Cảm nhận của em về bài thơ “Qua đèo ngang"

Trong dòng văn thơ cổ Việt Nam có 2 nữ thi sĩ được nhiều người biết đến đó là Hồ Xuân Hương và bà Huyện Thanh Quan. Nếu như thơ văn của Hồ Xuân Hương sắc sảo, góc cạnh thì phong cách thơ của bà Huyện Thanh Quan lại trầm lắng, sâu kín, hoài cảm…

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Bà Huyện Thanh Quan và tác phẩm Qua đèo Ngang:

+ Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê ở Nghi Tàm, Thăng Long.

+ Bài thơ Qua đèo Ngang tả cảnh đèo Ngang lúc ngày tàn, qua đó nhà thơ cũng thể hiện những tâm tư trong lòng mình.

2. Thân bài: Cảm nhận về nội dung tác phẩm

a. Hai câu đề

- Thời điểm nữ thi sĩ bước tới đèo Ngang: chiều tà.

- Gợi tả cảnh quan con đèo.

=> Thời điểm chiều tà có lợi thế khi gợi cảm giác vắng lặng, là lúc mong được sum họp, mong được trở về nhà. Qua đó bộc lộ tâm trạng cô đơn của tác giả.

b. Hai câu thực

- Cuộc sống và con người nơi đèo Ngang, cảnh vật có sự đối nhau.

- Các từ láy: lom khom, lác đác; các từ tượng thanh: quốc quốc, gia gia có tác dụng lớn trong việc gợi hình, gợi cảm và tô đậm vẻ hoang vắng, quạnh hiu.

c. Hai câu luận

- Tiếng kêu quốc quốc, gia gia càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà.

- Sử dụng phép đối và đảo ngữ, vừa tạo hình, vừa tạo nhạc.

d. Hai câu kết

– Tâm trạng ngơ ngác, bồi hồi của nữ sĩ khi dừng chân đứng lại để nhìn ngắm cảnh đèo.

– Nhận ra cái cô đơn, lẻ loi của mình giữa không gian bao la.

=> Qua sự miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan, cảnh tượng Đèo Ngang hiện lên với bức tranh thiên nhiên hoang sơ bát ngát núi đèo có sự sống con người nhưng nhỏ bé, vắng lặng, thưa thớt và buồn tẻ. Tác giả đã mượn hình ảnh hoang vắng, thưa thớt con người nói lên nỗi quạnh hiu, mượn tiếng kêu mang âm vọng đất nước, gia đình để thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ nước.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật.

- Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang.

 

 

Bài mẫu

Bài tham khảo số 1

        Trong dòng văn thơ cổ Việt Nam có hai nữ thi sĩ được nhiều người biết đến đó là Hồ Xuân Hương và bà Huyện Thanh Quan. Nếu như thơ văn của Hồ Xuân Hương sắc sảo, góc cạnh thì phong cách thơ của bà Huyện Thanh Quan lại trầm lắng, sâu kín, hoài cảm… Chẳng vậy mà khi đọc bài thơ “Qua Đèo Ngang ” người đọc có thể thấu hiếu bức tranh vịnh cảnh ngụ tình sâu sắc, kín đáo của nhà thơ .

        Nhà thơ mở đầu bài thơ bằng việc tả cảnh đèo nhìn từ trên cao. Khi bóng chiều đã xế, có đá núi, cây rừng, có bóng tiều phu di động, có những mái nhà ven sông… mà sao heo hút, đìu hiu đến nao lòng.

Bước tới đèo ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá lá chen hoa…

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

        Cảnh gợi lên trong tâm hồn tình cảm của con người giọt buồn, giọt nhớ …. Trời đã xế chiều, bóng đã dần tàn … cảnh tượng ấy rất phù hợp với tâm trạng của bà Huyện Thanh Quan lúc này. Đó là nỗi u hoài, gợi buồn trước sự đổi thay của xã hội. Thế nên nhà thơ Nguyễn Du cũng đã nói :

“Cảnh nào cảnh chẳng gieo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ”

        Cảnh vật ở đây cũng thật sinh động đấy: Có cả cỏ với cây điểm thêm lá và hoa nhưng tất cả lại được hiển hiện trong hoạt động “chen chúc”. Đứng trước cảnh tượng đó khiến cho con người càng gợi lên sự hoang mang, khiếp hãi. Cảnh vật thì bao la làm cho tâm hồn con người đã hiu quạnh, đơn chiếc tăng thêm sự cô đơn, vắng lặng gần như hoàn toàn trống trải. Nhà thơ quan sát tổng thể cảnh nơi đây. Con người xuất hiện. Nhưng con người càng tô đậm thêm sự buồn vắng. Chính cảnh tượng ấy càng tạo cho nhà thơ những cảm giác hiu quạnh, tẻ nhạt, trống trải.

        Tức cảnh sinh tình:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

        Nỗi nhớ thương, đau đớn đến tận cùng của lòng người với nhà, với nước, với thân phận cô đơn của mình lại được cộng hưởng bởi những âm vang trong tiếng kêu khắc khoải không dứt của chim cuốc giữa đỉnh cao mây núi, nhìn lên chỉ thấy trời cao, nhìn xa chỉ thấy mây nước vời vợi…

        Nhà thơ đã lắng nghe âm thanh của cảnh Đèo Ngang. Nhưng đó không phải là tiếng kêu của loài chim cuốc, chim đa đa. Mà nói cho đúng đó chính là tiếng lòng của nhà thơ. Nhà thơ mượn hình ảnh loài chim cuốc muốn gợi sự tiếc nuối về quá khứ, triều đại nhà Lê thời kì vàng son, hưng thịnh nay không còn nữa. Gia tộc của nhà thơ vốn trung thành với nhà Lê nhưng không thể nào theo một chế độ đã thối nát. Vả lại đây là lần đầu tiên có lẽ nhà thơ xa nhà nên “cái gia gia” gợi nỗi thủy chung, thương nhớ quê nhà. Cảnh vật vắng lặng, đơn chiếc, xót xa , buồn bã. Càng làm cho nhà thơ mỗi lúc nỗi buồn hoài cảm càng tăng.

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

        Cả thân xác lẫn tâm linh của nhà thơ hoàn toàn tĩnh lặng. Nhà thơ cảm nhận thế giới thiên nhiên nơi đây thật rộng khoáng, bao la. Trong khi đó, con người chỉ là “một mảnh tình riêng”. Con người mang tâm trạng cô đơn, trống vắng hoàn toàn. Thiên nhiên với con người hoàn toàn đối lập với nhau càng làm nổi bật tâm trạng cô đơn, phủ nhận thực tại của nhà thơ.

        “Qua Đèo Ngang” là một bài thơ trữ tình đặc sắc. Với cách sữ dụng ngôn từ trang nhã nhưng rất điêu luyện đã giúp người đọc thấy được bức tranh vịnh cảnh ngụ tình sâu kín. Cảnh Đèo Ngang thật buồn vắng phù hợp với tâm trạng con người cô đơn hoài cảm. Từ bài thơ, cảm thụ tâm cảm của nhà thơ, ta càng cảm thông nỗi lòng của tác giả và kính phục tài năng thi ca của bà Huyện Thanh Quan.

Loigiaihay.com

Xem thêm các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close