Đề kiểm tra học kì 2 lịch sử 10- Đề số 5 có lời giải chi tiếtĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 10 Quảng cáo
Đề bài ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2 MÔN LỊCH SỬ-LỚP 10 Câu 1. Từ nửa sau thế kỉ XVII, tình hình nông nghiệp nước ta có điểm gì nổi bật? A. khủng hoảng trầm trọng. B. phát triển vượt bậc. C. dần ổn định trở lại. D. suy yếu nghiệm trọng. Câu 2. Các chúa Nguyễn ở Đảng Trong đã thực hiện chính sách gì để mở rộng ruộng đồng? A. tăng cường xâm lược lãnh thổ. B. tiến hành chiến tranh với Đảng Ngoài. C. khuyến khích mua bán ruộng đất. D. khuyến khích nhân dân khai phá đất hoang. Câu 3. Các nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam trong thế kỉ XVI – XVIII bao gồm A. làm gốm sứ, dệt vải lụa, làm giấy, làm đồ trang sức. B. làm gốm sứ, dệt vải lụa, làm tranh sơn mài, làm đồ trang sức. C. làm đường trắng, làm gốm sử, dệt vải lụa, làm giấy. D. khắc in bản gỗ, dệt vải lụa, rèn sắt, đúc đồng. Câu 4. Ngành nào từ thế kỉ XVI đến XVIII trở thành ngành kinh tế phát triển ở cả Đàng Trong và Đảng Ngoài? A. đúc đồng. B. làm gốm sứ. C. khai mỏ. D. làm giấy. Câu 5. Thương nhân Hà Lan mỗi lần vào nước ta phải mua tơ xấu của chúa Trịnh đến hàng vạn lạng bạc, trong lúc đó “nợ cũ thì hầu như tuyệt vọng mà bọn quan lại thì ít khi trả tiền ngay, trong khi những việc này không đem trình lên chúa được nếu như không thông qua các bà phi dẫn đến tệ hà làm nặng nề”. Đoạn trích trên thể hiện điều gì về tình hình ngoại thương nước ta giữa thế kỉ XVIII? A. nguyên nhân đưa đến sự suy yếu của ngoại thương. B. sự khủng hoảng của chính quyền Đảng Ngoài. C. sự suy yếu của chính quyền Đảng Trong. D. sự phát triển của tệ tham những ở địa phương. Câu 6. Biểu hiện nào chứng tỏ buôn bán nước nước ta phát triển mạnh ở miền xuôi từ các thế kỉ XVI – XVII? A. nhiều phường hội được thành lập. B. chợ làng, chợ huyện, chợ phủ mọc lên khắp nơi. C. thương nhân nước ngoài đến buôn bán lâu dài. D. nhà nước đóng nhiều thuyển để thuận tiện buôn bán. Câu 7. Người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan đến nước ta để mang hàng hóa của họ đổi lấy những gì? A. vũ khí, thuốc súng, len dạ. B. tơ lụa, đường, nông sản quý. C. bạc, đồng, đồ sứ. D. vũ khí, len dạ, đồ sứ. Câu 8. Nhân tố nào tạo điều kiện cho sự hình thành và hưng khởi của các đô thị ở nước ta trong các thế kỉ XVI – XVIII? A. Chính sách cải cách của nhà nước. B. Nhiều thương nhân đến Việt Nam buôn bán. C. Những đô thị cũ trước đây được phục hồi. D. Sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Câu 9. Ý nào sau đây phản ánh không chính xác về đặc điểm của nông nghiệp nước ta cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI? A. Ruộng đất ngày càng tập trung vào tay tầng lớp địa chủ, quan lại B. Nhà nước không quan tâm nhiều đến sản xuất C. Thiên tai, hạn hán, mất mùa thường xuyên xảy ra D. Ở vùng đất mới Đàng Trong, nông nghiệp tương đối phát triển Câu 10. Điểm mới nào sau đây thể hiện sự phát triển của thương nghiệp ở nước ta từ thế kỉ XVI – XVIII? A. Xuất hiện các chợ họp theo phiên B. Xuất hiện một số làng buôn và trung tâm buôn bán của các vùng C. Thợ thủ công đem hàng đến các đô thị, cảng thị buôn bán D. Có sự giao lưu buôn bán với một số nước trong khu vực. Câu 11. Từ thế kỉ XVI đến XVIII, tôn giáo nào từng bước suy thoái khi tôn ti trật tự phong kiến không còn được tôn trọng như trước? A. Nho giáo B. Đạo giáo C. Phật giáo. D. Thiên chúa giáo. Câu 12. Một trong những tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của người Việt được phát huy ở các thế kỉ XVI đến XVIII là A. ăn trầu. B. trò chơi dân gian. C. tổ chức lễ hội. D. thờ cúng tổ tiên. Câu 13. Chữ viết nào được truyền bá vào nước ta thông qua quá trình truyền bá của Thiên Chúa Giáo từ thế kỉ XVII? A. chữ Phạn. B. chữ Sancrit. C. chữ Quốc ngữ. D. chứ tượng ý. Câu 14. Từ thời kì nào chữ Nôm trở thành chữ viết chính thống và văn thơ chữ Nôm được đưa vào nội dung thi cử? A. thời nhà Mạc. B. thời Lê sơ. C. thời Lê – Trịnh. D. thời vua Quang Trung. Câu 15. Giáo dục thi cử của nước ta ở các thế kỉ XVI đến XVIII có điểm hạn chế gì? A. các bộ môn khoa học tự nhiên không được đưa vào nội dung thi cử. B. các kì thi chọn nhân tài không còn được tổ chức nữa. C. số lượng đi thi và đỗ đạt trong các khoa thi ngày càng nhiều. D. phát triển thịnh đạt, có sự đổi mới về nội dung thi cử. Câu 16. Một trong những nội dung của các sáng tác văn học dân gian ở nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII là gì? A. Ca ngợi chế độ phong kiến và các chính sách tích cực của chế độ. B. Nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình về một cuộc sống tự do C. Học hỏi nhiều từ văn học nước ngoài đặt biệt là từ Trung Hoa. D. Phát triển với nhiều thể loại phong phú. Câu 17. Văn học dân gian ở vùng các dân tộc ít người có đóng góp gì quan trọng cho kho tàng văn học nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII? A. Xóa bỏ những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. B. Ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. C. Làm cho kho tàng văn học thêm đa dạng, phong phú. D. Duy trì văn học chữ Hán trong đời sống văn học. Câu 18. Trào lưu nghệ thuật dân gian được hình thành ở nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII là A. Các công trình kiến trúc Phật giáo được xây dựng. B. Khắc cảnh sinh hoạt hàng ngày lên các vì, kèo ở đình làng. C. Các làn điệu dân ca mang tính địa phương. D. Khắc tượng chân dung các nhân vật vua chúa. Câu 19. Người lãnh đạo cuộc nổi dậy của binh lính chống triều đình trong năm 1883 là A. Phan Bá Vành B. Lê Văn Khôi C. Cao Bá Quát D. Nông Văn Vân Câu 20: Xã hội Việt Nam đầu thời Nguyễn phân chia thành những giai cấp nào? A. Thống trị và bị trị B. Địa chủ phong kiến và nông dân C. Quý tộc và nông dân D. Địa chủ và tá điền Câu 21: “Con ơi mẹ bảo con này Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” Câu ca dao trên phản ánh hiện trạng gì dưới thời Nguyễn? A. Tình yêu thương con của bà mẹ B. Ví quan lại như bọn giặc cướp C. Tệ tham qua ô lại dưới triều Nguyễn D. Tình trạng bóc lột nhân dân tàn bạo Câu 22: Cuộc khủng hoảng xã hội nửa sau thế kỉ XVIII có tác động như thế nào đến nhà nước phong kiến thời Nguyễn? A. Tăng cường tính chuyên chế, củng cố quan hệ sản xuất phong kiến B. Tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân C. Xu hướng thân phương Tây của triều đình D. Xu hướng thần phục nhà Thanh của triều đình Câu 23: Lực lượng lãnh đạo cách mạng tư sản Anh ở thế kỉ XVII là A. Giai cấp tư sản B. Quý tộc mới C. Liên minh giữa quý tộc mới và tư sản D. Vua Sác-lơ I Câu 24: Trong những năm 1649- 1653, nước Anh theo thể chế chính trị gì? A. Quân chủ chuyên chế B. Cộng hòa C. Bảo hộ công D. Quân chủ lập hiến Câu 25: Nguyên nhân sâu xa nào dẫn tới bùng nổ cách mạng tư sản Anh ở thế kỉ XVII? A. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với phương thức sản xuất phong kiến B. Chính sách tăng thuế của vua Sác-lơ I C. Mâu thuẫn giữa tư sản với chế độ quân chủ chuyên chế. D. Mâu thuẫn giữa những người theo Anh giáo và Thanh giáo Câu 26. Vua Lu-i XVI triệu tập hội nghị ba đẳng cấp (5 – 1789) với mục đích gì? A. Đề xuất vay tiền và ban hành thêm thuế mới B. Ban bố tình trạng chiến tranh C. Thông qua Chính phủ mới D. Thông qua Hiến pháp mới Câu 27: Sự kiện nào mở đầu cho cách mạng tư sản Pháp 1789? A. Vua triệu tập hội nghị 3 đẳng cấp. B. Đẳng cấp thứ 3 tuyên bố là Quốc hội. C. Vua và quý tộc đàn áp cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân. D. Quần chúng nhân dân tấn công ngục Baxti và giành thắng lợi. Câu 28. Sau sự kiện ngày 14-7-1789, chính quyền ở Pháp thuộc về lực lượng chính trị nào? A. Phái lập hiến B. Tư sản công thương C. Quý tộc mới D. Tư sản và quý tộc mới Câu 29: Theo Hiến pháp 1791 nước Pháp lựa chọn theo thể chế chính trị nào? A. Quân chủ chuyên chế B. Quân chủ lập hiến C. Cộng hòa tư sản D. Chế độ cộng hòa Câu 30: Khẩu hiệu nổi tiếng trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1789) của nước Pháp là A. Tự do - Bình đẳng - Độc lập B. Tự do - Bình đẳng - Hạnh phúc C. Tự do - Bình đẳng - Bác ái D. Tự do - Bình đẳng - Phát triển Câu 31. Đến giữa thế kỉ XIX, lãnh thổ Mĩ có đặc điểm gì nổi bật? A. Bao gồm 13 bang ven biển Đại Tây Dương thuộc Bắc Mĩ B. Bao gồm các bang rộng lớn ven biển Thái Bình Dương C. Bao gồm 13 bang ven biển Đại Tây Dương và nhanh chóng mở rộng sang phía Tây D. Bao gồm 30 bang trải rộng từ đông sang tây Câu 32. Kinh tế các bang miền Nam nước Mĩ giữa thế kỉ XIX mang đặc trưng gì nổi bật? A. Phát triển kinh tế công thương nghiệp Tư bản chủ nghĩa. B. Kinh tế của trại chủ và nông dân tự do chiếm ưu thế C. ứng dụng những tiến bộ về khoa học – kĩ thuật D. Kinh tế đồn điền sử dụng sức lao động của nô lệ Câu 33. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bùng nổ cuộc nội chiến ở Mĩ là gì? A. Mâu thuẫn giữa tư sản ở miền Bắc và chủ nô ở miền Nam B. Mâu thuẫn giữa kinh tế công thương nghiệp và kinh tế đồn điền C. Mâu thuẫn giữa nô lệ và chủ nô D. Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mĩ năm 1860 Câu 34: Ngày 1-1-1863, ở Hoa Kì đã diễn ra sự kiện lịch sử gì? A. Lin-côn trúng cử tổng thống B. Sắc lệnh cấp đất ở miền Tây cho dân di cư lập trang trại được ban hành C. Sắc lệnh xóa bỏ chế độ nô lệ được ban hành D. Chính phủ Liên bang giành thắng lợi trong cuộc nội chiến Câu 35. Ý nào không phản ánh đúng tình hình kinh tế của các bang miền Bắc nước Mĩ trước nội chiến? A. Nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa phát triển B. Kinh tế của trại chủ nhỏ và nông dân tự do chiếm ưu thế C. Một phần phát triển kinh tế đồn điền, sử dụng sức lao động của nô lệ D. Ứng dụng những tiến bộ về khoa học – kĩ thuật Câu 36. Nhằm khắc phục tình trạng khủng hoảng trong những năm 1850 – 1870, chính phủ đế chế II do Na-pô-lê-ông III đứng đầu đã có quyết định gì? A. Tiến hành cải cách sâu rộng đất nước. B. Thành lập chính phủ lâm thời. C. Gây chiến với Phổ. D. Giao chính quyền cho tư sản. Câu 37. Sự kiện nào đánh dấu lần đầu tiên chính phủ của giai cấp tư sản bị lật đổ? A. Ngày 19-7-1870, Chiến tranh Pháp – Phổ bùng nổ. B. Cuộc cách mạng 18-3-1871. C. Ngày 4-9-1870, nhân dân Pa-ri khởi nghĩa lật đổ đế chế II. D. Ngày 26-3-1871, Công xã Pa-ri được thành lập. Câu 38. Sau khi Pháp thất bại trong chiến tranh Pháp – Phổ, Chính phủ tư sản lâm thời được thành lập mang tên A. Chính phủ tư sản. B. Chính phủ lâm thời. C. Chính phủ vệ quốc. D. Chính phủ phản quốc. Câu 39. Cơ quan cao nhất của Công xã Pa-ri là A. Ủy ban tài chính. B. Hội đồng công xã. C. Ủy ban an ninh xã hội. D. Hội đồng quân sự. Câu 40. Đứng đầu mỗi ủy ban trong Công xã Pari là A. một ủy viên công xã. B. một thành viên công xã. C. một thành viên Hội đồng công xã D. một ủy viên ủy ban. Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1 Phương pháp: Dựa vào tình hình nông nghiệp ở các thế kỉ XVI – XVIII để trả lời. Cách giải: Nông nghiệp một thời bị tàn phá do chiến tranh, từ nửa sau thế kỉ XVII mới dần dần ổn định trở lại. Chọn đáp án: C Câu 2 Phương pháp: Dựa vào chính sách phát triển nông nghiệp của chúa Nguyễn để trả lời. Cách giải: Ở Đảng Trong, chúa Nguyễn đã khuyến khích nhân dân khai phá đất hoang, nhanh chóng mở rộng ruộng đồng. Chọn đáp án: D. Chú ý: Chính sách này có điểm tương đồng với chính quyền Đảng Ngoài. Câu 3 Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của các nghề thủ công truyền thống từ thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Từ thế kỉ XVI – XVIII, các nghề thủ công truyền thống trong nhân dân như làm gốm sứ, dệt vải lụa, làm giấy, làm đồ trang sức, rèn sắt, đúc đồng, …. ngày càng phát triển và đạt trình độ cao. Chọn đáp án: A Câu 4 Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của thủ công nghiệp nước ta thế kỉ XVI – XVIII để trả lời. Cách giải: Từ thế kỉ XVI đến XVIII, ngành khai mỏ trở thành ngành kinh tế phát triển ở Đảng Trong và Đàng Ngoài. Chọn đáp án: C Câu 5 Phương pháp: Dựa vào tình hình thương nghiệp nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Đoạn trích trên thể hiện nguyên nhân đưa đến sự suy yếu của ngoại thương nước ta giữa thế kỉ XVIII, đó chính là chế độ thuế khóa phức tạp, quan lại khám xét phiền phức và tham những nặng nề. Chọn đáp án: A Câu 6 Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của nội thương nước ta từ thế kỉ XVI đến XVII để trả lời. Cách giải: Từ các thế kỉ XVI – XVII, buôn bán phát triển mạnh ở miền xuôi. Chợ làng, chợ huyện, chợ phủ mọc lên khắp nơi và thường xuyên họp theo phiên. Nhiều nơi trong nước đã xuất hiện một số làng buôn và trung tâm buôn bán của vùng. Chọn đáp án: B Câu 7 Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của ngoại thương nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Bên cạnh các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản, Gia-va, Xiêm, …. xuất hiện những thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Họ đã chở đến nước ta những sản phẩm như vũ khí, thuốc súng, len dạ, bạc, đồng, đồ sứ, …. để đổi lấy tơ lụa, đường, đồ gốm, các loại nông sản, lâm sản quý. Chọn đáp án: B Câu 8 Phương pháp: Dựa vào nội dung về sự hưng khởi của các đô thị để trả lời. Cách giải: Sự phát triển của kinh tế hàng hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và hưng khởi của các đô thị. Chọn đáp án: D Câu 9 Phương pháp: Dựa vào tình hình nông nghiệp nước ta thế kỉ XV - XVI để suy luận trả lời. Cách giải: Từ cuối thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XVI là thời kì nông nghiệp nước ta kém phát triển: - Ruộng đất ngày càng tập trung vào tay tầng lớp địa chủ, quan lại - Nhà nước không quan tâm nhiều đến sản xuất. - Thiên tai, hạn hán, mất mùa thường xuyên xảy ra Đến nửa sau thế kỉ XVII mới dần dần ổn định trở lại. Cả ở Đảng Trong và Đàng ngoài đều thực hiện chính sách khai hoang để mở rộng diện tích canh tác, nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, bồi đắp đê đập, tìm ra nhiều giống lúa mới => Nông nghiệp ở vùng đất mới Đảng Trong và Đảng Ngoài đều tương đối phát triển. Chọn đáp án: D Câu 10 Phương pháp: Dựa vào sự phát triển nội thương nước ta từ thế kỉ XVI – XVIII để suy luận trả lời. Cách giải: Từ thế kỉ XVI đến XVIII, nhiều nơi trong nước đã xuất hiện một số làng buôn và trung tâm buôn bán của vùng. Một số nhà buôn lớn đã mua hàng thủ công hay thóc lúa chở thuyền đến đây bán và mua một số sản phẩm địa phương. Đây là điểm mới thể hiện sự phát triển thương nghiệp Đại Việt từ thế kỉ XVI đến XVIII so với giai đoạn trước đó. Chọn đáp án: B Câu 11 Phương pháp: Dựa vào tình hình tôn giáo nước ta thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Từ thế kỉ XVI đến XVIII, Nho giáo từng bước suy thoái, tôn ti trật tự phong kiến không còn được tôn trọng như trước mặc dù chính quyền Lê-Trịnh, Nguyễn tìm mọi cách củng cố Phật giáo. Chọn đáp án: A Câu 12 Phương pháp: Dựa vào tình hình tín ngưỡng nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Từ thế kỉ XVI đến XVIII, các tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được phát huy, tôn trọng như thờ cúng tổ tiên, tôn thờ những người có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chọn đáp án: D Chú ý: Câu 13 Phương pháp: Dựa vào tình hình Thiên Chúa Giáo nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Thế kỉ XVII, cùng với sự truyền bá của Thiên Chúa giáo, chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh cũng được sáng tạo. Chọn đáp án: C Câu 14 Phương pháp: Dựa vào nội dung về giáo dục ở các thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Vua Quang Trung lên ngôi đã lo chấn chỉnh lại giáo dục, cho dịch các sách kinh từ chữ Hán ra chữ Nôm để học sinh học, đưa văn thơ chữ Nôm vào nội dung thi cử. Chữ Nôm trở thành chữ viết chính thống. Chọn đáp án: D Câu 15 Phương pháp: Dựa vào điểm hạn chế của giáo dục thi cử của nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Điểm hạn chế của giáo dục thi cử của nước ta giai đoạn từ thế kỉ XVI đến XVIII là: nội dung thi cử chủ yếu vẫn là kinh, sử. Các bộ môn khoa học tự nhiên không được chú ý, không được đưa vào nội dung thi cử. Chọn đáp án: A Câu 16 Phương pháp: Dựa vào nội dung phản ảnh của văn học dân gian từ thế kỉ XVI dến XVIII để trả lời. Cách giải: Văn học dân gian từ thế kỉ XVI đến XVIII phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về một cuộc sống tự do, thoát khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, ca ngợi quê hương, vừa phản ánh những phong tục tập quán hay đặc điểm của quê hương. Chọn đáp án: B Câu 17 Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của văn học dân gian ở các vùng dân tộc ít người từ thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Văn học dân gian phát triển ở các vùng dân tộc ít người làm cho kho tàng văn học thêm đa dạng, phong phú, phản ánh cuộc sống tinh thần và tâm linh của người dân Việt Nam đương thời. Chọn đáp án: C Câu 18 Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của nghệ thuật dân gian thế kỉ XVI đến XVIII để trả lời. Cách giải: Một trào lưu nghệ thuật dân gian được hình thành ở nước ta từ thế kỉ XVI đến XVIII là: trên các vì kèo ở những ngôi đình làng, các nghệ nhân đã khắc lên cảnh sinh hoạt thường ngày của nhân dân như đi cày, đi bừa, đấu vật, nô đùa, hát xướng, … Chọn đáp án: B Câu 19 Phương pháp: Dựa vào phong trào đấu tranh của binh lính nửa đầu thế kỉ XIX để trả lời Cách giải: Người lãnh đạo cuộc nổi dậy của binh lính chống triều đình là Lê Văn Khôi. Trong quá trình đàn áp các cuộc khởi nghia theo lệnh của triều đình Nguyễn, nhiều binh sĩ bất bình đã nổi dậy chống đối. Năm 1833, ở Phiên An- Gia ĐỊnh đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của binh lính do Lê Văn Khôi lãnh đạo. Được sự ủng hộ của binh lính và nông dân nhiều nơi, nghĩa quân đã có lúc làm chủ được các tỉnh Nam Kì, nhưng đến năm 1835 thì bị đàn áp Chọn: B Câu 20 Phương pháp: Dựa vào tình hình xã hội Việt Nam đầu thời Nguyễn để trả lời. Cách giải: Đầu thời Nguyễn, xã hội phân chia thành hai giai cấp là: - Giai cấp thống trị: vua, quan lại, địa chủ và cường hào - Giai cấp bị trị: các tầng lớp nhân dân lao động mà tuyệt đại đa số là nông dân Chọn: A Câu 21 Phương pháp: Dựa vào nội dung câu thơ để trả lời Cách giải: Hai câu ca dao trên phản ánh tệ tham qua ô lại dưới triều Nguyễn. Một giám mục người Pháp khi đến Việt Nam đã nhận xét về hiện tượng này như sau: “Dân chúng hết sức khốn khổ, vua và quan lại làm khổ dân một cách kì lạ, công lý này thuộc về tiền bạc, kẻ giàu có thể đánh đập người nghèo mà không sợ bị trừng phạt gì, vì họ tin chắc nhờ tiền bạc họ sẽ thắng kiện”. Chọn: C Câu 22 Phương pháp: Dựa vào tình hình xã hội Việt Nam cuối thể kỉ XIX – đầu thế kỉ XX trả lời. Cách giải: Cuộc khủng hoảng xã hội ở nửa sau thế kỉ XVIII đã khiến nhà nước chuyên chủ phong kiến thời Nguyễn tăng cường tính chuyên chế, củng cố quan hệ sản xuất phong kiến để tạo ra hàng rào, bệ đỡ bảo vệ chế độ Chọn: A Câu 23 Phương pháp: Dựa vào đặc điểm của cách mạng tư sản Anh để trả lời Cách giải: Lực lượng lãnh đạo cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII là liên minh giữa quý tộc mới và tư sản Chọn: C Câu 24 Phương pháp: Dựa vào diễn biến cách mạng tư sản Anh để trả lời Cách giải: Dưới áp lực của quần chúng, đầu năm 1649, Sác-lơ I bị xử tử. Anh trở thành nước Cộng hòa do Ô-li-vơ Crôm-oen đứng đầu. Chọn: B Câu 25 Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế- xã hội Anh để suy luận trả lời. Cách giải: Nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bùng nổ của cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII là do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với phương thức sản xuất phong kiến. Lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển nhưng lại bị chế độ phong kiến kìm hãm (chế độ thuế khóa, độc quyền thương mại của nhà nước) nên cần phải xóa bỏ chế độ phong kiến để mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển Chọn: A Câu 26 Phương pháp: Dựa vào phần cách mạng bùng nổ để trả lời. Cách giải: Để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của triều đình, tháng 5-1789, vua Lu-I XVI đã triệu tập hội nghị ba đẳng cấp để đề xuất vay tiền và ban hành thêm thuế mới nhưng không được chấp nhận. Chọn: A Câu 27 Phương pháp: Dựa vào sự bùng nổ Cách mạng tư sản Pháp để trả lời. Cách giải: Sự kiện mở đầu cho cách mạng tư sản Pháp 1789 là cuộc tấn công vào nhà ngục Baxti - biểu tượng của chế độ phong kiến chuyên chế Pháp của quần chúng Chọn: D Câu 28 Phương pháp: Dựa vào kết quả cuộc đấu tranh của nhân dân sau ngày 14-7-1789 để trả lời. Cách giải: Sau sự kiện ngày 14-7-1789, quần chúng nhân dân nổi dậy khắp nơi (cả thành thị và nông thôn) – “cách mạng đô thị”, chính quyền của tư sản tài chính (chủ yếu là chủ ngân hàng, chủ thuyền buôn, các nhà công nghiệp và thương nghiệp lớn) được thiết lập, được gọi là phái Lập hiến. Ngôi vua vẫn được duy trì. Chọn: A Câu 29 Phương pháp: Dựa vào nội dung hiến pháp năm 1791 để trả lời. Cách giải: Tháng 9-1791, Quốc hội lập hiến thông qua hiến pháp xác định thể chế quân chủ lập hiến cho nước Pháp. Chọn: B Chú ý: Quân chủ lập hiến là: + Quân chủ: còn ngôi vua những mang tính tượng trưng. + Lập hiến: Quốc hội đóng vai trò quan trọng, đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Câu 30 Phương pháp: Dựa vào nội dung Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền để trả lời Cách giải: Ngày 26-8-1789, Quốc hội lập hiến đã thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền với khẩu hiệu nổi tiếng: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Chọn: C Câu 31 Phương pháp: Dựa vào tình hình nước trước khi nội chiến để trả lời Cách giải: Từ 13 bang ban đầu, đến giữa thế kỉ XIX, lãnh thổ nước Mĩ đã trải rộng tới bờ Thái Bình Dương với 30 bang. Chọn: D Câu 32 Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế Mĩ trước khi nội chiến bùng nổ để trả lời. Cách giải: Miền Nam phát triển kinh tế đồn điền dựa trên bóc lột sức lao động nô lệ. Chọn: D Chú ý: Miền Bắc nước Mĩ phát triền nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, ruộng đất nằm trong tay các trại chủ và nông dân tự do. Câu 33 Phương pháp: Dựa vào nguyên nhân bùng nổ cuộc nội chiến ở Mĩ để trả lời Cách giải: Sự kiện Lin-côn ứng cử viên của Đảng Cộng hòa đại diện cho giai cấp tư sản và trại chủ miền Bắc trúng cử Tổng thống đe dọa quyền lợi các chủ nô ở miền Nam (vì Đảng Cộng hòa chủ trương bác bỏ chế độ nô lệ). Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ cuộc nội chiến ở Mĩ Chọn: D Chú ý: Đáp án A: là nguyên nhân sâu xa đưa đến bủng nổ cuộc nội chiến ở Mĩ. Câu 34 Phương pháp: Dựa vào diễn biến cuộc nội chiến ở Mĩ để suy luận trả lời Cách giải: Ngày 01/1/1863, Tổng thống Lin-côn đã ra sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ. Điều này đã thu hút hàng vạn nô lệ và người dân gia nhập quân đội Liên bang đấu tranh chống lại giới chủ nô miền Nam. Sức mạnh của quân đội Liên bang Chọn: C Câu 35 Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế của các bang miền Bắc nước Mĩ trước nội chiến để suy luận trả lời. Cách giải: Giữa thế kỷ XIX, miền Bắc nước Mĩ phát triển nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa với hai giai cấp chính trong xã hội là tư sản và công nhân. Ruộng đất tập trung trong tay địa chủ và nông dân tự do. Kinh tế trại chủ và nông dân tự do chiếm ưu thế dựa trên sự phát triển chăn nuôi và sản xuất lúa mì để phục vụ thị trường công nghiêp. Chọn: C Chú ý: - Kinh tề miền Bắc phát triển nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa do đã áp dụng các thành tựu tiến bộ về khoa học – kĩ thuật. - Đáp án C: là đặc điểm của kinh tế miền Nam nước Mĩ trước nội chiến. Câu 36 Phương pháp: Dựa vào chính sách khắc phục khủng hoảng của Na-pô-lê-ông II để trả lời. Trước tình hình nước Pháp trong những năm 1850 -1870, chính phủ Đế chế II do Na-pô-lê-ông III đứng đầu đã quyết định gây chiến với Phổ nhằm khắc phục nguy cơ khủng hoảng trong nước. Chọn: C Câu 37 Phương pháp: Dựa vào hệ quả phong trào đấu tranh của quân chúng nhân Pa-ri năm 1871 để trả lời. Ngày 18-3-1871, lần đầu tiên chính quyền của giai cấp tư sản bị lật đổ. Ủy ban trung ương Quốc dân quân đảm nhiệm chức năng của chính quyền mới, trở thành chính phủ lâm thời. Chọn: B Câu 38 Phương pháp: Dựa vào hành động của giai cấp tư sản trong cuộc kháng chiến chống quân Phổ để trả lời. Sau khi Pháp thất bại trong Chiến tranh Pháp – Phổ, Chính phủ tư sản lâm thời được thành lập mang tên Chính phủ vệ quốc. Khi quân Phổ tiến về Pa-ri và bao vây thành phố. “Chính phủ vệ quốc” đã trở thành “Chính phủ phản quốc”. Chọn: C Câu 39 Phương pháp: Dựa vào nội dung về Công xã Pa-ri để trả lời. Cơ quan cao nhất của nhà nước mới là Hội đồng công xã, vừa ban bố pháp luật, vừa lập các ủy ban thi hành pháp luật. Chọn: B Câu 40 Phương pháp: Dựa vào sơ đồ bộ máy Hội đồng công xã để trả lời. Trong sơ đồ bộ máy Hội đồng công xã, Hội đồng gồm nhiều ủy ban, đứng đầu mỗi ủy ban là một ủy biên công xã, chịu trách nhiệm trước nhân dân và có thể bị bãi miễn. Chọn: A Loigiaihay.com
Quảng cáo
|