ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN CẦU GIẤY
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
....................................
ĐỀ CHÍNH THỨC
|
KIỂM TRA HỌC KÌ I
Năm học 2019 - 2020
Môn: Ngữ văn - Lớp 9
Ngày: 12/12/2019
Thời gian làm bài: 90 phút
|
Phần I (6 điểm)
Cho đoạn trích:
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lũi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư, chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa đựng niềm tin dai dẳng....”
(Trích SGK Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2019)
1. Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào? Em hãy nêu tên tác giả và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.
2. Từ “đinh ninh” trong đoạn trích được hiểu là gì? Vì sao bà phải “dặn cháu đinh ninh”?
3. Hãy thuật lại lời dặn cháu của người bà theo cách gián tiếp.
4. Viết đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng - phân - hợp làm rõ hình ảnh người bà được gợi lại trong dòng hồi tưởng của người cháu ở đoạn trên. Đoạn văn có sử dụng một câu cảm thán (gạch chân và chú thích rõ)
Phần II (4 điểm)
Dưới đây là những câu văn trích từ truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long:
“Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”.
(Trích SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2019)
1. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa sử dụng ngôi kể nào? Tác dụng của viêc lựa chọn ngôi kể đó?
2. Trong tác phẩm, “những người khác đáng cho bác vẽ hơn” mà “cháu” đề cập đến là những ai? Vì sao “cháu” lại cho rằng họ đáng vẽ hơn mình?
3. Từ hiểu biết về tác phẩm và thực té, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy trình bày suy nghĩ của em về đức tính khiêm tốn.
.........................Hết............................
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
PHẦN I
|
Câu 1:
*Phương pháp: căn cứ vào tác phẩm được trích.
*Cách giải:
- Tác phẩm “Bếp lửa” của Bằng Việt.
- HCST: năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài.
Câu 2:
*Phương pháp: Đọc, hiểu
*Cách giải:
- “Đinh ninh” là dặn đi dặn lại, dặn dò kĩ lưỡng, chắc chắn. Bà dặn như thế vì muốn cháu không được quên lời bà: viết thư cho bố “chớ kể này kể nọ”, bà không muốn người con của mình nơi chiến trường phải bận tâm về gia đình để yên tâm cho công việc kháng chiến của dân tộc.
Câu 3:
*Phương pháp: căn cứ vào nội dung tác phẩm
*Cách giải:
Bà dặn cháu đinh ninh rằng bố cháu ở chiến khu còn việc bố, cháu viết thư đừng kể này kể nọ, cháu cứ bảo là nhà vẫn được bình yên.
Câu 4:
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận.
*Cách giải:
Hình thức: đúng đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng - phân - hợp, gạch chân chú thích đúng câu cảm thán - Nội dung: cần làm nổi bật các ý: + Bà hiện lên trong những năm tháng gian khổ khi bị giặc giã đốt làng + Bà già nua nhưng vẫn mạnh mẽ, kiên cường là chỗ dựa cho cháu + Lời dặn dò của bà với cháu còn chứng tỏ bà giàu đức hy sinh, bà luôn lo nghĩ cho tiền tuyến. Bà sáng lên phẩm chất người mẹ Việt Nam anh hùng + Đối lập với ngọn lửa thù địch thiêu rụi sự sống, bà còn nhóm lên ngọn lửa của sức sống, của niềm tin và tình yêu thương. Đó là ngọn lửa bền bỉ, dai dẳng, bất diệt + Bà là người nhóm lửa, giữ lửa, truyền lửa.
- Nghệ thuật: nghệ thuật ẩn dụ, lời dẫn trực tiếp những gì bà dặn, hình ảnh thơ chân thực, giàu biểu tượng, ngôn ngữ giàu cảm xúc, giọng thơ tâm tình, thủ thỉ.
|
PHẦN II
|
Câu 1:
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
*Cách giải:
Ngôi kể thứ ba theo điểm nhìn của ông hoạ sĩ. Tác dụng: câu chuyện trở nên khách quan, các nhân vật được hiện lên sinh động từ ngoại hình, lời nói đến suy nghĩ; đặt điểm nhìn vào ông hoạ sĩ còn tạo điều kiện nổi bật chất trữ tình, những suy nghĩ nghề nghiệp, đặc biệt là nổi bật anh thanh niên thông qua quan sát và suy nghĩ của ông - một người làm nghệ thuật và nhiều từng trải.
Câu 2:
*Phương pháp: Căn cứ vào đoạn trích.
*Cách giải:
Là ông kĩ sư vườn rau và anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Vì anh cho rằng những cống hiến của mình còn nhỏ bé, chưa xứng đáng để vẽ. Còn anh cán bộ nghiên cứu sét và ông kĩ sư vườn rau đã có nhiều công hơn, cống hiến được nhiều hơn, họ hy sinh hạnh phúc cá nhân của họ nên họ xứng đáng được vẽ hơn.
Câu 3:
*Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
*Cách giải:
Học sinh làm theo yêu cầu của đề và có tính thuyết phục. Dưới đây là gợi ý:
* Giải thích: - Khiêm tốn là gì? => là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ.
* Người có đức tính khiêm tốn là người như thế nào? - Ngưòi có tính khiêm tốn là người tự cho mình chưa hoàn thiện luôn phải cố gắng nhiều hơn trong mọi việc. - Khi có nhiều đóng góp trong sự thành công chung, người có tính khiêm tốn, ít khi ca tụng hoặc nêu lên những đóng góp của bản thân.
* Tại sao chúng ta phải khiêm tốn? - Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta. - Giúp ta nâng cao phẩm giá, khiến cho các mối quan hệ thêm bền chặt, khăng khít và tạo được sự tin tưởng lẫn nhau. - Có cuộc sống nhẹ nhàng, ít xô bồ hơn trong xã hội hiện giờ. Giúp cho ta biết tự kiềm chế bản thân: khen người khác thì hết sức chân thành, đúng đắn. Khi chê người khác, lời chê phải thận trọng, nhẹ nhàng mang tính xây dựng. - Nhờ có đức tính này, chúng ta dễ có được địa vị và công việc tốt trong xã hội. Thể hiện sự nhìn xa trông rộng của mình. - Khiêm tốn còn giúp ta nhận ra sự thiếu sót và hạn chế của bản thân. * Dẫn chứng: Bác Hồ sống một cuộc sống hết sức khiêm tốn với ngôi nhà sàn gỗ mộc mạc, đơn sơ. Ăn uống đạm bạc, lối sống hết sức giản dị…
* Phê phán, mở rộng vấn đề - Phê phán, lên án những con người có tính tự cao, tự đại, kiêu căng, ngạo mạn. Những con người này với địa vị cao thường hay lên mặt, coi thường những người xung quanh. - Tuy vậy, khiêm tốn không có nghĩa là tự hạ thấp bản thân mà phải luôn phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn.
* Bài học, liên hệ: - Cần phải trau dồi, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức này bằng tất cả việc làm, trước hết là ở chính bản thân mình.
|
Loigiaihay.com