Đề thi học kì 1 Văn 12 Kết nối tri thức - Đề số 1

Đề thi học kì 1 Văn 12 bộ sách kết nối tri thức đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

THUỶ THỦ TÀU VIỄN DƯƠNG (*)

(Bệnh sĩ, Lưu Quang Vũ)

Đôi nét về hài kịch Bệnh sĩ

Nội dung vở kịch lấy bối cảnh ở một vùng làng quê nông thôn, kể về ông chủ tịch xã Toàn Nha và những xã viên của xã Hùng Tâm. Họ đều là những người dân hiền lành, chân chất, thật thà,... nhưng vì tính háo danh, tính “sĩ” mà ai cũng cố gắng phấn đấu cho mình có một cái mác thật sang trọng và hiện đại... Và từ căn bệnh đó mà xảy ra bao chuyện dở khóc, dở cười.

Bệnh sĩ của cổ tác giả Lưu Quang Vũ đề cập đến “bệnh tưng bừng dối trá, tưng bừng phô trương, tưng bừng thành tích”.

Nhân vật

- Ông Nha

- Cô Nhàn: Con gái ông Nha

- Long: Em trai Nhàn

- Ông Thịnh

- Hưng: Cháu ông Thịnh

- Văn Sửu

- Ông Độp: Tức Mạnh Tuấn

- Bà Độp: Vợ ông Độp

- Tiến: Thợ xà lan, bạn Hưng

- 2 phóng viên truyền hình

- “Nhà văn”

- Anh Tỵ

- Ông Ruộng

- Cô Xoan

- Bà Thủ

- Võ sĩ Đại Dương

 

Các quan khách, các diễn viên đội văn nghệ và những xã viên của “Liên đoàn tổ

hợp xã Công nông thương tín Hùng Tâm”.

Sau đây là cảnh III của vở kịch

Nhà Ông Thình

Ông Thình và Hưng. Hưng vừa từ ngoài vào, tay xách túi, mặc áo xanh bảo hộ lao động, bên trong là áo sọc thuỷ thủ.

Hưng: Chú.

Ông Thình: Hưng, cháu về đấy à? Trời ơi, xem nào: to khoẻ lên, rắn rỏi hẳn... thuỷ thủ có khác... Chà chà, mọi người đang mong đợi cháu. Nhận được điện, chú đã báo tin. Gặp ai chưa? Gặp cái Nhàn chưa?

Hưng: Chưa, từ bến sông cháu về thẳng nhà.

Ông Thình: Hay lắm! Thế là cháu đã trưởng thành, đã hiển đạt, chú mừng vô cùng. Vinh dự, mát mặt về cháu. Nhưng sao... cháu ăn mặc xuềnh xoàng thế này, đồng chí thuyền trưởng viễn dương?

Hưng: Viễn dương nào ạ?

Ông Thình: Viễn dương hàng hải Vốt-xcô. Cháu là thuyền trưởng.

Hưng: Ai bảo chú thế?

Ông Thình: Cô Nhàn. cô Nhàn kể, mọi người ai cũng trầm trồ thán phục cháu. Họ bảo cháu nay Nhật, mai Pháp, ngày kia Hồng Kông,... Cả xã ta giờ mới có một người làm thuyền trưởng.

Hưng: Thế đấy, cô Nhàn kể... Chết thật.

Ông Thình: Ông Nha, bố cô Nhàn, thì quý cháu, tự hào về cháu vô cùng. Nhưng sao lại chết? Cháu vẫn là thuyền trưởng chứ?

Hưng: Vâng... Nhưng thế này chú ạ... Chuyện này cháu cũng đang bối rối khó xử quá đây... số là... ngày chia tay Nhàn, cháu đã hứa với Nhàn là sẽ trở thành một nhà hàng hải. Cô gái lãng mạn ấy cứ một hai đòi cháu phải thành một nhà hàng hải, một thuyền trưởng... Nhưng cháu... quả giờ cũng đã là thuyền trưởng thật, nhưng không phải thuyền trưởng tàu biển đâu, mà chỉ là phụ trách một con tàu cũ kĩ nhỏ xíu, một con tàu kéo xà lan chuyên chạy đường sông, tàu chỉ có cháu với một anh thợ máy...

Ông Thình: Sao? Thế mày không vào hàng hải à?

Hưng: Có chứ ạ, nhưng cháu không được học tàu biển, người ta phân cháu học vận tải đường sông. Ra trường, họ cử cháu về làm việc ở một công ty vận tải của tỉnh nhà... Lúc mới vào học, viết thư cho Nhàn cháu đã không dám nói sự thật sợ cô ấy thất vọng. Cô ấy chỉ mong cháu trở thành thuyền trưởng đi biển, và cháu đã hứa, đã thề thốt, nên cháu đành nói dối cô ấy... Cháu thật tồi... Cháu sĩ, cháu sợ cô ấy sẽ không yêu cháu nữa...

Ông Thình: Mày thật là.. Mày giết tao, mày giết tao rồi, Hưng ạ.

Hưng: Cháu chỉ là một thằng thợ tàu đường sông, nhưng cháu yêu công việc của cháu. Cháu đã quyết định rồi: lần này về cháu sẽ nói thật hết với cô ấy, rồi muốn ra sao thì ra...

Ông Thình: Mày giết tạo rồi, có phải mình cái Nhàn đâu, mà còn ông Nha, bố nó. Mày còn lạ gì ông ấy, ông ấy chúa thích danh tiếng oai vệ, cạnh ông ấy lại có thằng Sửu. Họ đã tán đủ thứ về mày, nào là tài giỏi, nào là sang trọng, giàu có, biết đâu mày lại xơ xác thất thểu thế kia. Cũng chính vì vậy mà ông ấy ưng chuyện mày với cái Nhàn, đã định lần này mày về sẽ ăn hỏi... Ông Nha lại là chủ tịch, là chủ nhiệm, giờ họ gọi là giám đốc Liên hợp xã, chú là cấp dưới của ông ấy...

Hưng: Cháu sẽ thú thật với bác Nha.

Ông Thình: Không được, mày không biết tính khí ông ta đâu. Sẽ hỏng hết. Đừng hòng ông ấy gả con gái cho mày, mà ông ấy cũng sẽ cạch mặt tao, mất hết ông ấy mất thôi. Giời ạ, tao cứ đinh ninh mày là thuyền trưởng.

Hưng: Thì cháu cũng là thuyền trưởng thật đấy thôi, nhưng mà là thuyền trưởng tàu đường sông. Con tàu đang đỗ ngoài bến Nhang xã ta ấy, chúng cháu chở phân đạm cho xã ta đấy.

Ông Thình: Lại thế nữa. Giời ơi, tưởng mày nên danh nên tướng gì, viễn dương hàng hải, hơn cả phi công, hơn cả lái tàu vũ trụ, nào ngờ... mày lái tàu chở cứt hả cháu?

Hưng: Sao lại cứt? Phân lân, phân đạm.

Ông Thình: Thì cũng thế. Cứt hoá học. Chú thì chẳng sao đâu, chở phân cũng được. Chú là nhà nông chú biết chứ: “Nhất nước, nhì phân”. Không có thứ bón ruộng lấy gì mà ăn? Nhưng họ có nghĩ như thế đâu. Họ thích Vốt-xcô vốt cậu cơ. Không không được. Hưng, đã ai thấy mày ở trên cái tàu chở phân ấy xuống chưa?

Hưng: Cháu không để ý, hình như chưa.

Ông Thình: Thế này Hưng ạ, mày tuyệt nhiên không được lộ ra, không được nói gì cả. Cứ nhận mày là thuyền trưởng viễn dương đi. Mày về ít hôm rồi lại đi cơ mà. Cốt xong việc ăn hỏi đã. Mà cũng để thư thư để ông ấy khỏi xỉ vả tạo. Đối với ông này thì không gì tai hại bằng làm ông ấy tẽn, ông ấy mất danh tiếng. Nên mày đừng nói gì cả, cứ nhận mày là thuyền trưởng viễn dương đi!

Hưng: Cháu lại phải tiếp tục nói dối Nhàn ư? Lại nói dối cả bác Nha?

Ông Thình: Thì đã sao? Chính họ cũng luôn dối dá. Chính ông Nha đang bắt tao đi mượn lợn các nhà về bỏ vào chuồng chung để cho khách tham quan tới quay vô tuyến. Mày cứ nhận là thuyền trưởng viễn dương đi. Chú xin mày, đừng làm chú bẽ. Mà mày cũng rất yêu cái Nhàn kia mà, mày có muốn mất vợ không có muốn mất cái Nhàn không?

Hưng: Không. Nhưng cháu không muốn nói dối nữa.

Ông Thình: Một thời gian nữa thôi, rồi sau này mày muốn nói gì thì nói. Sông hay biển thì cũng thế, lúc đó họ giết được mày à? Nhưng bây giờ thì chớ... Nghe chú, có phải mình ăn cắp ăn trộm hay gián điệp phản động gì đâu mà sợ.

Hưng: Viết thư nói bốc phét còn dễ, đằng này, mình phải đóng kịch... cháu ngượng lắm, cháu chưa đi biển một ngày... đi biển không phải nghề của cháu.

Ông Thình: Thì ngay tao đây này, có biết nghề làm pháo bao giờ đâu. Ông ấy bắt tao phải phụ trách việc làm pháo, Ông ấy đang lên cơn mê pháo, để ra khẩu hiệu. Cả xã làm pháo, nhà nhà làm pháo... Bao nhiêu tiền của ông ấy đổ ra mua thuốc nổ về chất ở trụ sở. Mà pháo thì đã bán được đâu. Quả nổ, quả xịt. Tao đến khổ vì ông ấy. Kiểu này cuối năm tao cũng xin nghỉ thôi. Nhưng bây giờ thì không được. Mai lại là ngày họ đón khách về, rồi viết báo, rồi quay phim...

Không, chú lạy mày đấy ! Mày cứ nhận là Vốt-xcô cho chú ! Mày có muốn cả hai chú cháu mình ê mặt không? Không chứ gì, thế thì phải nghe chú. Có điều... mày phải kiếm đâu ra bộ quần áo cho nó có vẻ thuyền trưởng viễn dương để ra mắt họ, chứ không được ăn mặc tuềnh toàng thế kia.

Hưng: Kiếm đâu ra? Thôi được, cháu nghe chú. Anh bạn cùng tàu với cháu có mấy bộ quần áo hàng hải đẹp lắm. Anh ấy đi học thợ máy tàu biển về, cháu sẽ nhờ anh ấy giúp.

Ông Thình: Đúng rồi, bạn bè phải giúp nhau lúc hoạn nạn. Cháu về tàu ngay đi. Nhớ đừng để ai trông thấy. Chuẩn bị thật kĩ càng rồi mai hẵng về đây. Nhớ cháu nhé. Nhớ là thuyền trưởng hàng hải Vốt-xcô, chết cũng phải là Vốt-xcô, không thì hỏng hết!

Hưng: Chỉ tại cháu thôi, chỉ tại cháu đã không dám nói thật từ đầu với Nhàn... thế là hôm nay cháu lại chưa được gặp cô ấy.

Ông Thình: Mai. Mai họ sẽ đón cháu rất trọng thể đấy. Đi đi, rồi mai về. Nhớ là thuyền trưởng viễn dương nhá. Đi đi, đừng để ai nhìn thấy cháu xuống tàu chở phân. Đi lối này này! Giời ạ, có khổ thân tôi không cơ chứ!

(Hưng nhìn trước nhìn sau rồi chạy vụt đi. Ông Thình vò đầu bứt tại nhìn theo)

(Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh gửi lại, Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng, 1989)

(*) Tên văn bản do nhóm tác giả đặt.

* Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một nhà soạn kịch, nhà đạo diễn sân khấu. Từ năm 1978 đến 1988, Lưu Quang Vũ làm biên tập viên ở Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kì.

Câu hỏi

Câu 1. Hãy xác định 3 đặc điểm tiêu biểu của hài kịch trong văn bản Thuỷ thủ tàu viễn dương. (0.5 điểm)

Câu 2. Xác định một số xung đột, mâu thuẫn chủ yếu trong văn bản hài kịch Thuỷ thủ tàu viễn dương và phân tích đôi nét về tác dụng của chúng. (0.5 điểm)

Câu 3. Đoạn trích hài kịch trên đã sử dụng những thủ pháp gây cười nào?(1.0 điểm)

Câu 4. Theo em, thủ pháp gây cười nào ấn tượng nhất ?Vì sao? (1.0 điểm)

Câu 5. Phân tích đôi nét về nhân vật Hưng và cho biết: Em nhận được bài học nào từ nhân vật này? Em hãy đưa ra lời khuyên với Hưng. (1.0 điểm)

II. VIẾT (6đ)

Câu 1. Nêu ý nghĩa giáo dục từ trích đoạn hài kịch trên. Từ đó đánh giá khả năng tác động của đoạn trích hài kịch Thuỷ thủ tàu viễn dương đối với bản thân và ý nghĩa thực tiễn của vở kịch Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ. (Trả lời bằng đoạn văn 200 chữ ) (2.0 điểm)

Câu 2. Đọc trích dẫn sau và thực hiện yêu cầu kế tiếp. (4đ)

Sĩ diện là biết cách giữ thể diện của mình thông qua lời nói, suy nghĩ, hành động, vẻ bên ngoài cho phù hợp các tiêu chuẩn chung để nhận được sự tôn trọng từ người khác. Ai cũng có sĩ diện và điều này giúp cho con người tự điều chỉnh hành vi, học hỏi. Nhưng khi có thêm chữ hão vào thì sĩ diện trở thành quá lố và tiêu cực.

Sĩ diện hão là cố muốn làm người khác tôn trọng mình bằng những điều mình

không có. Từ tâm lí sĩ diện hão mà người ta tự nâng mình lên quá tầm của mình và thích thú khi nhận được những lời khen tặng có cánh hoặc sướng rơn khi người ta nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ hay ghen tị.

 (trithucvn.com)

Từ trích dẫn trên và hiểu biết từ thực tế, em hãy viết bài luận (600 chữ) bàn luận, thể hiện chính kiến của mình về sĩ diện và căn bệnh sĩ diện hão trong giới trẻ ngày nay.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

Câu 1 (0,5 điểm)

 Câu 1. Hãy xác định 3 đặc điểm tiêu biểu của hài kịch trong văn bản Thuỷ thủ tàu viễn dương. (0.5 điểm)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Đọc lại kiến thức về thể loại hài kịch

Lời giải chi tiết:

- Hình thức của văn bản kịch:

+ Kết cấu theo cảnh (lớp, hồi): văn bản đọc hiểu là cảnh III của vở kịch.

+ Tên nhân vật in đậm, sau tên đó có dấu hai chấm và lời thoại của nhân vật.

+ Có phần chỉ dẫn sân khấu: chữ in nghiêng trong ngoặc đơn.

– Nhân vật hài kịch có phẩm chất bên trong không tương xứng với vị trí thân phận của nó và do vậy, nó đáng là nạn nhân của tiếng cười: Hưng, Ông Nha.

– Nội dung: chứa đựng mâu thuẫn gây cười (là thuyền trưởng tàu sông nhỏ phải nhận là thuyền trưởng tàu Vốt-xcô) → chế giễu thói hư, tật xấu (bệnh sĩ, thích danh tiếng) của con người.

Câu 2 (0,5 điểm)

 Câu 2. Xác định một số xung đột, mâu thuẫn chủ yếu trong văn bản hài kịch Thuỷ thủ tàu viễn dương và phân tích đôi nét về tác dụng của chúng. (0.5 điểm)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý các xung đột, mâu thuẫn của văn bản và phân tích tác dụng

Lời giải chi tiết:

- Phẩm chất bên trong không tương xứng với vị trí thân phận của mỗi người:

+ Hưng là tàu trưởng đường sông mang danh thuyền trưởng Vốt-xcô (tiếng là tài giỏi, sang trọng, giàu có >< thực tế xơ xác, thất thểu.

+ Mượn lợn các nhà về bỏ vào chuồng chung để cho khách tham quan tới quay vô tuyến.

- Mâu thuẫn bên trong nhân vật.

+ Hưng: muốn nói thật nhưng vẫn đành nói dối.

* Thình: không biết nghề làm pháo nhưng phải phụ trách việc làm pháo; mắng Hưng ("Mày giết tao rồi ; “Mày giết tao, mày giết tạo rồi, Hưng ạ”) vẫn buộc Hưng nói dối (nhận là thuyền trưởng Vốt-xcô)

→ Những xung đột, mâu thuẫn xuất phát từ thói háo danh đã phản ánh một

căn bệnh, xu hướng xấu tồn tại trong xã hội: thích danh tiếng, sự hào nhoáng (chúa thích danh tiếng oai vệ).

→ Những xung đột, mâu thuẫn này tạo nên kịch tính, là “linh hồn của kịch, cuốn hút, khiến người đọc dõi theo tiếng triển của nó: Hưng sẽ diễn vai thuyền trưởng Vit-xcô như thế nào? Khi nào sự việc bại lộc Khi biết Hưng chỉ là tàu trưởng đường sông (chở phân lân, phân đạm), Ông Nha, Nhàn và dân làng sẽ thế nào?

Câu 3 (1 điểm)

Câu 3. Đoạn trích hài kịch trên đã sử dụng những thủ pháp gây cười nào?(1.0 điểm)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Đọc lại kiến thức về thủ pháp gây cười

Lời giải chi tiết:

- Xây dựng tình huống kịch:

+ “Ra trường, họ cử cháu về làm việc ở một công ti vận tải của tỉnh nhà. Lúc mới vào học, viết thư cho Nhàn cháu đã không dám nói sự thật, sợ cô ấy thất vọng. Cô ấy chỉ mong cháu trở thành thuyền trưởng đi biển, và cháu đã hứa, đã thề thốt, nên cháu dành nói dối cô ấy... Cháu thật tồi... Cháu sĩ, cháu sợ cô ấy sẽ không yêu cháu nữa....”

→ Tình huống kịch tự nhiên: từ ước mơ của cô bé học sinh lãng mạn, từ lời hứa của cậu học sinh sợ người yêu thất vọng, không dám nói thật sợ mất người yêu,…

→Tình huống cơ bản này đã đẩy cốt truyện phát triển, đẩy kịch tính lên cao trào, khiến Hưng từ người nói dối → làm dối (diễn vai thuyền trưởng Vốt-xcô trong trang phục đi mượn), làm bật lên tiếng cười hài hước, châm biếm, phê phán...

- Ngôn ngữ đậm chất hài hước: Viết thư nói bốc phét còn dễ, đằng này, mình phải đóng kịch... cháu ngượng lắm; viễn dương hàng hải, hơn cả phi công, hơn cả lái tàu vũ trụ, nào ngờ... mày lái tàu chở cứt hả cháu?; Chết cũng phải là Vốt-xô,...

- Khắc hoạ chân dung nhân vật ông Nha: không xuất hiện trực tiếp trong đoạn trích, chỉ qua lời nói của nhân vật khác mà hiện lên khá rõ nét với háo danh, mê sự hào nhoáng: chúa thích danh tiếng oai vệ; Đối với ông này thì không gì tai hại bằng làm ông ấy tên và mất danh tiếng,...

Câu 4 (1 điểm)

Câu 4. Thủ pháp nghệ thuật nào để lại cho em nhiều ấn tượng nhất? Vì sao?  (1.0 điểm)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Chọn một thủ pháp để lại ấn tượng và đưa ra giải thích hợp lí

Lời giải chi tiết:

- Tạo tình huống kịch tính; Nghệ thuật phóng đại (nói quá, cường điệu): Học

sinh tự đưa dẫn chứng.

- Đánh giá thủ pháp nào đặc sắc nhất: Học sinh tự làm theo quan điểm cá nhân

- Gợi ý về thủ pháp gây cười:

+ Xác định đoạn/ câu chứa thủ pháp gây cười

+ Lí giải bằng hai lí do trở lên (gây cười bởi..., ý nghĩa/tác động tới độc giả).

Câu 5 (1 điểm)

Câu 5. Phân tích đôi nét về nhân vật Hưng và cho biết: Em nhận được bài học nào từ nhân vật này? Em hãy đưa ra lời khuyên với Hưng. (1.0 điểm)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý các lời thoại của nhân vật Hưng từ đó trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

– Nhân vật Hưng (học sinh phát hiện và gọi tên biểu hiện của nhân vật):

+ Là người lao động chăm chỉ, yêu nghề của mình.

+ Nhiễm thói háo danh (vì hứa... không dám nói sự thật với người yêu).

+ Nhận ra sự thật nói dối không hay... nhưng vẫn bị cuốn theo bệnh sĩ.

+ Không dũng cảm đối mặt với sự thật. .. chưa dám là mình...

– Bài học từ nhân vật, lời khuyên với nhân vật: Học sinh tự làm (thể hiện nhận thức, góc nhìn của cá nhân)

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Câu 1. Nêu ý nghĩa giáo dục từ trích đoạn hài kịch trên. Từ đó đánh giá khả năng tác động của đoạn trích hài kịch Thuỷ thủ tàu viễn dương đối với bản thân và ý nghĩa thực tiễn của vở kịch Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ. (Trả lời bằng đoạn văn 200 chữ ) (2.0 điểm)

 Phương pháp giải:

Dựa vào phần phân tích ở trên

Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết đoạn văn

 Lời giải chi tiết:

- Triển khai đoạn đảm bảo dung lượng; nội dung hướng vào các ý sau đây:

+ Cảnh báo: bệnh sĩ, thích danh tiếng hào nhoáng sẽ đẩy con người vào tình thế “không lối thoát” bi hài và có nguy cơ trở thành người nói dối, người không trung thực.

+ Khả năng tác động của đoạn trích hài kịch: Học sinh tự trả lời theo đánh giá của cá nhân

- (Gợi ý: tiếng cười phê phán chế giễu bệnh háo danh, thích hào nhoáng sẽ khiến mỗi độc giả tự nhìn lại mình để điều chỉnh hành vi và lối sống tránh lâm vào tình cảnh bi hài (như Hưng và Ông Thình: đã nói dối... phải nói dối tiếp và tiếp,...)

- Bệnh sĩ là một trong những tác phẩm hài kịch nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ nói về bối cảnh xã hội cuối thế kỉ trước nhưng mang nhiều ý nghĩa phù hợp với xã hội ngày nay: vở kịch Bệnh sĩ mang tính xã hội sâu sắc, phê phán tính “sĩ hão” của một số người trong xã hội thời bao cấp, nhưng vẫn có ý nghĩa thời sự trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2 (4 điểm)

Từ trích dẫn trên và hiểu biết từ thực tế, em hãy viết bài luận (600 chữ) bàn luận, thể hiện chính kiến của mình về sĩ diện và căn bệnh sĩ diện hão trong giới trẻ ngày nay.

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Từ trích dẫn trên và hiểu biết từ thực tế, em hãy viết bài luận (600 chữ) bàn luận, thể hiện chính kiến của mình về sĩ diện và căn bệnh sĩ diện hão trong giới trẻ ngày nay.

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Giới thiệu vấn đề nghị luận

- Nêu khái quát: Tính cấp thiết vấn đề đối với tuổi trẻ

Thân bài

3,0

* Về vấn đề:

- Sĩ diện: biểu hiện; tác dụng với cá nhân, xã hội

- Căn bệnh sĩ diện hão:

+ Biểu hiện trong đời sống hiện đại

+ Nguyên nhân (sự tác động của mạng xã hội)

+ Hậu quả đối với cá nhân, xã hội (mất thời gian, nguy cơ đối với bản thân: giả dối, mất đi sự trung thực,…)

- Cần phân biệt, xác định ranh giới giữa sĩ diện với căn bệnh sĩ diện hão (đề xuất một số giải pháp “chữa bệnh” sĩ hão)

* Quan niệm, chính kiến của bản thân (đồng tình/ phản đối)

- Nhận thức cá nhân về sĩ diện và căn bệnh sĩ diện hão

- Thái độ trước sĩ diện và căn bệnh sĩ diện hão

Kết bài

0,25

- Nhận thức của cá nhân về giá trị của vấn đề đối với thanh niên

- Hành động của cá nhân (trong tình huống giả định)

Yêu cầu khác

0,25

- Sử dụng các thao tác phân tích so sánh, chứng minh, bình luận

- Dẫn chứng phù hợp với lí lẽ, luận điểm

 

Loigiaihay.com

Quảng cáo

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close