Giải Bài tập tiếng Việt trang 20 sách bài tập Ngữ văn 9 - Cánh diều

(Bài tập 1, SGK) Xác định biện pháp tu từ chơi chữ trong những câu dưới đây. Chỉ rõ lối chơi chữ trong mỗi câu và tác dụng của chúng.

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 20 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Bài tập 1, SGK) Xác định biện pháp tu từ chơi chữ trong những câu dưới đây. Chỉ rõ lối chơi chữ trong mỗi câu và tác dụng của chúng.

Bán rượu, bán chè, không bán nước.

Buôn trăm, buôn chục, chẳng buôn quan.

(Câu đối)

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

(Nguyễn Du)

Ngọt thơm sau lớp vỏ gai,

Quả ngon lớn mãi cho ai đẹp lòng.

Mời cô mời bác ăn cùng,

Sầu riêng mà hóa vui chung trăm nhà.

(Phạm Hổ)

Phương pháp giải:

Xem lại cách hiểu về lối chơi chữ, dựa vào cách hiểu đó, lần lượt xác định biện pháp tu từ chơi chữ trong những câu đã cho, chỉ ra lối chơi chữ trong mỗi câu

Lời giải chi tiết:

a)

- Lối chơi chữ sử dụng từ đồng âm: nước 1 (chỉ đồ uống) với nước 2 (chỉ quê hương, đất nước); quan 1 chỉ đơn vị tiền tệ cũ thời phong kiến, đồng âm với quan 2 – chỉ viên chức có quyền hành trong bộ máy nhà nước phong kiến, thực dân.

- Tác dụng: tạo ra cách hiểu nước đôi, ngầm thể hiện sự chính trực của chủ quán, đồng thời chỉ trích những kẻ bán nước, buôn quan bán tước: quán hàng chỉ bán đồ uống chứ không bán nước – Tổ quốc.

b)

- Lối chơi chữ: Mối quan hệ không hoàn toàn tích cực giữa "tài" (năng khiếu, tài năng) và "tai" (tai nạn, rủi ro). Hai từ này có cùng âm vần nhưng ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau.

- Tác dụng: câu thơ hay hơn, muốn ám chỉ những người có tài thường gặp tai họa ( tài đi đôi với tai ).

c)

- Lối chơi chữ của đoạn thơ trên là dùng từ ngữ đồng âm:

+ Sầu riêng - danh từ - chỉ một loại trái cây ở Nam Bộ.

+ Sầu riêng - tính từ - chỉ sự phiền muộn riêng tư của con người.

- Tác dụng: gợi nhiều liên tưởng cho người đọc.

Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 21 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Giải những câu đố dưới đây và chỉ rõ lối chơi chữ được sử dụng trong mỗi câu:

a) Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn.

b) Trên trời rơi xuống mà lại mau co.

c)

Trùng trục như con chó thui

Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu.

Phương pháp giải:

Xem lại cách hiểu về lối chơi chữ, dựa vào hiện tượng nói lái, hiện tượng đồng âm và dựa vào cách hiểu đó để giải các câu đố, chỉ ra lối chơi chữ trong mỗi câu. 

Lời giải chi tiết:

a.  Đáp án là con ngựa

Hiện tượng chơi chữ nói lái: cưa ngọn -> con ngựa

b. Đáp án là mo cau

Hiện tượng chơi chữ nói lái:  mau co  -> mo cau

c. Đáp án là con chó thui

Hiện tượng chơi chữ đồng âm: Từ chín có nghĩa là thức ăn được nấu nướng kỹ đến mức ăn được chứ không phải là số 9 - số tự nhiên tiếp theo số 8.

Câu 3

Trả lời câu hỏi 3 trang 21 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Trong một truyện vui dân gian, nhân vật Trạng Quỳnh đã chơi chữ (đố chữ) bằng cách viết hai chữ “ĐẠI PHONG” dán trên một cái lọ (bên trong là tương). Trạng Quỳnh đã giải thích cách chơi chữ của mình như sau: “Đại phong là gió to, gió to khiến chùa đổ, chùa đổ khiến tượng lo, tượng lo là lọ tương.”. Theo em, cách chơi chữ của Trạng Quỳnh dựa trên những mối quan hệ nào giữa các từ ngữ?   

Phương pháp giải:

Xem lại kiến thức về biện pháp tu từ chơi chữ, thực hiện các yêu cầu

Lời giải chi tiết:

Dựa vào sự giải thích của nhân vật Trạng Quỳnh về cách chơi chữ để xác định mối quan hệ giữa các từ ngữ. Ví dụ, quan hệ giữa đại phonggió to là quan hệ đồng nghĩa, quan hệ giữa gió tochùa đổ là quan hệ nguyên nhân – kết quả,...

Câu 4

Trả lời câu hỏi 4 trang 21 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Bài tập 4, SGK) Tìm các biện pháp tu từ điệp thanh, điệp vần trong những câu dưới đây. Chỉ ra tác dụng của chúng.

a)

Đoạn trường thay lúc phân kì,

Vỏ câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.

(Nguyễn Du)

b)

Tài cao phận thấp chí khí uất,

Giang hồ mê chơi quên quê hương.

(Tản Đà)

c)

Bác đi... Di chúc giục lòng ta

Cho cả muôn đời một khúc ca

(Tố Hữu)

d)

Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan

Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

(Tố Hữu)

Phương pháp giải:

Xem lại kiến thức về biện pháp tu từ chơi chữ, thực hiện các yêu cầu

Lời giải chi tiết:

a) Trong hai câu thơ Truyện Kiều, tác giả dùng hai từ láy: khấp khểnh, gập ghềnh.

- Ở mỗi từ láy, có điệp âm đầu (kh - kh, g - gh) và chuyển đổi vần âp - ênh.

- Hai từ láy điệp vần âp – ênh.

-> Tác dụng: tạo ra hình ảnh con đường mấp mô, vó ngựa và bánh xe luôn luôn ở trạng thái chuyển động khó khăn, xóc nảy, trục trặc. Đồng thời cũng gián tiếp bộc lộ tâm trạng đau khổ, bất an của nàng Kiều lúc phải li biệt với gia đình để bán mình cho Mã Giám Sinh.

b)

- Điệp thanh trắc: Thấp chí khí uất

-> Tác dụng: Gợi cảm giác về sự uất ức của một người tài cao.

- Điệp thanh bằng: giang hồ mê chơi quên quê hương.

-> Tác dụng: Gợi cảm giác thanh bình của làng quê trong tâm trí của người giang hồ.

c)

- Điệp vần “i" (đi, di), “a" (ta, cả, ca)

-> Tác Dụng: Câu thơ chủ yếu tạo ra sự tôn kính, thể hiện sự xót thương

d)

- Gieo vần "an" và điệp vần "ương" (đường - dương - sương), điệp vần "ăng" (trắng - nắng).

-> Sử dụng chủ yếu là vần bằng (Hai câu thơ mười bốn chữ có tới mười thanh bằng) nhưng không gợi cảm giác buồn như vẫn thường có mà kết hợp với các thanh trắc, cùng với những âm mở, khiến cho ta cảm nhận được niềm hân hoan trong cảm xúc của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên đẹp và mới lạ của nước bạn. Tiếng reo vui hân hoan cũng là một lời san sẻ với người mình yêu thương, với quê hương, đất nước mình.

Quảng cáo

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close