bầu. Trên mặt cầu dựng một cái nhà ngói, hai bên bắc ván, đóng bao lớn . Trên cầu có đàn bà trong làng ngồi bán nước chè, bán rượu, bánh trái, nem chả. Những kỉ niệm thời bé thơ ngồi chơi trên cầu, những đêm mùa hạ tắm mát, hụp lặn, nhớ người anh trai... Khách li hương cảm thấy câu nói của người anh trai như một câu sấm ngữ linh nghiệm, nhất là đối với kẻ "phiêu bạt giang hồ" như mình. Quá xúc động, ông lại ngâm một bài thơ:

... "Lá vàng mấy độ bay dồn,

Trở về, trông thấy sóng còn trắng phau.

Cầu ngang in cũ quanh queo,

Cây xưa bóng vẫn đứng nao tà tà.”

   Rồi cùng các công tử đi thăm chùa Tử Vân, ngắm hồ sen "hương thơm ngào ngạt", dắt nhau lên gác chuông ngắm cảnh. Chiêm nghiệm về cuộc đời và lẽ xuất xứ xưa nay", ông nói với những người anh em cũng như tự nhắc khẽ lòng mình: "Phàm người ở ẩn thì giữ được đạo, ra đời thì cứu được dân, mới là hạng người có sự nghiệp... Kẻ đi xa, ai không khỏi buồn khi nhớ quê nhà. Huống nữa, cái vui nơi quê cha đất tổ, đến nay đã muộn rồi"...

   Lê Hữu Trác ngâm bài thơ vịnh hồ sen và chùa Tử Vân. Lần theo tiếng chuông lanh lảnh ngân vang, ông đến thăm chùa Liêu Xuyên, thăm sư cụ Đàm Hoa trong niềm vui hội ngộ "mừng rỡ khôn xiết", vừa đàm đạo vừa uống trà. Nhà sư ca ngợi khách li hương thoát vòng danh lợi, được “cao ngạo ở một nơi nước trong núi mát, cảnh trí u nhàn, vượn hạc đi từng đàn, khói mây đầy cả của"... Khách xa quê tâm đắc bày tỏ về cái chí thanh nhàn của mình: "Người gặp được cảnh nên người vẻ vang, cảnh gặp được người nên canh cùng thú". Người vẻ vang thì được thiên nhiên nâng đỡ tâm hồn. Cảnh càng thú vì cảnh gặp người, được người trân trọng thương yêu mà trở nên hữu tình. Lê Hữu Trác không chỉ nói lên tình cố hương mà còn muốn bày tỏ tâm hồn thanh cao, tình yêu thiên nhiên tạo vật, ưa nhàn xa lánh bụi trần.

   Khi mặt trời sắp lặn, trước cảnh hoa cỏ u nhàn nơi thôn dã, ông viết bài thơ ngũ ngôn ở phòng thiền để lưu biệt. Đó là bài thơ thứ tư ông cảm hứng về cố hương.

   "Thăm lại cổ hương" được viết theo dòng chảy thời gian và nỗi niềm tâm trạng của khách li hương sau ba mươi năm trở lại quê nhà. Người xưa đã vắng bóng, cảnh cũ đã đổi thay. Kỉ niệm tuổi thơ sống dậy man mác bồi hồi. Một nỗi buồn mênh mang thấm sâu vào từng trang kí sự. Bốn bài thơ ngũ ngôn đã cho thấy tình cố hương thắm thiết biết bao. Cách viết của Lãn Ông rất thâm hậu, vui buồn thấm thía làm nao lòng người. Mỗi câu văn, mỗi bài thơ là cả những tiếng lòng trang trải.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

2K7 tham gia ngay group để nhận thông tin thi cử, tài liệu miễn phí, trao đổi học tập nhé!

close