Giải VBT ngữ văn 9 bài Xưng hô trong hội thoạiGiải bài tập 1, 2, 3, 4, 5, 6 Xưng hô trong hội thoại trang 20 VBT ngữ văn 9 tập 1. Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Câu 1 Câu 1 (trang 20 VBT Ngữ văn 9, tập 1) Có lần, một giáo sư Việt Nam nhận được thư mời dự đám cưới của một nữ học viên châu Âu đang học tiếng Việt. Trong thư có dòng chữ: Ngày mai, chúng ta làm lễ thành hôn, mời thầy đến dự. Lời mời trên có sự nhầm lẫn trong cách dùng từ như thế nào? Vì sao có sự nhầm lẫn đó? Phương pháp giải: Cần phân biệt giữa "chúng tôi", và "chúng ta" trong Tiếng Việt. Có sự nhầm lẫn vì đã không hiểu được sắc thái khác nhau đó. Lời giải chi tiết: - Ngôn ngữ châu Âu có từ xưng là 1 từ để chỉ số phức (như “we” trong tiếng Anh) nên có thể dịch sang tiếng Việt là chúng tôi hoặc chúng ta tùy thuộc vào tình huống. - Do ảnh hưởng của thói quen trong tiếng mẹ đẻ nên cô học viên có sự nhầm lẫn, làm cho ta có thể hiểu lễ thành hôn là của cô học viên và vị giáo sư Việt Nam. Câu 2 Câu 2 (trang 20 VBT Ngữ văn 9, tập 1) Trong các văn bản khoa học, nhiều khi tác giả của văn bản chỉ là một người nhưng vẫn xưng chúng tôi chứ không xưng tôi. Giải thích vì sao? Phương pháp giải: Hãy suy nghĩ về tính chất khách quan, sự khiêm tốn và tính chất kế thừa trong nghiên cứu. Lời giải chi tiết: - Việc dùng chúng tôi thay cho tôi trong các văn bản khoa học nhằm tăng thêm tính khách quan cho những luận điểm khoa học trong văn bản. - Thể hiện sự khiêm tốn của tác giả. Câu 3 Câu 3 (trang 20 VBT Ngữ văn 9, tập 1) Đọc đoạn trích (trang 40 SGK Ngữ văn 9 - tập 1) Phân tích từ xưng hô mà cậu bé dùng để nói với mẹ mình và nói với sứ giả. Cách xưng hô như vậy nhằm thể hiện điều gì?
Phương pháp giải: Chú ý: một em bé mà xưng "ta" với sứ giả (thông thường thì xưng "cháu", "em", "con"...) Lời giải chi tiết: - Đứa bé gọi mẹ của mình theo cách gọi thông thường. - Nhưng xưng hô với sứ giả thì sử dụng những từ ta - ông. Cách xưng hô như vậy cho thấy Thánh Gióng là một đứa bé khác thường. - Mặt khác, điều đó báo trước, đối với người mẹ, Gióng chỉ là một đứa trẻ, nhưng đối với quốc gia, xã hội, Gióng sẽ là một người anh hùng. Câu 4 Câu 4 (trang 20 VBT Ngữ văn 9, tập 1) Đọc đoạn trích (trang 40 SGK Ngữ văn 9 - tập 1) Phân tích cách dùng từ xưng hô và thái độ của người nói trong câu chuyện. Phương pháp giải: - Vị tướng gọi thầy, tự xưng là gì? - Thầy giáo hoảng hốt gọi vị tướng là gì? - Vị tướng có thay đổi cách xưng hô không? - Vì sao vị tướng lại xưng hô như vậy? Lời giải chi tiết: - Vị tướng gọi thầy cũ của mình là thầy và xưng là em. - Cách xưng hô đó thể hiện thái độ kính cẩn và lòng biết ơn của vị tướng đối với thầy giáo của mình. Câu 5 Câu 5 (trang 21 VBT Ngữ văn 9, tập 1) Đọc đoạn trích (trang 40 SGK Ngữ văn 9 - tập 1) Phân tích tác động của việc dùng từ xưng hô trong câu nói của Bác. Phương pháp giải: Cần suy nghĩ về gợi ý trong SGK, sự hưởng ứng của dân chúng và nhận xét của người chứng kiến. Lời giải chi tiết: Bác xưng là “tôi" và gọi dân chúng là đồng bào tạo cho người nghe cảm giác gần gũi, thân thiết với người nói, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa lãnh tụ và nhân dân trong một đất nước dân chủ. Câu 6 Câu 6 (trang 21 VBT Ngữ văn 9, tập 1) Đọc đoạn trích (trang 41 SGK Ngữ văn 9 - tập 1) Các từ ngữ xưng hô trong đoạn trích trên được ai dùng và dùng với ai? Phân tích vị thế xã hội, thái độ, tính cách của từng nhân vật qua ách xưng hô của họ. Nhận xét sự thay đổi cách xưng hô của chị Dậu và giải thích lí do của sự thay đổi đó. Phương pháp giải: Câu hỏi có 3 ý: Một là xác định nhân vật tham gia hội thoại. Hai là xác định vị thế xã hội, thái độ, tính cách qua cách xưng hô. Ba là giải thích lí do của sự thay đổi. Có thể xem bài học Tức nước vỡ bờ ở lớp 8 để làm tốt câu hỏi này. Lời giải chi tiết: - Các từ ngữ xưng hô trong đoạn trích này là của một kẻ có vị thế, quyền lực (cai lệ) và một người dân bị áp bức (chị Dậu). - Cách xưng hô của cai lệ thể hiện sự trịch thượng, hống hách. - Còn cách xưng hô của chị Dậu ban đầu hạ mình, nhẫn nhục (nhà cháu - ông), nhưng sau đó thay đổi hoàn toàn: tôi - ông, rồi bà - mày. Sự thay đổi cách xưng hô đó thể hiện sự thay đổi thái độ và hành vi ứng xử của nhân vật. Nó thể hiện sự phản kháng quyết liệt của con người khi bị dồn đến bước đường cùng. Loigiaihay.com
Quảng cáo
|