Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 - Nghị luận văn học (tiếp)

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 - Nghị luận văn học (tiếp) trang 99 SGK Ngữ văn 9 tập 2. Đề 4, đề 5, đề 6, đề 7

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 9 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề 4

Gợi ý đề 4 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2):

 

Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng của Ta-go.

Bài làm

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi

Mây và sóng là một trong những bài thơ thể hiện và ca ngợi những tình cảm đẹp đẽ trong cuộc sống của con người .Với những biện pháp nghệ thuật đặc sắc tác phẩm đã ngợi ca tình cảm của đứa con dành cho mẹ, chan chứa tình cảm thiêng liêng của con người.

Tình mẫu tử là đề tài muôn thuở của thi ca, với gòi bút đặc sắc của mình, tác giả đã viết lên tác phẩm tuyệt bút này để nói lên tinh mẩu tử thiêng liêng bất diệt.

Bài thơ là lời kể của em bé , được chia thành 2 phần có nhịp điệu giống nhau , nhưng các từ ngữ hình ảnh có sự khác biệt mới mẻ và mức độ tình cảm của em bé dành cho mẹ phát triển ngày càng sâu sắc mạnh mẽ hơn . Chính điều này làm nên sức hấp dẫn của bài thơ .Phần thứ nhất của bài thơ , em bé kể về việc mình được rủ đi chơi và em đã từ chối ; phần thứ hai là sáng tạo ra trò chơi của em bé.Tình yêu quý cha mẹ là điều không mới mẻ nhưng ở đây tình cảm bộc lộ một cách không giống lẽ thường mà nó vượt qua mọi thử thách , vượt qua mọi cám dỗ ở đời . Hai phần của bài thơ đứng cạnh nhau, giúp chúng ta hiểu rõ về tình mẫu tử sâu sắc và trọn vẹn tình cảm của em bé dành cho mẹ. Hai phần có cấu trúc giống nhau là đều thuật lại lời rủ rê, lời từ chối và lí do từ chối của em bé, nêu lên trò chơi do em bé tạo ra.Nhưng ở cụm 2 không có cụm từ mẹ ơi, với tình huống thử thách khác nhau. ý thơ không trùng lặp, phần hai có câu cuối là phần kết bài.

Những trò chơi trên mây , dưới sóng được mời chào rất lí thú và hấp dẫn trên nền của bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng đã gợi lên trong lòng con người sự ham mê khó có thể cưỡng lại được. Chúng ta tưởng tượng những trò chơi đó chỉ có thể có ở xứ sở thần tiên hay ở cõi thiên đường huyền bí :

“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc.”

Chúng ta tưởng như những trò chơi này chỉ có ở xứ sở thần tiên huyền bí. Trẻ em ai chẳng thích chơi, nhất là khi trò chơi lại thú vị và lôi cuốn như thế . Vậy mà những lạc thú vui chơi nào đã dừng lại ! Càng về sau chúng càng rủ rê , chèo kéo tha thiết hơn, sôi nổi hơn, hết lần này đến lần khác , và mỗi lần lí thú hơn hấp dẫn hơn :

“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao.”

Với lời mời ngọt ngào, ngay cả người lớn cũng khó cưỡng nổi nữa là trẻ con . Chúng ta nghe lời hỏi của đứa bé để thấy Ta-go am hiểu tâm lí trẻ em như thế nào :

Nhưng làm thế nào mình lên đó được ?

Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được ?

Những lời hỏi thể hiện mong muốn được chơi của bé . Vậy mà bỗng em lại từ chối chỉ vì 1 lý do đơn giản nhưng tràn ngập tình yêu thương.

"Mẹ mình đang đợi ở nhà", "Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?"

“Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà , làm sao có thể rời mẹ mà đi được ?”

Lời từ chối rất vô tư nhưng chân thật đã minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng và sâu sắc của nhân vật trữ tình trong tác phẩm của Ta-go . Những thú vui dù hấp dẫn, dù đáng mơ ước đến đâu cũng ko thể vượt qua hình ảnh ấm áp của mẹ trong trái tim em bé . Dường như em bé hiểu rằng , khi được ở bên mẹ thì cuộc sống sẽ đẹp đẽ hơn bất cứ xứ sở thần tiên nào . Em hiểu được niềm hạnh phúc của tình yêu thương và sự nâng niu chiều chuộng của mẹ sẽ đem lại cho em những điều cần thiết hơn và cả những thứ vui hấp dẫn khác trên cõi đời này . Em bé đã sớm nhận thức được những trò chơi trên mây dưới sóng với bạn bè trong chốc lát làm sao có thể thay thế những giây phút được kề cận bên mẹ . Được gần gũi bên người mẹ thân yêu thay vì những thú vui chốc lát chính là niềm hạnh phúc của sự hi sinh .

Nếu bài thơ chỉ dừng lại đó thì Ta-go cũng ko thể vượt lên biên giới mà đến với chúng ta , với năm châu bạn bè được. Ở phần thứ hai với trí tưởng tượng và tình cảm tha thiết, em bé đã nghĩ ra trò chơi hết sức thú vị “Con là mây và mẹ sẽ là trăng.”

“Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ.”

Bằng trí tưởng tượng và tình cảm tha thiết, em đã sáng tạo ra những trò chơi cho riêng mình, ở đó cũng có mây và trăng, cũng không thiếu bến bờ kì lạ, nhưng điều quý giá nhất là trong những trò chơi của em bé đều có hình ảnh của mẹ. Từ chối niềm vui riêng của mình để vui cùng mẹ là cả 1 quá trình diễn biến tâm lí sinh động và thú vị , đặc biệt cho cả 2 mẹ con . em hiểu sâu sắc rằng niềm vui của mình chỉ trở nên trọn vẹn khi có mẹ ở bên và ngược lại .

Đây là trò chơi muôn đời bền vững và trường tồn , ko bao giờ nhàm chán . Vì trong đó hình ảnh đẹp tuyệt vời của 2 mẹ con quấn quýt bên nhau trong tình yêu lớn lao và cao cả :

“Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”

Dư âm của tiếng cười như những giọt pha lê ngân mãi trong lòng chúng ta bởi niềm vui bất tận của tình mẫu tử thiêng liêng và kì diệu . Niềm vui đó được ủ kín, như của chỉ riêng 2 mẹ con mà người ngoài ko ai tìm được :

“Và ko ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”

Tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý đã hòa vào vũ trụ và cuộc sống xung quanh . Nó hiện hữu ở mọi nơi trên thế gian để khẳng định tình yêu thương có sức mạnh biến đổi mạnh mẽ.

Qua câu chuyện, bài thơ còn gửi gắm nhiều ý nghĩa sâu sắc . Nó không chỉ là lời ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng mà còn gửi gắm nhiều suy ngẫm về cuộc sống: cuộc sống có rất nhiều cám dỗ mà mỗi con người rất khó vượt qua . Nhưng người ta hoàn toàn có thể vượt qua những thử thách ấy bằng sức mạnh tình cảm tốt đẹp trong cuộc đời . Tình mẹ con là 1 trong những chỗ dựa ấm áp nhất, vững chắc nhất của con người . Nó là ngọn lửa khơi nguồn sáng tạo, nó làm thăng hoa vẻ đẹp tinh thần muôn đời bất diệt của nhân loại. Nhờ đó con người có đủ dũng cảm đối mặt với mọi cám dỗ, mọi thử thách trong cuộc sống bộn bề gian khó hôm nay .

Ta-go đã lựa chọn 1 đề tài rất độc đáo cho thi phẩm của mình, tình yêu thương đầy hi sinh và sự sáng tạo của đứa con đối với mẹ - điều mà từ trước tới nay rất ít người đề cập . Và ông đã thành công trong việc mô tả, ngợi ca nó bằng hình thức đối thoại trong lời kể của em bé , lồng vào bức tranh thiên nhiên thơ mộng đầy sức sống . Bài thơ đã thành công khi thể hiện những suy ngẫm sâu sắc, tâm hồn và trái tim thơ mộng của con người .

Đề 5

Gợi ý đề 5 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2):

Bài thơ Tức cảnh Pác Pó của Hồ Chí Minh.

Bài làm

Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ tứ tuyệt tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường của Bác trong hoàn cảnh sống và làm việc giữa núi rừng Việt Bắc, sau mấy chục năm trời xa cách đất nước và dân tộc.

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Thơ tứ tuyệt thường ngắn gọn, hàm súc nên muốn hiểu ý thơ, trước hết chúng ta phải nắm được hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Tháng 6 – 1940, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn. Thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lúc này, Bác đang hoạt động bí mật ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc). Tháng 2 năm 1941, Bác về nước và chọn Pác Bó làm căn cứ để từ đây trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Hoàn cảnh sống của Bác lúc này vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trời rét, sức khỏe yếu nhưng Bác phải ở trong cái hang nhỏ ẩm ướt, tối tăm. Ăn uống hết sức kham khổ, thức ăn hằng ngày phần lớn là cháo bột ngô và măng rừng. Bàn làm việc của Bác là một phiến đá ven suối.

Nhưng thiếu thốn, gian khổ không làm Bác bận lòng. Bác dành trọn tâm huyết để lãnh đạo phong trào cách mạng nên quên hết mọi gian nan; một mực phấn chấn, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Ba câu đầu của bài thơ tả cảnh sống và làm việc của Bác. Câu thứ nhất nói về nơi ở, câu thứ hai nói về cái ăn, câu thứ ba nói về phương tiện làm việc. Câu thứ tư đậm chất trữ tình, nêu cảm tưởng của Bác về cuộc sống của mình lúc bấy giờ. Trong hiện thực gian khổ, khó khăn, tâm hồn Bác vẫn ngời sáng một tinh thần cách mạng.

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cái hang Bác ở có tên là hang Cốc Bó, chỉ khoảng hơn một mét vuông dưới đáy là tương đối bằng phẳng, đủ kê một tấm ván thay cho giường. Vách hang chỗ lồi cao, chỗ lõm sâu, không khí lạnh lẽo, ẩm thấp. Trước cửa hang là dòng suối nhỏ chảy sát chân ngọn núi. Bác đặt tên là suối Lênin và núi Mác. Bàn làm việc của Bác là phiến đá kê trên hai hòn đá và một hòn đá thấp hơn làm ghế cũng ở gần bờ suối.

Không gian sinh hoạt của Bác chia làm hai phần: một là hang, hai là suối. Hành động cũng chia hai: ra suối, vào hang. Thời gian biểu hằng ngày đều đặn: sáng ra, tối vào. Sáng ra bờ suối là để làm việc, tối vào hang là để nghỉ ngơi. Sự thật gần như chỉ có thế. Thực ra chất thơ giấu trong âm điệu, vẫn là nhịp 4/3 hay 2/2/1 /2 của câu thơ Đường luật bảy chữ, nhưng lồng vào trong đó là cái đều đặn, khoan thai như nhịp tuần hoàn của trời đất. Sáng rồi tối, tối rồi sáng; ra rồi vào, vào rồi ra… đơn giản, quen thuộc mà bền vững, ung dung.

Cái gian khổ của hoàn cảnh sống, sự hiểm nguy do kẻ thù luôn rình rập… tất cả đều như lặn chìm, tan biến trước phong thái an nhiên, tự tại của Bác Hồ:

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bữa cơm đơn sơ, đạm bạc, quanh quẩn chỉ có cháo ngô và măng đắng, măng nứa, rau rừng… hết ngày này sang ngày khác, vẫn sẵn sàng nghĩa là các thứ đó luôn luôn có sẵn xung quanh. Mặt khác, cháo bẹ, rau măng còn gợi nhớ tới cảnh sống an bần lạc đạo của người xưa:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

hoặc:

Trúc biếc, nước trong ta sẵn đó

(Nguyễn Trãi)

Sự thiếu thốn đã được thi vị hóa thành phong lưu. Xưa là ước lệ, tượng trưng, nay hoàn toàn là sự thật. Chỉ phớt qua một chút xưa là câu thơ đậm đà thêm ý vị.

Nhưng ý vị nhất vẫn là giọng điệu thơ. Cháo bẹ, rau măng cũng như Sáng ra, tối vào là nhịp điệu an nhiên, khoan hòa bên trong. Ba chữ vẫn sẵn sàng nâng câu thơ lên thành một lời bình phẩm với giọng điệu lạc quan, gần như tự hào, nghĩa là an nhiên, tự tại ở mức cao hơn.

Hai câu thơ đầu tả thực, câu thơ thứ ba vừa tả thực vừa trữ tình, ở trên chưa có bóng dáng con người thì đến đây, con người đã hiện ra sống động và có hành động rõ ràng :

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Nếu trong cụm từ vẫn sẵn sàng mới thấp thoáng một chút vui thì đằng sau tính từ chông chênh đã là một nụ cười hóm hỉnh, thâm thúy. Chông chênh vốn nghĩa là không vững, không có chỗ dựa chắc chắn. Chiếc bàn đá của Bác quả là chông chênh thật vì nó chỉ là một phiến đá. Đó là thứ bàn làm việc bất đắc đĩ. Nhưng hàm ý của từ chông chênh không nhằm nói tới đặc điểm của cái bàn đá cụ thể mà là ẩn dụ về tình thế muôn vàn khó khăn của cách mạng nước ta và cách mạng thế giới lúc bấy giờ. Năm ấy, phe phát xít đang thắng ở khắp các mặt trận. Vậy mà trong cái thế chông chênh đó, Bác Hồ vẫn bình tĩnh dịch sử Đảng (lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, viết bằng tiếng Nga) cho cán bộ ta nghiên cứu và học tập những kinh nghiệm phong phú, quý báu để vận dụng vào thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Việc làm này của Bác có tác dụng đặt nền móng về mặt lí luận cho cách mạng Việt Nam. Đấy là một điều hết sức cần thiết. Đem đối lập tính chất nghiêm túc, quan trọng của công việc với cái vẻ đơn sơ, chông chênh của bàn đá, mới nghe tưởng chừng có chút hài hước, đùa vui nhưng kì thực lại mang ý nghĩa cách mạng thật lớn lao.

Nhớ lại thời gian đó, cả thế giới đang đứng trước nguy cơ chìm đắm trong thảm họa phát xít. Vậy mà Hội nghị Trung ương Đảng ta lần thứ VIII (tháng 5 – 1941) vẫn khẳng định rằng cách mạng trong nước sẽ thắng lợi. Đó chẳng phải là trong chông chênh tình thế mà Bác vẫn khẳng định thắng lợi chắc chắn của sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc hay sao? Đó là tầm nhìn chiến lược, tầm suy nghĩ sáng suốt của một lãnh tụ tài ba.

Lắng nghe giọng điệu câu thơ mới thấy thật rõ. Ở nhịp bốn (Bàn đá chông chênh) âm thanh tuy có phần trúc trắc (ba thanh bằng, một thanh trắc), gợi liên tưởng đến tình thế nguy hiểm; nhưng ở nhịp ba (dịch sử Đảng), trái lại, âm thanh rắn, khỏe, (ba thanh trắc) tỏ rõ ý chí kiên quyết chiến đấu và tin tưởng. Câu thơ toát lên một tư thế chủ động, vững vàng trước mọi nguy nan của Bác, điểm thêm một nụ cười thanh thoát, cao vời.

Người xưa khi bất đắc chí thường lánh về chốn núi rừng để vui thú lâm tuyền cho khuây khỏa tâm hồn, nhưng Bác lại khác. Bác đến với núi rừng không phải với mục đích ở ẩn mà là để mưu tính cho từng bước đi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Xưa, trong những ngày lánh mình ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã thi vị hóa cuộc sống đạm bạc của mình:

Côn Sơn có suối nước trong,

Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.

Côn Sơn có đá tần vần,

Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi.

Nay, Bác Hồ làm việc trong cảnh:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.

Trong bóng dáng của vị tiên bên suối là cốt cách của một lãnh tụ cách mạng kiên cường.

Nếu ở ba câu thơ đầu, niềm vui, niềm tự hào còn ẩn chứa bên trong thì đến câu thơ kết, niềm vui ấy đã bộc lộ rõ ràng qua từ ngữ, tiết tấu và âm hưởng. Cái nghèo nàn, thiếu thốn vật chất đã được chuyển hóa thành cái giàu sang tinh thần. Bác đánh giá hiện thực ấy với nụ cười hóm hỉnh, thâm thúy của một triết nhân:

Cuộc đời cách mạng thật là sang!

Như vậy, suối không chỉ là chỗ làm việc, hang không chỉ là chỗ nghỉ ngơi mà hang còn mở ra phía suối, tạo nên không gian thoáng đãng, đủ chỗ cho nhịp sống của con người hoà vào nhịp của đất trời. Gian nan, vất vả cũng như tan biến vào cái nhịp tuần hoàn, thư thái ấy. Cháo bẹ và rau măng là kham khổ, nghèo nàn, nhưng đã được nâng lên thành cái sẵn sàng, đầy đủ, thành một thoáng vui. Đến việc dịch sử Đảng trên bàn đá chông chênh thì đã lồng lộng cái thế vững chắc của tiến trình cách mạng giữa gian nguy. Cuộc đời cách mạng thật là sang!Tinh thần của bài thơ tụ lại cả ở từ sang này. Niềm tin, niềm tự hào của Bác tỏa sáng cả bài thơ.

Chính sự ra vào ung dung, tinh thần vẫn sẵn sàng, khí tiết, cốt cách vững vàng trong tình thế chông chênh đã làm nên cái sang, cái quý trong cuộc đời của con người một lòng một dạ phấn đấu hi sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và nhân loại bị áp bức trên toàn thế giới.

Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn nhưng đã giúp chúng ta hiểu thêm về một quãng đời hoạt động của Bác Hồ. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, Bác vẫn sống ung dung, thanh thản và tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó, bài thơ còn là bài học thấm thía về thái độ sống và quan điểm sống đúng đắn, tích cực của một chiến sĩ cộng sản chân chính.

(Bài làm của học sinh)

Đề 6

Gợi ý đề 6 (trang 99 SGK Ngữ văn 9, tập 2):

Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Bài làm

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

Dường như khổ thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự. Trăng vẫn thế, trăng nhìn cố nhân vô tình kia vẫn bằng con mắt trong trẻo. Chỉ có lương tâm thi nhân đang lên tiếng, những lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh, day dứt.

Thà rằng trăng cất lời trách móc hay ẩn mình sau đám mây nào đó, có lẽ lòng kẻ vô tình kia đỡ ân hận. Nhưng không, trăng lặng im không nói, cái lặng im làm “ta giật mình”. Nếu như người đọc đã từng giật mình như một phản xạ thì đến đây có lẽ sẽ cảm nhận được cái giật mình của lương tâm. Vẫn biết rằng vầng trăng trên kia khi ta chưa sinh ra cũng cứ khuyết lại tròn, khi ta tồn tại hay sau này ta có thành cát bụi thì trăng vẫn cứ khuyết lại tròn vậy thôi. Nhưng chính cái giật mình thức tỉnh đáng trân trọng của tác giả khiến lòng ta cảm động. Một sự thức tỉnh đầy ý nghĩa. Có người sẽ hỏi rằng nếu không mất điện liệu nhà thơ có được sự thức tỉnh ấy không? Một lần nữa xin đừng “mổ xẻ” câu chữ, hãy gượng nhẹ mà đón lấy niềm tâm sự sâu kín của thi nhân. Nguyễn Duy đã diễn tả rất thành công những biến thái tinh vi của một tâm hồn trong quá trình ăn năn,hối hận. Nếu ai đã có lần đọc “Hơi ấm tổ rơm” của tác giả sẽ nhận thấy cảm xúc của Nguyễn Duy rất dễ rung với những tình huống giản dị mà có lẽ ít nhà thơ có được:

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm 

Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng 

Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm 

Của những cọng rơm xơ xác gầy gò

Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no 

Riêng cái ấm nồng nàn như lửa 

Cái mộc mạc lên hương của lúa 

Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.

Lớn lên trong cảnh nghèo ở nông thôn Thanh Hóa, tác giả thường có những băn khoăn, trăn trở về đời sống lam lũ, vất vả của bà con lao động. Chính vì thế, những lời thơ của Nguyễn Duy thường rất mộc mạc, dân dã mà vẫn rất xúc động. Người đọc cảm nhận sâu sắc những gì tâm hồn nhà thơ muốn chia sẻ có lẽ nhờ vào mạch nguồn chân thành ấy.

Trở lại với “Ánh trăng”, có lẽ niềm tâm sự sâu kín giờ đây không chỉ còn là của riêng Nguyễn Duy nữa. Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát – triết lí: ai cũng có những vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức tỉnh, những lúc “giật mình” nhìn lại của lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính mình? Và với Nguyễn Duy nếu tác giả không phải là người từng có một thời sống như thế, làm sao có được niềm tâm sự đáng quý như vậy? Những chặng đường của quá khứ và hiện tại cứ nối tiếp nhau, lúc thì đan xen, khi thì tách rời khiến ta nhìn rõ nét băn khoăn, rối bời của tâm trạng. Cả bài thơ thấm đẫm trong ánh trăng trong trẻo, ngời mát và ám ảnh. Lí Bạch đã từng có hai câu thơ rất nổi tiếng:

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương,

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ quê hương.)

Giữa miền đất xa lạ dẫu vẫn nằm trên đất Trung Hoa, Lí Bạch nhìn vầng trăng mà nhớ quê hương mình, như níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn người lữ khách. Với Nguyễn Duy, vầng trăng ngời tỏ trên bầu trời kia gợi lại cả một thời quá khứ và đặc biệt làm cho tâm hồn thi nhân bừng tỉnh và trở về chính mình. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là vầng trăng ấy thôi, con người lại có thể nhìn thấy nhiều điều khác nhau đến thế…

Đọc “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, người đọc như một lần được đối diện với chính mình và cũng đồng thời giao cảm với một tâm hồn đáng trọng. Vẫn còn trong trẻo trên cao, vầng trăng tròn vành vạnh, vẫn còn vương vấn đâu đây ánh sáng trong mắt, nhẹ nhàng, im ắng quấn quyện trong tâm hồn mỗi chúng ta.

Đề 7

Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

Bài làm

Quê hương - hai chữ thiêng liêng mà trong tim mỗi người ai cũng dành một tình cảm riêng. Những tình cảm ấy thật cao đẹp và đáng trân trọng. Ai đi xa nơi đất khách quê người vẫn luôn hướng về quê hương - nơi chôn rau cắt rốn. 

Trong tâm khảm mỗi người, ai cũng lưu giữ những âm thanh, cảnh sắc quê nhà, những kỉ niệm cảm động và nhất là tiếng ru ầu ơ, dịu ngọt của mẹ, mái tóc bạc phơ của bà - người đã tần tảo chăm chút, nuôi ta khôn lớn.

Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt đã thổi một nguồn sống mới thức tỉnh những năm tháng tuổi thơ vào lòng triệu con người. Những tình cảm đẹp ấy được diễn tả rất thơ.

Bếp lửa là tiếng thơ của một tấm lòng có cội nguồn của một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, phong phú và mới mẻ. Trong nỗi nhớ của nhà thơ, hình ảnh người bà bao giờ cũng hiện lên cùng bếp lửa. Vì hoàn cảnh gia đình, bố mẹ đi kháng chiến, tuổi thơ Bằng Việt sống cùng bà. Mỗi ngày của tuổi thơ lận đận đều bắt đầu từ ngọn lửa bà nhen. Sự sống của cháu đã được nhen lên và giữ gìn cùng ngọn lửa ấy. Ở đất nào, ngọn lửa cũng là cội nguồn của sự sống, bếp lửa nào cũng nhọc nhằn, tần tảo, bếp lửa nào cũng nồng đượm, ấp iu.

Trong tâm thức của tác giả, “một bếp lửa ấp iu nồng đượm” luôn túc trực, lắng đọng; hìh ảnh bà sóng đôi với hình ảnh bếp lửa, gắn với sự chăm chút cho đứa cháu luôn xa cha mẹ.

“Một bếp lửa” là động đến cõi cao sâu trong kí ức của mỗi người về hơi ấm gia đình nhất là khi xa nhà sống ở nơi xa lạ và điệp ngữ ngày dùng để diễn tả cảm xúc đang dâng lên cùng với kí ức, hồi tưởng. Bếp lửa hiện lên nồng nàn trong tình cảm, dạt dào trong cảm xúc.

Toàn bài giọng cảm thương, nhớ nhung da diết như muốn trào dâng lấn át tất cả.

Mỗi kỉ niệm thức dậy là biết bao tâm tình sống dậy. Mỗi kỉ niệm được bao bọc trong nỗi nhớ thương vừa trào dâng vừa sâu lắng. Cả bài thơ là một dòng tâm trạng, một dòng hồi ức. Ngần ất sự việc suốt mấy chục năm trời chỉ xuay quanh hình ảnh bếp lửa của bà. Lửa là ánh sáng, lửa là hơi ấm. Bếp lửa lặng thâm nuôi dưỡng mọi gia đình, nuôi dưỡng cả sự sống này. Nép mình trong bếp có gì mộc mạc, khiêm nhường hơn bếp lửa? những cũng có gì cao quý thiêng liêng hơn? Cho nên nhớ về bếp lửa là nhớ về bà.

Bằng Việt đã thổi bừng lên hết thảy những bếp lửa “ấp iu nồng đượm” trong ký ức của mỗi chúng ta. Và cả mối tình bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích của nhà thơ cũng như riêng của tuổi thơ chùng mình. Trong thơ ca còn có mối tình bà cháu nào cảm động hơn? Mối tình bà cháu đẹp như một dòng sông, dòng sông êm đềm và trong vắt, mặt dòng sông chở đầy kỉ niệm. Một bếp lửa và một làn sương sớm. Những kỉ niệm trôi qua theo một nhạc điệu tâm tình âm ĩ thầm thì triền miên như nỗi nhớ chất thơ lan toả trong từng con chữ có cả sắc màu, hương vị, ký ức và hồn người, tình người lan toả vào cảnh, ấp ủ thành tình yêu quê hương.

Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

Đó là lời thốt lên từ niềm trân trọng, biết ơn cũng là lời thốt lên khi chợt nhận ra trong một vật đơn sơ, lại ẩn náu bao điều kì diệu. Hình ảnh bếp lửa cứ cháy, trong những kỉ niệm của tình bà cháu. Cháu bắt đầu biết đến mùi khói từ khi lên bốn, thì đó cũng là những năm đói khổ, chiến tranh ác liệt. Bởi thế mùi khói từ những năm đầu đời đến tận bây giờ vẫn cứ còn nguyên trong kí ức, chẳng thể tiêu tan. “Lên bốn tuổi cháu đã quen múi khói”… Đoạn thơ thật cảm động, dù cho ngọn lửa hung tàn của giặc đang thiêu huỷ làng xóm thì chính bếp lửa ấm cùng, ân cần của bà đang nhen lên sự sống. Bà đã chịu đựng tất cả vất vả, khó khăn, hy sinh, mất mát. Vì vậy những gì bị thiêu cháy trong ngọn lửa dã man, kỳ lạ thay đang hồi sinh trong ngọn lửa của lòng bà. Ngọn lửa ấy, bếp lửa ấy đã sưởi ấm tâm hồn đứa cháu ngây thơ từ những tháng năm lên bốn. Kì lạ và thiêng liêng nhất là tình yêu quê hương, xứ sở bắt đầu từ sự gắn bó với những gì đơn sơ, bình dị và gần gũi nhất. Tình bà cháu gắn bó với lòng yêu nước thật thiêng liêng, cao cả. Cháu lớn khôn trưởng thành trong đôi bàn tay nâng niu trong tấm lòng yêu thương vo hạn của bà. Ngọn lửa mà bà đã nhóm lên từ “bếp lửa” ấy đã sưởi ấm và soi sáng cuộc đời đi lên phía trước của cháu.

Và đứa cháu hiếu thảo ấy đã lớn, đã đi rất xa nơi bếp lửa của bà, đã biết đến ngọn khói trăm miền, đã vui với ngọn lửa trăm nhà. Nhưng trong lòng cháu chỉ nhớ về ngọn khói đã làm nhèm mắt cháu, chì nhớ về ngọn lửa tảo tần nắng mưa nơi góc bếp của bà. Cháu chẳng bao giờ quên “bếp lửa”, bởi đó là cội nguồn, bởi cuộc đời cháu đã được nhen lên từ ngọn lửa ấy. Ngọn lửa của bà đã cháy trong lòng cháu, một bếp lửa mới của cuộc đời đã nhen lên ngọn lửa của sự sống truyền đời, bất diệt!

“Bếp lửa” là bài thơ cảm động, tình cảm dạt dào trong lòng đã tìm đến một giọng điệu, một nhịp điệu thật phù hợp. Ấy là giọng nồng đượm của lửa, ấy là nhịp bập bồng của lửa, giọng kể lể cứ tràn ra, dâng lên một ngày một nồng nàn, ấm nóng…

Bằng Việt đã khéo lựa chọn và sắp xếp để hình ảnh người và bà bếp lửa luôn đi đôi với nhau. Đọc “Bếp lửa” chẳng những thấy được một dòng tâm sự sâu nặng, dạt dào mà nhà thơ còn muốn đề cao một điều rất đỗi giản dị: “Tình yêu quê hương đất nước bắt nguồn từ những cái cụ thể gần gũi, thân thương với mỗi con người”.

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Tham Gia Group 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close