Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 4

Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (6đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới

MỘT BÀI THƠ CỦA NGUYỄN TRÃI: BA TIÊU

(Xuân Diệu)

Trong 254 bài thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, có một bài thơ chỉ cần 4 câu thôi mà tôi trải qua 24 năm, mới dám tự bảo mình rằng gọi là hiểu. Đó là bài “Ba tiêu”.

“Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm

Tình thư một bức phong còn kín,

Gió nơi đâu gượng mở xem”

Người đời trước viết trên lụa: tàu lá chuối non kia màu xanh ngọc thạch, còn cuộn lại như lụa cuốn, như bức thư quý báu trang nhã viết trên lụa bạch, đó là một bức thư tình e ấp, vậy mời trang phong lưu là gió, hãy mở thư xem…

Câu thứ hai: Đầy buồng lạ mầu thâu đêm, ai có ngờ lại là câu khó hơn cả, mà cũng “diệu” hơn cả. Bản Trần Văn Giáp phiên âm là mầu và chú thích: - “Cứ theo chữ Nôm viết ở nguyên bản, cho nên phiên âm là Mầu, nhưng đáng lẽ là mùi mới đúng. Mùi thâu đêm là mùi hương suốt đêm, chú như vậy, thì “buồng lạ” tức là buồn chuối chín thơm ngào ngạt. Bản Đào Duy Anh chú: - “Buồng lạ”: chỉ buồng chuối, so với các quả cây khác thì cũng lạ. Mầu thâu đêm: “chuối chín thơm ngát suốt cả đêm”. Hai lời chú thích đều hiểu buồng là buồng chuối. Và tôi cũng hiểu như thế, chứ không có cách nào khác.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi suy nghĩ lại, và bỗng nhận thấy một điều, nhưng tôi thấy không tiện nói ra. Vì không tiện nói ra, cho nên tôi không dám dây dưa đưa dẫn hai câu đầu. Bởi, nếu giới thiệu cả 4 câu, thì tôi bắt buộc phải góp ý kiến rằng: đây là bài thơ chồng lên nhau, chứ không phải là một bài, bởi hai câu đầu nói tới “buồng lạ”, buồng chuối, hai câu sau thì nói tới lá chuối non. Mà khi cây chuối đã trổ ra buồng, thậm chí buồng chuối chín, thì nó không còn có thể ra lá non, thậm chí lá non cuốn lại được nữa. Như vậy phải là hai cây chuối khác nhau ở trong bài thơ, như vậy là hai bài thơ chắp vào nhau trong 4 câu, chứ không phải một bài tứ tuyệt, nhất quán, nguyên khôi. Như vậy thì Ức Trai làm thơ như thế hay sao?

[...] Đến hôm nay, tôi rất cảm ơn người bạn của tôi, anh ấy bảo với tôi: Trong thơ chữ Hán của Ức Trai, có bài Lãnh noãn tịch, có câu thơ: “Hồng lâu dạ vĩnh giác xuân tư” nghĩa là: “Lầu hồng đêm thâu cảm thấy có một mùa xuân riêng mình”, tức là thơ chữ Hán cũng với một tứ với thơ chữ Nôm “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm” đó. Tôi bỗng “ồ” lên một tiếng và thấy mình bừng sáng hiểu vào sự huyền diệu của cả bài thơ. Tôi không cần phải “phát hiện” hai bài thơ nào mâu thuẫn nhau hết, mà đây chính là một bài thơ nguyên khôi, nhất quán của Nguyễn Trãi làm, tại vì tôi chưa hiểu nổi, nên mới thắc mắc. Trước hết trong câu mở đầu: “Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm”. Ta hẵng để ý: tại sao Nguyễn Trãi không viết “lại tốt thêm”? Lại tốt thêm thì có vẻ dung tục, không đủ trân trọng đối với chủ từ của câu chẳng qua theo đà, theo thế, theo thời, mà thêm tốt, còn “tốt lại thêm” tức là: Vốn cái tốt đã là bản chất rồi. Nay từ lúc bén hơi xuân thì tốt thêm.

Hóa ra cái thần của bài thơ không ở hai câu 3,4, một hình tượng, mà ở câu 2, một xúc cảm: “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm”. Đầy phòng, đầy buồng khuê, là một sự “lạ”, mầu đây, theo ý tôi, là nhiệm mầu, mầu nhiệm thâu đêm, đồng thời và cũng cần hiểu mầu như ở trong “đất mầu”. Ôi! Nếu là thơ Ức Trai nói về sự rung động đầu tiên của giai nhân vào buổi đương thời thì việc ấy có giảm gì uy tín của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi? Bao nhiêu nhà thơ lớn trước Nguyễn Trãi ở Á Đông, ở trên thế giới đã nói và nói một cách trang nhã, sao lại muốn rằng Nguyễn Trãi đừng nói, dù là nói một cách trang nhã? Sự thật là Nguyễn Trãi đã nói rồi, câu thơ chữ Hán dạ vĩnh giác xuân tư, “đêm thâu cảm thấy một xuân riêng” bênh vực cho câu thơ chữ Nôm “đầy buồng lạ mầu thâu đêm”, và chữ “lạ” với chữ “mầu” làm cho câu thơ chữ Nôm còn dào dạt ngạt ngào hơn câu thơ chữ Hán, đến nỗi đầy cả một buồng. Hơn năm trăm năm sau, hàng cháu chắt của nhà thơ Ức Trai là nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940) cũng có một tứ thơ gần với Ức Trai, và đã gộp cả chữ “lạ” trong thơ chữ Nôm và chữ “xuân” trong thơ chữ Hán của Ức Trai: “Chàng ơi, chàng ơi, sự lạ đêm qua – Mùa xuân tới, mà không ai biết cả”.

Nếu hiểu “buồng” là buồng chuối như tôi đã hiểu, và như hai nhà phiên âm Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh đã hiểu, thì bài thơ lại tách ra làm hai bài mâu thuẫn nhau một cách vô lý – điều mà nhà thơ Ức Trai quyết không làm.

Và khi đã hiểu được chữ “diệu” của bài thơ, khi đã hiểu đây là mùa xuân riêng xuất hiện, thì hai câu cuối đến dính liền một cách thoải mái vào hai câu trên. Hiểu là một ngôi thứ ba, một “nhà văn” nào đó nói hộ tâm sự cho giai nhân, và mời hộ gió mở bức thư lá chuối non thì cũng được, tuy nhiên,… đã là thư tình thì chính người viết, người cuộn người gửi lấy bằng cách này hay cách khác cho đối tượng của mình đọc, cho nên tôi muốn hiểu cả bài tứ tuyệt là một ngôi thứ nhất, phía sau cây ba tiêu là một giai nhân tự nói lấy cho mình, đầy phòng ngào ngạt thâu đêm, chẳng lẽ lại người nào cũng ngoài phòng nói điều ấy, phải là người ở trong phòng tự nói:

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm

Tình thư một bức phong còn kín

Bức thư tình của lá: em còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phóng nhụy, ngôi thứ hai là “gió”, là đối tượng anh, người mà ta mong mỏi đang ở nơi đâu? Gượng đây không phải là ngượng gạo, mà là gượng nhẹ, khẽ khàng: Gió nơi đâu gượng mở xem

Từ lúc Quốc âm thi tập được phát hiện lại (1956) đến nay, bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình cho bạn đọc

(trích “Kỉ niệm sáu trăm năm ngày sinh Nguyễn Trãi”)

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Văn bản truyện, kể về một người bạn

B. Văn bản nghị luận xã hội, bàn về cách đánh giá một tác phẩm thơ

C. Văn bản nghị luận văn học, đánh giá giá trị tác phẩm thơ

D. Văn bản kí, ghi lại hành trình nhận thức của tác giả

Câu 2: Nội dung của luận điểm 2 là gì?

A. Giá trị bài ở 2 câu kết

B. Sự huyền diệu của bài thơ

C. Câu thơ “diệu” hơn cả

D. Thần của bài thơ: xúc cảm

Câu 3: Dòng nào sau đây nói lên nội dung của luận điểm 4?

A. Giá trị bài ở 2 câu kết

B. Thần của bài thơ: xúc cảm

C. Câu thơ “diệu” hơn cả

D. Sự huyền diệu của bài thơ

Câu 4: Dẫn chứng “Chàng ơi, chàng ơi, sự lạ đêm qua – Mùa xuân tới, mà không ai biết cả” để làm sáng tỏ cho luận điểm nào sau đây?

A. Câu thơ “diệu” hơn cả

B. Sự huyền diệu của bài thơ

C. Thần của bài thơ: xúc cảm

D. Vẻ đẹp của toàn bài thơ

Câu 5: Dòng nào nói lên mục đích của luận điểm số 5 của văn bản?

A. Làm rõ bài thơ là một thể thống nhất – lời giai nhân tự nói cho mình

B. Người đọc hiểu đúng về chữ “gượng”

C. Làm rõ đối tượng tâm tình: anh, người mà ta mong mỏi đang ở nơi đâu?

D. Phủ nhận ý: ngôi thứ ba, một “nhà văn” nào đó nói hộ tâm sự cho giai nhân

Câu 6: Dòng nào nói lên đặc điểm dẫn chứng/ bằng chứng trong văn bản trên?

A. Dẫn chứng trực tiếp

B. Dẫn chứng gián tiếp

C. Dẫn chứng thuộc bài thơ Ba tiêu, bài thơ khác và chú giải

D. Dẫn chứng phong phú, đa dạng (thơ và văn xuôi)

Câu 7: Văn bản Một bài thơ của Nguyễn Trãi: “Ba tiêu” phân tích sâu sắc nhất ý nghĩa của câu thơ nào trong bài thơ tứ tuyệt đó?

A. Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

B. Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm

C. Tình như một bức phong còn kín

D. Gió nơi đâu gượng mở xem

Câu 8: Dòng không nói lên mục đích của văn bản Một bài thơ của Nguyễn Trãi: “Ba tiêu”?

A. Một bài tứ tuyệt, nhất quán, nguyên khôi

B. Cái thần của bài thơ không ở hai câu 3,4, một hình tượng mà ở câu 2, một xúc cảm: “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm”

C. Bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình cho bạn đọc

D. Yếu tố biểu cảm thể hiện cảm xúc của tác giả

Câu 9: Xác định, phân tích vai trò của một số yếu tố biểu cảm trong văn bản Một bài thơ của Nguyễn Trãi: “Ba tiêu” – Xuân Diệu (1đ)

Câu 10: Em có đồng ý với nhận định của tác giả: Gượng đây không phải là gượng gạo, mà gượng nhẹ, khẽ khàng: Gió nơi đâu gượng mở xem không? Vì sao?(1đ)

II. VIẾT (4đ)

Đọc bài thơ Chốn quê – Nguyễn Khuyến sau đây và viết bài luận phân tích, đánh giá nội dung của bài thơ và tình cảm của nhà thơ dành cho người nông dân ở quê hương mình (dài từ 1,5 -2 trang giấy thi)

CHỐN QUÊ (LÀM RUỘNG)

(Nguyễn Khuyến)

Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,

Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.

Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,

Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,

Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.

Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,

Bao giờ cho biết khỏi đường lo?

(thơ Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 2016)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Phần I. ĐỌC HIỂU

 

 

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Văn bản truyện, kể về một người bạn

B. Văn bản nghị luận xã hội, bàn về cách đánh giá một tác phẩm thơ

C. Văn bản nghị luận văn học, đánh giá giá trị tác phẩm thơ

D. Văn bản kí, ghi lại hành trình nhận thức của tác giả

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và đưa ra kết luận về thể loại văn bản

Lời giải chi tiết:

Văn bản nghị luận văn học, đánh giá giá trị tác phẩm thơ

→ Đáp án C

Câu 2: Nội dung của luận điểm 2 là gì?

A. Giá trị bài ở 2 câu kết

B. Sự huyền diệu của bài thơ

C. Câu thơ “diệu” hơn cả

D. Thần của bài thơ: xúc cảm

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn 2

Lời giải chi tiết:

Nội dung của luận điểm 2: Câu thứ hai: Đầy buồng lạ mầu thâu đêm, ai có ngờ lại là câu khó hơn cả, mà cũng “diệu” hơn cả.

→ Đáp án C

Câu 3: Dòng nào sau đây nói lên nội dung của luận điểm 4?

A. Giá trị bài ở 2 câu kết

B. Thần của bài thơ: xúc cảm

C. Câu thơ “diệu” hơn cả

D. Sự huyền diệu của bài thơ

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn 4

Lời giải chi tiết:

Nội dung luận điểm 4: Thần của bài thơ: xúc cảm

→ Đáp án B

Câu 4: Dẫn chứng “Chàng ơi, chàng ơi, sự lạ đêm qua – Mùa xuân tới, mà không ai biết cả” để làm sáng tỏ cho luận điểm nào sau đây?

A. Câu thơ “diệu” hơn cả

B. Sự huyền diệu của bài thơ

C. Thần của bài thơ: xúc cảm

D. Vẻ đẹp của toàn bài thơ

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn 5

Lời giải chi tiết:

Dẫn chứng “Chàng ơi, chàng ơi, sự lạ đêm qua – Mùa xuân tới, mà không ai biết cả” để làm sáng tỏ cho luận điểm: Thần của bài thơ: xúc cảm

→ Đáp án C

Câu 5: Dòng nào nói lên mục đích của luận điểm số 5 của văn bản?

A. Làm rõ bài thơ là một thể thống nhất – lời giai nhân tự nói cho mình

B. Người đọc hiểu đúng về chữ “gượng”

C. Làm rõ đối tượng tâm tình: anh, người mà ta mong mỏi đang ở nơi đâu?

D. Phủ nhận ý: ngôi thứ ba, một “nhà văn” nào đó nói hộ tâm sự cho giai nhân

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn 5 và suy ra mục đích của luận điểm

 Lời giải chi tiết:

Mục đích của luận điểm số 5 của văn bản: Làm rõ bài thơ là một thể thống nhất – lời giai nhân tự nói cho mình

→ Đáp án A

Câu 6: Dòng nào nói lên đặc điểm dẫn chứng/ bằng chứng trong văn bản trên?

A. Dẫn chứng trực tiếp

B. Dẫn chứng gián tiếp

C. Dẫn chứng thuộc bài thơ Ba tiêu, bài thơ khác và chú giải

D. Dẫn chứng phong phú, đa dạng (thơ và văn xuôi)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và chú ý những dẫn chứng/ bằng chứng trong văn bản

Lời giải chi tiết: 

Dẫn chứng thuộc bài thơ Ba tiêu, bài thơ khác và chú giải

→ Đáp án C

Câu 7: Văn bản Một bài thơ của Nguyễn Trãi: “Ba tiêu” phân tích sâu sắc nhất ý nghĩa của câu thơ nào trong bài thơ tứ tuyệt đó?

A. Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

B. Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm

C. Tình như một bức phong còn kín

D. Gió nơi đâu gượng mở xem

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và chú ý câu thơ được phân tích kĩ nhất

Lời giải chi tiết:

Văn bản Một bài thơ của Nguyễn Trãi: “Ba tiêu” phân tích sâu sắc nhất ý nghĩa của câu thơ Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm (được phân tích trong đoạn 2, đoạn 3 và đoạn 5)

→ Đáp án B

Câu 8: Dòng không nói lên mục đích của văn bản Một bài thơ của Nguyễn Trãi: “Ba tiêu”?

A. Một bài tứ tuyệt, nhất quán, nguyên khôi

B. Cái thần của bài thơ không ở hai câu 3,4, một hình tượng mà ở câu 2, một xúc cảm: “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm”

C. Bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình cho bạn đọc

D. Yếu tố biểu cảm thể hiện cảm xúc của tác giả

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ các đề bài và các đáp án

Phương pháp loại trừ

Lời giải chi tiết:

Mục đích của văn bản Một bài thơ của Nguyễn Trãi: “Ba tiêu”:

- Một bài tứ tuyệt, nhất quán, nguyên khôi

- Cái thần của bài thơ không ở hai câu 3,4, một hình tượng mà ở câu 2, một xúc cảm: “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm”

- Bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình cho bạn đọc

→ Đáp án D

Câu 9: Xác định, phân tích vai trò của một số yếu tố biểu cảm trong văn bản Một bài thơ của Nguyễn Trãi: “Ba tiêu” – Xuân Diệu (1đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và chỉ ra một số yếu tố biểu cảm

Phân tích vai trò của các yếu tố đó

Lời giải chi tiết:

- Câu văn có yếu tố biểu cảm:

+ Tôi bỗng “ồ” lên một tiếng và thấy mình bừng sáng hiểu vào sự huyền diệu của cả bài thơ. Tôi không cần phải “phát hiện” hai bài thơ nào mâu thuẫn nhau hết, mà đây chính là một bài thơ nguyên khối, nhất quán, của Nguyễn Trãi.

+ “đầy buồng lạ mầu thâu đêm”, và chữ “lạ” với chữ “mầu” làm cho câu thơ chữ Nôm còn dào dạt ngạt ngào hơn câu thơ chữ Hán, đến nỗi đầy cả một buồng.

+ Từ lúc Quốc âm thi tập được phát hiện lại (1956) đến nay, bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình cho bạn đọc.

- Xuân Diệu không bộc lộ trực tiếp cảm xúc hân hoan, say mê của mình khi khám phá giá trị và hiểu trọn vẹn bài thơ Ba tiêu

→ Cảm xúc ấy lan tỏa tác động vào xúc cảm của người đọc…

Câu 10: Em có đồng ý với nhận định của tác giả: Gượng đây không phải là gượng gạo, mà gượng nhẹ, khẽ khàng: Gió nơi đâu gượng mở xem không? Vì sao?(1đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ nhận định, đưa ra ý kiến bản thân và có lý giải hợp lý

Lời giải chi tiết:

- Học sinh tự thực hiện theo lựa chọn cá nhân

- Gợi ý tham khảo:

+ Gắn từ “gượng” vào chỉnh thể bài thơ để thấy cách hiểu hợp lí

+ Phân tích các hiểu chưa hợp lí (nêu rõ lý do)

→ Suy luận để khẳng định ý kiến cá nhân

PHẦN II. VIẾT

Đọc bài thơ Chốn quê – Nguyễn Khuyến sau đây và viết bài luận phân tích, đánh giá nội dung của bài thơ và tình cảm của nhà thơ dành cho người nông dân ở quê hương mình (dài từ 1,5 -2 trang giấy thi)

Phương pháp giải:

Sử dụng những kiến thức đã học và kinh nghiệm của bản thân để hoàn thành yêu cầu

Lời giải chi tiết:

Viết bài luận phân tích, đánh giá nội dung, tình cảm tác giả dành cho quê hương mình qua bài thơ Chốn quê – Nguyễn Khuyến

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0.25

- Giới thiệu tác phẩm, tác giả

- Đánh giá khái quát của người viết về tác phẩm

Thân bài

3

Gồm các ý chính (từ 2 luận điểm trở lên)

- Phân tích đánh giá về nội dung: phản ánh hiện thực cuộc sống thiếu thốn vất vả của người dân quê (Câu chứa luận điểm + lí lẽ + dẫn chứng phù hợp)

+Mất mùa liên miên, thuế cao, nhiều công nợ

+ Cuộc sống thiếu hụt…

- Phân tích tình cảm – tấm lòng của nhà thơ đối với nông dân…

+ Thấu hiểu, cảm thông

+ Thương cảm, lo lắng…

Kết bài

0.25

- Khẳng định giá trị của tác phẩm

- Sự tác động của bài thơ tới cảm xúc, suy nghĩ bản thân…

Yêu cầu khác

0.5

- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận văn học)

- Phân tích, suy luận, bình luận phù hợp với nội dung của bài thơ, phù hợp với văn hóa dân tộc…

- Tránh suy diễn vô căn cứ

Loigiaihay.com

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 5

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 5 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 6

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 6 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 7

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 7 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 8

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 8 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 9

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 9 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Quảng cáo

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close