Đề thi vào 10 môn Văn Sơn La năm 2020Tải vềĐọc đoạn trích: Cơ hội là điều có thật chứ không phải là kết quả của một sự may mắn hay tình cờ nào đó. Quảng cáo
Đề bài I. ĐỌC - HIỂU Đọc đoạn trích Cơ hội là điều có thật chứ không phải là kết quả của một sự may mắn hay tình cờ nào đó. Cơ hội luôn hiện hữu xung quanh chúng ta nhưng thường núp dưới cái bóng rủi ro hoặc thất bại tạm thời. Đó là lý do khiến rất nhiều người bỏ lỡ cơ hội của mình. Gục ngã hoàn toàn sau thất bại đầu tiên và không bao giờ đứng dậy được nữa, họ không nhận ra rằng, đằng sau mỗi thất bại luôn ẩn chứa một cơ hội mới. Nhiều người tin rằng thành công là kết quả của những bước ngoặt may mắn, Dù không thể phủ nhận sự may mắn, nhưng nếu chỉ trông chờ vào yếu tố này, thì gần như bạn sẽ luôn thất vọng. Bước ngoặt duy nhất mà bất kì ai cũng có thể dựa vào là bước ngoặt do chính họ tạo ra hoặc biết nắm bắt cơ hội mà cuộc sống mang đến cho mình, Để làm được điều này, trước hết bạn hãy cố gắng nhận ra cơ hội của mình, đồng thời phân tích những thuận lợi và thách thức mà nó mang lại. Biến cơ hội thành hiện thực nghĩa là bạn sẵn lòng làm những công việc, từ đơn giản nhất, và cố gắng hoàn thành chúng một cách triệt để. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn phải biết tận dụng từng phút giây quý báu của mình và làm phần việc được giao tốt hơn phạm vi trách nhiệm của bạn. (Không gì là không thể - George Matthew Adams, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 60-61) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. Câu 2. (0,5 điểm) Theo tác giả, "lý do khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội của mình" là gì? Câu 3.S (1 điểm) Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết làm thế nào để mỗi người có thể nắm bắt được cơ hội mà cuộc sống mang đến? Câu 4. (1 điểm) Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả "đằng sau mỗi thất bại luôn ẩn chứa một cơ hội mới" không? Vì sao? II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích Đọc hiểu anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 20 câu) bàn về ý nghĩa của việc đối mặt với thất bại trong cuộc sống Câu 2. (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về tình yêu làng, yêu trước của nhân vật ông Hai trong các đoạn văn bản sau: Ông Hai quay phắt lại, lắp bắp hỏi: - Nó… nó vào làng Chợ Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng? Người đàn bà ẵm con cong môi lên đỏng đảnh: - Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa! Cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi: - Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ tại… [...] Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cuwleen ấy vẫn dõi theo... (...) Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu... Ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên: - Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này. Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!... Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… (...) Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi: - Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con của ai? - Là con thầy mấy lại con u. - Thế nhà con ở đâu? - Nhà ta ở làng Chợ Dầu. - Thế con có thích về làng Chợ Dầu không? Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ: - Có. Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu lại hỏi: - À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai? Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt: - Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ: - Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ. Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. (Làng, Kim Lân, SGK Ngữ văn 9 tập Một, NXB Giáo dục, 2014) Lời giải chi tiết Phần I Câu 1
Phương pháp: căn cứ các PTBĐ đã học Cách giải: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận Câu 2
Phương pháp: căn cứ bài đọc hiểu Cách giải: Theo tác giả “lí do khiến rất nhiều người bỏ lỡ cơ hội của mình” là do cơ hội luôn hiện hữu xung quanh chúng ta nhưng thường núp dưới cái bóng rủi ro hoặc thất bại tạm thời. Câu 3
Phương pháp: căn cứ bài đọc hiểu Cách giải: Trước hết cần cố gắng nhận ra cơ hội của mình, đồng thời phân tích những thuận lợi và thách thức mà nó mang lại. Biến cơ hội thành hiện thực, tức là sẵn sang làm những công việc từ đơn giản nhất, và cố gắng hoàn thành chúng một cách triệt để nhất. Biết tận dụng những giây phút quý báu của mình và làm phần việc được giao tốt hơn phạm vi trách nhiệm của bạn. Câu 4
Phương pháp: phân tích Cách giải: HS đưa ra quan điểm cá nhân, lí giải thuyết phục không vi phạm chuẩn mực đạo đức. Phần II Câu 1:
Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp Cách giải: 1.Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của việc đối mặt với thất bại trong cuộc sống. 2.Giải thích vấn đề: - Thất bại là không đạt được kết quả, mục đích như dự định. - Đối mặt là đứng ngay trước một trở ngại, khó khăn hoặc nguy hiểm nào đó và phải trực tiếp đối phó lại. => Đối mặt với thất bại là điều mỗi người cần thiết phải làm trong cuộc sống. 3.Phân tích, bàn luận vấn đề - Ý nghĩa của việc đối mặt với thất bại: + Thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống. Đối mặt với thất bại thể hiện việc bạn chấp nhận sự thật và dám học hỏi bài học mà thất bại đem lại. + Đối mặt với thất bại còn thể hiện bản lĩnh và sự dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm. + Đối mặt với thất bại cũng chính là cách mở ra con đường dẫn đến thành công với mỗi người. - Làm thế nào để đối mặt với thất bại? + Luôn dũng cảm thừa nhận những sai lầm của chính mình. + Kiên định trước những sóng gió cuộc đời. + Chấp nhận thách thức bản thân. - Phê phán những người chạy trốn, hèn nhát, sau một lần thất bại đã gục ngã hoàn toàn. 4.Liên hệ bản thân và Tổng kết Câu 2
Phương pháp: phân tích, tổng hợp Cách giải: 1. Giới thiệu chung: Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai. 2. Phân tích - Ở nơi tản cư, Ông Hai, một lão nông dân yêu làng, yêu nước nghe tin làng Chợ Dầu của mình theo giặc: Đặt nhân vật vào một tình huống gay cấn, để ông Hai đau xót, tủi nhục và bế tắc khi làng và nước ở hai chiều đối nghịch. Nhân vật đã bộc lộ sâu sắc tình yêu làng, yêu nước của mình và ông quyết định “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Kim Lân đã khẳng định: trong lòng mỗi người dân Việt Nam, đất nước đã rộng lớn, bao trùm và chi phối mọi tình cảm khác, trong đó có tình yêu làng. * Khi mới nghe tin ông sững sờ đau đớn: - Nghe tin ấy sững sờ: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc sau ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ…” - Ông lão vờ đứng lảng rồi ra về: “cúi gằm xuống mà đi…”. Ông giả vờ bình thản nhưng thực chất để che giấu tâm trạng. - Tác giả đã miêu tả rất tinh tế tâm trạng bàng hoàng, sửng sốt, uất ức, đau đớn, tủi hổ của nhân vật. Niềm tự hào về làng Dầu bấy lâu bỗng sụp đổ * Về đến nhà: - Ông tủi thân và thương lũ con: + Nước mắt ông lão cứ giàn ra “Chúng cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…” Ông độc thoại một mình, thương cho thân mình, thương cho chúng. + Tủi nhục bao nhiêu nghĩ tới bọn ở làng ông càng giận bấy nhiêu, ông nắm chặt hai tay mà rít lên “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Không thể kiềm chế được cơn tức giận, những suy nghĩ trong đầu ông Hai đã bị bật thành lời căm phẫn. - Ông vẫn không tin đó là sự thật: Ông điểm lại từng người trong làng, “họ toàn là những người có tinh thần cả”. Nhưng không có lửa thì không thể có khói vì vậy dù không muốn nhưng ông vẫn phải tin vào lời đồn. - Ông bắt đầu lo lắng: + Lo cho mình và gia đình: “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian, rồi đây biết làm ăn buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy.” + Lo cho bà con trong làng: “Lại còn nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?” * Những ngày sau: Liền những ngày sau đó, ông chẳng dám đi đến đâu chỉ ru rú ở xó nhà. Hễ thấy một đám đông tụm lại, hễ nghe thấy những từ Tây, Việt gian, cam nhông, ông lại nghĩ người ta đang nhớ tới chuyện ấy rồi. Ông lủi vào một góc nhà, nín thin thít -> Nỗi đau đớn tủi nhục đã chuyển thành sự sợ hãi thường xuyên. * Xung đột nội tâm của ông Hai khi bị mụ chủ nhà đuổi đi: Điều ông Hai sợ nhất cũng xảy đến khi mụ chủ nhà có ý đuổi đi, tâm trạng ông Hai diễn ra một cuộc xung đột gay gắt: + Đi đâu bây giờ, khắp nơi người ta đều không chứa những kẻ Việt gian bán nước, người ta đều căm giận, phỉ nhổ + Hay là quay về làng, ý nghĩ đó vừa thoáng qua lập tức ông gạt đi ngay bởi về làng lúc này là từ bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, trong tâm trạng đau đớn, bế tắc ông quyết dịnh “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù” => Với quyết định này, nhà văn Kim Lân đã khẳng định từ tình yêu làng đến tình yêu nước là một quá trình phát triển hết sức tự nhiên chân thực: tình yêu nước đã rộng lớn, bao trùm, chi phối mọi thứ tình cảm khác trong nhân vật Ông Hai. * Tâm trạng ông Hai trong cuộc trò chuyện với đứa con út: - Với tâm trạng đau khổ, ông Hai đã tâm sự với đứa con út như để minh oan cho mình. Câu hỏi: “Thế nhà con ở đâu?” cùng câu trả lời của đứa con: “Nhà ta ở Chợ Dầu” đã khẳng định tình yêu làng Dầu luôn ăn sâu trong lòng ông. Và phải chăng ông muốn nhắc cho đứa con ghi nhớ về quê hương, nguồn gốc của mình. - Ông lại hỏi “Thế con ủng hộ ai?” và tự khẳng định lại “Ủng hộ cụ Hồ con nhỉ?” Chi tiết này khẳng định ông tin tưởng và biết ơn kháng chiến cụ Hồ đã đem lại cuộc sống ấm no, tự do. Tình cảm đó rất thiêng liêng, bền vững và sâu nặng. - Một lần nữa ông thủ thỉ với con “Cụ Hồ trên đầu trển cổ xét soi cho bố con ông”. Người nông dân chất phác ấy đã bộc lộ rõ niềm tin tưởng vào sự công bằng của cách mạng, của kháng chiến với những người tốt như mình. Tấm lòng tin tưởng trung thành của ông bền vững “Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai” - Đoạn văn đối thoại nhưng thực chất lại mang tính chất độc thoại. Ông nói với con như để ngỏ lòng mình, để vơi bớt những buồn đau, dằn vặt …trong lòng. - Đoạn văn ngắn nhưng diễn tả rất cảm động nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai - một người nông dân - với quê hương, đất nước, với cách mạng, kháng chiến. => Trước thông tin làng theo giặc, ông Hai đã có quá trình đấu tranh tâm lý vô cùng gay gắt, quyết liệt. Đồng thời qua đó cũng thể hiện tình cảm yêu làng, yêu nước tha thiết, sâu nặng của ông. 3. Tổng kết * Giá trị nội dung: Truyện thể hiện chân thực, sinh động tình cảm yêu làng quê thống nhất với lòng yêu đất nước ở nhân vật ông Hai – một người nông dân sống vào khoảng thời kì đầu cuộc kháng chiến Pháp. * Giá trị nghệ thuật: - Tác giả sáng tạo tình huống truyện có tính căng thẳng, thử thách. - Xây dựng cốt truyện tâm lí (đó là chú trọng vào các tình huống bên trong nội tâm nhân vật). - Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên mà sâu sắc, tinh tế. - Ngôn ngữ đặc sắc, sinh động, mang đậm chất khẩu ngữ, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân.
Quảng cáo
|