Đề số 6 - Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết) - Học kì 2 - Ngữ văn 6

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 - Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết) - Học kì 2 - Ngữ văn 6

Quảng cáo

Đề bài

I.TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm)

Trả lời các câu hỏi dưới đây bằng cách khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng. (Mỗi câu đúng được 0,25 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi :

…Tôi dậy từ canh tư. Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán, thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh...

(Nguyễn Tuân, Cô Tô)

1. Phép tu từ nào được tác giả sử dụng trong câu : “Mặt trời nhú lên... đầy đặn” ?

A. So sánh

B. Nhân hoá

C. Ẩn dụ

D. Hoán dụ

2. Dòng nào dưới đây nêu đúng về việc tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật trong câu : “Và ngồi đó rình mặt trời lên” ?

A. Tác giả đã sử dụng phép nhân hoá

B. Phép ẩn dụ được dùng rất độc đáo

C. Cách dùng từ rất sáng tạo và đầy ấn tượng

D. Hình ảnh đậm chất lãng tử tài hoa

3. Cách xây dựng hình ảnh đậm chất lãng tử, tài hoa Trong câu “Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo”, hình ảnh nào sau đây chứa phép hoán dụ ?

A. Còn tối đất

B. Cố đi mã 

C. Đá đầu sư

D. Đầu mũi đảo

4. Cấu trúc ngữ pháp câu sau là đúng hay sai ?

Sau trận bão, chân trời, ngấn bể / sạch như tấm kính lau hết mây, hết bụi.

TN               CN                            VN

A. Đúng                                      B.  Sai

5. Thành phần chủ ngữ trong câu “Điều tôi dự đoán, thật là không sai” là gì ?

A. Điều

B. Điều tôi dự đoán

C. Tôi

D. Tôi dự đoán

6. Câu “Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bộ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng”, thành phần vị ngữ là gì ?

A.Đặt lên một mâm bạc dường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng

B.Bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng

C.Đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng

D.Màu ngọc trai nước biển hửng hồng

7. Câu “Tôi dậy từ canh tư” thuộc kiểu câu gì ?

A.Câu trần thuật đơn dùng để giới thiệu

B.Câu trần thuật đơn dùng để miêu tả

C.Câu trần thuật đơn dung để kể sự việc

D.Câu trần thuật đơn dùng để nêu ý kiến

8. Câu trần thuật đơn có từ là “Điều tôi dự đoán, thật là không sai” thuộc kiểu câu gì ?

A.Câu định nghĩa

B.Câu giới thiệu

C.Câu miêu tả

D.Câu đánh giá

9. Câu “Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh” thuộc kiểu câu nào ?

A.Câu trần thuật đơn có từ lù

B.Câu trần thuật đơn dùng để giới thiệu

C.Câu trần thuật đơn dùng để miêu tả

D.Câu trần thuật đơn dùng để nêu ý kiến

10. Dòng nào dưới đây nêu nhận xét đúng về câu “Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.” ?

A.Câu mắc lỗi thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ

B.Câu khuyết chủ ngữ nhưng không phải là câu sai

C.Câu sai vì thiếu chủ ngữ nên người đọc không hiểu ý nghĩa

D.Câu khuyết vị ngữ nhưng không sai và rõ ý nghĩa

11. Giả sử dùng dấu phẩy (,) cho câu như sau : “Tôi dậy từ canh, tư.” thì :

A.Sai hoàn toàn

B.Vẫn sử dụng đúng dấu câu

C.Chỉ nghĩa của câu là thay đổi

D.Nghĩa của câu vần rõ ràng

12. Dòng nào dưới đây nêu nhận xét đúng về tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên ?

A.Giúp cho cảnh tượng hiện lên thật rõ nét, sinh động với một vẻ đẹp lỗng lẫy đến lạ thường

B.Giúp cho cảnh tượng sống động giống như con người với muôn vàn những đặc điểm thân quen

C.Giúp cho cách diễn đạt trở nên sâu sắc bởi cách nói chứa đựng những hàm ý sâu xa

D.Giúp cho người đọc có được những liên tưởng gần gũi được gợi ra từ hình ánh mặt trời

II.TỰ LUẬN (7,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi 1, 2 :

…Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Đến kì sinh, chuyện thật lạ, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng ; trăm trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường.

Đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khoẻ mạnh như thần.

(Con Rồng cháu Tiên)

1. Các từ hồng hào, đẹp đẽ, khôi ngô, khỏe mạnh trong đoạn văn trên diễn tả điều gì ? Trong các từ đó, từ nào là từ láy, từ nào là từ ghép ? (1,0 điểm)

2. Nêu nhận xét về các chi tiết tưởng tượng kì ảo trong đoạn văn trên. (1,0 điểm)

3. Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc tranh luận giữa 3 phương tiện giao thông : xe đạp, xe máy, ô tô. (5,0 điểm)

Lời giải chi tiết

I. TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm)

1

2

3

4

5

6

A

C

D

A

B

A

7

8

9

10

11

12

C

D

C

B

A

A

II.TỰ LUẬN (7,0 điểm)

1. (1,0 điểm)

-     Các từ hồng hào, đẹp đẽ, khôi ngô, khoẻ mạnh trong đoạn văn nhằm diễn tả vẻ đẹp hoàn hảo của con Rồng cháu Tiên qua đó thể hiện niềm tự hào về nòi giống cao quý, về tổ tiên của dân tộc ta.

-     Các từ láy : hồng hào, đẹp đẽ.

-     Các từ ghép : khoẻ mạnh, khôi ngô.

2.    (1,0 điểm)

-     Trong đoạn văn có những chi tiết tưởng tượng kì ảo :

+ Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng.

+ Trăm trứng nở ra một trăm người con.

+ Đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi.

-     Đó là những chi tiết tưởng tượng kì ảo vì đó là những chi tiết không có thật, được tác giả dân gian sáng tạo nhằm mục đích tôn vinh nguồn gốc cao quý, thiêng liêng của dân tộc để mỗi người chúng ta thêm yêu quý, tôn kính, tự hào về tổ tiên chúng ta.

-      Những chi tiết này cũng góp phần làm cho câu chuyện thêm huyền bí và hấp dẫn.

3.    (5,0 điểm)

Đề bài yêu cầu HS biết vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học vể ngôi kể, lời kể, thứ tự kể và cách làm bài văn kể chuyện tưởng tượng để đóng vai một đồ vật (xe đạp, xe máy, ô tô) để kể lại cuộc tranh luận giữa 3 phương tiện giao thông này về những ưu điểm và nhược điểm của chúng.

a. Mở bài : (0,5 điểm)

Giới thiệu về nhân vật mà mình đóng vai và địa điểm, nguyên nhân xảy ra và nội dung cuộc tranh cãi giữa ba phương tiện giao thông xe đạp, ô tô, xe máy (có thể ở một bãi xe với sự hiện diện của cả 3 nhân vật : Ô tô bóng nhoáng đậu bên xe máy, xe đạp).

b. Thân bài : (4,0 điểm)

HS trong vai nhân vật (hoặc là ô tô / xe máy / xe đạp) tưởng tượng, hình dung và kể lại diễn biến cuộc tranh cãi với những chi tiết hợp lí về những ưu điểm và nhược điểm của từng phương tiện giao thông đối với cuộc.sống của con người, đặc biệt trong điều kiện môi trường sống hiện tại.

-     Xe máy :

+ Chê xe đạp cũ kĩ, chậm chạp, không phù hợp với thời đại văn minh, nếp sống công nghiệp.

       + Tự đề cao : kiểu dáng đẹp, văn minh, nhiều loại khác nhau, được ưa chuộng nhiều ở Việt Nam, hầu như ai cũng đều chọn phương tiện đi lại này. Xe máy có thể chở được một người lớn và một trẻ em ngồi sau xe, cả gia đình cùng đi, tiện lợi, tốc độ nhanh không kém gì ô tô ; hơn ô tô là luồn lách khắp nơi, dừng đỗ dễ dàng,... xứng đáng được tôn vinh.

-     Ô tô :

+ Phản bác xe máy đã kiêu ngạo, coi thường kẻ đáng thương là xe đạp.

+ Chê xe máy tuy có nhiều tác dụng, được ưa chuộng nhưng lại quá nhiều, gây ùn tắc giao thông, không những thế còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường vì thải nhiều khói, phóng nhanh vượt ẩu, luồn lách, đèo nặng nên cũng hay gây tai nạn. (Có thể lấy số liệu về số vụ tai nạn do xe máy gây ra.)

+ Tự đề cao mình là phương tiện sang trọng, hiện đại : trẻ con, người lớn ai cũng thích ; được dùng trong những dịp quan trọng : đi xa, cưới hỏi ; đem lại cho con người nhiều tiện lợi : trời mưa nắng ngồi ô tô "mưa không tới mặt nắng chẳng tới đầu", sức chở lớn hơn xe máy, xe đạp ; chỗ ngồi êm ái, có thể nghe nhạc, xem phim, đi nhanh ;… Giá trị vật chất cũng lớn hơn.

-     Xe đạp

+ Tự nhận xét về mình là có nhiều nhược điểm về tốc độ, về giá trị vật chất, vể hiện đại văn minh ; nhưng lại là phương tiện có ích : đã tham gia các chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ngày nay vẫn rất gần gũi và quen thuộc với con người vì chậm mà an toàn, được người già và học sinh ưa thích.

-     So sánh với ô tô, xe máy : không gây ô nhiễm, không chiếm diện tích đỗ rộng như ô tô, xe máy, tốc độ vừa phải, dễ làm chủ nên ít gây tai nạn giao thông, nhiều người dùng được, điều khiển dễ, không tốn tiền xăng dầu,

-     Sự xuất hiện của một nhân vật thứ tư : im lặng nghe cuộc tranh cãi, đứng ra phân xử và khẳng định : ô tô, xe máy, xe đạp không nên tranh cãi mất công vì :

+ Tất cả mọi phương tiện giao thông đều đáng quý, đều có ích trong cuộc sống của con người, là phương tiện giúp con người đi lại nhanh hơn, đỡ tốn sức...

+ Mỗi phương tiện có vai trò riêng phù hợp với hoàn cảnh xã hội, với mỗi người, không thể loại trừ nhau mà phải cùng nhau tồn tại để giúp ích cho cuộc sống của con người.

+ Dù phương tiện giao thông nào cũng phải chấp hành tốt luật lệ giao thông và có ý thức giữ gìn môi trường.

c. Kết bài : (0,5 điểm)

— Kết quả cuộc tranh cãi.

—  Nêu những suy nghĩ của bản thân về việc sử dụng các phương tiện giao thông sao cho ích lợi nhất với cuộc sống của con người.

*   Lưu ý:

— Điểm trừ tối đa đối với bài viết không đám bảo kiểu bài và bố cục bài văn tự sự là 2 điểm.

—Điểm trừ tối đa đối với bài viết không đúng về ý, lập luận miêu tả là 1 điểm.

—Điểm trừ tối đa với bài làm mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ, đặt câu là 1 điểm.

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaihay.com


Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close