Kể chuyện: Lớp trưởng lớp tôi trang 112 SGK Tiếng Việt 5 tập 2Giải câu 1, 2, 3 Kể chuyện: Lớp trưởng lớp tôi trang 112 SGK Tiếng Việt 5 tập 2. Câu 3. Thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện và bài học mà mỗi em tự rút ra sau khi nghe câu chuyện Lớp trưởng của tôi Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Câu 1
Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ, kể lại từng đoạn câu chuyện. Phương pháp giải: Con quát sát từng bức tranh thật kĩ xem có những nhân vật nào xuất hiện, họ đang làm gì để đoán biết được nội dung. Lời giải chi tiết: Tranh 1: Vân được bầu làm lớp trưởng, mấy bạn trai trong lớp bình luận sôi nổi. Các bạn cho rằng Vân thấp bé, ít nói, học không giỏi, chẳng xứng đáng làm lớp trưởng. Tranh 2: Không ngờ, trong giờ trả bài kiểm tra môn Địa lí, Vân đạt điểm 10. Trong khi đó, bạn nam coi thường Vân học không giỏi lại chỉ được có 5 điểm Tranh 3: Quốc hốt hoảng vì đến phiên mình trực nhật mà lại ngủ quên. Nhưng vào lớp đã thấy lớp sạch bong, bàn ghế ngay ngắn. Thì ra lớp trưởng Vân đã làm giúp. Quốc thở phào nhẹ nhõm, biết ơn Vân. Tranh 4: Vân có sáng kiến mua kem về “bồi dưỡng” cho các bạn đang lao động giữa buổi chiều nắng, Quốc tấm tắc khen lớp trưởng, cho rằng lớp trưởng rất tâm lí. Tranh 5: Các bạn nam bây giờ rất phục Vân, tự hào về Vân – một lớp trưởng nữ không chỉ học giỏi mà còn gương mẫu, xốc vác trong mọi công việc của lớp. Câu 2
Kể lại câu chuyện theo lời của một nhân vật (Quốc, Lâm hoặc Vân). Phương pháp giải: Con dựa vào nội dung các bức tranh đã tóm tắt ở câu 1 để kể lại. Lời giải chi tiết: Vân được bầu làm lớp trưởng. Cuối giờ học, tụi con trai chúng tôi kéo nhau ra một góc, bình luận sôi nổi. Lâm “voi" nói tướng lên: - Lớp trưởng gì mà vừa gầy vừa thấp bé, chả có dáng tí nào... Quốc “lém” lên tiếng: - Lớp trưởng phải mồm mép, nhanh nhảu. Cái Vân cạy răng chẳng nói nửa lời, có mà chỉ huy người... câm. Riêng tôi, tôi quan niệm lớp trưởng phải học giỏi. Vân chỉ được cái chăm chỉ, chứ học chả hơn tôi. Giờ Địa hôm qua, cô giáo trả bài kiểm tra. Cái Vân được điểm mười, bài của tôi chỉ được năm, lí do là khi điền bản đồ, tôi đã “sơ tán” Hà Tây, Hoà Bình lên tận biên giới phía Bắc. Vân làm lớp trưởng hôm trước thì hôm sau đã có nhiều chuyện đáng nhớ. Trống xếp hàng được một lúc, Quốc mới hớt hải từ đâu chạy đến, miệng lắp bắp: - Chết, chết tớ rồi. Hôm nay đến phiên trực nhật, tớ, tớ lại ngủ quên. Cả bọn hoảng quá. Lớp tôi vừa đăng kí thi đua. Nhưng vào lớp, chúng tôi rất ngạc nhiên: lớp sạch như lau, bàn ghế ngay ngắn, bảng đen rành rành một dòng chữ con gái tròn trặn, nắn nót: ”Thứ ba, ngày 27 tháng 8 năm 1984" Nét chữ của Vân! Lâm trố mắt nhìn, còn Quốc và tôi thì thở phào... Buổi chiều, chúng tôi đi lao động. Nắng như thiêu. Đứa nào đứa nấy mồ hôi đẫm lưng, cổ khát khô. Bỗng Lâm kêu toáng lên: - Kem! Kem! Các cậu ơi! Bọn con trai chúng tôi ùa tới, vây quanh phích kem. Vân mồ hôi nhề nhại, đang nhanh nhẹn chia kem cho mọi người. Quốc vừa ăn vừa tấm tắc: - Lớp trưởng “tâm lí” quá! À, bạn lấy phích kem ở đâu ra thế? - Bà hàng kem cho mượn cả phích đấy. Còn tiền là của chi đội làm lao động hè... Bây giờ, có ai hỏi về lớp trưởng lớp tôi, tôi sẽ tự hào nói: “Vân không chỉ học chăm mà còn học rất giỏi.” Hỏi Lâm, chắc nó sẽ oang oang: “Vân là con gái, nhỏ người thật nhưng xốc vác lắm đấy”. Và chẳng phải hỏi, Quốc cũng sẽ khoe ngay: “Vân củ mỉ cù mì mà giỏi đáo để, bọn con trai chúng tớ ai cũng phải nể phục.” (Theo Lương Tố Nga) Câu 3
Thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện và bài học mà mỗi em tự rút ra sau khi nghe câu chuyện. Phương pháp giải: Con thấy được điều gì từ nhân vật lớp trưởng Vân trong truyện? Lời giải chi tiết: Ý nghĩa của câu chuyện Lớp trưởng lớp tôi: Khen ngợi một bạn lớp trưởng nữ vừa giỏi lại vừa chu đáo, xốc vác trong công việc của lớp khiến các bạn nam ai cũng phải nể phục. Từ đó cho thấy phái nữ không phải lúc nào cũng yếu đuối như mọi người vẫn nghĩ. Điều mà em tự rút ra được sau câu chuyện đó là: Không nên coi thường các bạn nữ; các bạn nữ cũng rất giỏi giang và có khả năng trong rất nhiều công việc. Nam nữ đều bình đẳng và ai cũng đều có khả năng như nhau.
Quảng cáo
|