Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 6 - Chương I - Phần 2 - Lịch sử 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 6 - Chương 1 - Việt Nam từ thời nguyên thủy đến thế kỉ X - Lịch sử 10

Quảng cáo

Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1. Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đã làm xuất hiện nghề thủ công mới nào ở nước ta?

A. Làm đồ trang sức bằng vàng, bạc

B. Làm giấy, làm thủy tinh.

C. Rèn sắt.

D. Làm đồ gốm

Câu 2. Nơi nào trở thành điểm xuất phát của các cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta trong thời kì Bắc thuộc?

A. Thành phố lớn.

B. Đô thị.

C. Bến cảng.

D. Làng xóm.

Câu 3. Đến thời kì nào của chế độ phong kiến phương Bắc nước ta lại bị chia thành nhiều châu?

A. thời kì nhà Triệu.

B. thời kì nhà Hán.

C. thời kì nhà Đường.

D. thời kì nhà Minh.

Câu 4. Tại sao các triều đại phong kiến phương Bắc lại truyền bá Nho giáo vào nước ta?

A. Nho giáo là tôn giáo phổ biến của nhiều quốc gia.

B. Nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ta.

C. Hình thành tư tưởng “trung quân ái quốc” với Trung Hoa.

D. Đây là tôn giáo tồn tại duy nhất ở Trung Quốc.

Câu 5. Chính quyền đô hộ phương Bắc đã không thực hiện chính sách văn hóa – xã hội nào sau đây đối với nhân dân ta?

A. Truyền bá chữ Quốc ngữ vào nước ta.

B. Truyền bá Nho giáo vào nước ta.

C. Bắt nhân dân ta theo phong tục của người Hán.

D. Đưa người Hán vào nước ta ở lẫn với người Việt.

Câu 6. Nội dung nào lí giải không đúng cho sự bảo tồn của bản sắc văn hóa Việt trước chính sách “đồng hóa” của các triều đại phong kiến phương Bắc?

A. Ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc của nhân dân ta.

B. Sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng Tiếng Việt.

C. Người Việt phát huy được bản lĩnh trí tuệ của mình.

D. Truyền thống phụ hệ vô hiệu hoá phương thức đồng hoá bằng hôn nhân của người Hán.

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Câu 1. (2 điểm) Hãy nhận xét chính sách đô hộ của phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta thời Bắc thuộc.

Câu 2: (2 điểm) Chính quyền đô hộ truyền bá Nho giáo vào nước ta, bắt nhân dân ta thay đổi phong tục theo người Hán nhằm mục đích gì?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1. B

2. D

3. C

4. C

5. A

6. D

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 81.

Cách giải:

Dưới tác động của chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc, một số nghề thủ công mới đã xuất hiện như nghề làm giấy, làm thủy tinh, …

Chọn: B

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 82.

Cách giải:

Mặc dù các triều đại phong kiến phương Bắc đã tăng cường việc cai trị trực tiếp đến cấp huyện, tổ chức các đơn vị tổ chức hành chính đế tận cấp hương, xã nhưng vẫn không khống chế nổi các làng xóm người Việt. Làng xóm trở thành nơi xuất phát của các cuộc đấu tranh giành độc lập.

Chọn: D

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 80.

Cách giải:

Đến thời kì nhà Tùy và nhà Đường, nước ta lại bị chia thành nhiều châu để dễ bề cai quản.

Chọn: C

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 81, suy luận.

Cách giải:

Một trong những tư tưởng chủ chốt của Nho giáo là tư tưởng “trung quân ái quốc”, nghĩa là trong bất kì trường hợp nào cũng phải trung thành với nhà vua, vì vua mà dốc toàn tâm sức, thậm chí cả tính mạng, đó chính là căn cốt của tinh thần ái quốc. Các triều đại phong kiến phương Bắc truyền bá Nho giáo vào Việt Nam nhằm hình thành tưởng “trung quân ái quốc” ấy của nhân dân ta với vua Trung Hoa. Thực hiện ách nô dịch không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần.

Chọn: C

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 81, loại trừ.

Cách giải:

Những chính sách về văn hóa – xã hội của các triều đại phong kiến phương Bắc bao gồm:

- Chính sách đồng hóa về văn hóa:

+ Truyền bá Nho giáo, mở lớp dạy chữ nho => Nho giáo chỉ có ảnh hưởng đến một số vùng trung tâm châu, quận.

+ Bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục, tập quán theo người Hán.

+ Đưa người Hán vào sinh sống cùng người Việt.

- Chính quyền đô hộ còn áp dụng luật pháp hà khắc và thẳng tay đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

=> Loại trừ đáp án A: chữ quốc ngữ được du nhập vào Việt Nam thông qua con đường truyền đạo trong các thế kỉ XVI – XVIII.

Chọn: A

Câu 6.

Phương pháp: Phân tích, đánh giá

Cách giải:

Có thể kết luận: Dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.

Xét đáp án D: Truyền thống mẫu hệ (không phải chế độ phụ hệ) của người Lạc Việt đã vô hiệu hoá phương thức đồng hoá bằng hôn nhân của người Hán theo chế độ phụ hệ, giúp cho dân Việt Nam bảo tồn được giống nòi.

Chọn: D

II. TỰ LUẬN

Câu 1:

Phương pháp: sgk trang 80, 81, nhận xét.

Cách giải:

Nhận xét chính sách đô hộ của phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta thời Bắc thuộc:

- Toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.

- Bóc lột tàn bạo về kinh tế.

- Đồng hóa, biến người dân Việt thành người Hán.

- Luật pháp nặng nề, đàn áp tàn bạo các cuộc nổi dậy của nhân dân ta.

Câu 2:

Phương pháp: sgk trang 80, 81, suy luận.

Cách giải:

Chính quyền đô hộ truyền bá Nho giáo vào nước ta, bắt nhân dân ta thay đổi phong tục theo người Hán nhằm mục đích đồng hóa nhân dân ta để dễ cai trị, biến nước ta trở thành một quận huyện của Trung Quốc.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close