Đề thi học kì 1 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 5

Đề thi học kì 1 Văn 11 bộ sách kết nối tri thức đề số 5 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Quảng cáo
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

 

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Lược dẫn: Trương Ba là một người làm vườn hiền lành, nho nhã, có tài đánh cờ, vì sự bất cẩn của Nam Tào mà phải chết. Đế Thích, một vị tiên cờ vốn thích chơi cờ với Trương Ba, đã cứu cho Trương Ba sống lại bằng cách nhập hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt mới qua đời. Đoạn trích dưới đây là màn đối thoại giữa Trương Ba với vợ, khi Trương Ba đã sống lại trong thân xác của anh hàng thịt.

Hồn Trương Ba: Như vậy thì suýt nữa là tôi chết hẳn bà nhỉ?

Vợ Trương Ba: May mà có ông Đế Thích…

Hồn Trương Ba: Kinh thật! Chết hẳn không được sống nữa! (Ngẫm nghĩ). Ai bảo không sợ chết là nói khoác, chứ tôi, tôi sợ lắm. Cứ nghĩ đáng nhẽ mình… là lại sợ. May quá, mình lại được sống, lại được đi lại, làm lụng, trông thấy mặt trời, được ăn những trái cây trong vườn, ngửi mùi hoa ngâu, hoa lý trước thềm, uống nước chè tươi bà nấu... Lại được bên bà, nhìn thấy bà… Sống, thật là lý thú!

Vợ Trương Ba (Rụt rè): Nhưng…nhưng… ông đã…

Hồn Trương Ba: Đã khác hẳn trước, phải không? (Rầu rĩ). Bà đã quen hình vóc này của tôi chưa?

Vợ Trương Ba: Đã gần một tháng, cũng… cũng quen dần ông ạ!

Hồn Trương Ba: Vậy là sao… Tôi vẫn chưa quen được! Cái thân xác có phải bộ quần áo đâu mà dễ quen, dễ đổi. Có khi người ngoài nhìn vào còn dễ quen chứ chính bản thân mình thì… Đã gần một tháng, tôi là tôi mà cứ như không phải là tôi… Trước kia tôi đâu có biết anh hàng thịt này là ai... (Ngắm nghía lại tay chân mình). Cái thân xác cũ của tôi, tôi mang đã năm mươi năm, chứ cái thân xác cồng kềnh này... (Lắc đầu).

Vợ Trương Ba: Quen dần… nhưng mà… Lắm lúc không hiểu sao tôi vẫn nhớ tới hình vóc ông hôm qua, lại thương cho cái người nằm dưới đất ấy…

Hồn Trương Ba: Người nào? Dưới đất chỉ là cái xác… Thế mà bà bảo: Chỉ có cái hồn mới là đáng kể! Thân xác là kẻ khác nhưng hồn vẫn là mình cơ mà!

Vợ Trương Ba: Tôi hỏi thật, từ hôm mang thân anh hàng thịt, mình thấy trong người thế nào, có như xưa không?

Hồn Trương Ba: Tôi khỏi hẳn cái chứng đau lưng với bệnh hen suyễn. Người thấy khoẻ mạnh lắm. Anh hàng thịt này là người lực lưỡng to béo nhất chợ mà.

Vợ Trương Ba: Giờ một bữa ông ăn tám, chín bát cơm. Trước ông ăn yếu lắm. Mà giờ ông lại hay đòi uống rượu.

Hồn Trương Ba (Ngại ngùng): Chẳng hiểu tại sao. Chắc vì anh hàng thịt nghiện rượu. Xưa tôi ghét nhất cái thứ đó! Bây giờ tôi vẫn ghét, nhưng cái thân xác tôi mang đã quen với thói cũ của nó…

Vợ Trương Ba (Ngậm ngùi): Bây giờ ông trẻ hơn xưa đến hơn hai mươi tuổi, anh hàng thịt mới ngoài ba mươi mà… Ông sức vóc như thế, mắt ông còn tinh, tóc ông đen nhánh còn tôi đã già rồi, tôi đã là bà lão rồi…

Hồn Trương Ba: Kìa bà nó… Thì tôi có muốn thế đâu!

Vợ Trương Ba: Chiều qua ông lại sang nhà hàng thịt à?

Hồn Trương Ba: Bà vợ ông ta cứ sang đây! Bà ấy đã hiểu ra rằng tôi không phải là ông hàng thịt nhưng bà ấy vẫn khóc lóc, nài nỉ kêu rằng giờ bà ấy bơ vơ không nơi nương tựa, quán hàng thịt thà chẳng ai giúp cho! Bà ấy kể lể thảm quá, nghĩ cũng tội! Thôi chẳng gì mình cũng mượn thân xác chồng người ta, cũng phải sang đỡ đần bà ấy ít việc nặng. Tôi lóng nghóng có biết mổ lợn đâu, nhưng cũng phải đỡ đần bà ấy một tay.

Vợ Trương Ba: Tính ông hay thương người, mà bà ấy cứ được đằng chân lân đằng đầu, mới đầu chỉ nói sang đây nhìn ông cho đỡ nhớ chồng, rồi lại lằng nhằng nhờ việc nọ kia! Mà nghe đâu người ta nói mụ ta cũng không phải người đứng đắn đâu!

Hồn Trương Ba: Ô kìa! Thì tôi có…

Vợ Trương Ba: Chồng mới chết, đã cứ sang rủ rê ông về nhà, chẳng phải không đứng đắn là gì? Phải mụ ta được cái có nhan sắc, người cứ phây phây ra, hai con mắt lúng la lúng liếng…

Hồn Trương Ba: Người ta thế nào liên quan gì đến tôi, bà rõ lẩn thẩn!

Vợ Trương Ba: Vâng, tôi lẩn thẩn, tôi già rồi mà…

Hồn Trương Ba: Mình thật là… (Buồn bực). Xưa nay có bao giờ mình nói năng như vậy với tôi đâu!

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ,  in trong Lưu Quang Vũ – Tuyển tập kịch, Nxb Sân khấu, Hà Nội 1994)

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể loại của văn bản trên.

A. Bi kịch

B. Hài kịch

C. Chính kịch

D. Xung đột kịch

Câu 2. Những nhân vật nào xuất hiện trong đoạn trích ?

A. Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba

B. Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba, Anh hàng thịt

C. Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba, Đế Thích

D. Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba, Đế Thích, Nam Tào.

Câu 3. Đâu là lời chỉ dẫn sân khấu được sử dụng trong đoạn trích?

A. Ngẫm nghĩ, rụt rè, rầu rĩ, lẩn thẩn, lắc đầu, ngại ngùng, ngậm ngùi, buồn rầu.

B. Ngắm nghía lại tay chân mình, lắc đầu, ngại ngùng, , rụt rè, rầu rĩ.

C. Rụt rè, rầu rĩ, ngắm nghía lại tay chân mình, lắc đầu, ngại ngùng, ngậm ngùi, buồn rầu, ô kìa, vâng, tôi lẩn thẩn, tôi già rồi mà…

D. Ngẫm nghĩ, rụt rè, rầu rĩ, ngắm nghía lại tay chân mình, lắc đầu, ngại ngùng, ngậm ngùi, buồn rầu.

Câu 4. Câu thoại nào không thể hiện rõ đặc điểm của ngôn ngữ nói?

A. Như vậy thì suýt nữa là tôi chết hẳn bà nhỉ?

B. Thân xác là kẻ khác nhưng hồn vẫn là mình cơ mà!

C. Đã gần một tháng, cũng… cũng quen dần ông ạ!

D. Ông sức vóc như thế, mắt ông còn tinh, tóc ông đen nhánh còn tôi đã già rồi, tôi đã là bà lão rồi.

Câu 5. Trương Ba đã có những sự thay đổi gì khi sống trong thân xác của anh hàng thịt?

A. Thay đổi về hình vóc, sức khoẻ, nhân cách.

B. Thay đổi về tính cách, thói quen.

C. Thay đổi về tính cách, hình vóc, tâm tính, thói quen.

D. Thay đổi về hình vóc, sức khoẻ, tâm tính, thói quen.

Câu 6. Đâu không phải là lí do khiến vợ Trương Ba không hoàn toàn vui khi Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt?

A. Trương Ba đã có những đổi khác so với trước kia

B. Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt trẻ hơn, còn vợ Trương Ba thì đã già

C. Lo mình không thể tránh được cám dỗ trước thân xác anh hàng thịt.

D. Lo sợ vợ anh hàng thịt quyến rũ Trương Ba.

Câu 7. Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong đoạn trích được dùng để biểu tượng cho điều gì?

A. Hồn Trương Ba biểu tượng cho những gì thuộc về đời sống tinh thần của con người. Xác anh hàng thịt biểu tượng cho những gì thuộc về nhu cầu bản năng của con người.

B. Hồn Trương Ba là hình ảnh biểu tượng cho cái đẹp, cái thiện. Xác anh hàng thịt là hình ảnh biểu tượng cho những gì dơ bẩn, xấu xa.

C. Hồn Trương Ba là hình ảnh biểu tượng cho ý chí, sự kiên trì. Xác anh hàng thịt là hình ảnh biểu tượng cho sự thô tục, bỉ ổi.

D. Hồn Trương Ba là hình ảnh biểu tượng cho tâm hồn trong sạch, thanh cao, kiên định. Xác anh hàng thịt là hình ảnh biểu tượng cho sự thay đổi để thích nghi với môi trường sống.

Câu 8. Anh/chị có nhận xét gì về hoàn cảnh sống của Trương Ba trong đoạn trích?

Câu 9. Anh/chị có đồng tình với việc tác giả để hồn Trương Ba sống lại nhờ trong xác anh hàng thịt không? Vì sao?

Câu 10. Từ nội dung đoạn trích, anh/chị có suy nghĩ gì về sức mạnh của tiếng nói bản năng? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

II. VIẾT (5,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Con người cần được sống là chính mình.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU (6 điểm)

Câu 1

(0.5đ)

Câu 2 (0.5đ)

Câu 3

(0.5đ)

Câu 4

(0.5đ)

Câu 5

(0.5đ)

Câu 6

(0.5đ)

Câu 7

(0.5đ)

A

A

D

D

D

 

 

 

Câu 1 (0.5 điểm)

Văn bản trên thuộc thể loại kịch nào?

A. Bi kịch

B. Hài kịch

B. Chính kịch

D. Xung đột kịch

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Xác định thể loại.

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên nói về sự đau khổ, dằn vặt của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ xác anh hàng thịt → Thể loại: Bi kịch

→ Đáp án A

Câu 2 (0.5 điểm)

Những nhân vật nào xuất hiện trong đoạn trích ?

A. Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba

B. Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba, Anh hàng thịt

C. Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba, Đế Thích

D. Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba, Đế Thích, Nam Tào.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Xác định các nhân vật có trong đoạn trích.

Lời giải chi tiết:

Những nhân vật xuất hiện trong đoạn trích: Hồn Trương Ba, Vợ Trương Ba

 

→ Đáp án A

Câu 3 (0.5 điểm)

Đâu là lời chỉ dẫn sân khấu được sử dụng trong đoạn trích?

A. Ngẫm nghĩ, rụt rè, rầu rĩ, lẩn thẩn, lắc đầu, ngại ngùng, ngậm ngùi, buồn rầu.

B. Ngắm nghía lại tay chân mình, lắc đầu, ngại ngùng, , rụt rè, rầu rĩ.

C. Rụt rè, rầu rĩ, ngắm nghía lại tay chân mình, lắc đầu, ngại ngùng, ngậm ngùi, buồn rầu, ô kìa, vâng, tôi lẩn thẩn, tôi già rồi mà…

D. Ngẫm nghĩ, rụt rè, rầu rĩ, ngắm nghía lại tay chân mình, lắc đầu, ngại ngùng, ngậm ngùi, buồn rầu.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản.

Xác định lời chỉ dẫn sân khấu được sử dụng trong đoạn trích.

Lời giải chi tiết:

Lời chỉ dẫn sân khấu được sử dụng trong đoạn trích: Ngẫm nghĩ, rụt rè, rầu rĩ, ngắm nghía lại tay chân mình, lắc đầu, ngại ngùng, ngậm ngùi, buồn rầu.

 → Đáp án D

Câu 4 (0.5 điểm)

Câu thoại nào không thể hiện rõ đặc điểm của ngôn ngữ nói?

A. Như vậy thì suýt nữa là tôi chết hẳn bà nhỉ?

B. Thân xác là kẻ khác nhưng hồn vẫn là mình cơ mà!

C. Đã gần một tháng, cũng… cũng quen dần ông ạ!

D. Ông sức vóc như thế, mắt ông còn tinh, tóc ông đen nhánh còn tôi đã già rồi, tôi đã là bà lão rồi.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản.

Vận dụng kiến thức về đặc điểm của ngôn ngữ nói.

Lời giải chi tiết:

Câu thoại không thể hiện rõ đặc điểm của ngôn ngữ nói: Ông sức vóc như thế, mắt ông còn tinh, tóc ông đen nhánh còn tôi đã già rồi, tôi đã là bà lão rồi.

 → Đáp án D

Câu 5 (0.5 điểm)

Trương Ba đã có những sự thay đổi gì khi sống trong thân xác của anh hàng thịt?

A. Thay đổi về hình vóc, sức khoẻ, nhân cách.

B. Thay đổi về tính cách, thói quen.

C. Thay đổi về tính cách, hình vóc, tâm tính, thói quen.

D.Thay đổi về hình vóc, sức khoẻ, tâm tính, thói quen.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Xác định những thay đổi của Trương Ba.

 Lời giải chi tiết:

Trương Ba đã có những sự thay đổi khi sống trong thân xác của anh hàng thịt: Thay đổi về hình vóc, sức khỏe (khỏe mạnh hơn), tâm tính thói quen (ăn khỏe hơn và thèm uống rượu).

→ Đáp án D

Câu 6 (0.5 điểm)

Đâu không phải là lí do khiến vợ Trương Ba không hoàn toàn vui khi Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt?

A. Trương Ba đã có những đổi khác so với trước kia

B. Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt trẻ hơn, còn vợ Trương Ba thì đã già

C. Lo mình không thể tránh được cám dỗ trước thân xác anh hàng thịt.

D. Lo sợ vợ anh hàng thịt quyến rũ Trương Ba.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Lý do không phải  khiến vợ Trương Ba không hoàn toàn vui khi Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt là: Lo mình không thể tránh được cám dỗ trước thân xác anh hàng thịt.

→ Đáp án C

Câu 7 (0.5 điểm)

Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong đoạn trích được dùng để biểu tượng cho điều gì?

A. Hồn Trương Ba biểu tượng cho những gì thuộc về đời sống tinh thần của con người. Xác anh hàng thịt biểu tượng cho những gì thuộc về nhu cầu bản năng của con người.

B. Hồn Trương Ba là hình ảnh biểu tượng cho cái đẹp, cái thiện. Xác anh hàng thịt là hình ảnh biểu tượng cho những gì dơ bẩn, xấu xa.

C. Hồn Trương Ba là hình ảnh biểu tượng cho ý chí, sự kiên trì. Xác anh hàng thịt là hình ảnh biểu tượng cho sự thô tục, bỉ ổi.

D. Hồn Trương Ba là hình ảnh biểu tượng cho tâm hồn trong sạch, thanh cao, kiên định. Xác anh hàng thịt là hình ảnh biểu tượng cho sự thay đổi để thích nghi với môi trường sống.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong đoạn trích được dùng để biểu tượng cho: Hồn Trương Ba biểu tượng cho những gì thuộc về đời sống tinh thần của con người. Xác anh hàng thịt biểu tượng cho những gì thuộc về nhu cầu bản năng của con người.

→ Đáp án A

Câu 8 ( 0.5 điểm)

Anh/chị có nhận xét gì về hoàn cảnh sống của Trương Ba trong đoạn trích?

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

HS nhận xét được hoàn cảnh sống của Trương Ba trong đoạn trích.

- Gợi ý:

- Hoàn cảnh sống của hồn Trương Ba trong đoạn trích: sống nhờ xác anh hàng thịt và có nhiều thay đổ.

- Đây là hoàn cảnh sống: đầy éo le, trớ trêu nó báo hiệu cho bi kịch của Trương Ba khi phải sống nhờ trong xác hàng thịt.

Câu 9: (1.0 điểm)

Anh/chị có đồng tình với việc tác giả để hồn Trương Ba sống lại nhờ trong xác anh hàng thịt không? Vì sao?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

- HS có thể trả lời đồng tình/ không đồng tình hoặc vừa đồng tình vừa không đồng tình nhưng phải có lí giải thuyết phục, hợp lí.

Gợi ý:

- Không đồng tình vì: Khi sống trong xác hàng thịt Trương Ba sẽ bị thay đổi từ hình thức, thói quen cho đến tính cách. Vì thế Trương Ba sẽ không còn được là chính mình. Trong cuộc sống con người cần được sống là chính mình, mọi sự sống nhờ, sống gửi sẽ khiến cuộc sống gặp nhiều rắc rối, vô nghĩa thậm chí có thể dẫn đến tình trạng bi kịch.

Câu 10: (1.0 diểm)

Từ nội dung đoạn trích, anh/chị có suy nghĩ gì về sức mạnh của tiếng nói bản năng? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

 Phương pháp giải:

HS vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

- HS bày tỏ suy nghĩ về về sức mạnh của tiếng nói bản năng.

- Thí sinh lí giải hợp lí, thuyết phục.

- Yêu cầu về hình thức: viết thành đoạn văn hoàn chỉnh (không xuống dòng, đảm bảo đủ số câu).

Gợi ý:

- Tiếng nói bản năng là những nhu cầu tự nhiên của con người. Nó rất mạnh mẽ, rất khó điều khiển.

- Một số nhu cầu bản năng là cần thiết để duy trì sự tồn tại, tuy nhiên, một số nhu cầu khác, nếu mất kiểm soát sẽ khiến cho con người bị tha hóa, rơi xuống hàng con vật.

II. VIẾT (4 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Con người cần được sống là chính mình.

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Con người cần được sống là chính mình.

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận

Thân bài

2,5

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

a. Giải thích vấn đề nghị luận:

- Sống là chính mình là lối sống mà ở đó con người đạt được sự hài hòa giữa lời nói, hành động bên ngoài với suy nghĩ và tính cách bên trong của bản thân.

b. Bàn luận lợi ích của việc được sống là chính mình:

- Giúp con người thể hiện được sự thống nhất giữa suy nghĩ, tính cách bên trong và hành động bên ngoài, không phải đeo mặt nạ, không phải diễn, từ đó mà có đời sống thoải mái, hạnh phúc.

- Sống là chính mình giúp con người toàn tâm toàn ý để làm việc mình thích, theo đuổi cái mà mình đam mê, hành động vì những điều mà lương tri mình kêu gọi.

- Sống là chính mình sẽ tạo nên bản sắc riêng cho mỗi con người, tạo được ấn tượng trong lòng người khác, từ đó mà được ngưởi khác tôn trọng.

- Khi sống là chính mình, tức là ta sống trung thực với bản thân, những cái hay cái dở sẽ được bộc lộ rõ ràng, từ đó mà ta có thể nhận ra hoặc được người khác đánh giá để mà phát huy cái hay, khắc phục cái dở.

c.Tác hại của việc không được sống là chính mình:

- Con người sẽ rơi vào sự dằn vặt, dằng xé do cái bên trong và cái bên ngoài không tìm được sự thống nhất, bên trong một đằng bên ngoài lại phải sống một nẻo

- Khi không được sống là chính mình, tức là con người không dám thể hiện bản chất thật của mình, từ đó tạo nên lối sống giả dối, nhu nhược

- Khi không được sống là chính mình trong một thời gian dài, con người có khả năng đánh mất con ngưởi thực của mình, trở nên ba phải, a dua, đánh mất bản sắc

-  Người không được sống là chính mình, khi bị phát hiện, sẽ khiến người khác coi thường, xa lánh.

d. Bài học nhận thức:

- Nhận thực được rằng chỉ khi sống đúng là chính mình, con người mới có được sự thanh thản và hạnh phúc.

- Xác định những giá trị cốt lõi của cuộc sống mà mình cần theo đuổi, từ đó hình thành nên một nhân cách độc đáo, một bản sắc riêng biệt và sống một cách trung thực với nhân cách và bản sắc đó.

- Dũng cảm sống đúng với bản chất của mình trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi mối quan hệ.

- Mở rộng: Sống là chính mình không có nghĩa là bộc lộ mọi thói hư tật xấu, hiện thực hóa mọi suy nghĩ tiêu cực ra bên ngoài. Con người phải luôn biết hoàn thiện nhân cách, vươn tới những điều cao đẹp, và sống là chính mình chính là khi ta sống đúng với bản tính cao đẹp đó.

 Lưu ý: Học sinh có dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

Kết bài

0,5

- Khẳng định lại vấn đề

Yêu cầu khác

0,5

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo.

 

Loigiaihay.com

Quảng cáo

2K7 tham gia ngay group để nhận thông tin thi cử, tài liệu miễn phí, trao đổi học tập nhé!

close