Nghị luận về câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”Nghị luận về câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” Quảng cáo
Video hướng dẫn giải Dàn ý 1. Mở bài - Giới thiệu câu tục ngữ cần giải thích. 2. Thân bài a. Giải thích - Đi: hành động di chuyển đến nhiều nơi, nhiều địa điểm, gặp nhiều người và nhìn cuốc sống ở góc nhìn toàn diện hơn trong không gian đa chiều của nó. - Học: học hỏi, tiếp thu được nhiều kiến thức để đem lại hiểu biết cho bản thân. - Ngày đàng: biểu tượng cho quãng đường dài, khoảng không gian xã hội rộng lớn mà chúng ta đi được. - Sàng khôn: biểu tượng cho vốn hiểu biết phong phú đa dạng mà ta có thể thu được. - Nghĩa cả câu: nếu biết đi ra ngoài xã hội, ta sẽ học được nhiều điều bổ ích. Từ đó, câu tục ngữ là lời khuyên con người nên biết hòa mình vào cuộc đời rộng lớn, đến nhiều nơi để học hỏi và thu được những kinh nghiệm quý giá giúp phát triển bản thân. 2. Bình luận - Câu tục ngữ đã nêu lên một lẽ đúng ở cuộc sống, mang lại bài học sống tích cực và đúng đắn. - Cuộc sống là vô hạn, xã hội chính là khoảng không gian không biên giới, ẩn chứa nhiều điều để khám phá. - Nên đi đây đi đó, đi thật nhiều, in dấu chân lên thật nhiều vùng đất để trau dồi kiến thức, gây dựng vốn hiểu biết dồi dào cho bản thân. - Những giá trị sống không phải ngày một ngày hai mà thành, và mỗi giá trị lại chọn cho mình một vùng đất để dừng lại, vì thế cần đi nhiều để tiếp cận với những giá trị ấy. - Mỗi nơi lại có một nền văn hóa riêng, mỗi nơi lại chọn cho mình một tín ngưỡng riêng. Việc “đi” sẽ tạo điều kiện cho chúng ta được đến gần hơn với những giá trị nhân loại ấy. - Khi lượng tri thức của ta giàu có, chúng ta sẽ phát triển bản thân mình hơn, cả về hành động lẫn nhận thức, mỗi cá nhân sẽ ngày càng hoàn thiện hơn và trưởng thành hơn. - Không chỉ thế, kinh nghiệm mà ta thu được còn giúp ta sống có ích hơn, để ta có thể góp sức xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, giúp xã hội ngày càng phát triển thịnh vượng hơn. c. Mở rộng - Lật ngược vấn đề: tuy đi nhiều cho ta nhiều lợi ích nhưng không phải vì thế mà ta đi bừa bãi. Chúng ta cần biết chọn nơi để đến, cần biết rõ bản thân mình cần gì khi đến với vùng đất ấy. Đừng để sự bồng bột làm những bước chân chúng ta mòn mỏi trên mảnh đất khô cằn. - Phê phán: phê phán thói quen học vẹt, học tủ đang trở nên rất phổ biến trong xã hội. Phê phán thói lười biếng, ngại di chuyển, không có tinh thần phấn đấu học tập vươn lên. Đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay, lười biếng càng trở nên trầm trọng hơn khi chúng ta giam mình trước màn hình máy tính điện thoại, nhìn thế giới qua quan điểm cảu người khác. Cần biết đi ra ngoài xã hội rộng lớn để nhìn sự bao la vô tận của sự học, để chính mình nhìn cuộc đời bằng con mắt của mình. 3. Kết bài Nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ. Bài mẫu Xã hội loài người phát triển được như ngày nay là nhờ quá trình tìm hiểu,nhận thức,tích lũy và không ngừng nâng cao tri thức của tất cả các dân tộc trên thế giới. Tri thức rất cần thiết đối với con người. Muốn có tri thức thì phải học hỏi: học trong sách vở,học từ thực tế cuộc sống. Ông cha ta xưa kia đã nhận thức rất đúng đắn về sự cần thiết của việc mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết đối với mỗi người nên đã khuyên nhủ, động viên con cháu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Xã hội Việt Nam trước đây là xã hội phong kiến còn nhiều bảo thủ, lạc hậu. Người dân quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong lũy tre xanh, ranh giới của cộng đồng làng xã. Có người suốt đời chẳng bước ra khỏi cổng làng. Số người được đi xa để ăn học hoặc làm việc rất hiếm hoi. Vì vậy mà trình độ hiểu biết của mọi người nói chung rất thấp và khó mà mở rộng hoặc nâng cao lên được. Tuy vậy, trong sự ràng buộc của tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, vẫn lóe lên những tia sáng nhận thức về sự cần thiết phải học hỏi để nâng cao hiểu biết. ”Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chỉ cần “đi một ngày đàng” (ý nói thời gian ít ỏi và quãng đường không xa là bao so với nơi ta sinh sống) thì ta đã học được “một sàng khôn”. Đây là hình ảnh cụ thể, gần gũi được dùng để thể hiện một khái niệm trừu tượng là sự hiểu biết của con người. Nếu chịu khó đi xa thì ta sẽ học được nhiều bài học bổ ích trong cuộc đời, bởi trên khắp các nẻo đường đất nước, nơi nào cũng có vô vàn những điều hay, điều lạ. Để động viên tinh thần học hỏi của con cháu, ông cha xưa đã có những câu ca dao nội dung tương tự như câu tục ngữ trên : “Làm trai cho đáng nên trai-Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”;”Làm trai đi đó đi đây - Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Điều đó chứng tỏ ông cha ta đã nhận thức được việc đi xa để học hỏi là điều quan trọng, cần thiết và đáng khuyến khích. Trình độ hiểu biết tạo điều kiện cho ta làm việc tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, giúp ích cho gia đình, xã hội được nhiều hơn. Hiểu biết càng nhiều, con người càng có cách xử thế đúng đắn trong quan hệ gia đình và xã hội. Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, việc học tập để mở mang nhận thức và hiểu biết của mỗi người càng trở nên cấp bách. Muốn xóa bỏ tình trạng lạc hậu, muốn rút ngắn sự cách biệt giữa nước ta và các nước phát triển trên thế giới, chúng ta chỉ có một con đường là học : “Học, học nữa, học mãi” như lời Lenin đã dạy. Vấn đề đặt ra là phải học những điều hay, lẽ phải, những điều thiết thực, bổ ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Không nên học theo điều dở, điều xấu, có hại đến bản thân, gia đình và xã hội. Hiện nay, việc đi đó đi đây không còn là chuyện hiếm có như ngày xưa. Ai cũng có quyền tự do đi lạ, học hành, kể cả ra nước ngoài. Học hỏi bằng con đường tham quan, du lịch; học hỏi bằng con đường du học…Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để tiếp thu những kinh nghiệm, những kiến thức khoa học mới mẻ, tiên tiến của nhân loại, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam thành một đất nước giàu mạnh mà vẫn giữ được bản sắc và truyền thống dân tộc. Học hỏi không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là chuyện của cả đời người. ”Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở cuộc sống”. Việc nâng cao hiểu biết là rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Vì vậy chúng ta phải có mục đích và phương pháp học tập đúng đắn để đạt được hiệu quả cao. Có tri thức, chúng ta mới làm chủ được bản thân, mới đóng góp hữu ích cho gia đình, xã hội. ”Học vấn làm đẹp con người”-đó cũng là điều ông cha muốn nhắn gửi đến chúng ta. Câu tục ngữ : “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là lời khuyên quý báu của người xưa; đến nay nó vẫn là bài học quý báu đối với tuổi trẻ trên con đường tạo dựng sự nghiệp. Loigiaihay.com
Quảng cáo
|