Hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình trong Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá về kinh )

Trong chặng đường lịch sử oai hùng của dân tộc, nhà Trần đã cắm những mốc son chói lọi với ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông - Nguyên, tạo nên một thời đại oanh liệt với hào khí Đông A bất tử.

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở Bài

- Giới thiệu bài thơ: "Phò giá về kinh" là một tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần hào khí Đông A của triều đại nhà Trần. - Bài thơ được Trần Quang Khải sáng tác sau cuộc kháng chiến Mông - Nguyên thắng lợi.

2. Thân Bài

* Nêu hoàn cảnh ra đời tác phẩm: Năm 1285, sau chiến thắng vang dội ở Chương Dương và Hàm Tử, kinh đô được giải phóng, Trần Quang Khải đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long.
* Thể thơ: Ngũ ngôn tứ tuyệt cực ngắn gọn hàm súc để thể hiện niềm vui

a. Hào khí chiến thắng:

- Tái hiện lại những cuộc chiến oanh liệt của dân tộc với hào khí chiến thắng vang dội:
+ Trận Chương Dương thắng lợi
+ Trận Hàm Tử quân giặc thảm bại
- Giọng thơ: Sôi nổi, dứt khoát; cách ngắt nhịp: 2/3 => Giọng thơ của một võ tướng
- Động từ mạnh "đoạt", "cầm" miêu tả chiến thắng oanh liệt của nhân dân với niềm tự hào bất tận
- Cách liệt kê hai địa danh: Giúp ý thơ thêm hào hùng
- Phép đối của thơ ngũ ngôn tứ tuyệt: Chứa đầy hào khí chiến thắng
=> Lời thơ cất lên như một khúc khải hoàn
=> Lời tuyên bố đanh thép: Chiến thắng của nhân dân Đại Việt là do sức mạnh của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn

b. Khát vọng hòa bình:
- Sự chuyển mạch đột ngột nhưng hợp lí của bài thơ: Hai câu đầu nói về hào khí chiến thắng đến hai câu sau nói về thời kì hòa bình và nhiệm vụ mới của dân tộc

- Khát vọng mạnh mẽ của nhà thơ: Xây dựng quốc gia hùng mạnh, no ấm, tồn tại tới ngàn năm
- Giọng điệu hai câu sau: Trầm lắng suy tư
=> Lời nhắn nhủ tràn đầy niềm tin, sự hi vọng về tương lai đất nước đẹp giàu, vững mạnh
=> Trí tuệ uyên thâm, tầm nhìn xa trông rộng của một người cầm quân và lãnh đạo.

3. Kết Bài

Cảm nghĩ của bản thân về bài thơ: Đọc bài thơ, em như được sống lại với những năm tháng hào hùng, oanh liệt của dân tộc và thấy được ý nghĩa lớn lao của tự do, hoà bình.

Bài mẫu

      Trong chặng đường lịch sử oai hùng của dân tộc, nhà Trần đã để lại những mốc son chói lọi với ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông - Nguyên, tạo nên một thời đại oanh liệt với hào khí Đông A bất tử. Hào khí ấy bao trùm cả núi sông và in dấu ấn đậm nét trong bài thơ Phò giá về kinh của Trần Quang Khải:

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

      Chương Dương là một bến sông nằm ở hữu ngạn sông Hồng, nơi diễn ra trận thuỷ chiến ác liệt vào tháng 6 năm 1285. Còn Hàm Tử là một địa danh thuộc tả ngạn sông Hồng, nơi diễn ra trận quyết chiến mở màn cuộc phản công của quân dân nhà Trần tháng 4 năm 1825. Hai trận chiến ác liệt đã tạo nên hai chiến thắng lẫy lừng, làm xoay chuyển cả cục diện chiến tranh. Từ thế “bị động” phải rút lui để bảo toàn lực lượng, ta chuyển sang thế chủ động tiến công địch (cướp giáo giặc, bắt quân thù). Hai câu thơ 10 tiếng đã khắc hoạ tư thế của dân tộc vào hình thế núi sông anh linh muôn thuở, với bản lĩnh quả cảm vô song, với phong thái ung dung, đường hoàng, làm chủ tình thế, “đứng trên đầu thù” (đoạt sóc, cầm Hồ).

      Ta hãy đọc lại hai câu thơ:

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

      Bình dị thế thôi mà nghe âm vang cả tiếng trống trận thúc liên hồi, tiếng gươm khua, giáo đập, tiếng hò reo dậy đất. Từ hai câu thơ cô đọng, hàm súc, người đọc cảm nhận được cái không khí chiến tranh, cái hào khí Đông A “Ba quân thế mạnh nuốt trôi trâu” (Phạm Ngũ Lão), cả hình ảnh oai phong lẫm liệt của tướng sĩ nhà Trần. Một cảm xúc hân hoan, tràn ngập trong tâm hồn vị chiến tướng thắng trận đang kiêu hãnh trở về kinh đô trong sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân.

      Hào quang chiến thắng làm cho người ta ngây ngất nhưng không choáng ngợp. Nên ngay trong lúc đang tận hưởng niềm vui chiến thắng, Trần Quang Khải đã mong ước một nền thái bình muôn thuở cho đất nước:

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.

      Nhà Trần đã đi qua hai cuộc chiến tranh với bao đau thương nên họ rất hiểu rõ giá trị của cuộc sống thái bình, bởi nó được đổi bằng biết bao nước mắt và máu xương. Dường như Trần Quang Khải nhắc đến hai chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử như chỉ để nhắc nhở mọi người phải biết trân trọng máu xương của cha ông đã đổ để mà chung lòng góp sức, đem hết tài năng và nhiệt huyết (tu trí lực) vào công cuộc kiến thiết nước nhà, sao cho non nước này bền vững đến ngàn thu.

      Thái bình nên gắng sức - Non nước ấy nghìn thu, tự bản thân niềm mong ước ấy đã đẹp lắm rồi, tha thiết lắm rồi. Nhưng nó càng đẹp hơn, tha thiết hơn bởi nó là niềm suy tư trăn trở của một vị tướng xuất thân từ tầng lớp đại quý tộc nhà Trần, ngay trong lúc khói lửa binh đao còn chưa tan hẳn, “bụi trường chinh” còn bám đầy trên chiến giáp.

      Bài thơ mở ra bằng hào khí chiến thắng và khép lại bằng khát vọng hoà bình. Hai nguồn cảm xúc lớn lao ấy đã nâng bài thơ lên một tầm cao để nghìn đời sau người đời còn được chiêm ngưỡng.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close