Phương pháp làm bài thể loại miêu tả* Nội dung – Yêu cầu: Quảng cáo
Miêu tả là dùng lời văn có hình ảnh, làm hiện ra trước mắt người đọc bức tranh cụ thể về một cảnh, một người, một vật đã làm ta chú ý và cảm xúc sâu sắc. Người tả phải nắm vững cảnh, vật mình định tả có những nét gì nổi bật, đặc sắc và diễn tả lại bằng từ ngữ giàu sức gợi cảm, cho thấy rõ hình khối, kích thước, màu sắc, âm thanh, hương vị,…và những cảm giác vui, buồm, ngạc nhiên, thích thú,…khi nhìn cảnh, vật. Cầm trên tay chiếc bút máy, ta có thể tháo rời để xem nó có những bộ phận gì: nắp bút, thân bút, ngòi bút; Riêng nắp bút lại gồm: nắp nhựa, đai sắt, ghim cài, ốc chốt. Nếu chỉ mới nêu tên thế thôi thì đó là kể. Tả là phải nói cụ thể hơn, làm cho người đọc, người nghe như trông thấy trước mắt từng bộ phận của nó: Vuông, tròn, to, nhỏ, dài, ngắn ra sao, có màu sắc gì?…lại thấy cả tình cảm gắn bó giữa người với bút. Nhìn cảnh, vật ta nhìn bằng mắt và cả bằng tấm lòng yêu ghét của mình. Bài tả phải vừa gợi hình, vừa gợi cảm, phải đạt được những yêu cầu sau: - Tả giống với thực tế. - tả cụ thể và có thứ tự. - Tả gắn với tình người. Đối với HSG, những yêu cầu trên được nâng cao hơn, cụ thể: - Tả có những nét tinh tế. - Tả sinh động. - Cảm xúc lồng vào các nét tả tự nhiên và đậm đà. * Phương pháp chung: Nhằm đạt được những yêu cầu trên, cần làm tốt mấy việc dưới đây: - Quan sát trực tiếp và tỉ mỉ cảnh, vật, người định tả: Sự tiếp xúc hàng ngày chỉ cho ta những nhận biết hời hợt, chung chung, chưa toàn diện. Có quan sát kĩ, nhiều mặt, nhiều lượt, bằng nhiều giác quan (nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm) thì mới có những hiểu biết đầy đủ, phong phú và chính xác. Quan sát trực tiếp còn cho ta những cảm xúc “nóng hổi” để đưa vào bài viết, tránh được tẻ nhạt. - Quan sát tìm ý đi đôi với tìm từ ngữ để diễn tả đúng và sinh động điều đã quan sát được. - Cân nhắc để chọn được một thứ tự sắp xếp các chi tiết sẽ tả mà mình coi là thích hợp hơn cả. Thông thường, ta trình bày theo thứ tự không gian (từ bao quát toàn thể đến các bộ phận chi tiết, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới,…). Ta cũng có thể trình bày theo thứ tự thời gian (điều gì thấy trước, diễn ra trước thì tả trước); hoặc theo thứ tự tâm lí (nét gì mình chú ý nhiều nhất hoặc cho là quan trọng nhất thì tả trước). Đó là phần thân bài. Một bài văn miêu tả hoàn chỉnh phải gồm đủ 3 phần: MB, TB, KB. 1) Tả đồ vật: a- Phương pháp làm bài: *Bước 1: Xác định đối tượng miêu tả: Đồ vật em định tả là cái gì? Đồ vật đó của ai? Do đâu mà có? Nó xuất hiện trong thời gian nào? *Bước 2: Quan sát đối tượng miêu tả: - Quan sát kĩ: hình dáng, kích thước, màu sắc của đồ vật và chất liệu tạo nên nó. - Ghi nhớ những nét bao quát và những nét cụ thể của đồ vật (cấu tạo bên ngoài, bên trong, từng bộ phận….). Sắp xếp các chi tiết ấy theo một trình tự hợp lí cho dễ miêu tả. - Công dụng của đồ vật ấy đối với người sử dụng. *Bước 3: Lập dàn ý. *Bước 4: Lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để xây dựng thành một bài văn tả đồ vật hoàn chỉnh. b- Dàn bài chung: * Mở bài: - Tên đồ vật được tả. - Đồ vật ấy của ai? Nó được mua hay được làm, trong thời gian nào? *Thân bài: - Tả khái quát về hình dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu và cấu tạo của đồ vật đó. - Tả cụ thể tường bộ phận của đồ vật (theo trình tự từ trên xuống dưới hay từ ngoài vào trong). - Tác dụng của đồ vật. *Kết bài: Nêu cảm nghĩ của bản thân đối với đồ vật được miêu tả. c- Bài tập thực hành: *Đề bài: Em hãy tả lại chiếc bút máy mà em đang sử dụng. Bài tập1: Quan sát kĩ chiếc bút em định tả: hình dáng bên ngoài, đặc điểm, cấu tạo bên trong, cách sử dụng,… Bài tập 2: Viết một đoạn văn tả về cây bút dựa vào các đặc điểm sau: - Cây bút dài khoảng một gang tay. - Thân bút tròn. - Nắp bút có đai sắt. - Chiếc ngòi nhỏ xíu. - Chiếc ruột gà làm bằng nhựa mềm. Bài tập 3: Thêm ý cho các dòng sau diễn đạt ý trọn vẹn : - Hôm đầu tiên cầm chiếc bút trên tay,… - Mỗi khi ngòi bút chạy trên trang giấy,… - Từ khi có cây bút mới,… - Đã qua một học kì,… - Nét chữ của em giờ đây… - Lần đầu tiên được cô giáo cho điểm mười bài tập viết,… - Niềm sung sướng thôi thúc em… Bài tập 4: a) Viết phần mở bài (Chiếc bút của em có trong trường hợp nào? Mẹ em mua nhân dịp năm học mới hay bố em tặng nhân dịp sinh nhật?...) b) Viết phần kết bài (Chiếc bút đã gắn bó thân thiết với em như thế nào? Em sẽ giữ gìn bút ra sao?...) Bài tập 5: Dựa vào các bài tập trên, em hãy viết một bài văn hoàn chỉnh tả chiếc bút máy của em. d- Bài tập tự luyện: Đề 1: Em hãy tả cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống ấy. Đề 2: Nhiều năm nay, chiếc đồng hồ báo thức là người bạn thân thiết trong gia đình em. Hãy tả lại chiếc đồng hồ ấy. Đề 3: Hãy tả lại tấm lịch treo tường nhà em (hoặc nhà em quen). Đề 4: Hãy tả cái bàn em thường ngồi học ở nhà. 2) Tả cây cối: a- Phương pháp làm bài: *Bước 1: Xác định đối tượng miêu tả: Cây định tả là cây gì? Của ai? Trồng ở đâu? Có từ bao giờ?… *Bước 2: Quan sát: Quan sát toàn diện và cụ thể đối tượng miêu tả. Rút ra các nhận xét về: - Tầm vóc, hình dáng, vẻ đẹp của cây (rễ, gốc, thân, cành, lá, hoa, quả,…). - Màu sắc, hương thơm (tập trung nhất ở hoa, quả). - Tác dụng của cây đó đối với môi trường xung quanh và cuộc sống con người. *Bước 3: Lập dàn ý: Sắp xếp các chi tiết đã quan sát được theo một trình tự hợp nhất định thành dàn ý. *Bước 4: Làm bài: Lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để từ dàn ý viết thành một bài văn tả cây cối hoàn chỉnh. b- Dàn bài chung: *Mở bài: Giới thiệu cây (tên gọi, nơi trồng, thời gian trồng,…). *Thân bài: Tả cây (từ bao quát đến từng bộ phận cụ thể). - Tầm vóc, hình dáng (lớn hay nhỏ, cao hay thấp, thanh mảnh hay sum sê,…). - Rễ, thân, cành, lá,… có đặc điểm gì? - Hoa, trái có đặc điểm gì? (về màu sắc, hương thơm, mùi vị,…). Thường ra vào mùa nào trong năm? - Cây gắn bó với môi trường sống và con người như thế nào? *Kết bài: Cảm nghĩ của em về cây đó (yêu thích, nâng niu, chăm sóc,…). c- Bài tập thực hành: *Đề bài: Dựa vào bài thơ “Cây dừa”, em hãy tả lại một cây dừa đáng yêu. Cây dừa Cây dừa xanh toả nhiều tàu Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng Thân dừa bạc phếch tháng năm Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao. Đêm hè hoa nở cùng sao Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh. Ai mang nước ngọt, nước lành Ai đeo bao hũ gạo quanh cổ dừa. Tiếng dừa làm dịu nắng trưa Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo Trời trong đầy tiếng rì rào Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra… Đứng canh trời đất bao la Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi. (Trần Đăng Khoa) Bài tập 1: (Yêu cầu từ trước: Tìm và quan sát kĩ một cây dừa có trong thực tế) Đọc kĩ bài thơ “cây dừa” và ghi nhận những đặc điểm của cây dừa qua thực tế và qua bài thơ. Bài tập 2: Diễn đạt lại những câu văn sau cho sinh động, gợi tả hơn: - Cây dừa được trồng từ lâu. - Thân dừa bạc phếch. - Dáng dừa thẳng. - Rễ dừa bò lan trên mặt đất. - Tàu dừa như chiếc lược. - Hoa dừa màu vàng. - Quả dừa như đàn lợn con. - Nước dừa ngọt. Bài tập 3: Hãy viết tiếp vào các dòng sau (dựa vào 2 khổ thơ cuối): - Những buổi trưa hè,… - Mỗi khi có cơn gió ùa tới,… - Tiếng gió lùa vào kẽ lá, nghe như… - Nhìn dáng vẻ đủng đỉnh của cây dừa,… Bài tập 4: Hãy chọn một mở bài và một kết bài phù hợp với những nội dung đã miêu tả ở các bài tập trên. Bài tập 5: Hãy viết một bài văn hoàn chỉnh có đủ 3 phần MB, TB, KB dựa vào kết quả của các BT trên. d- Bài tập tự luyện: Đề 1: Nhà em ( hoặc gần nơi em ở) có nhiều cây to. Hãy viết một đoạn văn tả một cây có nhiều kỉ niệm với em. Đề 2: Em hãy tả vẻ đẹpcủa một cây hoa vào một nào đó trong ngày (khi nắng sớm, lúc ban chiều,…). Đề 3: Em hãy tả một cây chuối dang có buồng. Đề 4: Em hãy tả một cây ăn quả đang mùa quả chín. 3) Tả loài vật : a- Phương pháp làm bài: *Bước 1: Xác định đối tượng miêu tả. Con vật em định tả là con gì? Của ai? Nuôi đã được bao lâu?… *Bước 2: Quan sát con vật: - Quan sát con vật trong môi trường sống của nó. Chú ý tới ngoại hình với những đặc điểm tiêu biểu về hình dáng, màu sắc, đường nét,… - Quan sát những đặc tính bên trong của con vật, thể hiệnqua tính nết, hành động của con vật. Chỉ những nét thể hiện rõ nhất đặc tính chung của giống loài và những nét mang tính cá thể, riêng biệt của con vật. - Nhận xét về mối quan hệ giữa con vật với môi trường xung quanh và đời sống con người. *Bước 3: Lập dàn ý chi tiết, ghi rõ những nội dung cần miêu tả. *Bước 4: Lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để phát triển dàn ý thành một bài văn tả loài vật hoàn chỉnh. b- Dàn bài chung: * Mở bài: Giới thiệu con vật (tên gọi). Con vật này của ai? Nuôi từ bao giờ?… *Thân bài: Tả con vật (từ bao quát đến từng bộ phận cụ thể). - Tả ngoại hình: Hình dáng, tầm vóc, màu sắc , đường nét cùng các bộ phận đầu, tai, mũi, miệng, chân, đuôi,… *Chú ý: Tuỳ từng con vật mà hình dáng bề ngoài được nhấn mạnh vào những chi tiết tiêu biểu nhất. Không nhất thiết phải tả tỉ mỉ từng bộ phận. - Tả đặc tính và hoạt động của con vật: Chọn ra những điểm tiêu biểu nhất thể hiện được đặc tính chung của giống loài (mèo khác chó, bò khác heo, gà khác vịt,…) và đặc tính (tính nết) riêng của con vật trong ăn uống, hoạt động,… - Tác dụng của con vật đối với đời sống con người. *Kết bài: Cảm nghĩ của em đối với con vật được tả. c- Bài tập thực hành: Đề bài: Mẹ dang đôi cánh Bây giờ thong thả Con biến vào trong Mẹ đi lên đầu Mẹ ngẩng đầu trông Đàn con bé tí Bọn diều bọn quạ Líu díu theo sau (Phạm Hổ) Dựa vào đoạn thơ trên, em hãy tả đàn gà con đang theo mẹ đi kiếm mồi. Bài tập 1: (Yêu cầu từ tiết trước) Hãy tìm và quan sát một đàn gà mẹ con đang đi kiếm mồi. Bài tập 2: Tìm các từ ngữ điền vào chỗ trống để diễn tả đặc điểm của những chú gà con: - Nhìn từ xa, những chú gà con trông như… - Đến gần, nom chúng tựa… - Con nào con nấy… - Chiếc mỏ… - Đôi mắt… - Hai bàn chân… Bài 3: Dựa vào 3 câu văn sau, hãy viết một đoạn văn diễn tả hoạt động kiếm mồi của đàn gà mẹ con: Gà mẹ dẫn con ra cạnh đống rơm. Cả đàn con xúm lại. Những bàn chân nhỏ xíu thoăn thoắt bới đất. Bài tập 4: Dựa vào tình huống sau, hãy viết một đoạn văn (5-7 câu) diễn tả hoạt động của đàn gà mẹ con khi gặp kẻ thù: Trên trời bỗng xuất hiện một con diều hâu. Gà mẹ xù lông. Diều hâu lượn mấy vòng rồi biến mất. Bài tập 5: Tìm thêm phần MB và KB rồi viết lại thành một bài văn hoàn chỉnh có đủ 3 phần (Lưu ý sử dụng các câu nối và từ nối để liên kết các đoạn văn. d- Bài tập tự luyện: Đề 1: Trước cửa chuồng chim bồ câu, chim mẹ vừa đi kiếm mồi về đang mớm cho con. Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 dòng) tả lại cảnh đôi chim mẹ con ấy dựa vào các ý sau: - Chim mẹ kiếm được mồi, tha về tổ mớm cho con. - Chim con ra tận cửa tổ đón mẹ, mỏ há rộng chờ đợi. - Chim mẹ mớm thức ăn cho con với vẻ yêu thương, trìu mến. Đề 2: Hãy tả lại một chú chó đáng yêu. Đề 3: Hãy tả lại một con vật nuôi trong nhà mà em yêu quý. 4) Tả người: a- Phương pháp làm bài: Tả người là ghi lại những riêng về hình dáng và tính tình của một người mà em đã nhìn thấy. Để làm tốt dạng văn tả người, em cần phải: - Xác định rõ người sẽ tả là ai. - Quan sát kĩ người sẽ tả để tìm ra những nét riêng biệt của người đó. Mỗi lứa tuổi, con người có những đặc điểm về hình dáng và tính tình khác nhau (người già thì tóc bạc, da nhăn; người trẻ thì mái tóc mượt mà, làn da căng tràn sức sống,…). Mỗi người một hoàn cảnh sống, một trình đọ văn hoá khác nhau. Tất cả những thứ ấy đều có ảnh hưởng đến sinh hoạt toàn diện của họ. - Lựa chọn những từ ngữ thích hợp (nhất là các động từ, tính từ để vừa nêu được những nét riêng biệt, nổi bật nhất của người được tả, vừa bộc lộ được thái độ, tình cảm của mình đối với người đó. b- Dàn bài chung: *Mở bài: Giới thiệu người sẽ tả: Em được gặp người ấy ở đâu/ Trong thời gian nào? Cảm xúc ban đầu của em về người đó như thế nào?… *Thân bài: - Tả hình dáng: +Tả bao quát về tuổi tác (già hay trẻ), tầm vóc (cao lớn hay nhỏ nhắn), dáng điệu (duyên dáng, nhanh nhẹn hay chậm chạp), nghề nghiệp (bác sĩ, công nhân,…), cách ăn mặc,… +Tả chi tiết: Những nét nổi bật nhất (khuôn mặt, mái tóc, đôi mắt, cái miệng, làn da, chân tay,…) - Tả tính tình- hoạt động: +Tính tình của người đó như thế nào? (chất phác, vui nhộn hay dễ cáu gắt,…). Giọng nói ra sao? (nhẹ nhàng hay sang sảng), cử chỉ, điệu bộ,…Cách cư xử với người khác (ân cần, chu đáo,…), việc làm bộc lộ rõ rệt đạo đức, tình cảm và tính nết của người được tả. +Hoạt động: Tả các việc làm cụ thể: người ấy đang làm gì? Cách làm như thế nào? * Chú ý: Khi tả người, cần làm nổi bật các đặc điểm về lứa tuổi, tác phong, tính tình, hình dáng cho phù hợp với nghề nghiệp, hoàn cảnh riêng của mỗi người; cần kết hợp tả hoạt động, tính tình và đôi nét về hình dáng. *Kết bài: Cảm nghĩ cuối cùng của em về người đó (ấn tượng sâu sắc, ảnh hưởng của người đó đối với bản thân…) c- Bài tập thực hành: *Đề bài: Em hãy tả lại mẹ em và nói lên tình cảm của em đối với mẹ. Bài tập 1:(yêu cầu từ tiết trước) Hãy quan sát kĩ mẹ của mình. Bài tập 2: Diễn đạt lại các câu văn sau cho hay hơn: - Mẹ em ngoài (30) tuổi. - Người mẹ (gầy). - Gương mặt (xương xương). - Đôi mắt (hiền dịu). - Tóc mẹ (dài). - Nước da mẹ (hơi đen). - Bàn tay mẹ (chai sần). (Chú ý: Các em có thể điều chỉnh phần trong ngoặc đơn cho phù hợp với hình dáng của mẹ mình) Bài tập 3: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 dòng), tả tính tình mẹ em dựa vào các gợi ý sau: - Mẹ em là người giản dị, ân cần và chu đáo. - Mẹ chăm chỉ, lam lũ, không ngại gian khổ. - Mẹ rất thương yêu mọi người trong gia đình. (Chú ý: Các em có thể tự điều chỉnh các gợi ý cho phù hợp với tính tình của mẹ mình). Bài tập 4: Dựa vào BT2 và BT3, em hãy viết một bài văn hoàn chỉnh tả về người mẹ kính yêu của mình. d- Bài tập tự luyện: Đề 1: Thầy (cô) em thường chấm bài vào buổi tối. Em hãy tưởng tượng và tả lại cảnh thầy (cô) em đang chấm bài cho các em. Đề 2: Hãy tả lại một người già mà em có dịp quan sát. Đề 3: Hãy tả lại dáng vẻ của một bác nông dân đang làm việc. Đề 4: Hãy tả lại một người thân của em. 5) Tả cảnh: a- Phương pháp làm bài: * Bước 1: Xác định đối tượng miêu tả: Xác định xem đối tượng miêu tả là cảnh gì? Ở đâu? Cảnh đó có từ bao giờ?… Phạm vi không gian và thời gian của cảnh được miêu tả và nội dung chủ yếu cần làm toát lên từ cảnh đó. àLưu ý: Trong các cảnh được miêu tả, có khi bao gồm cả người và vật, nhưng cảnh vẫn là chính. Phần tả người và vật làm cho cảnh trở nên sinh động, tự nhiên. *Bước 2: Quan sát đối tượng miêu tả. Chọn vị trí quan sát thuận tiện nhất để nắm bắt được những chi tiết, đặc điểm cơ bản quan trọng của cảnh. Người quan sát có thể là người trong cuộc (người trực tiếp tham gia) hoặc là người trực tiếp chứng kiến. Quam sát bằng mắt nhìn, tai nghe và kết hợp các giác quan khác. Lưu ý đén các yếu tố: màu sắc, hình ảnh, âm thanh có hoà hợp với nhau không? *Bước 3: Lập dàn ý. *Bước 4: Sắp xếp ý, lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để xây dựng thành một bài văn hoàn chỉnh. b- Dàn bài chung: *Mở bài: - Giới thiệu cảnh định tả (ngôi nhà, trường học, vườn hoa,…). - Cảnh đó ở đâu? Em tả nó vào thời điểm nào? Em có tham gia chứng kiến cảnh đó?… *Thân bài: - Tả những nét chung nổi bật của toàn cảnh: Những nét bao quát khi thoạt nhìn cảnh: Quang cảnh chung, cảm tưởng chung về cảnh. - Tả từng bộ phận của cảnh ( theo trình tự hợp lí từ ngôài vào trong hoặc từ trên xuống dưới,…). +Chọn tả những nét tiêu biểu nhất, xác định trung tâm của cảnh cần miêu tả là gì? +Chú ý tả đường nét, màu sắc của cảnh vật. Sự liên quan giữa cảnh vật ấy với cảnh vật xung quanh nó. +Tả người, vật gắn với cảnh (nếu có). - Tình cảm, thái độ của người tả. *Kết bài: Nêu cảm nghĩ của người viết trước cảnh được tả. c- Bài tập thực hành: *Đề bài: Đồng chiêm phả nắng lên không Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng Gió nâng tiếng hát chói chang Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời. (Nguyễn Duy). Quê em lúa đang mùa chín rộ. Nhìn cánh đồng lúa chín ai cũng thấy đẹp, thấy vui. Hãy tả cảnh cánh đồng lúa chín quê em. Bài tập1: (yêu cầu từ tiết trước) Em hãy quan sát một cánh đồng lúa khi bắt đầu bước vào vụ gặt. Bài tập 2: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 7-8 dòng) tả bao quát cánh đồng dựa vào các ý sau: - Lúa đang vào mùa chín rộ. - Cả cánh đồng sáng rực lên như một tấm thảm vàng. - Thoang thoảng đâu đây hương lúa chín. Bài tập 3: Hãy viết lại các câu văn dưới đây cho sinh động hơn: - Những bông lúa trĩu xuống. - Thân lúa vàng óng. - Những đốt lá quăn lại. - Cả vạt lúa xôn xao, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Bài tập 4: Viết một đoạn văn ngắn diễn tả hoạt động của một vài nhóm người trên cánh đồng, dựa vào các ý sau: - Một vài tốp người đang gặt lúa. - Nón trắng nhấp nhô. - Tiếng nói cười vui vẻ. Bài tập 5: Viết một bài văn hoàn chỉnh dựa theo các ý của các BT trên. d- Bài tập tự luyện: Đề 1: Cánh đồng lúa quê em đang trong thì con gái, xanh tốt mượt mà. Hãy tả lại cánh đồng đó vào một buổi sáng đẹp trời. Đề 2: Hãy tả lại con đường quen thuộc từ nhà em tới trường. Đề 3: Hãy tả lại trận mưa rào dựa vào các ý sau: - Cảnh vật trước lúc mưa. - Cảnh vật lúc trời mưa dữ dội. - Cảnh vật lúc trời ngớt mưa. - Cảnh vật lúc trời quang, mây tạnh. Đề 4: Hãy tả cảnh vần vũ của bầu trời trước khi đổ mưa theo các ý sau: - Cảnh vật trước cơn dông. - Cảnh vật trong cơn dông. - Cảnh vật sau cơn dông. Đề 5: Em đã từng chứng kiến cảnh vần vũ của bầu trời trước khi đổ mưa. Hãy viết khoảng 10-15 dòng tả lại cảnh đó. Đề 6: một năm có 4 mùa, mùa nào cũng có những buổi bình minh đẹp. Hãy tả lại một buổi bình minh mà em có dịp quan sát, thưởng thức. Đề 7: Khi cơn mưa rào vừa tạnh, những tia nắng ấm áp lại mừng rỡ rọi xuống, vạn vật trở lên sinh động hẳn lên. Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 12-15 dòng) tả lại vẻ đẹp của đất trời lúc đó. Đề 8: Thời thơ ấu của mỗi người thường gắn với những kỉ niệm về một ngôi nhà, một góc phố, một mảnh vườn, một con sông, một cánh đồng,…Em hãy viết một bài văn miêu tả một trong những sự vật đó. Đề 9: Ánh trăng rằm vào một đêm trời quang mây tạnh thật là đẹp. Hãy tả lại và nói lên cảm nghĩ của em lúc đó. *Tả cảnh sinh hoạt: (Là một dạng của kiểu bài tả cảnh) - Nếu một bài văn tả cảnh thông thường thiên về tả cảnh vật thiên nhiên là chính (ít chú ý đến hoạt động của người, vật), thì bài văn tả cảnh sinh hoạt quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của con người (và vật). - Tả cảnh sinh hoạt là sự tổng hợp của cả thiên nhiên, cảnh vật, con người. Vì vậy, việc lựa chọn và sắp xếp các chi tiết tiêu biểu, hợp lí là hết sức cần thiết. Phải làm sao toát lêncho được trọng tâm và nội dung của cảnh cần miêu tả. - Khi gặp một bài văn mang nội dung tả cảnh sinh hoạt, các em cần lưu ý một số điểm sau: +Về từ ngữ: Cần lựa chọn các từ ngữ thích hợp (nhất là các từ tượng thanh, tượng hình, động từ, tính từ) để dựng được một bức tranh sinh động bằng hình ảnh, màu sắc và gợi ra cả những âm thanh do hoạt động của con người và vật tạo ra. +Về trình tự tả: Cần lựa chọn một trình tự tả hợp lí về không gian, thời gian (từ xa đến gần, từ trong ra ngoài (hoặc ngược lại); từ thời điểm trước đến thời điểm sau, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. +Về nội dung: Cần kết hợp tả hoạt động của người, vật xen kẽ với tả khung cảnh thiên nhiên. Tránh tả tách bạch dẫn đến sự đơn điệu, tẻ nhạt. * Một số đề văn tả cảnh mang nội dung tả cảnh sinh hoạt: Đề 1: Hãy tả lại quang cảnh đường làng em (hoặc phố em) lúc bắt đầu một ngày mới. Đề 2: Tả cảnh vui chơi của em cùng các bạn trong một đêm trăng đẹp. Đề 3: Vào những ngày cuối năm, thôn xóm (phố phường) nơi em ở nhộn nhịp hẳn lên trong không khí chuẩn bị đón tết. Hãy tả lại quang cảnh đó. Đề 4: Hãy tả lại quang cảnh đường phố hoặc đường làng nơi em ở lúc trời mưa to vừa tạnh. Loigiaihay.com
Quảng cáo
|