Thánh nhân đãi kẻ khù khờ

Con người thường ca ngợi những kẻ khôn ngoan mà chê bai người khù khờ. Song, người kém tinh ranh lại là người rất lương thiện và không bao giờ đi tranh giành với người khác. Vì vậy, những người biết tu tâm đôi khi lại may mắn đạt được kết quả ngoài khả năng. Còn những người luôn cố gắng tranh giành mọi thứ về mình, khôn ranh, tính toán thì chắc chắn kết quả sẽ nhanh chóng vụt mất khỏi tầm tay. 

Giải thích thêm
  • Thánh nhân: người được tôn bậc thánh, ý chỉ người giỏi
  • Đãi: mời ăn uống hoặc cho tiền, đồ dùng một cách ít nhiều đặc biệt, để tỏ tình cảm tốt với ai
  • Khù khờ: tỏ ra khờ và chậm

Đọc thêm Câu chuyện dưới đây để hiểu thêm về câu tục ngữ Thánh nhân đãi kẻ khù khờ

Cây khế - Sự tích ăn khế trả vàng

Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm để lại hai anh em nương tựa vào nhau. Người anh bản tính tham lam, ích kỷ còn người em thì lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn. Khi 2 anh em lập gia đình, người anh muốn chia tài sản và ra ở riêng. Người anh tham lam lấy hết tất cả nhà cửa ruộng vườn, chỉ để lại cho vợ chồng người em một túp lều lụp xụp, trước nhà có 1 cây khế ngọt.

Người em không một lời ca thán, 2 vợ chồng dựng 1 túp lều nhỏ trên mảnh đất ấy và hết lòng chăm sóc cho cây khế. Cũng kể từ đó người anh không lui tới nhà người em nữa. Cây khế năm đó rất sai trái, quả nào quả nấy mọng nước và vàng ruộm. Người em phấn khởi chờ đến ngày đem khế đi bán để lấy tiền đong gạo.

Nhưng có một hôm, có một con chim lạ rất to bay tới ăn khế. Thấy chim ăn khế, người em bèn cầm một cây gậy đuổi đi, người em nói:

- Chim ơi chim, vợ chồng ta chỉ có một cây khế là tài sản. Chim ăn hết khế của ta rồi ta biết lấy gì mà sống?

Bỗng nhiên con chim lạ lên tiếng trả lời:

Ăn một quả,

Trả cục vàng,

May túi ba gang,

Mang đi mà đựng.

Hai vợ chồng người em nghe chim nói tiếng người thì thấy vô cùng kỳ lạ, nhưng người chồng vẫn bảo vợ may một chiếc túi ba gang như chim nói.

Ngày hôm sau, chim lại đến ăn khế, ăn xong chim bảo người em lên lưng và cõng bay đi. Chim cõng người em bay rất xa, bay qua một ngọn núi, bay qua một vùng biển rộng. Cuối cùng chim đáp xuống một hòn đảo hoang. Trên hòn đảo đầy châu báu, vàng bạc. Người em nghe theo lời chim lấy đủ số vàng bạc, châu báu đựng trong chiếc túi 3 gang rồi lên lưng chim bay trở về.

Từ đó trở đi, gia đình người em trở nên giàu có. Tiền bạc có nhiều, ăn không hết người em lấy ra để giúp đỡ những người nghèo trong làng. Cả làng ai cũng yêu quý người em. Thông tin nhà người em trở nên giàu có tới tai người anh. Người anh bèn tới hỏi thăm thì được người em kể tường tận câu chuyện chim ăn khế trả vàng. Nghe xong, lòng tham trong người anh nổi lên, anh ta bèn đòi đổi toàn bộ tài sản của mình để lấy mảnh vườn và cây khế của người em. Chiều lòng anh, người em đồng ý.

Từ đó, gia đình người anh sống tại túp lều trên mảnh vườn nhỏ và trông đợi vào cây khế.

Một hôm, chim lạ lại bay đến ăn khế, vợ chồng người anh giả nghèo giả khổ than khóc, chim lạ bèn trả lời:

Ăn một quả,

Trả cục vàng,

May túi ba gang,

Mang đi mà đựng.

Người anh mừng quá, giục vợ may túi nhưng không phải 3 gang mà là 12 gang để chờ chim tới đưa đi lấy vàng.

Hôm sau, chim thần tới chở người anh ra đảo hoang lấy vàng. Trên hòn đảo nhiều vàng bạc, châu báu làm hoa mắt người anh. Anh ta tham lam lấy vàng nhét đầy túi 12 gang, không những thế còn cố gắng lấy thêm vàng nhét vào người. Chim thần giục mãi anh ta mới chịu lên lưng chim để trở về.

Chim bay được giữa đường, càng bay càng thấy nặng, chim bảo người anh vất bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh không chịu nghe. Chim dần đuối sức, bay đến giữa biển, vì quá nặng chim lảo đảo, nghiêng cánh khiến người anh cùng tất cả chỗ vàng rơi xuống biển sâu và bị sóng cuốn đi mất. Chim bay đi còn người anh tham lam ôm túi vàng chìm sâu xuống dưới biển.

Phân tích mối liên hệ với câu tục ngữ Thánh nhân đãi kẻ khù khờ

Chúng ta có thể thấy, người em trong câu chuyện là một người hiền lành, không tính toán. Người em chấp nhận nhường hết tài sản cha mẹ để lại cho anh, chỉ ở trong túp lều lụp xụp và chăm chỉ chăm sóc cây khế. Nhờ sự hiền lành, chăm chỉ đó mà người em đã nhận được một "món quà lớn" từ chim thần. Ngược lại, người anh vì tham lam, xảo quyệt mà đã phải nhận bài học đắt giá.

Quảng cáo
close