Đề thi học kì 1 Văn 12 Kết nối tri thức - Đề số 2

Đề thi học kì 1 Văn 12 bộ sách Kết nối tri thức đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp

KHÔNG THỂ THÀNH NGƯỜI

(A – dít Nê - xin)

Trong bọn tôi chỉ cần có một kẻ nào đó hoài nghi kêu lên rằng: “Không thể được, anh em ơi, lũ chúng ta không thành người được!” là lập tức mọi người gật đầu tán thưởng: “Đu-u-úng! Chí phải, chí chí phải, không thể thành người!”. Và không bói đâu ra một người phản bác: “Sai lại thế! Phải tự trọng chứ!”

Hồi còn trẻ, có một lần, dạo ấy tôi vào quãng hai mươi nhăm tuổi, bầu nhiệt huyết còn sôi sục, tôi đã cả gan chống lại luận thuyết đó.

Lần ấy tôi đi tàu thuỷ ra đảo Hoàng Nam, bỗng có một người đàn ông làu nhàu:

“Xin lỗi các người, làm sao chúng ta có thể thành người được!”. Mọi người có mặt trong phòng lúc ấy đều gật đầu đồng ý. Riêng tôi thì nóng mắt cự lại: “Sao lại không thành? Dứt khoát là thành!”.. Mà còn thành những người làm chấn động địa cầu là khác.

Mọi người trong phòng khách tuồng như ăn ý với nhau từ trước, đồng thanh kêu ầm lên: Bậy nào, bậy nào, không thể thành người được....

Được mọi người hỗ trợ, ông già kia bớt nóng: “Nghe thấy chưa, con?... Các vị đây đều nhất trí ủng hộ tôi đấy. “Thành người!... Nhất định sẽ thành người!” – Tôi lặp lại.

Ông già cười nhạt: “Đó, con vừa nói: “Nhất định sẽ thành người.” Như thế nghĩa là trước đây và bây giờ chưa thành người chứ sao.

Từ bấy đến nay bao nhiêu năm trôi qua mà lúc nào tôi cũng băn khoăn: “Vì sao chúng ta không thành người được?”. Lần đi tù mới đây đã mở cho tôi đôi mắt; cuối cùng tôi đã tìm ra câu đáp.

Những ngày tiếp người nhà, tôi được nghe toàn những tin xấu. Tôi thấy nặng nề, ủ dột. Tệ hơn nữa là tôi có mặc cảm tuyệt vọng và nghĩ chỉ còn một lối thoát: phải lập tức ngồi viết tiểu thuyết. Không được lãng phí thời giờ! Phải chấm dứt chuyện trò ba láp hoặc ngồi không, nghĩ vớ nghĩ vẩn.

Chưa viết được mươi dòng thì một vị phạm nhân đầu óc sáng láng đến gần tôi: “Chúng ta không thể thành người được! Quyết không, quyết không!”. Rồi ông ta kể lể dài dòng và cặn kẽ về cuộc sống ở hai nước Anh và Bỉ. Tôi phát rầu rĩ và đưa mắt nhìn xuống, cố ý cho ông ta hiểu rằng tôi rất bận và mong ông ta đứng dậy. Than ôi!

Bạn tôi nào có biết phán đoán. Ông ta cứ thế mà nhớ đâu nói đấy: “Bên ấy, anh sẽ thấy không ai không cầm sách vở. Đi ô tô, đi tàu hoả, chỗ nào cũng đọc”.

– Chà, ghê thật, ghê thật! – Tôi ngắt lời ông với hi vọng ông ấy tha cho tôi nhờ.

– Ghê hẳn đi chứ lị! – Ông ta nói tiếp. – Còn bây giờ anh cứ thử nhìn những người quanh đây xem. Ai cũng nhận mình là trí thức mà không có ai cầm sách cả.

Không, bạn thân mến của tôi ơi, chúng ta không thành người được...[...]

Thế là tôi mất đứt nửa ngày để nghe một bài giảng về lòng hiếu sách của người Thuỵ Sĩ và của người Bỉ.

Nuốt vội vàng mấy hạt cơm trưa, tôi lại leo lên giường viết sách. Tờ giấy trên đầu gối, cây bút trong tay, tôi vừa ngồi vừa nghĩ. Chưa viết được một chữ nào, lại một người quen bước đến:

– Anh làm gì vậy?

– Tôi viết tiểu thuyết.

Ở đây viết không ra cái gì đâu. Anh này ngộ thật... Anh đã ở châu Âu lần nào chưa!

- Không, tôi chưa bao giờ ra khỏi đất Thổ.

- Tiếc quá! Thế thì anh phải đi châu Âu mới được. Sống bên đó, được tận mắt nhìn thấy mọi vẻ sinh hoạt là điều rất thú vị. Những chuyến đi ấy làm con người mở rộng được tầm mắt. Tôi đã đi hầu khắp châu Âu, có lẽ không nước nào không đặt chân tới. Lâu nhất là thời kì tôi ở Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển. Ở các nước đó, mọi người tôn trọng nhau hết sức. Thậm chí người ta không nói to để khỏi phiền người bên cạnh. Còn ở nước ta, anh xem! Muốn thủng hai màng nhĩ! Có lúc tôi muốn chợp mắt một tí, muốn đọc hoặc viết một tí, tôi thiếu gì việc phải làm hả anh, thế mà cũng không được. Ôn như chợ vỡ thế này thì anh không viết tiểu thuyết được đâu. Không thể viết được.

- Ôn như chợ vỡ tôi cũng viết được. Tôi chỉ không viết được khi bị người khác lải nhải bên tại mà thôi.

- Bạn thân mến ơi, nhưng được yên tĩnh thì thích hơn biết mấy. Có phải thế không? Mà họ có quyền gì quấy rầy anh kia chứ. Họ có thể nói nhỏ được quá chứ lị. Ở Đan Mạch, Thuỵ Điển, Hà Lan, không có ai bất lịch sự như thế bao giờ. Dân chúng người ta tân tiến vì biết tôn trọng lẫn nhau...

Ông ta cứ nói lảm nhảm hết chuyện này chuyện khác, lôi ra trăm thứ dẫn dụ để minh hoạ cho trình độ lịch thiệp và giáo dục của người châu Âu.

Tôi cúi xuống mặt giấy và bắt đầu viết. Nói đúng hơn là tôi làm ra bộ viết. Hẳn như thế là bất nhã, nhưng tôi còn biết làm sao khác được?

- Đừng hoài công vô ích. – Ông bạn lại nói. – Không viết được gì đâu. Viết thế anh chỉ làm hỏng đầu óc. Nước Thổ chứ có phải châu Âu đâu. Bạn thân mến của tôi ơi, chính vì lẽ đó mà chúng ta không nên người được đâu. Không, chẳng thể nào được.

Chắc ông ta chưa chịu kết thúc ngay, nhưng may quá, luật sư của ông ta đến cho tôi.

Sợ rằng có người khác đến ám, tôi cúi gằm hẳn mặt xuống.

Vừa viết được hai dòng, lại một ông bạn cùng xà lim bước đến.

– Chúc anh thành công! – Ông ta nói.

Ông ta ngồi xuống giường tôi, nói: “Còn xa chúng ta mới thành những người chân chính.” Tôi không hé răng nửa lời hòng chặn đứng câu chuyện ngay khởi thuỷ.

- Tiếc thật! Anh được ở bên Mĩ vài tháng anh sẽ thấy ngay vì sao chúng ta lạc hậu thế này. Người Mĩ đâu có như ta, họ không thích tán gẫu. Bên họ có câu: “Time is money. (Thời gian là tiền bạc). Còn nước Thổ ta thì sao? Cứ lấy chúng ta ra mà  xem. Chúng ta đang làm gì? Chính vì vậy mà họ tân tiến.

Tôi thở dài liên tiếp, lòng thầm mong ông ta hiểu cho rằng tôi rất bận và mong ông ta đi đi cho rồi. Nhưng ông ta cứ tiếp tục... Đến giờ ăn tối, ông ta bảo:

Chúng ta không thành người được! Đúng thế. Cứ cái lối sa đà trò chuyện thế này thì chẳng có bao giờ nên người.

– Bác nói thật chí lí. – Tôi đáp. Khoắng vội cho xong bát cơm, tôi quay về làm việc. Tiểu thuyết! Phải viết tiểu thuyết.

– Cái chính là phải lao động. Những việc khác là phụ. – Tôi bỗng nghe có tiếng người nói bên cạnh.

- Theo anh thì sao? – Anh ta hỏi và ngồi xuống giường bên.

– Ai dám tranh luận chuyện đó? Lao động cần quá đi chứ. – Tôi đáp

Còn anh bạn thì sôi nổi tiếp tục: “Tôi sang Đức học đại học, sau đó tôi lại làm việc ở bên ấy nhiều năm. Người Đức chả có ai ăn không ngồi rồi cả. Còn bên ta thì thế nào? Cứ lấy tất cả những người trong khám này ra làm bằng mà xem. Chúng ta không thể thành người được. Còn lâu chúng ta mới thành những người chân chính.”

Tôi hiểu ra: Người ta không cho tôi viết tiểu thuyết. Cố viết, tôi chỉ giết chết thần kinh của mình thôi. Tận nửa đêm anh ta mới về. Bây giờ có thể làm việc được rồi. Không ai còn đến ngồi quấy phá và lên lớp cho tôi về chuyên đề lí do khiến chúng ta không nên người được.

Chao ôi, tôi đã lầm to: lại có người đến. Ông ta khe khẽ thì thầm sợ phiền đến giấc ngủ mọi người. Theo lời ông, người Pháp biết làm việc ra trò, nghỉ ngơi và vui chơi ra trò, dân tộc đó không bao giờ lẫn lộn thời gian làm việc với thời gian nghỉ ngơi. Rồi ông ta khuyên tôi không nên làm việc qua nửa đêm như thế.

- Bây giờ anh đi ngủ đi, sáng mai, đầu óc tỉnh táo, anh lại tiếp tục viết. Bên nước ta, mọi thứ cứ lùng nhùng với nhau không ra cái gì cả. Lúc nghỉ thì mình làm việc, giờ làm việc thì lại muốn nghỉ. Không bao giờ chúng ta thành người được đâu.

Không bao giờ.

Lúc ông ta đi thì tôi cũng không còn sức để viết được nữa. Hai mí mắt tôi cứng lại, tôi lăn ra ngủ vùi. Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm và bắt tay vào việc. Một người cùng khám mà tôi rất kính nể vừa đi ngoài về. Thấy tôi, ông ta bước lại

- Mọi thứ ở bên Anh không có như bên ta. – Ông ta nhận xét. – Anh đã ở bên Anh bao giờ chưa?

- Anh cứ hình dung anh đang ở bên ấy và đang đi tàu. Người cùng phòng với anh suốt nửa ngày không thèm nói câu nào... Còn bên ta, anh đang bận hay đang rỗi, mặc, cứ tán phét. Chính vì thế mà chúng ta chẳng bao giờ thành người được cả.

Tôi vò nát tờ giấy trên đầu gối, quẳng xuống gậm giường và nhét bút vào túi. Thế là hết... Thế là tiêu tan cái mộng tiểu thuyết của tôi. Phải, trong tù, tôi không viết được gì cả. Nhưng nhà tù đã mở ra cho tôi chân lí trăm ngàn lần quý hơn cuốn sách thai nghén kia. Tôi đã hiểu ra vì sao chúng ta không thể thành người được.

Giờ chỉ cần ai nói rằng: “Không, chúng ta không thể thành người được... thì lập tức tôi giơ tay hô lớn: Tôi biết lí do rồi. Tôi trưởng thành hẳn lên.

Đức Mẫn dịch

(A-dít Nê-xin, Những người thích đùa, NXB Hội Nhà văn, 1998)

* Tác giả A-dít Nê-xin, (1915 –1995): tên khai sinh là Mehmet Nusret. Ông là một nhà văn châm biếm được ngưỡng mộ ở Thổ Nhĩ Kì và là tác giả của hơn 100 cuốn sách. Sau khi làm viên chức trong vài năm, ông trở thành người biên tập của một loạt tạp chí trào phúng châm biếm nghiêng về chủ nghĩa xã hội.

Câu 1. Xác định tình huống truyện Không thể thành người. Phân tích mối quan hệ giữa tình huống truyện với nội dung của truyện (0,5đ)

Câu 2. Truyện được thuật kể từ điểm nhìn trần thuật nào? Điều đó có ý nghĩa gì? Các cụm từ chỉ thời gian có tác dụng như thế nào trong trần thuật? (1đ)

Câu 3. Vì sao nhân vật “tôi” không thể thực hiện được ý định viết tiểu thuyết của mình? Một số người trong tù (nói chuyện với “tôi”) có đặc điểm chung nào? Đặc điểm ấy có tồn tại trong đời sống chúng ta không?(1đ)

Câu 4. Nêu ý nghĩa về phong cách viết của truyện? Điều đó có ý nghĩa gì? Em hãy dẫn tên tác giả hoặc tác phẩm văn học của Việt Nam có phong cách như vậy (1đ)

Câu 5.

Văn bản đọc hiểu Không thể thành người (A – dít Nê – xin) đã đề cập tới vấn đề nào của con người thời hiện đại? Em hãy vẽ sơ đồ thể hiện 4 vấn đề em cho là quan trọng nhất trong văn bản đó (0,5đ)

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. Nhận xét của em về nhân vật “tôi” và cho biết: Nhân vật này đem tới cho em nhận thức, bài học gì? Tác giả đã thể hiện quan điểm như thế nào về việc nhận thức, đánh giá con người và cuộc sống (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 200 chữ) (2đ)

Câu 2.

Em hãy lựa chọn từ một vấn đề cần thiết đối với thanh niên (trong những vấn đề đã xác định ở câu 1) và viết bà luận (khoảng 500 chữ) thể hiện quan điểm của mình về vấn đề đó (4đ)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

Câu 1 (0,5 điểm)

 Câu 1. Xác định tình huống truyện Không thể thành người. Phân tích mối quan hệ giữa tình huống truyện với nội dung của truyện (0,5đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

- Mọi người gật đầu tán thưởng ý kiến: “Không thể được, anh em ơi, lũ chúng ta không thành người được!... chỉ “tôi” đã cả gan chống lại luận thuyết đó

- Mối quan hệ giữa tình huống truyện với nội dung của truyện: tình huống nhận thức đã mở đầu cho hành trình nhận thức của nhân vật “tôi”: từ phản đối luận thuyết đến đồng tình và hiểu sâu sắc “luận thuyết”

Câu 2 (1 điểm)

Câu 2. Truyện được thuật kể từ điểm nhìn trần thuật nào? Điều đó có ý nghĩa gì? Các cụm từ chỉ thời gian có tác dụng như thế nào trong trần thuật? (1đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, nhớ lại kiến thức về điểm nhìn trần thuật

Chú ý các cụm từ chỉ thời gian

Lời giải chi tiết:

– Truyện được thuật kể từ điểm nhìn trần thuật của nhân vật “tôi” (với điểm nhìn bên trong và bên ngoài) để diễn tả nhận thức của “tôi” từ những tác động của cuộc sống.

– Các mốc thời gian quan trọng:

+ Hồi còn trẻ

+ Lần ấy

+ Từ bấy đến nay

+ Bây giờ .

- Ý nghĩa các mốc thời gian: để diễn tả quá trình/hành trình nhận thức của “tôi” về một vấn đề “chúng ta không thành người được!” → Nhận thức là cả một quá trình, không thể hiểu và thể hiện quan điểm, chính kiến của bản thân về một vấn đề khi chưa nhận thức sâu sắc về vấn đề đó.

Câu 3 (1 điểm)

Câu 3. Vì sao nhân vật “tôi” không thể thực hiện được ý định viết tiểu thuyết của mình? Một số người trong tù (nói chuyện với “tôi”) có đặc điểm chung nào? Đặc điểm ấy có tồn tại trong đời sống chúng ta không?(1đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Liên hệ tới thực tế đời sống

Lời giải chi tiết:

- “Tôi” không thể thực hiện được ý định viết tiểu thuyết: bởi thường xuyên bị làm phiền, không có thời gian để suy nghĩ, không dám nói thẳng và từ chối những câu chuyện làm mất thời gian của mình.

- Đặc điểm chung của một số người tù:

+ Hay viện dẫn các nước châu Âu để chứng tỏ sự hiểu biết của mình.

+ Lời nói mâu thuẫn với việc làm; nói một đằng, làm một nẻo (biết rõ con người

cần đọc sách, không để thời gian lãng phí bởi câu chuyện nhảm... nhưng mình lại làm những điều đó và không chịu đọc sách).

+ Thường xuyên làm phiền người khác, không nhận thức được việc mình làm

+ Biết rõ lí do vì sao khó thành người nhưng không sao khắc phục được.

- Hay viện dẫn các nước châu Âu để chứng tỏ sự hiểu biết của mình là một căn bệnh nặng, vẫn hiện hiện trong đời sống của chúng ta

Câu 4 (1 điểm)

Câu 4. Nêu ý nghĩa về phong cách viết của truyện? Điều đó có ý nghĩa gì? Em hãy dẫn tên tác giả hoặc tác phẩm văn học của Việt Nam có phong cách như vậy (1đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và rút ra phong cách viết của truyện

Liên hệ tới tác giả tác phẩm văn học Việt Nam

Lời giải chi tiết:

- Truyện được viết theo phong cách trào phúng:

+ Khai thác mâu thuẫn giữa hành động với lời nói của các nhân vật.

+ Giọng văn hài hước châm biếm rất dí dỏm nhưng cũng rất sâu sắc .

+ Biệt tài của A-dít Nê-xin không chỉ ở chỗ biết phát hiện ra những khía cạnh tức cười trong những chuyện tưởng như không có gì đáng cười xảy ra hằng ngày.

+Ông biết “kể” lại chúng với một giọng hài hước khiến ta không thể không bật cười.

- Ý nghĩa:

+ Ông châm biếm các thói hư tật xấu của con người trong xã hội. (Học sinh tự đưa dẫn chứng.).

+ Truyện làm bật lên tiếng cười hài hước khiến độc giả tự soi vào mình.

Tên tác giả/tác phẩm (có phong cách trào phúng): Nguyễn Công Hoan, Vũ

Trọng Phụng,...

Câu 5 (0,5 điểm)

Văn bản đọc hiểu Không thể thành người (A – dít Nê – xin) đã đề cập tới vấn đề nào của con người thời hiện đại? Em hãy vẽ sơ đồ thể hiện 4 vấn đề em cho là quan trọng nhất trong văn bản đó (0,5đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

 II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Câu 1. Nhận xét của em về nhân vật “tôi” và cho biết: Nhân vật này đem tới cho em nhận thức, bài học gì? Tác giả đã thể hiện quan điểm như thế nào về việc nhận thức, đánh giá con người và cuộc sống (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 200 chữ) (2đ)

 Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức phân tích ở trên và kĩ năng viết đoạn văn

 Lời giải chi tiết:

Học sinh viết đoạn văn đảm bảo độ dài và hướng vào các nội dung chính sau:

- Nhân vật “tôi” là người: (Học sinh tham khảo gợi ý sau; bổ sung theo ý hiểu

của cá nhân.)

+ Có nhận thức, quan điểm và dám bày tỏ nhận thức, quan điểm của mình.

+ Là người chắt lọc được những bài học quý giá từ cuộc sống.

+ Chưa quyết liệt bày tỏ hoặc từ chối những điều đáng từ chối... thái độ không quyết liệt của anh ta đã tiêu tán thời gian, khiến thời gian của mình trôi đi trong vô ích.

+ Quan điểm của nhân vật tôi đã thay đổi: Từ cả gan chống lại luận thuyết:

“Không thể được, anh em ơi, lũ chúng ta không thành người được!” – đến đồng tình và hiểu sâu sắc lí do con người không thể thành người. (chỉ cần ai nói rằng: “Không, chúng ta không thể thành người được!” thì lập tức “tôi” giơ tay hô lớn: “Tôi biết lí do rồi. Tôi trưởng thành hẳn lên.).

- Nhận thức, bài học từ “tôi”: Học sinh từ đúc rút (cần sát với biểu hiện của “tôi”)

- Quan điểm của tác giả:

+Để nhận thức sâu sắc một vấn đề cần có một quá trình.

+ Hiện thực cuộc sống trao cho con người những bài học quý giá.

+ Từ nhận thức/lời nói đến việc làm là một khoảng cách lớn.

+ Đánh giá một con người cần chú trọng đến hành động/việc làm của họ hơn là lời nói,

Câu 2.

Em hãy lựa chọn từ một vấn đề cần thiết đối với thanh niên (trong những vấn đề đã xác định ở câu 1) và viết bà luận (khoảng 500 chữ) thể hiện quan điểm của mình về vấn đề đó (3,5đ)

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Em hãy lựa chọn từ một vấn đề cần thiết đối với thanh niên (trong những vấn đề đã xác định ở câu 1) và viết bà luận (khoảng 500 chữ) thể hiện quan điểm của mình về vấn đề đó (3,5đ)

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,25

– Giới thiệu vấn đề nghị luận (xác định được vấn đề của tuổi trẻ).

– Nêu khái quát: Tính cấp thiết vấn đề đối với tuổi trẻ.

Thân bài

2,5đ

* Làm rõ cách hiểu vấn đề; vai trò của vấn đề đối với tuổi trẻ

- Cách hiểu vấn đề theo số đông.

– Vai trò của vấn đề đối với học sinh lớp 12 trong thời điểm lựa chọn ngành nghề để học tập, để phát triển bản thân trong tương lai

* Biểu hiện của vấn đề trong đời sống hiện đại

- Một số dạng hiểu hiện (phân tích nguyên nhân và tác động đến giới trẻ, bản thân).

- Nhận thức, hành động của thanh niên (Các góc nhìn về vấn đề).

- Những tồn tại của vấn đề cần giải quyết (qua một số đối tượng).

+ Phân tích nguyên nhân, tác hại từ những tồn tại đã nêu

*Đề xuất một số giải pháp (khả thi) để cải biến thực tại

Kết bài

0,25

- Nhận thức của cá nhân về vấn đề.

- Hành động của cá nhân (với bản thân, với những người gần gũi)

Yêu cầu khác

0,25

- Sử dụng thành thạo thao tác so sánh, tổng hợp, chứng minh.

- Dẫn chứng phong phú, đa dạng phù hợp với lí lẽ, luận điểm.

 

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close