Đề kiểm tra 15 phút chương 5 phần 1 sử 10 - Đề số 1 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra 15 phút chương 5 phần 1 lịch sử 10 - Đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Quảng cáo
Đề bài Câu 1. Nhân tố nào sau đây được coi là điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của cư dân Đông Nam Á? A. lãnh thổ rộng, chia cắt bởi những dãy núi. B. gió theo mùa kèm theo mưa nhiều. C. lãnh thổ hẹp, chia cắt bởi rừng nhiệt đới, biển. D. có nhiều thảo nguyên mệnh mông và rộng lớn. Câu 2. Ngành sản xuất chính của cư dân Đông Nam Á là A. Nông nghiệp. B. Công nghiệp. C. Thủ công nghiệp. D. Thương nghiệp. Câu 3. Hầu hết các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á được hình thành trong khoảng 10 thế kỉ đầu sau công nguyên tập trung ở khu vực A. phía bắc Đông Nam Á. B. trung tâm Đông Nam Á. C. phía nam Đông Nam Á. D. phía đông Đông Nam Á. Câu 4. Sự kiện nào đóng vai trò mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của Vương quốc Mi-an-ma? A. Vương quốc Pa-gan mạnh lên và tiến hành thống nhất lãnh thổ. B. Dòng vua Gia-va mạnh lên, chinh phục được Xu-ma-tơ-ra. C. Sự giúp đỡ của Đại Việt đối với Mi-an-ma. D. Tiềm lực kinh tế mạnh của vương quốc Mi-an-ma. Câu 5. Các quốc gia phong kiến Đông Nam Á bước vào thời kì suy thoái trong thời gian nào? A. nửa sau thế kỉ XVII. B. nửa sau thế kỉ XVIII. C. nửa đầu thế kỉ XVII. D. nửa đầu thế kỉ XVIII. Câu 6. Nhân tố nào sau đây không gắn liền với sự hình thành các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á thời kì phong kiến? A. Sự phát triển của các ngành kinh tế. B. Tác động về kinh tế của các thương nhân Ấn. C. Ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Ấn Độ. D. Sự chinh phục các bộ lạc của tộc người Hán. Câu 7. Nhân tố nào sau đây tạo nền tảng cho sự hình thành các quốc gia phong kiến dân tộc hùng mạnh ở Đông Nam Á? A. Sự sụp đổ của các vương quốc cổ ở Đông Nam Á. B. Các quốc gia cổ ở Đông Nam Á nhỏ, phân tán trên đia bàn hẹp. C. Các quốc gia cổ ở Đông Nam Á sông chia rẽ, phân tán. D. Nhiều quốc gia cổ Đông Nam Á có sự tranh chấp lẫn nhau. Câu 8. Nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến sự suy thoái của các quốc gia phong kiến ở Đông Nam Á? A. Vẫn duy trì phương thức sản xuất phong kiến lạc hậu, lỗi thời B. Sự bùng phát của các cuộc khởi nghĩa nông dân C. Sự xâm lược của thực dân phương Tây D. Sự chia rẽ về sắc tộc và tôn giáo của các quốc gia trong khu vực Câu 9. Quốc gia cổ góp phần hình thành nên đất nước Việt Nam ngày nay là A. Âu Lạc, Champa, Phù Nam B. Champa, Phù Nam, Pa-gan. C. Âu Lạc, Champa, Chân Lạp D. Âu Lạc, Phù Nam, Pa-gan. Câu 10: Các quốc gia phong kiến Đông Nam Á được gọi là các "quốc gia phong kiến dân tộc" vì A. cho phép một bộ tộc đông nhất đàn áp, thống trị các bộ tộc khác. B. chọn ngôn ngữ của một bộ tộc làm ngôn ngữ chính. C. lấy một bộ tộc đông nhất và phát triển nhất làm nòng cốt. D. có một bộ tộc phát triển nhất chi phối các bộ tộc khác. Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1. Phương pháp: sgk trang 45. Cách giải: Đông Nam Á là một khu vực rộng lớn và bị chia cắt nên không có những thảo nguyên mênh mông để chăn nuôi gia súc lớn. Tuy nhiên, thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng này một điều kiện hết sức thuận lợi – đó là gió mùa. Gió mùa kèm theo mưa rất thích hợp cho sự phát triển của cây lúa nước. Chọn đáp án: B Câu 2. Phương pháp: sgk trang 46. Cách giải: Thế kỷ đầu Công Nguyên, cư dân Đông Nam Á đã biết dùng đồ sắt: - Kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước là chủ yếu. - Nghề thủ công truyền thống phát triển như dệt, làm gốm, đúc đồng và rèn sắt. - Buôn bán đường biển rất phát triển, một số thành thị hải cảng ra đời, xuất hiện các trung tâm buôn bán nổi tiếng. Hải cảng Óc Eo (An Giang), Ta-kô-la (Mã Lai) và bắt đầu xuất hiện các quốc gia nhỏ đầu tiên. Chọn đáp án: A Câu 3. Phương pháp: sgk trang 46. Cách giải: Khoảng 10 thế kỉ đầu sau Công nguyên, hàng loạt các quốc gia nhỏ đã được hình thành và phát triển ở khu vực phía Nam Đông Nam Á như: - Vương quốc Cham-pa ở vùng Trung Bộ Việt Nam. - Vương quốc Phù Nam ở hạ lưu sông Mê Kông. - Các vương quốc ở hạ lưu sông Mê Nam và trên các đảo của In-đô-nê-xi-a. Chọn đáp án: C Câu 4. Phương pháp: sgk trang 48. Cách giải: Trên lưu vực sông I-ra-oa-đi, từ giữa thế kỉ XI, quốc gia Pa-gan ở miền Trung đã mạnh lên, chinh phục các tiểu quốc gia khác, thống nhất lãnh thổ, mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của vương quốc Mi-an-ma. Chọn đáp án: A Câu 5. Phương pháp: sgk trang 49. Cách giải: Từ nửa sau thế kỉ XVIII, các quốc gia Đông Nam Á bước vào giai đoạn suy thoái, mặc dù xã hội phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại. Chọn đáp án: B Câu 6. Phương pháp: sgk trang 46, suy luận. Cách giải: Sự ra đời các vương quốc cổ ở Đông Nam Á gắn liền với các nhân tố: - Sự phát triển của các ngành kinh tế là cơ sở cho sự ra đời hàng loạt các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á. - Gắn liền với tác động về mặt kinh tế của các thương nhân Ấn và ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Các nước Đông Nam Á đã tiếp thu và vận dụng văn hóa Ấn Độ để sáng tạo văn hóa của dân tộc mình. Đáp án D: sự chinh phục các bộ lạc của tộc người Hán không gắn liền với sự hình thành các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á thời kì phong kiến. Chọn đáp án: D Câu 7. Phương pháp: sgk trang 46, suy luận. Cách giải: Các đáp án B, C, D là các nhân tố dẫn đến sự sụp đổ của các vương quốc cổ ở Đông Nam Á. Đáp án A: Sự sụp đổ của các vương quốc cổ ở Đông Nam Á mới là nhân tố quan trọng tạo cơ sở hình thành các quốc gia phong kiến dân tộc hùng mạnh ở Đông Nam Á. Chọn đáp án: A Câu 8. Phương pháp: phân tích, đánh giá. Cách giải: Từ nửa sau thế kỉ XVIII, các quốc gia Đông Nam Á bước vào thời kì suy thoái, mặc dù xã hội phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại cho tới khi trở thành thuộc địa của các nước tư bản phương Tây. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do sự duy trì phương thức sản xuất phong kiến lỗi thời, lạc hậu dẫn đến nền kinh tế ngày càng rơi vào khủng hoảng trong khi cách mạng công nghiệp (thế kỉ XVII – XVIII) đã đưa các nước phương Tây (Anh, Pháp, Đức, Mĩ) ngày càng phát triển vượt bậc. Xét như Việt Nam, thế kỉ XVIII nói chung là thời kì khủng hoảng của chế độ phong kiến, các biện pháp được nhà nước thực hiện đều là những biện pháp cũ và không mang lại hiệu quả cao; nạn chiêm tinh ruộng đất phát triển đã khiến nhân dân phải tha phương cầu thực; quan lại tham nhũng, bòn rút làm cho nhân dân thêm đói ngèo => Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra, Chọn đáp án: A Câu 9. Phương pháp: liên hệ Cách giải: Các quốc gia cổ góp phần hình thành nên đất nước Việt Nam ngày nay bao gồm: - TK VII TCN, hình thành quốc gia đầu tiên Văn Lang - Âu Lạc ở Bắc Bộ - TK II Quốc gia Lâm Ấp - Chămpa ở Nam Trung Bộ. - TK I, quốc gia Phù Nam hình thành ở Tây Nam Bộ. Ba quốc gia này thuộc thời kì dựng nước đầu tiên trong tiến trình Lịch sử Việt Nam. Chọn đáp án: A Câu 10. Phương pháp: sgk trang 46, suy luận. Cách giải: Trong khoảng thế kỉ VII đến X, ở khu vực Đông Nam Á đã hình thành một số quốc gia, lấy bộ tộc đông và phát triển nhất làm nòng cốt, thường được gọi là các quốc gia “dân tộc” như Vương quốc Cam-pu-chia của người Khơ-me, vương quốc của người Môn và người Miến ở vùng hạ lưu sông Mê Nam…. => Các quốc gia phong kiến Đông Nam Á được gọi là các "quốc gia phong kiến dân tộc" vì lấy bộ tộc đông và phát triển nhất làm nòng cốt. Chọn đáp án: C Loigiaihay.com
Quảng cáo
|